Ở Việt Nam, không ai là không biết đến 2 câu vè sau đây:
Mất mùa là tại thiên tai
Được mùa là tại thiên tài đảng ta.
Được mùa là tại thiên tài đảng ta.
Hai câu này đã được truyền tụng khắp mọi hang cùng ngõ hẻm và trên các phương tiện truyền thông dân gian. Nó ngắn gọn, nhưng nêu lên chính xác những đặc tính căn bản của chế độ CSVN: xảo trá và bịp bợm!.
Dưới chế độ đó, bất cứ một việc gì xẩy ra, hễ bị thất bại, nó liền được đổ cho những nguyên nhân khách quan, tiện nhất là đổ cho ông Trời, mà không hề truy cứu trách nhiệm của người phụ trách.
Còn khi có một chút kết quả, dù không do công sức của mình, chế độ luôn tranh công lấy điểm, phủ nhận công sức của người khác.
Lối hành xử này đã trở thành "khuôn mẫu" của chế độ cộng sản. Nó được những người lãnh đạo lập đi lập lại trong mọi trường hợp, bất kể sự phản cảm từ phiá người nghe.
Khi Hà Nội bị ngập lụt vừa qua, người đứng đầu guồng máy cộng sản tại Hà Nội, bí thư thành uỷ Phạm Quang Nghị đã nói với báo chí nhà nước: "Thiên tai thì không tính trước được!".
Câu nói ngắn gọn chỉ có 7 chữ như trên được coi là bản tổng kết của chính quyền về tình hình trận lụt.
Nó không nói lên nguyên do tại sao cơ quan khí tượng thủy văn của nhà nước lại không thể tiên đoán được cơn mưa lớn như vậy trước vài ba ngày, trước vài ba tiếng, hay ngay cả khi cơn mưa đã đổ xuống?.
Nó không nói lên nguyên do tại sao các cơ quan báo, đài, truyền hình, loa sắt... không thông báo tình hình và những điểm bị ngập lụt... cho người dân Hà Nội được biết, khiến hàng triệu người bị kẹt cứng cả ngày trời trên những con đường đã trở thành sông, và cũng vì thế mà hơn 20 nhân mạng đã bị mất đi?.
Nó không nói lên nguyên do tại sao chính quyền đã không huy động nhân lực và mọi phương tiện kỹ thuật để giúp đỡ những trường hợp khẩn cấp, cứu trợ thuốc men, lương thực cho trẻ em và người già, cũng như những khu vực bị ngập nặng?.
Và nó cũng không nói lên tại sao hệ thống thoát nước của Hà Nội lại ở trong tình trạng lạc hậu và tệ hại đến như vậy, mặc dù nhà nước vừa tốn phí đến 200 triệu đô la để nâng cấp?
Có hàng chục câu hỏi tương tự như vậy cần phải được trình bầy, phải được làm sáng tỏ, nhưng đã không có một câu trả lời nào. Ông Phạm Quang Nghị nói rằng, Hà Nội bị lụt, 20 người bị chết, hơn 3000 tỷ đồng thiệt hại, và nhiều thiệt hại khác nữa... là do thiên tai, là do ông Trời, không phải tại đảng, không phải tại chế độ. Có ai khiếu nại thì bắc thang lên hỏi ông Trời!.
Cũng trong cuộc phỏng vấn nói trên, ông Nghị còn trách cứ người dân là "quá ỷ lại vào nhà nước, cứ chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm".
Lời phát biểu thiếu suy nghĩ của ông Nghị đã tạo ra một làn sóng bất bình trong dư luận, khiến ba ngày sau, ông phải bầy tỏ rằng ông "thực sự rất lấy làm tiếc và muốn chân thành xin lỗi mọi người về những lời gây nên bức xúc và bị phê phán".
Tại những quốc gia dân chủ, một sai lầm tương tự phải bị trả giá bằng sự nghiệp chính trị của người trách nhiệm, ngay cả sau lời xin lỗi không thể thiếu. Nhưng ở Việt Nam, đối với những người lãnh đạo không hề biết đến ý nghĩa của 2 chữ "trách nhiệm", thì đó là điều rất ngạc nhiên, "vì đây là chuyện 35 năm qua chưa hề xẩy ra"!, như nhận xét của một vài cơ quan ngôn luận ngoại quốc.
Một số người hài lòng về lời xin lỗi của ông Nghị, cho rằng nhà nước đã có tiến bộ. "Còn hơn là mấy chục năm nay biết bao nhiêu sai lầm tác hại mà chẳng hề có một lời xin lỗi nào cả".
Sự hài lòng cũng là điều dễ hiểu. Nó làm người ta hả hê vì một nhân vật trong số 14 người có quyền lực cao nhất nước đã phải nhìn nhận sai lầm và xin lỗi.
Nhưng sự nhận định trên cần phải đặt dưới lăng kính toàn cục để nhìn vấn đề một cách xuyên suốt về chiều sâu cũng như toàn diện về bề mặt.
Về bề mặt, ông Phạm Quang Nghị là uỷ viên chính trị của đảng cộng sản, một đảng độc tài từng cai trị toàn thể đất nước từ gần 40 năm nay. Tất cả mọi guồng máy đều bị thâu tóm trong bàn tay của đảng cộng sản. Từ những bộ phận trên thượng tầng cho đến hạ tầng, tất cả những cơ quan của nghành lập pháp, hành pháp hay tư pháp... đều do cán bộ cộng sản nắm giữ. Họ chiếm cứ toàn bộ tài nguyên của đất nước... Họ chia nhau nắm giữ những công ty. Họ cướp đoạt tài sản của người dân. Có chức, có quyền, họ làm bất kể điều gì, bất kể đạo lý hay lẽ phải, bất kể lương tâm hay lòng nhân đạo. Sau khi đảng cộng sản cai trị hơn 30 năm, đất nước Việt Nam hiện nay như thế nào?
- Việt Nam đứng hạng 140 trong số 179 nước căn cứ theo tổng sản lượng quốc gia/đầu người.
(số liệu của IMF 2007).
- Việt Nam đứng hạng 105 trong số 177 nước về Chỉ số Phát triển Con người.
(số liệu của United Nations Development Programme 2007/2008).
- Việt Nam đứng hạng 138 trong số 157 nước về Chỉ số Tự do Kinh tế.
(số liệu của Heritage Foundation 2007).
- Việt Nam đứng hạng 123 trong số 179 nước về Chỉ số Tham nhũng.
(số liệu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế 2007).
- Việt Nam đứng hạng 162 trong số 169 nước về Tự do Báo chí.
(số liệu của Reporteur sans frontière 2007).
- Việt Nam đứng hạng 145 trong số 167 nước về Chỉ số Dân chủ.
(số liệu của Economist Intelligence Unit 2007).
Người ta có thể liệt kê một danh sách dài về tình trạng tệ hại của Việt Nam trong nhiều lãnh vực khác, đặc biệt về các quyền tự do căn bản của con người như tự do báo chí hay tự do tín ngưỡng... về trẻ em bị bán ra nước ngoài, về phụ nữ phải xếp hàng phơi thân, về những người yêu nước bị giam cầm, đàn áp... Ngay tại thủ đô Hà Nội, tình trạng mù chữ lại cao nhất nước. Tại hạ tầng, nhiều cán bộ xã ấp không biết chữ. Trên thượng tầng, bộ trưởng điều trần trước quốc hội được đánh giá là "diễn đạt chưa mạch lạc lưu loát"... Đó là những yếu tố để Việt Nam cất cánh như nhà nước vẫn tuyên truyền hay sao?
Về chiều dài, chế độ cộng sản đã phạm vào rất nhiều sai lầm và tội ác trong gần một thế kỷ từ khi nó thành hình. Ngay cả sau khi thực hiện "đổi mới", tình trạng vẫn tiếp tục tệ hại.
Biết bao nhiêu vụ tham nhũng khổng lồ làm thiệt hại tài sản đất nước, người ta không kể siết. Biết bao vụ chiếm đoạt đất đai của dân để tạo thành một thành phần "dân oan" lên đến hàng triệu người, người ta không rõ. Biết bao nhiêu kế hoạch sai lầm vừa do trình độ thấp kém vừa do lòng tham lam xấu xa đã biến đất nước Việt Nam trở thành một công trường vỡ nát.
Qua nạn lụt tại Hà Nội, chế độ lại tạo thêm 2 "thành tích" mới. Thứ nhất là ngân khoản 200 triệu đô la xử dụng vào công tác nâng cấp hệ thống cống rãnh của Hà Nội đã bị rơi vào túi của cán bộ lãnh đạo, khiến hệ thống này trước sau vẫn ở trong tình trạng tệ hại như dưới thời Pháp thuộc. Thứ hai là khả năng quy hoạch đô thị của chế độ này vẫn ở trong trình độ thấp kém của thời kỳ ở trong rừng. Trong cơn sốt chiếm đoạt đất đai, họ đã cho xây dựng nhà cửa hỗn loạn, bất kể địa thế. Vì vậy, những khu đô thị mới lại ngăn chặn đường rút nước, và chính những nơi này lại bị ngập lụt nặng nhất.
Đó là chuyện dài xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Dân tộc Việt Nam đã bị lấy mất quá nhiều thời gian qúy báu. Biết bao cơ hội đã trôi qua. Biết bao sinh mệnh đã mất đi. Biết bao niềm hạnh phúc của người dân Việt đã bị tiêu diệt. Vì thế, không thể để chế độ này tiếp tục chu kỳ "càng làm càng sai, càng sai càng sửa, và càng sửa càng sai" như vậy nữa. Không thể để chế độ này hy sinh quyền sống của cả một dân tộc để "diễn tập". Cũng vì thế, hãy coi lời xin lỗi suông của ông Phạm Quang Nghị chỉ là một hành động xì hơi, nhằm giảm bớt sự bất bình của người dân. Nó không nói lên một chút gì về tinh thần trách nhiệm thực sự mà những người lãnh đạo lẽ ra phải có.
ไม่มีความคิดเห็น:
แสดงความคิดเห็น