Vụ việc xảy ra tại Toà Khâm Sứ và Giáo xứ Thái Hà dường như đang dần lắng xuống, nhiều người thấy sốc khi một lần nữa chính quyền Hà Nội lại đứng đằng sau những thành phần bất hảo để khủng bố tinh thần các linh mục và bà con giáo dân Thái Hà. Sốc bởi nhiều người không rõ nguyên nhân và động cơ của chính quyền trong lần khủng bố này. Và rồi sự việc này sẽ đi tới đâu?
Nhiều bài viết đã phân tích những thất bại của chính quyền Hà Nội khi dùng hàng loạt chiêu bài bỉ ổi để đối phó với một vụ đòi đất ôn hoà của người Công giáo. Những hậu quả từ thất bại này làm bộ mặt thật của chính quyền bị lật tẩy, dân chúng mất niềm tin vào chính quyền…Thật ra những thất bại này có thể đã trở thành một bài học đau đớn mà chính quyền Hà Nội không hề muốn khơi lại, nhưng sự đời đâu chiều theo ai.
Chính quyền Hà Nội không ngờ dư âm từ vụ việc Toà Khâm Sứ và Giáo xứ Thái Hà kéo dài như vậy. Họ đâu biết hai miếng đất chỉ là điều trước mắt để Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt cũng như các linh mục và giáo dân Thái Hà đấu tranh cho những chuyện lớn lao hơn nhiều: công bằng, sự thật. Chính quyền Hà Nội cũng đâu ngờ khi hai miếng đất bị mất, người Công giáo Việt Nam lại ý thức hơn trách nhiệm, bổn phận của mình phải làm chứng, đấu tranh cho những điều mà vụ việc tại Toà Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà đã khơi lên.
Người ta dễ dàng thấy vụ việc tại Toà Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà chưa hề chấm dứt. Trên cả nước đi đâu cũng thấy người Công giáo cầu nguyện cho công lý và sự thật, điều mà trước đây không hề có. Nỗi oan ức của người thấp cổ bé miệng, của những người bị đàn áp không còn bị vùi dập nhưng đã được cất lên. Hàng loạt nhà thờ Công giáo từ Bắc chí Nam đâu đâu cũng cầu nguyện, cầu nguyện. Lời cầu nguyện êm đềm ấy tưởng như vô hại lại đang trở thành điều khó chịu cho chính quyền Hà Nội.
Từ khi vụ việc tại Toà Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà nổ ra, nhiều người đã quen thuộc với hình ảnh đoàn người cầm nến sáng trong tay, miệng hát vang lời kinh lời Kinh hoà bình của Thánh Phanxicô: Lạy Chúa từ nhân xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…Xin cho con làm khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn u sầu…Những hình ảnh như vậy đang xảy ra từng ngày trên đất nước này và người ta hiểu rằng, nơi đó đang có bất công, đàn áp.
Từ khi vụ việc tại Toà Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà nổ ra, người ta cũng ý thức rằng, công bằng và sự thật đâu chỉ của riêng ai. Nếu như nỗi sợ hãi đã làm cho người dân đành chấp nhận để cảnh bất công xảy ra ngay trước mắt, chịu bị lừa lọc để đổi lấy hai chữ “bằng an”, thì sau vụ việc tại Toà Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà người ta đã không chấp nhận kiểu bằng an giả tạo ấy. Ý thức mình đang bị bóc lột, đang chịu sự thiệt thòi và cùng đứng lên đấu tranh là điều mà người dân thấp cổ bé miệng và đặc biệt là người Công giáo Việt Nam đang thực hiện.
Nến vẫn tiếp tục được thắp lên trong đêm, lời kinh đòi công bằng, sự thật vẫn khẩn thiết hàng ngày trên khắp đất nước này. Chính những điều đó đang cắn rứt lương tâm “các quan” trong chính quyền Hà Nội. Hành động một cách bỉ ổi nhắm vào những người khơi lên phong trào thắp nến cầu nguyện cho công bằng và sự thật là cách dằn mặt mà họ đã làm khi đứng đằng sau những thành phần bất hảo gây rối trong đêm 15.11 tại giáo xứ Thái Hà.
Người ta bảo, ánh sáng và bóng tối như hai đối thủ. Hiệp một bóng tối tạm thời chiến thắng ánh sáng. Hiệp hai, ánh sáng và bóng tối giằng co nhau, không bên nào thắng bên nào. Tuy nhiên, hiệp ba, hiệp kết thúc chắc chắn ánh sáng sẽ thắng tuyệt đối và bóng tối bị tiêu diệt. Liệu khi chính hành động một cách bỉ ổi nhắm vào các linh mục và giáo dân Thái Hà trong đêm 15.11 là dấu hiệu trận đấu đã bước sang hiệp thứ hai?
ไม่มีความคิดเห็น:
แสดงความคิดเห็น