Cảm tạ Ơn Trên, nước đang rút.
Mấy hôm rồi đất nước mình đầy thiên tai hoạn nạn, dân tộc mình oằn oại Trong Cháy Ngoài Trôi.
Cuối tháng 10, hai tàu cá và 33 ngư dân Cà Mau bị tàu "nước ngoài" bắt giữ đòi tiền chuộc (5000USD & 3000USD), chính quyền ta không có ý kiến và cũng chưa biết rõ 2 tàu ngư dân của ta bị tàu ngoại nó giam ở đảo nào.
Gần đó, sát sườn với Cà Mau, U Minh Hạ là nơi xưa giờ nổi tiếng khỏa cá ra múc nước, vậy mà nay 6000 hộ dân ở đây chịu đói. Báo Tuổi Trẻ xếp hạng đói quay quắt chứ không chỉ thiếu đói hay chỉ đói suông. Nó là cái đói quay quắt tính bằng tháng chứ không phải ngày. Chính quyền ta ở đây cũng không có ý kiến, ngoại trừ những tiếng vỗ tay khi nghe tin Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và phu nhân, nhân dịp viếng thăm thủ đô Ulanbato, có nhã ý biếu "tặng nhân dân Mông Cổ 1000 tấn gạo, và đồng ý bán cho nhân dân Mông Cổ 20.000 tấn gạo với giá không tính lãi".
Rồi tới trận hỏa hoạn thiêu rụi tầng lầu một nhà ga nội địa Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, và ngay hôm sau đốt luôn ba cơ xưởng sản xuất đồ gỗ, nhựa và dệt may ở khu chế xuất Sóng Thần, trong một trận cháy kéo dài 17 giờ, vào đúng cao điểm phòng cháy chữa cháy của thành phố. Thiệt hại cả hai nơi lên đến nhiều triệu USD. May là không có thiệt hại nhân mạng.
Thảm nhất là hệ quả cây mưa "lịch sử" ở Hà Nội trong 3 ngày giao ban của tháng 10 với tháng 11. Các tay dân báo ngoài đó phản ánh rất nhanh tình hình ngập nước các con đường. Bloggers trong Nam cũng nhanh nhạy không kém trong việc chuyền tin và thăm hỏi động viên bè bạn ngoài Bắc. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương ngay giữa thủ đô thi nhau …gãi đầu. Chính quyền Hà Nội khoanh tay im ắng. Các ban ngành đều điếc. Mọi hệ thống loa phường đều câm. Lực lượng giao thông mất tăm. Một số nắp cống chưa đậy. Các hố đào dọc đường chưa lấp. Không ai mò ra đâu là lòng lề đường, đâu là chướng ngại dọc đường. Tất cả chìm trong nước. Chẳng biết đâu mà lần. Hành khách xe buýt ngủ tạm qua đêm trên xe chết máy dọc dường. Hàng trăm ô tô nằm chờ đội xe cứu hộ. Khu Mỹ Đình chìm hẳn trong lũ. Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống Lụt bão TW Cao Đức Phát chỉ có lời phân trần tự bạch sau khi lũ đã rút, hằm là vì không dám vượt ngưỡng cơ chế, qua mặt Ủy viên Bộ chính trị kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội Phan Quang Nghị. Hai bên ghìm nhau về trách nhiệm thì ít mà về cương vị thì nhiều. Hà Nội vô chính phủ trong 3 ngày mưa lũ.
Chuyện con đường biến thành sông đã xưa rồi Diễm. Cả Hà Nội chìm trong biển nước. Hà Nội có mấy hồ thơ mộng thì nay đã hòa hợp thống nhất chia bùn cho nhau cả.
Học trò bì bõm đến trường. Công tư chức bì bõm đến sở. Ngực lép hay vung cũng chẳng ăn nhằm gì lúc này. Tất cả đều phải đẩy xe thôi. Xe gắn máy 2 thì đã chết mất thì oanh, chỉ còn thì liệt, trôi dạt khắp nơi. Xe 4 thì lại phải nhân đôi thì liệt. Không điện, không dầu, không thuốc men, không nước sạch, ngay cả không cơm gạo dự phòng, nhân dân không kịp trở tay nhưng đã sớm sáng tạo kết bè di chuyển trong phố, cố lặn ngụp trong lũ mà chạy ăn, chạy ngủ, chạy tìm chỗ ráo và an toàn cho con nít. Lại bung ra ngoại thành huy động xe ngựa vào cứu nguy Hà Nội. Ngó quanh ngó quẩn giữa trời xa nước gần cũng chỉ toàn là dân với dân. Họ dựa vào nhau, cố vượt, dù biết rằng cũng khó lòng mà chân cứng đá mềm cùng ngâm trong biển nước.
Đã có hơn 17 người chết trôi trong vùng nội thành, trong đó có 3 em học sinh. Phía chính quyền cũng chỉ duy nhất xuất hiện một thông cáo cho học trò nghỉ học, một "thông báo khẩn" ban hành trễ mất 3 ngày, sau khi được tin học trò tử vong. Không gì khác. Không một bản hướng dẫn, không một lệnh điều động, không một lời kêu gọi, không một tiếng hỗ trợ. Tuyệt nhiên không.
Báo chí chính quy đi tin "3 em nhỏ xấu số bị mất tích", cộng thêm dăm ba bức ảnh trời nước chụp từ lầu cao, rõ là một bản tin vô cảm đầy chất người dưng buôn dưa lê. Nếu có lệnh đóng cửa trường kịp thời thì số của các em đó không xấu đến thế. Và cũng không thể đổ vấy cho số mệnh những tổn thất nhân mạng vì lý do tắc trách của lãnh đạo. Tự dưng bật nhớ mấy câu thơ Đông Trình: Bão không làm ra những đứa trẻ ấy / Bão chỉ làm lộ ra.
Hãy thử lướt qua những tựa tin: Thông báo khẩn về việc cho HS nghỉ học hết ngày 3/11; Dịch vụ "ăn theo" mưa hốt bạc; Đánh bắt cá trên đường phố Hà Nội; 10 người chết, mưa vẫn xối xả; Học sinh lóp ngóp trong mưa lụt; Cơn mưa kỷ lục trong 24 năm qua; Hàng loạt chuyến bay không thể hạ cánh xuống Nội Bài; Hà Nội thành sông và những chuyện cười ra nước mắt… Hoặc là các tiểu tựa: Trời còn mưa, còn ngập nặng, Số người chết cao, thiệt hại sơ bộ 3.000 tỷ đồng, Bài học cho Hà Nội, Thực tế lụt nảy sinh "tiêu chuẩn mới" ngành xây dựng!… Nghe cứ như chuyện xảy ra đẩu đâu bên …Congo!
Báo chí xoay qua tập trung khai thác cảnh lạ "quý hiếm" trăm năm một thuở: nhân dân tung chài, thả câu, đánh vó, nơm cá ngay trong lòng đường phố Hà Nội. Các tòa soạn chờ đợi những mẩu tin, những bức ảnh của dân nghiệp dư chịu lội nước gửi về. VTV1 cũng chờ ảnh chụp của dân chuyển tới để phát hình toàn quốc.
Báo chí còn tỏ rõ tầm kiến thức của mình khi lạm dụng và dùng sai ý nghĩa cụm từ "đại hồng thủy" để mô tả trận mưa kinh hoàng khủng khiếp này, khi mà kẻ xấu vẫn nhơn nhơn đâu đó trong phòng gắn máy điều hòa, ngay vào lúc nhân dân vật vã giữa biển nước để tìm kiếm người thân, hoặc chạy vạy xoay kiếm miếng ăn đợi nước rút, bất chấp nguy cơ chờ chực dưới mặt đường, bất chấp hệ quả vệ sinh trên thân thể, bất chấp sức đẩy của dòng nước xiết… Nước mưa chỉ dâng ngập nhà ngập lộ. Nhưng chính lãnh đạo ta đã dìm dân vào lũ bằng thái độ khoanh tay.
Đã vậy, không nổi điên sao được, khi mọi người biết rõ ra, ngay vào thời điểm cần kíp nhất một sự xuất hiện giữa cơn lũ lụt, thì lãnh đạo thành phố đang bận họp tổng kết chiến dịch "bình định giáo dân" và thiết lập công viên ở Tòa Khâm cùng Thái Hà!
Đâu đã xong! Ủy viên Bộ chính trị kiêm Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị thở dài với VietnamNet rằng: "..Nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm". Cơn mưa mang tính kinh hoàng lịch sử đã cho thấy tội nghiệp dân duờng nào. Lời tuyên bố này của đương kim Tổng trấn Hà thành còn đậm màu kinh hoàng lịch sử hơn nữa. Mới thấy, rõ ràng, não trạng lãnh đạo ở đây, vào đầu thế kỷ 21 này, vẫn còn tự coi mình ngự ở "trên", hoàn toàn chưa thoát khỏi tầm cao phụ mẫu chi dân của thời phong kiến: Nhân dân chúng bay chỉ biết ăn thôi chẳng biết gì! Chỉ tiếc là quan trên quên mất: Chó đâu từng đẻ ra quan! Dân đó chứ! Chứ không thì sao giờ này vẫn còn đó cái văn hóa đấu tố của hạng đầy tớ chỉ mặt chủ nhân mà te tái mắng mỏ rằng mày thế này thế khác? Hay vẫn còn đó cái văn hóa nô lệ trên dưới/xin-cho?
Vẫn đâu đã xong! Vẫn Ủy viên Bộ chính trị kiêm Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị tuyên bố lần nữa trong buổi Họp tổng kết: "Trận mưa lụt là cuộc tổng diễn tập lớn cho tương lai". Hãy quyết tử cho Thăng Long ngàn năm quyết sinh chăng? Có nghĩa rằng Nhân dân vẫn là những con chốt thí cho các cuộc thể nghiệm của lãnh đạo, như họ từng thể nghiệm suốt dọc Trường Sơn hoặc trong các trận đánh đẫm máu kinh hoàng thời chiến? Sinh mạng Nhân dân chẳng là cái đinh gì sất. Chỉ có lãnh đạo mới trường tồn Quang Vinh Muôn Năm.
Giờ đây đã rõ. Không còn ai nghi ngờ gì nữa về cái bảng thống kê Hà Nội có đông người thất học nhất nước. Có khi là cả thất đảm, thất đức, thất tín, thất kinh, thất sách, thất nhân tâm… đứng đầu nhân loại.
Lũ không chỉ làm lộ ra đám trẻ con tóc quăn tiền sử. Nó còn làm lộ ra cả một cảnh quan bi hài chạy lụt Thủ Đô của: 1) đám trung ương câm họng, địa phương khoanh tay; 2) niềm tin mong manh của Nhân dân vào đám lãnh đạo đang trỏ tay vào nhau, tát bùn sang ao ngay trong biển lũ; 3) hệ truyền thông chính quy loay hoay sợ lấm giày, ướt ghế; 4) chỉ có dàn dân báo thăm hỏi nhau và chia sẻ thông tin nhanh nhạy, dám nói, dám phê bình những yếu kém của chính quyền; 5) cơn mưa đã tạnh, cơn mê hãy còn; 6) con đường tiến lên XHCN vẫn lầy lội nước mưa của trời lẫn nước mắt của dân; 7) nhất định là nhân dân không thể và không nên chờ đợi gì từ chính quyền…
Cũng chẳng ai ngạc nhiên là chỉ trong vài ngày nữa Nhân dân sẽ nghe các bản báo cáo thu hoạch thành công thắng lợi ngăn chận lũ, song song với những thiệt hại vật chất cần được giải ngân hỗ trợ các ban ngành.
Lạy Trời, nước đang rút.
05-11-2008
ไม่มีความคิดเห็น:
แสดงความคิดเห็น