วันศุกร์ที่ 31 ตุลาคม พ.ศ. 2551

No13: Tả Xung Hữu Đột Búa Xua

Bi hài gõ chén rồi ca:
Chiến, ta cảm một - Đảng, ta thương mười…

Tố PhụThương biết mấy! Năm nay Chí Phèo đảng ta gặp lắm sao quả tạ. Các thế lực thù địch từ bốn phương tám hướng đồng nổi máu, thi nhau nội hô ngoại ứng, vây đồn ngăn viện, tứ phía giáp công. Từ “thằng” Văn bút Quốc tế ở tận đẩu đâu cho chí Nguyễn Thế Thảo nằm ngay dưới chân lăng bác. Từ “bọn” biểu ngữ cầu vượt ở Nam Thăng Long, Hải Phòng, Nam Định… cho tới “lũ” Vedan ở cạnh sông Thị Vải. Lại từ “Thời của thánh thần” nhảy tót sang “Tột đỉnh tình yêu”. Rồi “bọn” tư vấn PCI bên Nhật bay vèo qua nắm tay “thằng” Nexus bên Mỹ. Chưa lành vết thương sau gáy “thằng” Ben, lại tới phiên “đám” Y Tế muốn đo vú kiểm mông tìm trĩ “bọn” giặc lái. Thêm “thằng” Nghị viện châu Âu đòi duyệt lại đối sách, cả Đại Đoàn Kết bị tỉa riêng từng quả, lẫn “bọn” tuyên giáo trung ương bật tung nắp hũ mắm khẩn-mật.

Thương biết mấy! Oanh một thuở, liệt mấy khi/Tứ bề thọ địch còn gì đảng ta! Từ công hàm, công an, công viên, công cán, công du, Công giáo, công báo, công khố, công nợ, công nha, công sứ, công tố, công thổ, công thự, công lộ, công trái, công nhân, công văn, công lý, công quỹ, … cho tới …công nông trí. Bao nhiêu công sức tô hồng chuốt lục của ta hướng ra nước ngoài đành coi như …công cốc với công toi.

Vì sao vậy ? Trống hộ đê đánh cầm canh đến lạc nhịp. Lũ về như thác. Sấm chớp đì đùng. Lại để cho tay ký giả Roger Mitton mắt xanh mũi lõ điềm chỉ ra Bộ chính trị nhà ta có đứa tí toáy ngồi ngoáy sâu khoét rộng hang chuột duới chân đê.

Thương biết mấy! Năm nay đảng ta vận phải cái long đong. Lận đận không thua chị Cả Bống, chẳng ra làm sao cả.

Tình hình đã …cực tình hình! Hãy thử điểm qua đôi nét phác họa một cảnh quan đậm đà bản sắc búa xua, lớn nhỏ tạp nhạp, dở xấu táp nham… và hãy tạm xếp hàng bên lề phải, theo thứ tự bảng chữ cái, xem sao:

Công An

- Đoạn băng ghi âm đã lên mạng từ giữa tháng 4/2008: Đào Ngọc Năm, công an xã Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội, nhẫm lời cần kiệm đạo đức bác dạy, tống tình một nữ sinh viên bằng cách hù dọa nếu không muốn CA báo cho trường biết về hành động lén lút đi phòng trọ với bạn trai, thì phải chịu “ngủ qua đêm” rồi sẽ được trả lại chứng minh thư, thẻ sinh viên, giấy tạm trú tịch thu không biên bản hồi đầu hôm! –Trong bao lâu ? –Thì đến khi em ra trường! -Nhỡ vợ anh biết thì sao? –Không ai nói làm sao mà biết được?

- Ngày 29/4/2008, công an VN đã sắp xếp, bảo kê cho du khách TQ độc quyền biểu tình rước đuốc Bắc Kinh tại Sài Gòn: “Họ mặc áo có biểu tượng Olympic 2008, cầm cờ đỏ của Tàu, vẽ cờ đỏ trên mặt. Mỗi lần có người chụp hình là họ lại xúm vào nhau giương cờ lên và hô khẩu hiệu… Họ tụ tập 2 bên đường, thường xuyên la hét những tiếng cổ động mà mới nghe cứ như là ‘Đả đảo Trung Quốc’ hay ‘Đả đảo Bắc Kinh’. Nhưng hỏi lại mới biết cái câu nghe như ‘Đả Đảo’ ấy có nghĩa là ‘Cố Lên’…”. (SuSport - Tiếng khóc trên quê hương mình). Tay dân báo Điếu Cày đã bị CA bắt giam từ 10 ngày trước đó tại Đà Lạt, để ém những tiếng Đả Đảo thật.

- Cùng ngày 29/4/2008, phóng viên hãng thông tấn AFP chụp ảnh sinh viên Nguyễn Tiến Nam bị công an khóa tay bóp cổ trước chợ Đồng Xuân Hà Nội, khi tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc nhân dịp đuốc Olympic Bắc Kinh được nhà nước đón rước an toàn và trọng thị ngang qua Sài Gòn. Tiến Nam hận một, AFP thù mười?

- Theo tác giả Tướng Về Hưu trong bài Bạch Tuộc Lô Diện: “Một trong những vi phạm nghiêm trọng tại nhiều địa phương là công an trở thành lực lượng bảo kê cho nhiều tổ chức và cá nhân làm ăn bất hợp pháp. ‘Vào trong Đảng để làm quan – Quen công an để làm càn’ đã trở thành câu tục ngữ thời hiện đại”. Tục thiệt! Quá tục là khác!

- Cuộc họp chiều 26/6/2008, giữa Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Hội nhà báo Việt Nam (trong đó có Trưởng ban TGTW Tô Huy Rứa, Trung tướng công an Vũ Hải Triều đại diện Bộ trưởng Bộ Công an và Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Hoàng Nghĩa Mai), đã bàn về cách chỉ đạo xử lý dư luận báo chí trong và ngoài nước, trước vụ khởi tố hai phóng viên Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên) và Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ) cùng hai sĩ quan công an C14 là Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc và Thượng tá Đinh Văn Huynh. Nội dung bao gồm cả sự phủ nhận thói “Ăn chơi sa đọa của ông Nguyễn Việt Tiến tại nhà hàng Phố Núi” bắt gái cởi truồng tắm bia cho các đại gia múc uống. Hoàn toàn thiếu kiểm chứng: Không nêu được đích danh, chụp được đích ảnh một ai uống bia mùi nước hoa giả hiệu (fake perfume) hôm đó và cả sau đó! Thông tin Bùi Tiến Dũng dùng tiền PMU18 mua 3 xe ô tô để biếu xén cũng là bịa đặt nốt. Dũng ta không biếu ai cả!

- Trưa ngày 4/9/2008, em Lê Hoàng Khởi, 17 tuổi, học sinh Trường THPT Ngọc Tố, xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), chạy xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm, bị lực lượng công an xã ra lệnh dừng xe để kiểm tra giấy tờ. Khởi trình bày rằng không mang theo giấy tờ nên nhờ người em bà con là Nguyễn Hoàng Phi điện thoại về nhà để người thân của Khởi mang lại. Sau đó, “có một công an tên Chơn nói ‘tụi tao là gì đây mà phải chờ người nhà mày mang giấy tờ lại à?’. Khi em vừa rút chìa khóa xe với ý định bỏ đi nơi khác thì CA Chơn và 3 công an khác nhào vô đánh túi bụi và còng tay em kéo về trụ sở công an xã”. Tội nghiệp Khởi đã học gần hết THPT rồi mà vẫn chưa biết Luật Là Ai!

- Ngày 10/9/2008, Tòa án Nhân dân Sài Gòn xử án nhà báo tự do Điếu Cày thiếu thuế cho thuê nhà. Mọi người đi đến đó đều bị công an ngăn chận. Tội danh chính thức của Điếu Cày không phải thiếu thuế cho thuê nhà, mà là thiếu thẻ kim cô nhà báo và …dám nói thật. Thân xác Điếu Cày bị nhốt nhà lao, nhưng tên tuổi Điếu Cày thì đã chu du khắp thế giới. Có thơ rằng: “Một người vào ngục thất / Triệu người tay tiếp tay / Quốc hồn căng ngực trẻ / Vang bài ca Điếu Cày!” (Thái Hữu Tình).

- Câu hỏi trong buổi họp báo 20/9/2008: Đề nghị bình luận và cho biết lý do vì sao phóng viên AP Ben Stocking bị công an tạm giữ trong 2 giờ đồng hồ và bị đánh ngày 19/9/2008? Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Lê Dũng trả lời: “Theo thông tin chúng tôi nhận được, sáng ngày 19/9/2008, phóng viên Ben Stocking đã vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam, cố tình chụp ảnh tại khu vực đã có đặt biển cấm [di động]… Hoàn toàn không có việc lực lượng an ninh Việt Nam hành hung ông Ben Stocking” ! Đích thực là Ben đã dùng máy ảnh chuyên nghiệp cá nhân hàng nghìn USD để tự quày tay đập ngược vào gáy của mình hầu gây thương tích trầm trọng? Đúng là khổ nhục kế cực kỳ thâm độc của các thế lực thù địch!

- Ngày 24/9/2008, ông Hồ Đức Việt, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, lưu ý Đảng ủy Công an Trung ương cần bám sát các yêu cầu, nội dung mà Ban chỉ đạo Trung ương đã đề ra, quan tâm giải quyết tốt 10 mối quan hệ trọng tâm trong công tác cán bộ… cần chú ý thêm khâu tổ chức, sớm nghiên cứu, đề xuất ổn định bộ máy, phân biệt rõ khi nào thực hiện dân chủ, khi nào thực hiện tập trung dân chủ trong công tác cán bộ (diễn giả tự nhấn mạnh 2 từ tập trung).

- Tối Chủ Nhật 31/08/2008, tại khu vực nhà thờ Thái Hà ở Hà Nội, buổi lễ cầu nguyện của chừng 3000 giáo dân đã bị xịt hơi cay, khiến hàng chục giáo dân, đa số là phụ nữ và trẻ em, bị choáng váng và ngất xỉu, trong đó có gần 20 nữ tu thuộc Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội. Sự việc xảy ra vào khoảng 8h20 tối, tại khu vực gần với chỗ công an (sắc phục, gồm cả cấp quận và cấp thành phố) canh giữ từ nhiều tuần nay. Không ai làm biên bản. Cũng không ai xét xem ai có bình xịt hơi cay trong người. Các mạng chỉ đăng ảnh chụp người cầm bình xịt hơi cay đứng giữa lực lượng an ninh.

- Ngay tại trụ sở UBND xã Hương Chữ, huyện Hương Trà (TT-Huế), Phó công an xã Hoàng Thế Dưỡng đã đánh rách mồm anh Lê Văn Bình vào trưa ngày 15/10/2008, khi nạn nhân yêu cầu công an Dưỡng sửa sai phần ghi nhầm trên giấy tờ hồ sơ. Không bịt được thì xé rách, cho chừa tật đòi hỏi!

- Lê Hữu Phước, trưởng Công an xã Vạn Thọ, cùng hai cán bộ, công an xã đi tuần tra vào tối 15/10/2008. Khi đến đoạn ngã ba Ninh Mã - đồi Cô Đơn (thuộc xã Vạn Thọ) thì gặp Nguyễn Tấn Vũ (18 tuổi, ở thôn Tây Bắc 1, xã Đại Lãnh, Vạn Ninh) cùng năm người bạn đồng chở 3 trên hai xe gắn máy. Lê Hữu Phước ra hiệu bảo dừng và sau đó nổ súng, bắn đạn thiệt, trúng đầu làm anh Nguyễn Tấn Vũ chết tại chỗ. Vẫn cái tội làm dân mà không biết Luật Là Ai!

- Chiều ngày 16/10/2008, nhiều cư dân Hà Nội và cư dân mạng bật cười trước cảnh tượng hi hữu được ghi lại trên khá nhiều ảnh chụp: Một “kiều nữ PS” mặc áo hai dây ngồi chễm trên yên xe để lực lượng tự quản lặc lè khiêng cả xe lẫn người về trụ sở Công an phường Hàng Buồm, Hà Nội, vì lý do đỗ xe dưới lòng đường, vi phạm Nghị định 146. Trả lời phỏng vấn TTX Vỉa Hè, cô bảo: -Lần sau em sẽ đi xe tăng TQ !


Công Báo

- Bộ trưởng Thông tin Truyền thông (TT-TT) Lê Doãn Hợp tuyên bố: “Chúng ta hoàn toàn có tự do nếu đi đúng lề đường bên phải. Tôi cố gắng để cho báo chí có một lề đường đó, để các nhà báo đi vào lề đường nhưng đi rộng hơn, thông thoáng hơn… Tổng biên tập là người quan trọng nhất trong một tờ báo. Theo tôi, cấp trên chỉ quản lý một người, đó là Tổng biên tập”. Quy định 1: cấm tất cả TBT húi cua hay để hói, vì khó nắm. Quy định 2: “đi rộng hơn”, dịch sang tiếng Việt có nghĩa gần như là đi …hai hàng, chuyển ngữ lần nữa sang tiếng nôm (na) đời thường chính là kiểu …ba phải.

- Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn khẳng định: “Ở Việt Nam, chưa chỗ nào đào tạo tổng biên tập cả”. Lại có TBT cố chạy bằng giả trung cấp chính trị và ngoại ngữ nữa. Ráp cả hai đầu Bộ Lề Phải, là rõ: Quản lý những kẻ chưa qua đào tạo mà được ân sủng chức cao với nhiều đặc quyền đặc lợi là dễ ăn nhất! Té ra Hà Nội không chỉ đứng đầu về số người mù chữ, mà còn mù lắm thứ khác nữa.

- Danh ngôn để đời đến vang dội đông tây kim cổ của Bộ trưởng Lê Doãn Hợp: “Quản lý là quản có lý, bao gồm cả đạo lý và nguyên lý”. Có khi là cả lao lý, chỉnh lý, pháp lý, hành lý, bệnh lý, vô lý, định lý, xử lý, sinh lý, đại lý, triết lý, thanh lý, duy lý, nghịch lý, giáo lý, vật lý, trợ lý, địa lý, chưởng lý, hải lý, công lý, luân lý, luận lý, tâm lý, chân lý, thiên lý, thụ lý, hộ lý, và cả …đuối lý nữa. Mới biết quản lý bao gồm một nội hàm phủ rộng ghê gớm như thế. Phê nhất là hộ lý ? Còn đáng gờm nhất xưa nay vẫn là cái vòng kim cô lao lý? Chưa chắc!

- Ngày 16/7/2008, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn đã khẳng định: “quan điểm xuyên suốt của dự luật (dự thảo luật báo chí) là không cho phép thành lập báo chí tư nhân”. Phóng viên dân báo Ngọc Hà nhận xét: “Thoảng nghe như đâu đây có mùi khen khét của món vịt Bắc Kinh…”.

- Theo tác giả Hồng Nhâm, về sự kiện hàng trăm tờ báo chính quy đồng loạt mạt sát đức Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt sau buổi gặp gỡ UBND Hà Nội ngày 20/9/2008: “Không có gì phải nghi ngờ, chiến dịch chống Đức Cha Kiệt là một di chứng Đấu Tố của thời cải cách ruộng đất ở Việt Nam và thời cải cách văn hóa ở Trung Quốc”. Hoan hô ngọn đuốc giữa đình/Văn hóa xâu chuỗi dứt tình, bất nhân! Tô Hoài cần phải viết thêm quyển Sao Còn Lắm Ba Người Khác Nữa? Nhất định phải vinh danh những kẻ tái phát huy phong trào khởi động những cú đạp nhân dân xuống tận bùn đen suốt nửa thế kỷ qua.

- Báo cáo của Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn về tình hình cập nhật nền báo chí chính quy Việt Nam hiện nay: “Công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản nhìn chung vẫn còn những mặt hạn chế, yếu kém. Tính hiệu lực, hiệu quả, trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý chưa cao, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản trước tình hình, nhiệm vụ mới; thiếu chủ động trong định hướng chiến lược; chạy theo vụ việc, lúng túng trong quy hoạch, sắp xếp; một số nhà xuất bản, cơ quan báo chí, chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo; một số cơ chế, chính sách chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn cuộc sống. Tình trạng sách lậu, vi phạm bản quyền chưa được ngăn chặn và đẩy lùi. Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa kịp thời, thiếu nghiêm minh, dẫn đến nhiều khuyết điểm, yếu kém còn kéo dài, chậm được khắc phục”. Đó là hệ quả “sau chiến tranh”, có phải mình ta đâu… Cuba và Bắc Triều Tiên đều thế cả!

- Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội: “Quản lý blog rất phức tạp. Nếu Nhà nước có thể lường hết được những phát sinh để đưa ra quy định pháp luật quản lý thì lại rất đơn giản. Nhưng thực tế đã nảy sinh nhiều vấn đề không lường trước được”. Cứ nhìn vào kết luận thanh tra về vụ cháy nhà ga nội địa sân bay Tân Sơn Nhất hôm kia, vụ cháy xưởng ở KCX Sóng Thần hôm qua, ngay trong tháng cao điểm phòng cháy chữa cháy, và các vụ cháy vĩ đại lai rai trước đó (ITC cách nay đúng 6 năm chẳng hạn), khắc rõ: Nguyên nhân không bởi khủng bố, mà chủ yếu là vì …lửa! Làm sao đảng ta lường được lửa, nói gì các thực tế nảy sinh của nó?

- Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: “Việc quản lý blog cần phải có những tiêu chí vừa có tính khái quát, vừa có tính cụ thể, để khi hoạt động trong lĩnh vực này, người ta biết việc nào thì mình được làm, việc nào mình không được làm”. Như thế mới khớp với đường lối: Cái gì không túm được trọn gói thì cấm ngay cái đã! Dường như chưa ai quên nhà nước ta đã từng quản lý tốt các bảng quảng cáo khoan cắt bêtông và Cấm Đái Bậy trên cả nước đó chứ? Mai này nhà nước ra nghị định cấm gió thổi thì blogger LáiGió lãi to.

- Nội dung chỉ đạo 6 điểm của Ban Tuyên giáo Trung ương về vụ xử án Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải: Một là, khi tường thuật vụ xử, báo chí phải viết rằng “2 sĩ quan công an là ‘nguyên cán bộ công an’, và hai nhà báo là ‘nguyên nhà báo’…”. Hai là, việc thay đổi tội danh so với lúc khởi tố phải được giải thích để công chúng biết, rằng đây “không phải là đặc quyền đặc lợi đối với công an và nhà báo” mà là sự “xem xét các cống hiến của họ”. Ba là, khi viết, báo chí phải “dân chủ, công khai, công bằng, khách quan, đúng người, đúng việc” nhưng “không được bình luận và không được suy diễn”. Bốn là, Tổng biên tập các báo phải dự phòng các vấn đề phức tạp có thể diễn ra quanh phiên toà. Năm là, phải xem đây như một phiên toà bình thường, như bất cứ phiên toà nào khác. Sáu là, không nên để bạn đọc hiểu là những bị cáo này được hưởng đặc quyền đặc lợi. Bây giờ thì tất cả đều đã trở thành “nguyên bị cáo”, bất luận ân sủng xem họ đã cống hiến nhiều ít. Blogger KhuyếtDanh cảm khái: “Có hai hạt gạo trong. Một trong lòng nước đục. Một bất phục lửa rơm. Thân lao vào ngục tối. Có hàng chục tà tâm. Mồm ngậm toàn hỏa khói. Phun ngập đất mù trời. Hôi cả nồi cơm mới”. Bob Dietz, điều phối viên chương trình châu Á của Ủy Ban Bảo Vệ Các Nhà Báo lại cảm khái cách khác: “Phán quyết của tòa án là không công bằng và mang tính trả thù”.

- Nội dung bức điện khẩn tối mật của Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo báo chí VN về giải Nobel Hòa bình 2008 đã ghi rất rõ từng việc một: “Trong trường hợp Thích Quảng Độ được trao giải, báo chí ta đăng lời của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam kịch liệt phê phán việc trao giải vừa phi lý, thiếu thiện chí vừa làm hoen ố một giải thưởng vốn danh giá, hướng thiện; lên án những hoạt động lợi dụng chính sách tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Nhà nước để vi phạm pháp luật và giáo lý nhà Phật, phản dân, hại nước, đi ngược lại ước nguyện hòa bình, hạnh phúc, tiến bộ của nhân dân Việt Nam. Chuẩn bị sẵn bài viết, phóng sự, hình ảnh, tư liệu về vấn đề này để đấu tranh. Chú ý phỏng vấn, lấy ý kiến người dân, ý kiến các bậc chân tu phản đối việc trao giải, lên án Thích Quảng Độ và các thế lực đen tối khác”. Ôi, Solzhenitsyn ơi ời! Mới hay, từ vở kịch nhà nước pháp quyền đến thực tiễn loạn pháp liệt quyền chỉ cách nhau một bức công văn mỏng teng.

- “Vì chế độ bị nhốt chặt trong những lời dối trá của nó, nó phải xuyên tạc tất cả. Nó xuyên tạc quá khứ. Nó bóp méo hiện thực và nó bịa đặt tương lai. Nó xuyên tạc thống kê. Nó giả đò như không nắm giữ các cơ quan an ninh có quyền lực vô hạn và đốn mạt. Nó vờ vĩnh tôn trọng các quyền con người. Nó giả đò như không kết án ai. Nó làm như không sợ bất kì điều gì. Nó giả vờ như không giả vờ gì cả” (Václav Havel-1978).

- Tổ chức Freedom House xếp hạng báo chí VN năm 2007 là: 178/195.

- Tổ chức phóng viên Không biên giới xếp hạng báo chí VN năm 2008 ở mức 168/173 quốc gia được khảo sát. Tức là dẫu thua Lào (164) với Campuchia (126), VN vẫn còn đứng trên Cuba (169), Bắc Triều Tiên (172), và Eritrea ở châu Phi (173). VN có được thứ hạng này là nhờ vào nỗ lực phát huy văn hóa Đấu Tố của nền báo chí nước ta. Chỉ tội dân mình nhìn đâu cũng méo mó, nhìn gì cũng dị dạng, thông qua ống kính ngưu nhãn (cao cấp hơn cả ngư nhãn pro fisheye lens) của Bộ Lề Phải.

- Blogger NgườiBuônGió nhận xét: “Dân Việt Nam sau nhiều năm rèn luyện ở môi trường CNXH, giờ chỉ thích nghe nói láo thôi. Không muốn tìm hiểu sự thật. Cũng tại vì những sự thật này mà đi tìm thì lại vướng tội trốn thuế, tiết lộ bí mật quốc gia, kích động, phá hoại an ninh, cơ hội chính trị, xách động này nọ…… Quyền lợi thiết thực ngay trước mắt bị xâm phạm sờ sờ ra đấy, ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày thế mà cũng đành nhắm mắt coi như không biết gì. Nói gì đến Trường sa- Hoàng sa hay biên giới”.

- Cũng nhờ bảng xếp hạng này mà bạn đọc cả nước còn khám phá ra trình độ chuyển ngữ chắt lọc cho tuyên truyền của báo Công An Thành Phố là tối ưu: “119: United States of America extra-territorial” có nghĩa là (nguyên văn) “Mỹ đã rơi xuống vị trí 119 trong danh sách xếp hạng 160 quốc gia về sự tôn trọng sự tự do báo chí bên ngoài lãnh thổ của mình”. Theo đó, riêng VN được xếp hạng 168, tức là đã theo vệ tinh VinaSat-1 mà bay ra khỏi bảng, hoặc là VN lãnh giải thượng hạng ngoại hạng của 160 nước đó chăng? Giá mà phóng viên báo CA được đọc qua entry Xung Quanh Một Chỉ Số trên Blog Linh. Bảo đảm hiệu quả hơn hẳn mấy khóa tập huấn bổ túc ở các trại viết.

- Ngày 23/10/2008, Tổng biên tập Lý Tiến Dũng và Phó Tổng biên tập Đăng Ngọc của báo Đại Đoàn Kết, cơ quan ngôn luận của Mặt Trận Tổ Quốc VN, cùng bị xử lý bằng hình thức “Cảnh cáo” và “Chuyển công tác”. Cả hai bị kiểm điểm và kỷ luật vì đã cho đăng tải: a) bài tham luận “Cần phải xóa bỏ bao cấp về chính trị?” của Linh mục Nguyễn Thiện Cẩm; b) một số bài của nhà báo lão thành Thái Duy, và nhà báo Hữu Nguyên, góp ý bức xúc về các vấn đề chính trị trong nước; c) Thư góp ý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp phản đối quyết định đập bỏ Hội trường Ba Đình; và gửi đơn kiến nghị về một số việc bất bình thường tại Ban Tuyên giáo Trung ương. Xem ra, Ban Tuyên giáo TƯ đang lãnh sứ mệnh tiền phong trong trận thế búa xua hiện nay. Chỉ tiếc cho toàn thể lãnh đạo Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết bị phản đòn đến phải tơi tả xa nhau. Tất cả chỉ xảy ra ngay sau vụ án hai nhà báo Thanh Niên & Tuổi Trẻ.

- Ông Lý Tiến Dũng, Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết, trong thư gửi các đ/c Trương Tấn Sang, Tô Huy Rứa, Hà Thị Khiết và Phạm Thế Duyệt, đã rất thẳng thắn: “Mệnh lệnh, hay kỷ luật thông tin, được nhân danh để sử dụng một cách thiếu thận trọng, hàm hồ, lồng ghép cá nhân vào đó chính là một biểu hiện ấu trĩ về chính trị”. Chính những nhận định thẳng thắn này đã khiến cho ông bị chèn xe gãy cả chân người lẫn chân ghế.
- Còn phía người đọc, họ chờ đợi gì? Thính giả đài RFA tên Lê ở Đài Loan trả lời phỏng vấn của Trà Mi: “Chúng ta phải cất lên tiếng nói của mình, để cho người ta biết là chúng tôi muốn nói những sự thật, chúng tôi muốn một nền báo chí tự do thật sự chứ không phải một nền báo chí tự do mà chỉ được nói những cái mà đảng cộng sản muốn”.


Công du

- 2008 chính là năm du lịch: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đi Tàu, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đi Bắc Âu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đi Đông Âu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi Mỹ rồi đi Úc, sau đó đi Tàu… Tất cả là để biểu hiện và phát huy nền văn hóa tiêu lòn cùng chính sách ngoại giao khấu tấu, hoặc là để tỏ rõ thiên tài chui cửa hậu.

- Sinh viên Nguyễn Tiến Nam phát biểu: “Tôi ký tên trong bức thư ngỏ gửi các vị dân biểu Hạ viện Hoa Kỳ và Uỷ ban Đặc trách về Nhân quyền Việt Nam (nhân dịp TT Nguyễn Tấn Dũng đi Mỹ) là vì đất nước Việt Nam đã tham gia ký kết các điều khoản về nhân quyền, về tự do và dân chủ với quốc tế, nhưng chính họ lại đang chà đạp lên giá trị về nhân quyền của người dân ngay chính trên đất nước Việt Nam”.

- Bà Võ Thị Hồng Phiếu, Tổng giám đốc Công ty Bia Huế, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Trị Thiên Quốc hội khóa VIII, đi công cán Ấn Độ và Thái Lan bằng hộ chiếu CHXHCNVN, mua kính mát giá 120USD tại phi trường Don Muang ở Vọng Các, “quên” trả tiền, bị chính quyền Thái Lan câu lưu và truy tố ra tòa, bị phạt 4000Baht và 2 tháng tù, sau đó, tham dự lễ kết nạp đảng viên mới tại Công ty khi về lại Huế (5-2008). Không cần ghé thẫm mỹ viện cũng đẹp mặt ra phết. Đẹp từ cái hộ chiếu đẹp đi…

- Trong cuộc họp báo chiều 3/10/2008 tại Hà Nội, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh Niên Cộng Sản cho biết, trước khi TT Nguyễn Tấn Dũng đến Bắc Kinh, một cuộc gặp gỡ giữa thanh niên Việt Nam và Trung Quốc sẽ diễn ra vào giữa tháng 10. Trong lịch trình, “Đoàn thanh niên Việt Nam sẽ đến chào lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc, và sẽ được thu xếp đưa đến thăm Trường Sa“. Đoàn TNCSHCM đã được đổi tên thành Đoàn TNCS Lê Duy Kỳ từ bấy.

- Ngày 7/10/2008, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Bộ trưởng Bộ công an Lê Hồng Anh cầm đầu một phái đoàn sang ký thỏa ước cộng tác với bộ công an chính phủ Bắc Hàn và đã được Kim Vĩnh Nam, con trai ông Kim Chính Nhật tiếp đón trong lúc ông bố nằm bệnh, không ai biết là bệnh gì. Trong dịp này, Lê Hồng Anh tuyên bố tại trụ sở quốc hội Bắc Hàn rằng: “Trong khi tham quan Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên, phái đoàn đã chứng kiến những thành công to lớn mà nhân dân Triều Tiên đã gặt hái được trong việc xây dựng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Ðảng Công Nhân Triều Tiên do lãnh tụ kính yêu Kim Chính Nhật lãnh đạo”. Bi triều tiên được nâng đến …méo tiền trêu! Tất cả những thành quả vĩ đại đó đều đã được tô đậm trên các bảng xếp hạng của các tổ chức quan trắc quốc tế về phát triển kinh tế, tự do báo chí, tôn trọng nhân quyền và chỉ số minh bạch, chẳng cần phải hao tốn tiền bạc công sức tham quan.

- Chuyến công du Canberra & Sydney của thủ tướng Việt Nam đã gặp phải thái độ phản đối mạnh mẽ từ phía người Việt tại Úc. Theo AFP, họ biểu tình trước trụ sở Nghị Viện Úc tại Canberra để kêu gọi lãnh đạo Việt Nam cải thiện tình trạng nhân quyền, trong đó có quyền tự do tôn giáo. Ngày 14/10/2008, TT Dũng phải chui lòn cửa hậu để gặp các đối tác kinh tế tại Melbourne. Tại đây, TT Dũng đã được chiêu đãi những món ăn đậm đà bản sắc bị gậy. Giá trứng ung và mắm tôm ở vùng này đã tăng vọt đột xuất. Hiện nay Úc là nước đầu tư đứng hàng thứ 16 tại Việt Nam.

- Ngày 22/10/2008, Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng đã bái kiến Thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo tại Đại lễ đường nhân dân Trung Hoa. “Hai bên hài lòng trước việc cơ bản hoàn thành công tác phân giới trên đất liền. Nhất trí tiếp tục đẩy nhanh tiến trình đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ; đồng thời cùng nhau phối hợp duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông trong khi tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân VN trước sau như một luôn hết sức coi trọng, chân thành mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị với Trung Quốc và sẽ làm hết sức mình để vun đắp cho quan hệ giữa hai Đảng, hai nước ngày càng phát triển vững chắc”. Bác Dũng nhà ta có bị hơi quá lời khúc này: Làm gì có nhân dân VN trong đó! Nhân dân VN có thơ rằng: Vết răng nị trên môi/Mang nặng tình hữu nghị.

- Thông cáo chung Việt-Trung ký ngày 25/10/2008 có đoạn: “Hai bên nhất trí cho rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị quốc tế đang diễn biến phức tạp hiện nay, việc tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung phù hợp lợi ích căn bản của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực cũng như thế giới”. Nghe đó! Chúng lại giở giọng Tàu khựa ra hăm hăm dọa dọa. Thế mà lãnh đạo ta vẫn phải ngậm miệng cúi đầu nhất trí hẩu hẩu! Quả là chưa có cái nhục nào hơn nỗi nhục này !


Công giáo

- Hãy ôn lại tình hình tôn giáo VN: “Việc đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc 2008 tại Việt Nam thể hiện đường lối đối ngoại rộng mở, chính sách tôn giáo đúng đắn của Nhà nước Việt Nam, đề cao vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, góp phần đấu tranh có hiệu quả với các thế lực thiếu thiện chí với Việt Nam lợi dụng vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo để chống phá sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam” (Một minh chứng cho chính sách tự do tôn giáo ở Việt Nam – trang mạng của ĐCSVN). Chủ thuyết “Tôn Giáo pháo Khủng Bố” chính thức bắt đầu từ chỗ này!

- Thử Google 2 từ “thái hà”, ta được gì? “Results 1 - 10 of about 1,390,000 for thái hà. (0.14 seconds)”. Lại thử Google 2 từ “tòa khâm”, ta được gì? “Results 1 - 10 of about 137,000 for tòa khâm. (0.22 seconds)”, bao gồm cả tin tức, bình luận và YouTube video clips. Đó là tình hình Công giáo VN trong những tháng qua.

- Không có thì giờ đọc hết kết quả Google ? Hãy xem qua một vài đọan video tiêu biểu cô đọng là đủ: Đây Bài Ca Ngàn Trùng, Cho Con Là Nến Sáng, Cán bộ giả dạng giáo dân… Nếu thấy cần thên dữ liệu, hãy lướt qua trang mạng http://vietcatholicnews.com & http://dcctvn.net/. Thánh Địa và Công Viên chỉ cách nhau một cú nháy phôn.

- “Những mâu thuẫn cố hữu của Thiên Chúa Giáo với nhà nước đã bị đẩy lên cao dữ dội trong những ngày gần đây. Tôi có thể nghe được tiếng bạn bè tôi cầu nguyện, đọc những tin nhắn của họ và cảm nhận được sự bất an nơi họ. Tôi có thể cảm thấy sự phẫn nộ đang như một sợi dây cháy chậm, rất ít lửa nhưng lan rất nhanh. Trên từng khuôn mặt tôn giáo tôi quen biết, tôi cảm nhận được sự đổi thay – một đổi thay ghê gớm- còn hơn cả những ghét bỏ vốn đã thâm căn cố đế từ đời cha mẹ họ. Sự ghét bỏ ấy bây giờ là hiện thực” (Blogger Ống Kính Cuộc Sống - Vài điều từ “Quyền lực của không quyền lực”).

- “Xin Cảm Ơn Mẹ đã chứng kiến toàn bộ nỗ lực của lãnh đạo Việt Nam đã bẻ ghi cho lệch hướng đối ngoại về vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa bằng cách tập trung sự chú ý của dư luận nhân dân vào sự kiện Thái Hà, rồi một lần nữa, làm lệch diện Thái Hà – Tòa Khâm bằng cách bẻ vụn lời nhận xét về tấm hộ chiếu của Đức Cha Kiệt làm điểm tấn công”.

- “Chính chúng ta sẽ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Văn Vật bằng cuộc đấu tranh chống áp bức, bạo quyền CSVN. Chính chúng ta sẽ làm rạng rỡ trở lại truyền thống cha ông. Tôi xin nghiêng mình kính phục đồng bào công giáo Việt Nam nói chung và riêng công giáo Hà Nội về cuộc tranh đấu này. Đó không chỉ là giấc mơ, nó đang lớn dần thành hiện thực. Bởi trên hết, tôi tin vào đồng bào Việt Nam của tôi” (NguoiVeHuu - Nghĩa đồng bào và cuộc đấu tranh của giáo dân Hà Nội)

Công hàm

- Ngày 4/9/1958, Thủ tướng TQ Chu Ân Lai tuyên bố: “Bề rộng lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa [tức Hoàng Sa], quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa [tức Trường Sa], và các đảo khác thuộc Trung Quốc”.

- Mười ngày sau, 14/9/1958, Thủ tướng VN Phạm Văn Đồng khẩn gửi công hàm phúc đáp: “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4/9/1958 của Chính phủ Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể”.

- Ngày 22/09/1958, báo Nhân Dân đăng toàn văn bức công hàm vừa kể, để toàn đảng, toàn dân và toàn cầu biết hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ bấy giờ không còn là của Việt Nam nữa.

- Tháng 02/1972, Cục Đo đạc và Bản đồ VN, trực thuộc phủ thủ tướng, cho phát hành Tập Bản Đồ Thế Giới, trong đó Hoàng Sa và Trường Sa được gọi hẳn là Tây Sa và Nam Sa, đúng theo chỉ đạo của Bắc Kinh.

- Năm 1974, để giáo dục cho các thế hệ trẻ, bài địa lý “Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa” trong sách giáo khoa VN viết rằng: “Chuỗi hải đảo từ Nam Sa (Trường Sa) và Tây Sa (Hoàng Sa) tới Hải Nam và Đài Loan là bức tường thành bảo vệ lục địa Trung Quốc”.

- Tháng 5/1976, kỷ niệm năm đầu thống nhất đất nước, bài bình luận của báo SGGP về việc TQ chiếm Hoàng Sa bằng võ lực đối với hải quân miền Nam ngày 19/01/1974, đã xun xoe nắn nót: “Trung Quốc vĩ đại đối với chúng ta không chỉ là đồng chí, mà còn là người thầy tin cẩn đã cưu mang chúng ta nhiệt tình để chúng ta có ngày hôm nay. Vì vậy chủ quyền Hoàng Sa thuộc Việt Nam hay thuộc Trung Quốc cũng vậy thôi!”.

- Thơ Tố Hữu: “Bên kia biên giới là nhà/Bên đây biên giới cũng là quê hương!”. Tố Hữu có họ hàng cùng tổ khác quê với Tố Phụ ở đầu bài.

- Chưa đủ ngạc nhiên ? Bản tin ngày chủ nhật 09/12/2007 của hãng thông tấn AP có nhiều điểm cực lạ và rất đáng suy ngẫm: Bá quyền phương Bắc xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa, gộp vào đơn vị hành chánh Tam Sa - Thanh niên sinh viên Việt Nam biểu tình tuần hành phản đối việc xâm chiếm - Công an Hà Nội dàn quân ra giải tán sinh viên.
- Uất hận ?
Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm
Tổ Quốc bao giờ nhục thế này chăng ?
Hãy trông kìa !
Bọn thẻ đỏ tim đen tiếm quyền hóa giặc
Bịt miệng người kêu nỗi đau Ải Bắc
Bóp cổ người thét nỗi nhục Hoàng Sa
Sông có nghe nỗi nhục chuyển sơn hà ?
Hãy trông kìa !
Bọn thẻ đỏ tim đen tiếm quyền hóa giặc
Một lũ sói nhe nanh kết bầy nhâng nháo khắp
Móc túi dân
Cướp đất dân
Bóp cổ dân
Nỗi oan dâng núi thét sông gầm…
Hỡi sông Hồng
Hỡi sông Hồng
Hỡi sông Hồng tiếng thét bốn nghìn năm
Tổ Quốc bao giờ nhục thế này chăng ?
(Đà Lạt 12.09.2008 – Bùi Minh Quốc)
- Gióng tiếng ? “Kiến Nghị Hủy Bỏ Công Hàm 14 /9/1958 Của Thủ Tướng Phạm Văn Đồng: Ngày 14 tháng 9 năm nay là vừa tròn nửa thế kỷ đã trôi qua đối với bản công hàm do cá nhân thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký mà không thông qua Quốc hội, không trưng cầu ý kiến toàn dân. Bởi vậy, nhân dịp này chúng tôi khẩn thiết đề nghị Nhà nước ta chính thức tuyên bố hủy bỏ Công hàm mà cá nhân thủ tướng Phạm văn Đồng đã ký ngày 14 /9/1958 gửi cá nhân thủ tướng Chu Ân Lai… Chúng tôi hoàn toàn tin rằng đây là sở nguyện của toàn dân Việt Nam và làm được như vậy mới có thể chuộc lỗi cùng Tổ quốc và Nhân dân”.

- Chờ đợi ? “Lịch sử rất sòng phẳng. Thời gian trôi qua, dân tộc sẽ có cái nhìn khách quan hơn, đánh giá công, tội một cách rõ ràng; sự kính trọng đối với từng nhân vật lịch sử không cần phải áp đặt, cưỡng chế. Là một người dân Mộ Đức, tôi cảm thấy có tội khi nói thêm (Quê tôi) là quê hương của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng” (Đỗ Mai Lộc - Mộ Đức, Quảng Ngãi, Việt Nam).

- Phẫn nộ ? Nguyễn Viện có 1 bài thơ có tựa đề phủ sóng cả nội dung: “Hoàng Sa, Trường Sa và những vùng đất khác của tổ quốc đã mất, nhưng tất cả bọn chúng đều im lặng”:
Hơn 600 tờ báo ở Việt Nam đồng loã bán nước
Hội Nhà văn Việt Nam đồng loã bán nước
Các hội hè Việt Nam đồng loã bán nước
Các trí thức Việt Nam đồng loã bán nước
Thằng bán nước tự cho mình sáng suốt
Thằng đồng loã bán nước tự cho mình khôn ngoan
Chọn tư thế khom lưng quì gối để làm gì ***** biết…
- Phản đối ? Ngày 18/9/2008, cô Phạm Thanh Nghiên đã bị công an thành phố Hải Phòng khởi lệnh bắt giam trong lúc đang tọa kháng tại nhà, trước hai khẩu hiệu: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” và “Phản đối công hàm bán nước của Phạm Văn Đồng”. Nghe đâu Nhị Trưng, Triệu Trinh Nương và cả Thánh Gióng đã cưỡi voi và ngựa sắt vuột thoát trận càn này.


Công lộ

- Bộ Y tế vừa ban bố Quyết định 33/2008/QĐ-BYT với một số quy định mới về “Tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới”. Giới hạn việc lái xe máy từ 50-175cc gồm những người có chứng tật hay bệnh: thấp bé (dưới 1,45m), nhẹ cân (dưới 40 kg), ngực lép (dưới 72cm), thiểu lực bóp tay (26Kg), thiểu lực kéo thân dưới (70kg)… Những người có bệnh viêm loét thực quản, hẹp thực quản, loét dạ dày, sa trực tràng, trĩ, viêm gan mãn tính, to gan, teo gan, người bị vỡ xương hàm… không được phép lái xe… Tổng cộng 83 điều quy định cả thảy. Blogger ChungDoKwan có thơ rằng: “xin em đừng khóc nữa mà / vú mà có lép thì ta đèo giùm”. Còn những người to gan thì đa phần đã vào tù cả, chẳng cần lái xe đi đâu cho nhọc xác.

- Theo ông Trần Quý Tường, Cục phó Cục khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế: “Tiêu chuẩn sức khỏe được áp dụng để khám sức khỏe cho lái xe, bao gồm cả khám tuyển và khám định kỳ”. Thì ra, Bộ Y tế nhà ta có cách kiếm tiền bằng luật. Sau đó là Bộ Giao thông, và Bộ Công an… Mới hay, đảng và nhà nước ta cực lực chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tất cả đều bằng luật hẳn hoi. Bất kể công nhân Vedan, người sản xuất bánh phở formol, giò lụa hàn the, người bán Sữa melamine, và cả người quản lý các đội nhi đồng lao động cật lực ở Bình Hưng Hòa… cũng đều phải tuân thủ luật y tế-giao thông này tất tật. Xem ra, cảnh sát công lộ có thể gia tăng thu nhập vượt đà lạm phát VinaSat-1 hiện nay.

- Chiều ngày 17/10/2008, tại Trụ sở Bộ GTVT, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã có cuộc trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Việt Nam về vấn đề Văn hóa Giao thông: “Thanh niên cả nư­ớc hãy nhiệt thành hư­ởng ứng việc xây dựng xã hội giao thông thân thiện, đầy tình ng­ười và không tai nạn”. Thế mới biết tình hình hoạt động liên bộ vô cùng sôi động đại đoàn kết: giao thông-y tế-văn hóa-công an-tư pháp… Khiến có kẻ hoang mang, không hiểu Chủ tịch Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia là Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin, Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải, hay Bộ trưởng Bộ Y tế? Và ai có tình người?

- Sôi động như đứng trước tình hình kinh tế suy thoái cạn kiệt hiện nay, cả chính phủ và đặc biệt bộ Tài chánh không có một biện pháp ngăn chận hay cứu vãn nào, mà lại dồn hết nỗ lực cho bộ TT-TT tuyên truyền trên báo đài rằng: Chúng ta chưa có gì phải lo lắng quá đáng, đó là biểu hiện suy thoái toàn cầu, VN có rất nhiều cơ hội vượt qua…

- Sôi động như LS Phan Đăng Thanh, trên tờ Pháp luật TPHCM cho rằng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tác giả quyển tiểu thuyết Tột Đỉnh Tình Yêu là nhà văn Thúy Ái và những người có trách nhiệm ở Nhà xuất bản Trẻ về tội danh tương tự như nhà báo Nguyễn Việt Chiến từng bị ghép án: “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo Điều 258 Bộ luật Hình sự”. Vẫn chưa hết ngạc nhiên? Blogger QueenBee treo blast: “Vì đâu mà những quy định quái thai vẫn cứ ra đời sòn sòn ?!”.

- Phản ánh qua mục độc giả trên nhiều báo in và trên blogs, nhiều người đã góp ý về tinh thần tùy tiện, phong cách quan chức, trình độ yếu kém, và thái độ khinh dân của lãnh đạo đảng và nhà nước ta xuyên qua những quyết định, quy định, nghị định, sắc lệnh… tương tự và đều khắp như vậy hiện nay. Lại có người nêu ra một số thắc mắc dành cho bộ y tế nói riêng và các bậc trí thức nói chung: Nếu mắc bệnh mù đường lối, điếc tiếng dân, tim vô cảm, óc xơ cứng; hoặc mắc tật tham đô-la, thích bằng giả, ưa rút ruột, mê làm luật, khoái phong bao, vòng bụng thước mốt… thì có hội đủ tiêu chuẩn để lãnh đạo, chưa nói là để luân phiên tiếp nối muôn năm trường trị đất nước ta không?

- TS Nguyễn Quang A: “Có lẽ nên bình tâm để loại căn bệnh thần kinh phân liệt trong ứng xử của chính chúng ta”.

- “Nhìn ôtô không phanh / Cán chết người giữa phố / Lo nhà nước không phanh / Đè gãy chân lịch sử” (Vũ Cận - Cả Lo).


Công lý

- Ông John Negroponte Thứ trưởng bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, đến Hà Nội vào lúc đảng và nhà nước ta mở chiến dịch cầm chân bắt giữ nhiều người tranh đấu cho dân chủ mà họ cho rằng có liên quan đến lời kêu gọi biểu tình phản đối bản công hàm của cố TT Phạm Văn Đồng, do sinh viên Việt Nam dự trù tổ chức vào ngày chủ nhật 14/9/2008. Chuyến thăm Việt Nam của ông Negroponte cũng là lúc toà án CSVN đọc án phạt tay dân báo Điếu Cày 30 tháng tù vì ông đã tích cực tham gia các cụôc biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của người Việt. Ông John Negroponte đã thúc giục Hà Nội cải tổ hệ thống tư pháp để bảo đảm công bằng và nêu vấn đề đàn áp nhân quyền tại Việt. Lý do ?

- Nhà văn Vũ Thư Hiên lột tả sự thật: “ở chế độ này, mỗi công dân là một người tù dự khuyết” (toàn số lẻ). Công tố viên của Viện kiểm sát chỉ làm mỗi việc là chính thức hóa họ thành người tù áo sọc bằng một bản án nhét túi sẵn.

- Luật sư Đặng Dũng, trả lời phỏng vấn của Gia Minh, về phiên tòa phúc thẩm 2 Luật sư Nguyễn Văn Đài & Lê Thị Công Nhân: “Tôi cũng yêu cầu là xem xem cái điều 88 này nó có mâu thuẫn, có xung đột với những công ước mà Việt Nam gia nhập hay không, để yêu cầu quốc hội và uỷ ban thường vụ quốc hội trả lời. Và tôi yêu cầu ngưng việc xét xử này lại để đề nghị uỷ ban thuờng vụ quốc hội xem xét hai điều: Nó có vi phạm những điều trong hiến pháp hay không. Bởi vì khi mà nó có những sự khác biệt thì toà án nhân dân có nhiệm vụ yêu cầu quốc hội giải thích…. Điều này chưa có tiền lệ ở Việt Nam, nhưng trong luật có cho phép. Và quan trọng nhất là điều ước mình ký kết này nó mâu thuẫn, căn cứ trên điều 6 của luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, thì điều 88 này cũng mâu thuẫn với những công ước quốc tế, vậy theo điều 6 đó thì điều 88 này phải không được áp dụng. Và họ không cho chúng tôi nói”. Con số 88 mang ý nghĩa tượng hình của 2 chiếc còng là thế !

- Kể về việc biện hộ cho 2 Luật sư Nguyễn Văn Ðài và Lê Thị Công Nhân, Luật sư Lê Công Ðịnh cho biết: “Tôi chỉ tham gia ở giai đoạn phúc thẩm… Điều đáng tiếc là hội đồng xét xử không nghe những lập luận của chúng tôi. Sự đóng góp của chúng tôi giới hạn vì tôi có cảm giác là hội đồng xét xử đã có sự ấn định trước nên mọi việc tranh luận không có ích lợi lắm”. Là bởi HĐXX không dám/không nên/không được/không thể tranh luận với bản án nhét túi (bất khả tư nghì) của Bộ Chính trị.

- Luật Sư Lê Công Ðịnh, phó chủ nhiệm Ðoàn Luật Sư Sài Gòn, xác nhận với đài RFA là có sự cản trở trong việc biện hộ cho Blogger Điếu Cày: “Viện Kiểm sát chỉ chấp nhận một luật sư duy nhất, còn cá nhân tôi thì họ vẫn ngăn cản không cho tham gia. Tôi không biết vì sao. Tuy nhiên tôi vẫn quyết tâm tham gia vụ này vì gia đình và cá nhân anh Hải nhờ tôi bào chữa”.

- Trong phiên tòa, ký giả Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên) khẳng định ông không hề phạm vào các tội bị quy kết, và cho đến khi bị bắt, ông không hề bị khiển trách, hay bị độc giả phản đối. Ông yêu cầu tòa công khai hóa các cuộn băng ghi âm mà ông đã nộp, nhưng quan tòa từ chối. Các luật sư của ông cũng đưa ra nhiều lập luận xung quanh những vấn đề cơ bản trong cáo trạng như: căn cứ để xác định tội “làm lộ bí mật công tác”; quyền và nghĩa vụ của nhà báo được quy định theo Luật Báo chí; đề nghị làm rõ khách thể bị xâm hại và hậu quả thiệt hại do hành vi được cho là phạm tội của các bị cáo; mức độ khách quan của các cáo buộc; việc xem xét vật chứng như thế nào; động cơ, mục đích của các bị cáo nguyên là phóng viên trong quá trình tác nghiệp vụ PMU18… Tuy nhiên, không một ai có thể làm thay đổi bản án nhét sẵn vào túi chánh thẩm. Cộng Đồng Liên Hiệp Âu Châu lên tiếng vào sáng 17/10/2008: “Đó là một cuộc tấn công vào sự tự do phát biểu chính kiến” .

- Tù đày là vũ khí cuối cùng của bạo lực. Để làm cho dân sợ mà ngoan ngoãn với chế độ. Riêng ở VN, từ sau sự kiện Tam Sa, đã khác. “Đây là một cuộc giằng co tam giác: Hà Nội-Bắc Kinh–Việt Tộc. Hà Nội thẳng tay khủng bố Việt Tộc, nhưng lại khấu đầu thần phục Bắc Kinh. Bắc Kinh không ngán đàn em Hà Nội, chỉ ngại tính bất khuất kiên cường của Việt Tộc. Việt Tộc bị trói tay bởi chính quyền của họ, nhưng nhất định không sợ Tàu khựa. Trong cuộc chơi tay ba đó, khi người dân Việt không sợ chính quyền của họ nữa, thì đó chính là lúc họ chuyển nhượng trọn vẹn cho nhà cầm quyền Hà Nội cả hai nỗi sợ: vừa sợ quan thầy, vừa sợ nhân dân. Rõ ràng là Dân Việt không sợ chính quyền của họ nữa: Họ sẵn sàng đi tù !…”.

Công-Nông-Trí
- Trí, Phú, Địa, Hào:
Bốn anh Trí Phú Địa Hào
Chỉ riêng anh Trí lao đao đến giờ
Đảng ta thương Trí ngu ngơ
Cho Công-Nông-Trí chung cờ liên minh
Trông lên Liềm-Búa hai hình
Trí ta vẫn chẳng thấy mình ở đâu
Quay sang tìm Phú, Địa, Hào
Thấy ba bụng phệ …đã vào…Đảng ta !

Hà Sĩ Phu-1996
- “Ngày nay trong cụm từ ‘Liên minh Công – Nông – Trí’ tôi ngờ rằng chúng ta đã dùng từ ‘trí’ để chỉ những người lao động trí óc (kỹ sư, bác sỹ, nhà văn, họa sỹ, v.v…) chứ không phải là trí thức theo cách hiểu thông thường của thế giới hiện đại. Trong số rất đông những người lao động trí óc đó chỉ có một số là trí thức thực thụ mà thôi. “Một số” này đã quy tụ lại (chủ yếu là thông qua diễn đàn, dư luận) thành một tầng lớp trí thức với đúng nghĩa của nó hay chưa vẫn còn là một vấn đề cần được thảo luận” (GS Chu Hảo). Quả thế: Nông dân viết đơn khiếu kiện lên áo – Công nhân đình công liên tục – Trí thức khơi nguồn chảy máu chất xám đồng loạt khắp nơi… Liên minh là thế nào?

- “Muốn ‘hiền tài là nguyên khí quốc gia’ trở thành sự thực, muốn trí thức đóng góp xứng đáng cho đất nước chắc chắn cần nhiều thay đổi. Mà là thay đổi từ cả hai phía, nhà chức trách và bản thân trí thức. Điều kiện cần cho sự phát triển lành mạnh của trí thức là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận” (TS Nguyễn Quang A).

- Ruộng nhiều cỏ hơn lúa, thì nên cấy lúa cho thẳng hàng hơn, hay là nên cải tạo đất và diệt cỏ? Đã trả lời được câu hỏi này thì không cần phải thắc mắc là đảng sẽ đi đâu hay trí thức sẽ về đâu. Khí phách của cả trí thức lẫn của đảng (nếu có) phải tập trung vào câu hỏi: Dân Tộc Việt Sẽ Về Đâu? Đích nhắm lý tưởng cho một Việt Nam cất cánh không phải do trí thức mơ ước hay do đảng hoạch định - đảng không có khả năng đó. Đích nhắm lý tưởng đó là khát vọng của của dân tộc ta. Cả đảng lẫn trí thức chỉ là những thành phần thực hiện khát vọng này. Trong đó, phần nào là cỏ thì phải thay bằng lúa.


Công quỹ

- Mọi thứ đều của nhân dân. Duy nhất chỉ có Ngân Hàng Nhà Nước. Đó là đoạn ghép phần công khố vào phân đoạn công quỹ (Phần này có liên hệ đến cả công thổ, công thự, công trái, công nha, công nợ và công xa).

- Quốc tế ca có đoạn: “Toàn nô lệ vùng đứng lên đi / Nay mai cuộc đời của toàn dân khác xưa / Bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình”. Văn hoa ở thể lục bát: “Những người xưa chỉ tay không – Mai đây tất cả sẽ trong tay mình“. Đây chính là ý niệm cốt lõi và là gốc rễ của quốc nạn bòn rút sinh lực quốc gia. Bắt đầu từ thời cải cách ruộng đất: diệt địa chủ, vơ tài sản. Biến thành Văn Hóa Chia Quả Thực, thay thế cho tất tật mọi nền văn hóa truyền thống trên đất nước ta. Và cũng không từ Quả Thực cả những nhà tình nghĩa, những tấm lòng vàng, những ngân khoản xóa đói giảm nghèo, cả những quà cứu trợ lũ lụt tai ương…

- Hệ quả của nó là Văn Hóa Lãng Phí, bằng tay, và Văn Hóa Chống Lãng Phí, bằng mồm. Cái sau chạy không lại cái trước. Chạy cầm chừng, cho có, để tỏ rõ mỗi người trong tập thể ta đây đều là cổ động viên của cần kiệm liêm chính. Những ví dụ như Vinashin, EVN… có hàng đống trên thập loại báo chí hàng ngày, không cần phải dẫn ra đây. Ông Cư Hòa Vần, Phó chủ tịch UBMTTQVN, đặt câu hỏi trong cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ mới đây: “Có phải lãng phí tràn lan từ trung ương tới địa phương chính là một trong những yếu tố quan trọng dẫn tới lạm phát ?”. GS David Dapice của Đại học Havard kết luận bản nghiên cứu rằng hàng năm Việt Nam tổn thất khoảng 2% GDP do lãng phí, tương đương với 1 tỷ UDS/năm. Trong lúc một phụ nữ ở Tây Ninh phải nhảy sông tự tử vì thiếu nợ 200.000đồng (~12USD) vào sáng ngày 7/9/2008.

- Tham Nhũng và Chống Tham Nhũng cũng thế. Có khi còn hơn thế. Đặc biệt là sau vụ án chống tham nhũng bị án tòa của hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Tiến. Rõ ràng, đảng và nhà nước ta không chỉ bảo kê tham nhũng. Các bản án loại này còn là những tấm huân chương cao quý khuyến khích cán bộ các cấp tha hồ phát huy tham nhũng. Nhà báo nào muốn khui ra thì cứ chuẩn bị sẵn người thăm nuôi là vừa. Bằng chứng? Nguyên dàn báo chính quy của ta hoàn toàn im lặng về vụ nhân viên PCI của Nhật và Nexus của Mỹ hối lộ các quan chức VN. Đã vậy, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn còn triển khai quyền bịt miệng xuyên biên giới, yêu cầu cả báo chí Nhật Bản ngưng đưa tin về vụ việc “trong lúc điều tra đang diễn ra”.

- Chính nhờ đó, nền Văn Hóa Tham Nhũng của ta đã vang danh thế giới, ngay sau phiên tòa xử hai ký giả vừa nêu: Tính cho đến thời điểm sáng 17/10/2008, chỉ trong vòng một ngày, mà có đến 165 bản tin thế giới nói về tham nhũng ở Việt Nam. Từ các hãng tin nổi tiếng Reuters, AFP, AP, BBC News, cho đến các tin từ Á sang Phi như: Manila Times, NewsAsia, South Africa, ngay cả các giới tài chánh cũng để ý đến như: Interactive Investors, Australian Broadcasting Corporation, EU Business, Financial Times… với đầy đủ các ngôn ngữ chính quốc tế như: Anh, Pháp, Ý, Đức, Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan, Ba Lan, Nga, Tiệp, Rumania, Đan Mạch, Tây Ban Nha…

- Hệ quả cấp hai của nền Văn Hóa Chia Quả Thực nói trên là khoảng cách giàu-nghèo ngày càng doãng rộng ra, giữa nhân dân với cán bộ, thậm chí, giữa cán bộ các cấp với nhau. Từ thời bao cấp đã có thơ rằng: “nạn nhân bị xe cán / ruột gan và rau muống / một đống bên lề đường / đám đông nhìn cảm thương / người này là cán bộ / nhưng là cán bộ thuờng!”. Ai cũng biết Bùi Tấn Dũng/Nguyễn Việt Tiến chỉ là phần nổi bé tí bên trên cả một khối băng sơn khổng lồ của “những đồng chí chưa bị lộ”, giữa một đại dương xóa đói giảm nghèo 531 bao la.

- “Một trong những lãng phí lớn nhất, khó sửa sai nhất là lãng phí cơ hội và tiềm năng phát triển của đất nước. Năng lực của đất nước, vốn xã hội, hiền tài của quốc gia… bị sử dụng dưới mức tiềm năng là một trong những lãng phí lớn nhất không có gì sánh được. Hệ thống tổ chức cán bộ, quy hoạch cán bộ với những định kiến lạc hậu đã vô tình trong nhiều năm qua làm cho đất nước bị lãng phí một nguồn tài nguyên quý hiếm vốn luôn là động lực mạnh mẽ cho mọi sự phát triển: nguồn tài nguyên chất xám và các giá trị đạo đức để kiến tạo một xã hội văn minh!” (Blogger HuuNguyen).


Công sự

- “Niềm tin đi trước, sự tử tế đi liền theo sau vì chúng không thể thiếu nhau. Một thằng mà chết thì thằng kia cũng chết theo…” (Blogger HienH). Các nhà báo chính thống đã rút dần vào công sự liên thủ, tính chuyện đường dài. Đặc biệt là sau hai đòn thù kinh hoàng giáng xuống báo Thanh Niên và báo Đại Đoàn Kết. Không chỉ gãy bút mà còn gãy cả chân. Hội Nhà Báo, như phôn di động vào quán Karaoke, đã “chuyển qua chế độ rung”, hoàn toàn tắt tiếng. “Chúng tôi sống bây giờ / Mỗi khuôn mặt đều có phần bí ẩn / Mỗi trái tim đều có phần im lặng / Mỗi niềm tin đều mất chút ngây thơ…” (Tuân Nguyễn). Lại có người đề nghị: “Ngày xưa, Sài Gòn có phong trào ký giả đi ăn mày. Nay, nên có phong trào ký giả đi làm đĩ !” (Blogger 4B – búp bê bằng bột).

- Đa số phóng viên đều thấy rất rõ những bức xúc chất chồng và các giới hạn sinh tử của bản thân trong guồng máy truyền thông chính quy. Họ viết thoải mái hơn trên blog riêng với nick riêng của họ. Chí ít, ở đó, họ có thể đẩy sâu ý nghĩ hay dám mò tìm đến tận cùng sự thật. Ở đó, họ dám thật lòng với chính mình:

- Quả thật, “Bạo lực không sống một mình và không có khả năng sống một mình; nó buộc phải đan xen với dối trá. Giữa chúng có một mối dây liên kết tự nhiên, mật thiết và sâu đậm nhất. Bạo lực lấy gian dối làm nơi trú ẩn, gian dối lấy bạo lực làm chỗ nương tựa. Người nào từng một lần tuyên bố lấy bạo lực làm Phương Pháp thì người đó buộc phải chọn dối trá làm Nguyên Tắc” (Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn 1918-2008). Cả trong lãnh vực kinh tế quốc gia cũng thế: Ngược với nhận định của Chính phủ Việt Nam, tân Kinh-tế-gia Trưởng (không phải kinh-tế gia-trưởng) của UNDP Alex Warren Rodriguez tại Hà Nội cho rằng khủng hoảng tài chính toàn cầu có thể tác động xấu tới xuất khẩu, thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam.

- Quả thật: Đó không chỉ thuần là những cái sai, cái láo, cái dối trá, cái bịp bợm cá nhân. Đó là Hệ Thống Tội Ác Có Tổ Chức.

- Quả thật, “Sức mạnh lãnh tụ không đến từ bản lãnh, khả năng và lòng yêu nước của cá nhân những người cầm quyền, không đến từ sự chọn lựa dân chủ và tín nhiệm của nhân dân, mà lại được bao che, bảo vệ bằng cách tự ghi thành điều bốn hiến pháp, bằng nhà tù và súng ống, bằng sự tự khẳng định vai trò độc tôn tuyệt đối của đảng trong “sứ mệnh” lèo lái con thuyền quốc gia bất chấp kiến năng tụt hậu, kém cỏi. Trong lãnh vực đối ngoại, không biết các áp suất từ Bắc Kinh là bao nhiêu, nhưng đủ ba đời tổng bí thư của đảng ta đã sẵn sàng dâng nhượng cho Trung Quốc liên tiếp hàng trăm cây số vuông lãnh thổ Việt Nam, rồi hàng chục ngàn cây số vuông lãnh hải Việt Nam, rồi quyền lợi đánh cá của Việt Nam trong vịnh Bắc Bộ. Chưa kể đến thái độ câm nín và hèn hạ trước sự kiện Tam Sa và rước đuốc Bắc Kinh. Trong lãnh vực đối nội, các lãnh đạo đảng lại tỏ ra cực kỳ cương quyết, sử dụng đủ loại biện pháp bạo lực và thẳng tay trừng trị mọi thành phần quần chúng tay không nhưng có ý kiến khác với đảng. Lãnh tụ của nước ta bao năm nay thực chất chỉ là các lãnh chúa của một nền phong kiến nối dài” (Lê Thanh - Thế nào là một nhà lãnh đạo mạnh).

- Quả thật: Tư thế lãnh đạo, nói theo ngôn ngữ chứng khoán, là đã tụt xuống dưới cả đáy mức sàn. Sinh viên phủi sạch lãnh đạo bác đảng bằng kiểu xách mé hỏi nhau: “Tôi có phải là vô ơn không?”. Tư thế lãnh đạo không khác mấy bức ảnh nhăn nhúm dị hình trên những quả bóng đã bị xì hết hơi. Chả trách gì một anh dân phòng vô danh không lon lá nào đó cũng có thể te tái mắng thẳng vào mặt một vị Đại Biểu Quốc Hội tăm tiếng ngay trước quán phở Thìn đông khách: “Già rồi mà còn ngu!”. Và nếu Quốc Hội không nhìn xa hơn cái gánh nhãn, không phấn đấu đổi mới được vị thế để gióng lên tiếng nói của dân, thì hóa ra anh chàng dân quân đó nói không sai: “Đại biểu cũng chả là cái gì! ”. Chữ tin còn một chút này / Chẳng cầm cho vững lại (nỡ lòng) dày cho tan ?

- Quả thật, “Những sự kiện xảy ra gần đây cứ như một quả bom nhắm thẳng vào sự hờn giận âm ỉ của từng con người về những được mất quá khứ, hiện tại của riêng họ. Trong bóng tối tinh thần đó, những động thái kì lạ - hay đúng hơn là “cứng rắn một cách quê mùa” của chính quyền đang đem lại những hiệu ứng cũng… kì dị không kém. Mà hậu quả… khó ai có thể lường trước được !” (Khải Đơn).

- Quả thật, “Những thế hệ mới của nhân dân không thể chờ thêm đến đời con cháu họ. Nhân dân đã tự giải quyết lấy các vấn đề xã hội sát sườn, kể cả việc tự lập hội để kề vai nhau giải quyết các vấn nạn tại địa phương. Quy trình tự lo lấy đó là nền móng của sinh hoạt đa nguyên trong xã hội. Con đường không thẳng và chưa phẳng, đó đây vẫn còn những chỗ lồi lõm gồ ghề, nhưng mọi người đều thấy đó là cột mốc của các xa lộ thông thoáng trong một tương lai gần. Rõ ràng, xã hội VN đang trên đường xây dựng một định chế dân sự mới. Cốt lõi của nó chính là giá trị củng cố và phát huy sức mạnh liên kết của cả dân tộc, cả trước lẫn sau khi chấm dứt nạn độc tài, dù là độc tài cộng sản bây giờ hay độc tài không cộng sản về sau. Không một APEC hay WTO nào có thể tự nó làm thay đổi vận mệnh Việt Nam. Chính người Việt Nam phải làm điều đó. Hãy sát cánh cùng nhau để phá vỡ hẳn cái nguyên trạng teo tóp còn lại của đảng CSVN ngày nay. Hai từ xoay chuyển đang nằm gọn trong tay của mỗi chúng ta” (Nguyễn V. Nam - Cái nguyên trạng teo tóp sau X đã vỡ).

- Làm gì đây ? “Dù là một hành động nhỏ bé, nhưng với tinh thần đất nước là của chung, tôi xin kính khẩn kêu gọi mọi tầng lớp công dân Việt Nam, quý bác, quý chú đã từng hy sinh cuộc đời của mình cho nền độc lập của đất nước, các anh chị và các bạn trẻ đang mong ước đất nước Việt Nam sẽ ngẩng cao đầu với cộng đồng nhân loại, hãy cùng với tôi bày tỏ thái độ và lòng yêu nước của mình ngay tại chính nhà của quý vị, bất cứ ngày nào khởi từ ngày 14 tháng 9 này trở đi, nếu như quý vị cũng như chúng tôi bị ngăn cấm, không thể đến được nơi biểu tình ở Hà Nội vào 14/9 trước sứ quán Trung Quốc” (Tâm Thư Viết Trước Khi Bị Bắt - Công dân Phạm Thanh Nghiên - 17 Phương Lưu 2 - Phường Đông Hải - Quận Hải An - Hải Phòng).

- Còn giới bloggers ? “Chúng tôi không cần 25ha ở một nơi nào đó để khắc tên 16.000 tiến sĩ. Chúng tôi chỉ cần một dòng blast để khắc tên những người dám nói lên Sự Thật và một con tem avatar để khắc hình biểu trưng của Sự Thật. Chúng tôi có vài triệu blast, cả trong lẫn ngoài nước, để nhắc nhở nhau, và sẽ nhắc nhau hàng ngày. Chúng tôi là tiếng nói của tự do. Chúng tôi chuyên chở Sự Thật từng bị nhà nước bưng bít dấu nhẹm. Chúng tôi có nhiều triệu độc giả. Chúng tôi tự hào là điểm cân bằng/bổ xung/đối trọng với các cơ quan ngôn luận của đảng và nhà nước. Chúng tôi đả phá trước tiên cái ý niệm cơ quan ngôn luận. Chúng tôi là bloggers. Chúng tôi là dân báo Việt Nam”.

- Thương biết mấy ! Các lá tẩy của đảng ta đều đã tô hô nằm ngửa, trước nhiều triệu cặp mắt chăm bẳm từ trong nhìn ra lẫn từ ngoài địa vào. Chẳng còn ai tin! Trống mẹ trống con lẫn nồi niêu soong chảo gõ um vẫn không đuổi được con lốc xoáy qua đê. Chẳng còn ai sợ! Có tay báo tây lêu lêu TT Dũng thua đậm phen này. Trong vườn mỗi tên một gậy múa, chiêu thức tay phải đỡ đòn tay trái. Trên bảo dưới không nghe đã đành, bây giờ còn đây nói đó đếch nghe. Đấu đá ăn lan từ Bộ Chính trị xuống tới hạ tầng. Mắt trả mắt, răng đổi răng. Các đòn thù tung ra dứt điểm hàng ngang… Hàng họ phơi bày khắp chốn đến Thị Nở cũng phải đỏ mặt.
- Trong cơn hoảng loạn tả xung hữu đột búa xua này, liệu là đảng và nhà nước vẫn còn muốn điềm nhiên: “Mọi sự đều ổn định” ? Hoặc tiếp tục diễn trò điều hướng dư luận bằng cách xé bung dăm chuyện vặt (tự hào/ngực lép) để đánh lấp chuyện động trời (công hàm dâng hải đảo) ? Hay là nên họp một Đại Hội Bất Thường ? Tại sao không ?

30/10/2008 – Chào mừng Hội chợ Nông nghiệp AgroViet 2008 khai mạc tại TTTT Phú Thọ - Sài Gòn.
Blogger Đinh Tấn Lực.
Chân tình cảm tạ các Bloggers bạn đã cho mượn cả lời lẫn ý được dẫn trong bài.

Thursday October 30, 2008 - 12:56am (ICT)

No12: 30 Năm: Sai Sửa - Sửa Sai

Ít người Việt Nam ngày nay mà không biết đến nụ cười ra nước mắt của tác giả Phan Hiền khi ông dùng một câu thách đối ngày xuân để mô tả cảnh loay hoay của những lãnh tụ cộng sản Việt Nam suốt 30 năm lãnh đạo vừa qua. Toàn cảnh ấy được gói trọn trong 3 câu ngắn ngủi:

"Sai đâu sửa đấy. Sai đấy sửa đâu? Sửa đâu sai đấy."

Chỉ cần lùi lại 30 năm. Nhìn vào những ngày đầu tiên sau biến cố 30 tháng 4, 1975, người ta đã có thể nhìn thấy cội nguồn của những tan hoang hôm nay. Vào những ngày ấy, Đảng Cộng Sản Việt Nam hạ quyết tâm tiếp tục "xông lên" và "xốc tới" trong tinh thần Phó Thác Lý Trí. Tinh thần này chính thức phát xuất từ Hồ Chí Minh với câu khẳng định trước Đảng: "Tôi có thể sai, nhưng các nhà lý luận Cộng Sản như Các Mác, Lê Nin, Xíttalin, Mao Trạch Đông thì không thể sai được." Khi tinh thần đó xuống đến hàng cán bộ CSVN cao và trung cấp, nó trở thành lời tụng niệm: "Chúng ta có thể sai, nhưng Bác Hồ thì không thể sai được." Và khi xuống đến phường xã thì nó đã trở thành qui luật có tính ’đời đời bền vững’, đó là: "Chúng ta có thể sai, nhưng Đảng thì không thể nào sai được." Thế là cả đảng chỉ làm một công việc là đem toàn bộ các mô thức cộng sản sẵn có chụp xuống xã hội Việt Nam. Khúc nào dư ra thì hoặc bị ấn đạp vào cho vừa khuôn mẫu, hoặc bị cắt bỏ đi không thương tiếc. Theo họ, chỉ có một cách giải quyết toàn bộ các vấn đề của Việt Nam và thậm chí của cả thế giới.

Tinh thần thứ hai mà những người lãnh đạo đảng CSVN, trong men say chiến thắng năm 1975, đã cho đảng viên mọi cấp học tập là: "Đánh giặc Mỹ mà Đảng ta còn đánh thắng thì cải tạo xã hội Việt Nam đâu có gì là khó." Từ điểm xuất phát đó toàn Đảng xông vào cải tạo xã hội bằng tinh thần áp dụng sở trường chiến tranh. Các sĩ quan chỉ huy quân đội, các cán bộ từng nắm các mạng lưới nội thành trở thành các bí thư xã ủy, quận ủy, tỉnh ủy với uy quyền tuyệt đối. Mọi cá nhân, đoàn thể, và định chế xã hội được xem như những cây cầu, ngọn đồi, hay mảnh ruộng trong chiến tranh, nghĩa là nếu Đảng không chiếm hay kiểm soát được thì phải giật xập, phá nát, hay đốt sạch.

Cả hai tinh thần Phó Thác Lý Trí và Áp Dụng Sở Trường Chiến Tranh trong 30 năm qua không chỉ kéo đất nước đến bờ vực thẳm mà thực sự ngày nay, cả nước Việt Nam đang mang đầy thương tích dưới đáy vực thẳm của đói nghèo, mặc dù đã trả cái giá hy sinh của hàng chục triệu sinh mạng con người.

Trước hết, với mô hình chỉ còn giai cấp công nông trong xã hội, đi kèm với loại tâm trí chỉ có TA và THÙ từ thời chiến tranh, nhiều trăm ngàn quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa, bao gồm hầu hết mọi nhân viên điều hành guồng máy hành chính, y tế, giáo dục, xã hội cho cả miền Nam bị tập trung vào những vùng rừng sâu nước độc, bị đày ải bằng lao động khổ sai trong tình trạng đói khát bệnh tật, bị buộc đi gỡ bom mìn, v.v. để chết dần.

Cùng lúc đó, từng giai cấp trong xã hội được xếp loại cho đủ các con số chỉ tiêu và loại bỏ. Khởi đầu bằng các đợt loại trừ tư sản mại bản, rồi tiến đến các tầng lớp tiểu thương xuống đến tận những người bán hàng rong, rồi đến những người làm nghề lao động cá nhân bên ngoài các công xưởng và hợp tác xã, và sau hết là những người không còn nghề gì để làm. Những thành phần bị xem là "ác ôn" nhất trong danh sách kể trên bị lấy hết tài sản và tống vào "trại cải tạo," còn nhẹ nhất trong danh sách này cũng bị dồn vào các vùng "kinh tế mới" hoang dã.

Dĩ nhiên mọi định chế kinh tế tư nhân như hệ thống ngân hàng tư, các hãng xưởng sản xuất công nghệ lớn, các dịch vụ xuất nhập cảng, v.v... đều bị dẹp bỏ. Nhưng nhà nước vẫn chưa an tâm. Để biết chắc là đã vô sản hóa mọi giai cấp trong xã hội, đảng và nhà nước CSVN cho đổi tiền 2 đợt trong vòng 4 năm đầu sau 1975, mà thực chất là phát cho mỗi nhà một số tiền nhỏ và "giữ giùm" tất cả phần còn lại.

Thế là toàn bộ hạ tầng kinh tế, khả năng sản xuất, và các nguồn vốn tại miền Nam bị phá sạch để đồng hạng với tình trạng miền Bắc. Hậu quả lập tức là chỉ trong vòng 3 năm sau ngày "hòa bình và thống nhất" nạn đói và chết đói bắt đầu xảy ra. Tuy vậy, các lãnh tụ Hà Nội vẫn bình chân như vại vì nguồn viện trợ từ Liên Xô vẫn chảy đều để Đảng CSVN nuôi dưỡng hệ thống cán bộ và quân đội. Chính vì vậy mà trong lúc nạn đói trong dân mỗi năm thêm trầm trọng thì Đảng mở cuộc tấn công sang Campuchia năm 1979.

Cảnh đói khổ, kiệt quệ của dân chúng suốt một thập niên chẳng hề làm Đảng chuyển mình trong giấc mộng "Liên Bang Đông Dương." Chỉ khi Tổng Bí Thư Gorbachev của Liên Xô tuyên bố không còn khả năng nuôi ăn, nuôi mặc, nuôi vũ khí các đảng cộng sản đàn em nữa vào năm 1985, thì lãnh đạo Hà Nội mới bắt đầu la hoảng về cơn "Quốc Nạn" và ra lệnh cấp tốc "sửa sai."

Nhưng sửa được gì khi các lãnh đạo Đảng và toàn bộ máy chính quyền vẫn xông vào các vấn đề mới với tinh thần cũ, đó là Phó Thác Lý Trí và Áp Dụng Sở Trường Chiến Tranh. Trước hết mô thức Mở Cửa Kinh Tế - Trói Chặt Chính Trị được rước trọn vẹn từ Trung Quốc về Việt Nam và gọi đó là Kinh Tế Thị Trường Theo Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa (thay vì Kinh Tế Thị Trường theo Đặc Tính Trung Quốc). Cùng lúc đó sở trường du kích chiến được lấy ra đối phó với các nhà đầu tư mà Đảng cố mời vào. Cựu thủ tướng Singapore, Lý Quang Diệu, trong hồi ký đã ghi lại hiện tượng này trong bối rối vì không hiểu tại sao các quan chức CSVN lại phục kích các nhà đầu tư chẳng khác nào như đang rình bắn lính Mỹ. Kết quả là nền kinh tế Việt Nam bị chiếm ngự đến tận ngõ ngách bởi hàng hóa Trung Quốc, bởi các công ty Trung Quốc, và thậm chí bởi cả rau trái từ Trung Quốc đưa vào. Các nhà đầu tư không có gốc Trung Quốc phần lớn rút về sau khi mất sạch vốn liếng vào đầu thập niên 90. Còn lại trên đất nước Việt Nam là một nền kinh tế tư bản hoang dã phục vụ gần như độc quyền cho giai cấp tư bản đỏ bao gồm các đảng viên cộng sản trung và cao cấp đang nắm quyền cùng với gia đình họ.

Với sự xụp đổ của Liên Xô và toàn khối Cộng Sản Đông Âu vào đầu thập niên 90, các lãnh đạo Hà Nội lại một lần nữa la hoảng về nguy cơ "Diễn Biến Hòa Bình" và ra lệnh cấp tốc "sửa sai." Cách sửa sai lần này vẫn chỉ là quy kết các biến cố này lên những kẻ thù đế quốc cho phù hợp với tinh thần Áp Dụng Sở Trường Chiến Tranh và cố sức bám vào Bắc Kinh chặt hơn nữa dù biết rằng quyền lợi đất nước Việt Nam sẽ bị xâm phạm càng ngày càng trầm trọng hơn. Đến cuối thập niên 90 thì tổng cộng 3 đời tổng bí thư và toàn bộ Chính Trị Bộ đảng CSVN quyết định cùng cắt đất, cắt biển, và quyền đánh cá của Việt Nam dâng cho Trung Quốc để mong được tiếp tục duy trì chỗ dựa chính trị và được ban cho các mô thức phát triển kế tiếp.

Hiển nhiên, không có một chính phủ nào hoàn hảo trọn vẹn trên trái đất này. Nhưng điểm khác biệt giữa các chế độ tiến bộ và thụt hậu là khả năng sửa đổi khi có sai trật hay yếu kém. Tại Việt Nam, hệ thống cầm quyền độc tài hiện tại không có khả năng giải quyết các sai trật mà chỉ đi từ sai lầm này sang sai trái khác, bởi vì:

- Đảng cầm quyền từ những ngày đầu vẫn xem dân chúng là đối tượng phải kiểm soát và là công cụ để thực hiện các ý định của Đảng, chứ không phải ngược lại. Do đó Đảng không thể dựa vào dân tộc để kiếm giải pháp, và lại càng không muốn hỏi dân tộc thích đi con đường nào. Làm như vậy sẽ chỉ giảm uy tín và làm sứt mẻ quyền kiểm soát của Đảng. Và cũng chính trên căn bản tư tưởng đó mà Đảng chỉ thấy sự nguy hiểm và nhu cầu cần phải bịt miệng, trừng phạt ngay những ai dám chỉ ra các sai trật của Đảng. Hiện tượng này đến nay vẫn thế và khó có thể thay đổi trong tương lai.

- Các sai trái trong chính sách Nhà Nước cứ tiếp tục gia tăng mức độ ung thối và phá nát xã hội cũng như đất nước ngày nào chúng chưa đe dọa lên chính sự tồn vong của Đảng. Ngược lại, chính một số lớn các tệ nạn hiện nay đang nuôi sống và cung cấp đặc quyền đặc lợi cho bộ máy cán bộ vốn rất cần thiết để duy trì và bảo vệ Đảng. Hiển nhiên trong quan hệ đó Đảng không thể tự cắt bỏ chân tay, và lại càng bất lực khi căn bệnh đã lên đến thượng tầng óc não. Ngay cả khi Đảng phải chấp nhận sửa sai để thoát hiểm thì mục tiêu vẫn chỉ nhằm để cứu Đảng chứ không phải để cứu nước. Do đó các biện pháp sửa sai cũng chỉ làm vừa đủ để qua cơn khó khăn rồi thôi. Căn nguyên của các bệnh tật vẫn còn nguyên vẹn.

- Và sau hết, mỗi lần Đảng nhận mình sai lầm khi tình trạng đã quá bết bát, điều quái dị là Đảng lại kết luận luôn giùm dân chúng rằng toàn dân vô cùng biết ơn lòng yêu nước, tinh thần tiến bộ "tự phê," và nhất là sự sáng suốt của Đảng. Vì vậy, thay vì xin lỗi và từ chức như các chính phủ biết tự trọng tại các nước văn minh, thì các lãnh tụ đảng CSVN lại dùng chính các tuyên bố công nhận một vài sai lầm đó để biện minh cho sự xứng đáng tiếp tục cai trị độc quyền của mình.

Để đưa dân tộc Việt Nam ra khỏi cái vòng lẩn quẩn "Sai đâu sửa đấy. Sai đấy sửa đâu? Sửa đâu sai đấy," chỉ có giải pháp duy nhất là thay đổi toàn bộ cơ chế cai trị ung thối hiện tại. Đất nước Việt Nam cần một thể chế dân chủ thực sự để trả lại quyền làm chủ - bao gồm cả quyền sửa sai chính phủ - cho nhân dân.

วันพฤหัสบดีที่ 30 ตุลาคม พ.ศ. 2551

No11: Thanh trừng làng báo

Trần Khải


Cựu TBT báo Đại Đoàn Kết
Nguồn: Đại Đòan Kết
Ván cờ quyền lực trên cấp cao của Đảng CSVN có vẻ như đã ngã ngũ xong, đưa ra một biểu hiện là việc sắp xếp lại làng báo. Sau phiên tòa xử hai nhà báo chống tham nhũng - Nguyễn Việt Chiến của tờ Thanh Niên, và Nguyễn Văn Hải của Tuổi Trẻ - là việc kỷ luật ban biên tập báo Đại Đoàn Kết, trong đó cả Tổng Biên Tập Lý Tiến Dũng và Phó Tổng Biên Tập Đăng Ngọc sẽ bị cảnh cáo và chuyển công tác. Hai vụ xử lý trên tuy là những hiển lộ pháp lý khác biệt, nhưng trong bản chất vẫn y hệt: tranh chấp quyền lực trong đảng đã vận dụng tới sức mạnh báo chí, và người đứng về phe yếu thế sẽ bị thanh trừng. Nhưng đặc biệt, nằm ẩn tàng trong các hồ sơ thanh trừng này là một khát vọng tuyệt đẹp trong tâm hồn các nhà báo − ước mơ có tự do báo chí, và nỗ lực nói lên sự thật cho đồng bào nghe − đã bị nhà nước CSVN vùi dập tàn bạo.


Trong khi phiên tòa xử hai nhà báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ là một vặn vẹo pháp lý để dẫn ra các “tội danh” như lợi dụng quyền tự do dân chủ, hay loan tin gây kích động hoang mang… thì hồ sơ kỷ luật ban biên tập báo Đại Đoàn Kết chỉ đơn giản là đã đăng các bài viết mà Bộ Chính Trị CSVN không thích. Đáng chú ý về thời điểm: các bài nêu ra để kỷ luật hai vị cấp cao nhất của báo Đại Đoàn Kết đều đã đăng từ rất lâu rồi, nghĩa là chuyện cũ, tưởng như đã quên. Cụ thể, hai bài bị cấm đăng mà vẫn đăng là chuyện xưa: bài tham luận của Linh Mục Thiện Cẩm nguyên đọc trong một hội nghị đầu năm 2007, và Thư Góp Ý của cựu Tướng Võ Nguyên Giáp là chuyện của tháng 11/2007 khi góp ý phản đối vụ phá bỏ Hội Trường Ba Đình và xây trụ sở Quốc Hội trên khu di tích hoàng thành Thăng Long. Nghĩa là, chuyện của năm ngoái. Bây giờ là cuối tháng 10, 2008. Nhưng chuyện cũ không quên, vẫn ghi vào hồ sơ, để khi thu xếp quyền lực xong thì các hồ sơ cũ mới đưa ra để thanh lý môn hộ. Tất cả đều nêu bật lên một điểm: báo chí là công cụ của Đảng CSVN, và diễn biến trong làng báo sẽ tùy theo các tranh chấp quyền lực trong đảng.


Trong tù
Nguồn: asiasentinel.com
Điều này cũng nên nêu câu hỏi: có thực là có 2 phe cấp tiến và bảo thủ trong Đảng CSVN hay không? Hay thực sự, tranh chấp quyền lực trong Đảng CSVN chỉ là chia ranh giới thế lực kiểu kinh doanh Mafia vùng miền Nam Trung Bắc, hay thế hệ trẻ già, hay quan hệ dòng họ làng xã? Nghĩa là, các chia rẽ có phải là vì bất đồng về việc muốn tìm một hướng đi dân chủ cho Việt Nam, hay chỉ đơn giản là vì đặc quyền riêng cho phe mình?


Theo ký giả Roger Mitton, trên báo Asia Sentinel (1) ngày 24/10/08, được Khánh Đăng lược dịch và đăng trên Ý Kiến (www.ykien.net) thì, trích:

“Phe bảo thủ trong Đảng cộng sản ra tay tiêu diệt những kẻ đưa tin và làm hại ông thủ tướng.

Việc kết án hai ký giả lão luyện tại Hà Nội hồi tuần trước có dính dáng nhiều đến việc ẩu đả tranh giành trong nội bộ giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đang cầm quyền hơn là về bất cứ chuyện nào khác. Màn kịch xử án hai nhà báo và hai điều tra viên chống tham nhũng mang đầy tính nhạo báng cho thấy cường độ mãnh liệt về các mối bất đồng giữa hai phe bảo thủ và cải cách trong đảng. Kẻ bị thua thiệt dường như là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Vây quanh ông Dũng là một thành phần mới của các nhà kỹ trị cải cách và những kẻ chủ trương ủng hộ cho một xã hội mở rộng và trong sạch hơn. Họ phần lớn là những người gốc miền Nam và đã từng đi du học tại các đại học Tây phương. Dưới trướng của ông Dũng, nhóm này đã tiên phong trong việc đưa Việt Nam đi tới một nền kinh tế mang nhiều tính thị trường hơn và đặt nặng về tăng trưởng cao, đầu tư lớn và tiêu dùng rộng rãi.

Đối đầu với họ là một nhóm đông hơn gồm các tay lãnh đạo lão thành, hầu hết xuất thân từ miền Bắc và Trung phần Việt Nam, và chiếm ưu thế trong phe quân đội và cánh an ninh trong đảng, là những kẻ đặt sự ổn định quốc gia lên trên tất cả. Những tay bảo thủ này rất thận trọng lưu ý đến bất cứ sự cải cách nào về kinh tế hoặc chính trị vì trong quan điểm cuả họ, những cải cách đó rõ ràng là mang tính đe dọa đến quyền lực tối cao của đảng…”
(hết trích)

Ít nhất, cái nhìn của ký giả Mitton chỉ ra 2 nhóm cấp tiến và bảo thủ. Tuy nhiên, có thêm một câu hỏi chúng ta, những người quan sát từ hải ngoại, nên đưa ra: tại sao Đảng CSVN không xử lý nhẹ nhàng cho hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải, mà lại cần bắt giam, khởi tố và đưa ra tòa với các tội danh nghiêm trọng như thế? Bởi vì các tội danh như lợi dụng quyền tự do dân chủ, hay loan tin gây kích động hoang mang… trước giờ Đảng CSVN vẫn để giành khởi tố những người hoạt động dân chủ. Trong khi đó, các nhà báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ thực sự vẫn đang làm việc cho một guồng máy khổng lồ do Đảng CSVN điều hành. Tại sao không kỷ luật hay xử hành chánh nhẹ nhàng, mà phải quy chụp tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” y hệt như đối với những người bất đồng chính kiến? Hay chỉ vì có liên hệ tới 2 sĩ quan công an, Tướng hồi hưu Phạm Xuân Quắc và cấp tá Đinh Văn Huynh? Hay vì vụ khui hồ sơ tham nhũng PMU-18 có liên hệ tới dòng họ Tổng Bí Thư CSVN NÔng Đức Mạnh và các quan khác?

Trường hợp báo Đại Đoàn Kết cũng là một đặc thù khác. Lúc đầu là một bản tin trên mạng của trang viet-studies.info, và rồi tới loan trên nhiều truyền thông khác, cho biết lý do kỷ luật Lý Tiến Dũng, Tổng biên tập và ông Đăng Ngọc, Phó Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết là vì đã cho đăng tải trên báo Đại Đoàn Kết, cơ quan ngôn luận của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, theo viet-studies, trích:

“1/ Bài tham luận của Linh mục Nguyễn Thiện Cẩm - Ủy viên Ủy Ban Trung ương MTTQVN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đoàn kết công giáo, bài này được đọc tại Hội nghị của Ủy ban trung ương MTTQVN được tổ chức ở TP.HCM đầu năm 2007, báo trích đăng và rút tiêu đề “Cần phải xóa bỏ bao cấp về chính trị?”.

2/ Một số bài của nhà báo lão thành Thái Duy, và nhà báo Hữu Nguyên, nội dung góp một số ý kiến xung quanh một số vấn đề bức xúc về chính trị trong nước.

3/ Đăng thư góp ý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị không đập bỏ Hội trường Ba Đình.

Ngoài ra, Ban biên tập báo còn bị kiểm điểm về việc đã sửa măng-sét của báo từ “Cơ quan trung ương của Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam” thành “Diễn đàn của Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam” khi ông Dũng bắt đầu làm Tổng biên tập báo. Riêng ông Lý Tiến Dũng còn bị kiểm điểm về việc đã gửi đơn kiến nghị về một số việc bất bình thường tại Ban Tuyên giáo Trung ương (lá đơn này đã được đưa lên một số trang web nước ngoài).”
(hết trích)

Mới ngày nào ôngTBT báo Đại Đoàn Kết còn là quan lớn (16/10/2007)
Nguồn: Quyết định Số: 1631 QĐ/MTTW củaMTTQVN
Bài của Linh Mục Thiện Cẩm nguyên là đọc trong một hội nghị đầu năm 2007, còn Thư Góp Ý của Tướng Giáp là đăng vào tháng 11, 2007. Nghĩa là chuyện xưa tới cả năm và hơn. Tại sao moi ra bây giờ, giữa lúc có thể quên đi? Còn việc đăng bài của “nhà báo lão thành Thái Duy, và nhà báo Hữu Nguyên, nội dung góp một số ý kiến xung quanh một số vấn đề bức xúc về chính trị trong nước” thì có thể bỏ qua, hay kỷ luật nhẹ thôi, tại sao lại lấy cớ để bứng hai vị cao cấp nhất của báo Đại Đoàn Kết? Hay đây chỉ là khởi đầu cho một chiến dịch mới, trước tiên là phải "đổi mới loa kèn" khi sắp bắt đầu một cuộc diễn hành mới? Còn chuyện đăng bài tham luận của Linh Mục Thiện Cẩm thì không có gì nghiêm trọng cả, nhan đề “xin xóa bỏ bao cấp chính trị” thực ra không có gì mới lạ hay đi xa hơn một số bài viết và các cuộc trả lời phỏng vấn của cố Thủ Tướng CSVN Võ Văn Kiệt…

Bản tin của Đài RFA lại xoay quanh về lá thư của Tướng Giáp. Hình như đây mới là nghiêm trọng, vì nêu lên chuyện CSVN phá Hội Trường Ba Đình có vẻ như muốn kích động những người từng dày công theo ông Hồ, và chuyện CSVN xây trụ sở Quốc Hội trên khu di tích Hoàng Thành Thăng Long có vẻ như muốn kết tội Bộ Chính Trị Đảng CSVN đang đưa các xe cần truc, ủi lô khổng lồ tới để làm voi “dày mã tổ,” một tội cực nặng so với truyền thống thờ ông bà của dân tộc VN.

Đài RFA phỏng vấn Cựu Đại Tá Bùi Tín, nguyên là một nhà báo cộng sản lâu năm nay đang sống ở Pháp đã nhận định về lá thư của ông Võ Nguyên Giáp, một khai quốc công thần của Nhà nước cộng sản, được ông Bùi Tín trả lời:

“Bức thư hay bài báo đăng ngày 1/11 hay bức thư của ông Giáp gởi cho Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh, lời lẽ rất mạnh mẽ.

Nói rõ trách nhiệm của Tổng bí thư, yêu cầu phải có trách nhiệm với việc trọng đại này, để xét lại nghiên cứu lại, bàn lại và đưa ra công luận thảo luận lại, vấn đề này không nên vội vã dù quốc hội đã thông qua.”
(hết trích)

Như thế, tội của ông Nông Đức Mạnh có phải là đã nghe lời một thầy phong thủy Bắc Kinh nào đó để đưa xe ủi lô tới ủi sập các di tích Hoàng Thành Thăng Long, và để phá thế rồng nằm hổ phục của Hà Nội, theo dư luận đồn đãi từ giới nghiên cứu siêu hình quốc nội?

Mới biết, làm báo tại Việt Nam rất là khó. Và vai trò thông tin trung thực quả cũng rất là khó. Tới bao giờ, Việt Nam mới có thể có tự do báo chí? Có vẻ như, bản thân của các ông lãnh đạo CSVN như Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng… cũng không dám tiên đoán, và không thể đoán nổi. Bởi vì họ cũng chỉ là các hình nhân được đưa lên, đại diện cho các khuynh hướng trong một đảng mà vai trò cá nhân không bao giờ được cho phép nổi bật?






(1) Vietnam: Behind the Journalists' Jailings, Written by Roger Mitton, Asia Sentinel, Friday, 24 October 2008
(2) Tin đặc biệt: Cả Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết vừa bị thải hồi, viet-studies.info, cập nhật 27/10/2008
(3) Đọc thêm Kỷ luật lãnh đạo báo Đại Đoàn Kết, BBC Tiếng Việt

No10: Đường dây bảo mật

“… Một nhà nước luôn “bảo mật” với dân trong mọi việc dân cần được biết, dân cần được bàn, dân cần kiểm tra, giám sát. Nay lại có thêm một đường dây “bảo mật” nữa với dân! Dân chẳng còn gì để biết, chẳng còn gì phải bận tâm, dân chỉ như đám con nít cho gì được nấy, bảo sao nghe vậy!…”

Nhà văn không phải chỉ biết trau chuốt câu văn đẹp, ngâm ngợi non nước mây trời, hể hả tán dương cuộc đời. Nhà văn là trái tim đa cảm chia sẻ với những phận người trắc trở, là cái đầu cả nghĩ luôn bận tâm những gì liên quan đến vận nước thịnh suy. Đất đai ở biên cương đã và đang bị lấn, biển đảo ngay trước thềm cửa nhà đã và đang bị mất! Làm sao không lo nghĩ!

Sau những hành động vừa ngấm ngầm lặng lẽ lấn chiếm, vừa ngang nhiên, trắng trợn thôn tính đất đai biển trời của ta ở biên giới và ngoài biển đông của nhà nước Trung Hoa; Sau những ngây thơ, hớ hênh, cả tin gửi trứng cho ác, sau những nhu nhược nhượng bộ, ngậm ngùi chịu thiệt thòi mất mát của nhà nước ta trước sự ngang ngược lấn tới của nhà nước Trung Hoa thì mỗi lần lãnh đạo nhà nước ta đi sứ sang Trung Hoa, người dân đều chăm chú theo dõi và phập phồng lo ngại. Lần này trong tiết heo may cuối thu năm 2008 đầy khó khăn thử thách, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhà ta lại đi sứ sang Bắc Kinh. Nỗi lo lắng của người dân càng to lớn, càng cụ thể khi trong các kí kết với nhà nước phương Bắc có một kí kết bất thường: Kí hiệp định về đường dây thông tin bảo mật giữa các nhà lãnh đạo hai nước!

Đường dây bảo mật này chính là đường dây nóng mà trong chuyến đi sứ sang Đại Hán giữa năm nay của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, người đồng cấp Hồ Cẩm Đào đã đặt ra đây! Đường dây này bất thường lắm, đáng băn khoăn lắm vì:

Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, nhất là trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cam go, khốc liệt, vận nước vô cùng chênh vênh, hiểm nghèo và lúc ấy Trung Hoa còn giữ bộ mặt thân thiện, chí cốt với ta. Lãnh tụ bên này nói Mối tình hữu nghị Việt – Hoa / Vừa là đồng chí, vừa là anh em. Lãnh tụ bên kia nói Trung Hoa – Việt Nam như răng với môi, môi hở răng lạnh. Nghệ sĩ hai nước thì hoà giọng ca: Bên đây biên giới là mình / Bên kia biên giới cũng tình quê hương. Còn những người lính chúng tôi ra trận đánh Mĩ thì càng thấy Trung Hoa xiết bao gần gũi, thân thiết. Từ đôi dép cao su đúc đi dưới chân đến cái mũ lá sen đội trên đầu, từ cái bi đông, túi thuốc cá nhân thắt bên sườn đến khẩu súng AK đeo trên vai, cái máy thông tin cõng trên lưng, từ hạt gạo ăn hàng ngày đến bánh lương khô, túi ruốc bông ăn khi lỡ bữa giữa rừng... đều của Trung Hoa. Lúc đó chúng tôi vẫn đinh ninh rằng đó là sự giúp đỡ cao cả vô tư của nhân dân Trung Hoa vĩ đại dành cho nhân dân Việt Nam.

Mãi sau này tôi mới hiểu ra rằng đánh Mĩ bằng máu người Việt Nam và bằng trang bị, vũ khí Trung Hoa, đó là phương thức làm cách mạng thế giới của người Trung Hoa. Với phương thức đó thì họ còn cần ta nhiều hơn là ta cần họ vì nếu không có vũ khí trang bị của Trung Hoa ta có thể trông chờ ở các nước khác trong khối xã hội chủ nghĩa lúc đó còn đông đảo, còn say lí tưởng quốc tế vô sản và còn mang mục tiêu chống chủ nghĩa đế quốc! Nhưng chống chủ nghĩa đế quốc bằng xương máu, bằng mạng sống của con người thì chỉ có nhân dân Việt Nam dám nhận lấy! Dù sao vũ khí trang bị của Trung Hoa cũng vô cùng cần thiết cho ta trong cuộc kháng chiến giữ nước. Ta cần họ và họ cũng cần ta. Cuộc chiến tranh giữ nước của ta cũng là cuộc đối đầu phân định thắng bại của hai ý thức hệ đối kháng phân chia thế giới mà ta và họ cùng trong một ý thức hệ. Vì thế hai nước rất cần có sự phối hợp chặt chẽ từ những hành động chiến thuật đến những ý đồ chiến lược, sách lược và những thông tin đó đều vô cùng hệ trọng, có tính bảo mật rất cao. Thế mà lúc đó đâu có cần đường dây nóng, đường dây bảo mật!

Trở về cuộc sống hòa bình, trở về bang giao hòa hiếu hữu nghị đâu có còn những gấp gáp của cuộc chiến đđang diễn ra, đâu có còn những bí mật quân sự! Hơn nữa, chiến tranh lạnh đã kết thúc, không còn hai hệ tư tưởng đối kháng. Việt Nam mong muốn là bạn của tất cả các nước. Thế giới bước vào thời kì cởi mở và xã hội bước vào kỉ nguyên dân chủ công khai, mọi việc lớn nhỏ của dân của nước, dân phải được biết, dân phải được bàn, dân phải kiểm tra giám sát. Trong cuộc sống hòa bình, trong thế giới cởi mở, trong xã hội dân chủ công khai, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Trung Hoa lập đường dây bảo mật làm gì vậy?

Trước những mưu đồ xảo trá của những tham vọng phương Bắc, lãnh đạo ta đã nhiều lần hớ hênh, dại dột làm cho đất nước chịu nhiều thiệt thòi, mất mát, làm cho nhân dân phải chịu nhiều cay đắng, đau xót không bao giờ quên. Nay lại có thêm đường dây đi đêm riêng tư, lành ít dữ nhiều, rồi điều gì sẽ xảy ra?

Còn nhớ năm 1955, miền Bắc vừa được giải phóng, cả miền Bắc đang thất nghiệp, sức người thừa thãi nhưng lãnh đạo nhà nước ta vẫn chấp nhận cho công nhân đường sắt Trung Hoa vào Việt Nam giúp ta khôi phục đường sắt Lạng Sơn – Hà Nội và công nhân đường sắt Trung Hoa đã đưa điểm nối giữa đường sắt Việt Nam với đường sắt Trung Hoa vào sâu lãnh thổ nước ta, cách xa đường biên giới tới 300 mét và ta cứ ngây thơ im lặng! Mãi đến khi quân Mĩ rút khỏi Việt Nam tháng 3 năm 1973 thì ngay lập tức tháng 1 năm 1974 Trung Hoa liền cất quân đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ tay quân đội Sài Gòn! Đến lúc đó lãnh đạo ta mới giật mình nhận ra nỗi thèm khát của “chiếc răng Trung Hoa” (Trung Việt như răng với môi mà) Lại chột dạ nhớ những gì đã diễn ra trước đây ở biên giới phía Bắc! Đắn đo, lúng túng mãi, đến ngày cuối cùng năm ấy, 31 tháng 12 năm 1974, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới dè dặt đề nghị Chính phủ Trung Hoa giao cho ngành đường sắt hai nước điều chỉnh chỗ nối đường sắt Việt – Trung theo đúng đường biên giới lịch sử. Tất nhiên, Trung Hoa không thiếu gì cớ từ chối: Các đồng chí cứ tập trung vào sự nghiệp giải phóng miền Nam. Điểm nối đường sắt hai nước không có gì quan trọng. Trung – Việt sẽ còn ngồi lại với nhau phân định lại cả tuyến biên giới lịch sử. Đến lúc đó sẽ xem xét luôn! Nhưng khi hai nước đàm phán về biên giới thì họ lại lí sự: Không thể có đường sắt nước này lại đặt trên lãnh thổ nước khác! Vì thế điểm nối hai đường sắt chính là điểm phân ranh hai nước!

Có đủ chứng cứ từ lịch sử lâu đời, có công ước phân định biên giới Việt – Hoa giữa người Pháp và nhà Thanh, có bản đồ biên giới Việt - Trung của người Pháp để lại, có sự thật lịch sử chỗ nối đường sắt đo do công nhân Trung Hoa đặt... nhiều lắm những chứng cứ xác định đúng đường biên giới lịch sử nhưng những người quản lí quốc gia của ta đã không đủ lòng yêu nước và bản lĩnh để đi đến cùng sự thật, họ đã bình thản buông xuôi để mất đất đai thiêng liêng của tổ tiên rồi lặng lẽ trước nhân dân, trước lịch sử và quanh co trước dư luận!

Cũng năm 1955 Việt Nam còn nhờ Trung Hoa in lại bản đồ Việt Nam tỉ lệ 1/100 000. Không có biên bản giao kèo và những qui định về nội dung in ấn. Không kiểm tra, nghiệm thu thành phẩm. Không xác định bản đồ gốc đối chiếu để từ chối khi bản đồ in lại không đúng với bản đồ gốc thì không có giá trị, không chấp nhận. Họ in sao ta nhận vậy! Bản đồ Việt Nam của Pháp để lại vẽ theo công ước phân định biên giới Việt – Hoa đã được hai nước Pháp, Hoa công nhận năm 1897 thì thác Bản Giốc thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng ở phía nam đường biên giới tới 2 kilomet. Nhưng bản đồ Trung Hoa in giúp ta, đường biên giới cắt đôi thác Bản Giốc! Bước một khó khăn nhất là lấn đất trên bản đồ đã được thực hiện đàng hoàng, dễ dàng, mau lẹ! Bước hai chỉ còn việc chiếu theo bản đồ vạch đường biên giới trên thực tế. Ngày 29 tháng 2 năm 1976 họ bất ngờ huy động 2 000 quân mặc đồ dân sự tràn sang đất ta bao vây toàn bộ thác Bản Giốc, che chắn cho kíp thợ gấp rút đổ bê tông phân ranh cắt ngang thác, ngang nhiên nhận một phần thác Bản Giốc của ta là của họ! Mới đây, nhân khai trương điểm du lịch mới sát biên giới ta, thác Đức Thiên, Đệ nhất hùng quan Nam Trung Hoa, họ mời một đoàn nhà báo ta sang dự. Đến nơi, các nhà báo Việt Nam cay đắng nhận ra Đệ nhất hùng quan Nam Trung Hoa, thác Đức Thiên chính là phần đẹp nhất của thác Bản Giốc của ta!

Đất đai trên đất liền bị mất mát hao hụt ở từng điểm tính bằng kilomet vuông, trên cả dải biên giới lên tới hàng trăm kilomet vuông! Lớn lắm! Nhưng cũng chưa thấm tháp gì so với những con số hàng trăm nghìn kilomet vuông biển trời bị mất ngoài thềm cửa phía đông nước ta!

Đất đai là xương máu, hồn cốt cha ông bị mất mát lớn như thế nhưng đến nay Quốc hội cũng không được báo cáo, không được biết sự thật! Người dân lại càng không được biết! Để tiêu hóa phần đất chiếm được của ta, nhà nước phương Bắc liền đưa phần đất đó vào đơn vị hành chính quận, huyện của họ! Đến lúc đó sinh viên ta mới biết đất đai của ta đã trở thành quận huyện Trung Hoa! Lòng yêu nước đã tập hợp sinh viên ta lại biểu lộ ý chí khẳng định chủ quyền Việt Nam ở những phần đất bị chiếm. Đó là việc rất cần thiết khởi đầu cho quá trình đòi lại đất bị mất. Cấm không cho sinh viên bộc lộ ý chí khẳng định chủ quyền Việt Nam ở những phần đất bị mất là nhà nước ta không có ý định đòi lại những phần đất đó sao? Làm sao người dân có yên tâm về một nhà nước như thế và về những người giữ trọng trách của nhà nước đó!

Một nhà nước luôn “bảo mật” với dân trong mọi việc dân cần được biết, dân cần được bàn, dân cần kiểm tra, giám sát. Nay lại có thêm một đường dây “bảo mật” nữa với dân! Dân chẳng còn gì để biết, chẳng còn gì phải bận tâm, dân chỉ như đám con nít cho gì được nấy, bảo sao nghe vậy!

Trong mối quan hệ với nước láng giềng, nhân dân Việt Nam luôn phải nhận thua thiệt, mất mát, cay đắng, tủi nhục. Nay trong mối quan hệ ấy lại có thêm một đường dây “bảo mật” nữa với dân! Rồi điều gì sẽ đến và đường dây “bảo mật” ấy cần cho ai?

Thời thế giới còn phân chia hai lực lượng thù địch trong hai hệ tư tưởng đối kháng, Việt Nam cùng trong hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa với nước lớn Trung Hoa và những nhà cách mạng Việt Nam đều tâm niệm học thuyết Mao ít, đều bị cái vòng kim cơ tư tưởng Mao Trạch Đông thít trên đầu và họ đã hăng hái tiến hành cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp, đã lạnh lùng thực hiện những vụ việc tàn bạo như vụ Nhân văn Giai phẩm, vụ Xét lại chống đảng, gây tai họa lớn cho đất nước, cho nhân dân, còn để lại hậu quả đến hôm nay. Bước vào thời kì mới, Việt Nam cần hội nhập với thế giới, cần mở rộng hợp tác làm ăn với tất cả các nước, nhất là với những nước có nền kinh tế phát triển, có trình độ khoa học kĩ thuật cao, có công nghệ hiện đại như nước Mĩ và các nước công nghiệp phương Tây.

Muốn thật sự hội nhập, tiếp cận và đón nhận vốn liếng, công nghệ và cung cách làm ăn lớn, hiệu quả, chúng ta phải là chúng ta, là con người Việt Nam thông minh, sáng tạo, là khí phách Việt Nam hiên ngang, tự tin, tự chủ. Thực tế cho thấy cái vòng kim cơ tư tưởng Mao Trạch Đông còn hằn sâu trong tư duy không ít nhà cách mạng Việt Nam, trở thành sự giằng co, níu kéo sự phát triển của đất nước, làm mất tư thế tự tin, tự chủ và hiên ngang của đất nước. Đó là một sợi dây đang trói buộc chúng ta! Thực tế cũng cho thấy, với tư tưởng Đại Hán, nước lớn Trung Hoa không muốn những nước nhỏ quanh họ phát triển để mãi mãi phụ thuộc vào họ, mãi mãi bị cột chặt vào họ. Và có phải đường dây bảo mật kia là lại thêm một đường dây cụ thể để họ cột chúng ta vào với họ?

Phạm Đình Trọng

วันพุธที่ 29 ตุลาคม พ.ศ. 2551

No9:Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết bị cách chức vì đăng thư ngỏ của Tướng Võ Nguyên Giáp

Các vụ kỷ luật báo chí mang tính cách răn đe liên tục diễn ra ở Việt Nam trong năm nay. Hai lãnh đạo cao nhất của Báo Đại Đoàn Kết vừa bị sa thải vì đã đưa những thông tin trái chiều lên mặt báo.

Đại Đoàn Kết, tờ báo của Mặt Trận Tổ Quốc VN, một tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng Sản. Mặt Trận tổ Quốc về lý thuyết được lập ra như một nơi tập hợp các nhân sĩ trí thức, đại diện tôn giáo các thành phần trong xã hội bên ngoài đảng cộng sản.

Trong thời gian dài dư luận ít quan tâm tới sự hiện diện của Mặt Trận Tổ Quốc vì tổ chức này chỉ có tính cách tượng trưng, không có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị một đảng ở VN.

Những năm gần đây trong xu thế mới, vị thế của Quốc Hội cũng được nâng cấp và nhiều tiếng nói phê bình đã được công luận chú ý hơn.

Trong hoàn cảnh tương tự Mặt Trận Tổ Quốc VN với tờ báo chính thức Đại Đoàn Kết, đôi lúc đã có những bài báo những thông tin không làm vừa lòng Đảng, chính xác hơn không đẹp lòng Ban Tuyên Giáo Trung Ương, trước kia mang tên Ban Văn Hoá Tư Tưởng Trung Ương, cơ quan chỉ đạo chính trị của báo chí truyền thông.

Cách chức Tổng biên tập

Thông tin từ VN cho biết, ngày 27/10 vừa qua Uỷ Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc VN, đã công bố kỷ luật hai người đứng đầu Báo Đại Đoàn Kết với lý do vi phạm luật báo chí.

Ông Lý Tiến Dũng Tổng Biên Tập và người phó của mình là ông Đặng Ngọc đã bị cảnh cáo và chuyển công tác, nói cách khác bị cách chức sa thải.
Hai vị trí này sẽ do người khác đảm nhiệm ngay từ đầu tháng 11.

Một nhà báo lâu năm ở TP.HCM ông Nguyễn Quốc Thái đã nhận định sự việc với chúng tôi:

“Anh Lý Tiến Dũng là con trai của GS Lý Chánh Trung là thầy dậy và cũng là bạn vong niên của tôi. Tôi rất quí mến anh Lý Tiến Dũng bởi vì anh là người rất khẳng khái, trong cách cư xử của anh ấy về báo chí, anh là người rất thẳng thắn.

Tôi mới hay tin anh Lý Tiến Dũng bị cách chức Tổng Biên Tập Báo Đại Đoàn Kết thì tôi cũng hơi bàng hoàng một chút. Bởi vì tôi vẫn tin là anh sẽ làm được một điều gì trong lãnh vực báo chí.

Việc anh Lý Tiến Dũng bị cách chức Tổng Biên Tập thực sự tôi không rõ nguyên nhân. Việc sa thải một người cách chức một người trong toà báo thì theo tổ chức báo chí VN, họ đều là công chức cả.

Bởi vì VN không có báo chí tư nhân, trong guồng máy Nhà nước họ đều ăn lương là công chức, quyền cách chức sa thải đều thuộc về Nhà nướ . Riêng tôi thấy việc cách chức anh Lý Tiến Dũng là điều rất đáng tiếc, tôi rất quí mến anh ấy.”

Lá thư của tướng Giáp

Các thông tin chúng tôi ghi nhận không nói rõ ban lãnh đạo Báo Đại Đoàn Kết vi phạm luật báo chí về vấn đề gì.

Nhưng giới làm báo và những người theo dõi thời cuộc bàn tán nhiều về một số bài báo đăng trên Đại Đoàn Kết, có thể coi như nguyên nhân sâu xa của sự việc.

Đầu tháng 11 năm ngoái, tờ báo đã làm một việc mà các báo khác không dám làm, đó là đăng tải lá thư của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp gởi các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trình bày quan điểm ngược lại về chủ trương phá bỏ Hội Trường Ba Đình và xây dựng trụ sở Quốc Hội trên khu di tích Hoàng Thành Thăng Long.

Dư luận lúc bấy giờ cho rằng việc đại tướng Giáp viết lá thư ấy đã là lạ, mà Đại Đòan Kết dám đăng trong khi các báo khác mà ông Giáp gửi bài đến đều không dám nói đến còn là một việc lạ hơn.

Cựu Đại Tá Bùi Tín, nguyên là một nhà báo cộng sản lâu năm nay đang sống ở Pháp đã nhận định về lá thư của ông Võ Nguyên Giáp, một khai quốc công thần của Nhà nước cộng sản:

“Bức thư hay bài báo đăng ngày 1/11 hay bức thư của ông Giáp gởi cho Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh, lời lẽ rất mạnh mẽ.
Nói rõ trách nhiệm của Tổng bí thư, yêu cầu phải có trách nhiệm với việc trọng đại này, để xét lại nghiên cứu lại, bàn lại và đưa ra công luận thảo luận lại, vấn đề này không nên vội vã dù quốc hội đã thông qua.”

Quan điểm trái chiều ?

Ngược dòng thời gian, Đại Đoàn Kết báo in và mạng điện tử trong năm 2008 đã đăng nhiều bài báo được mô tả là trái chiều với quan điểm của Đảng và Nhà nước.

Như bài tham luận của linh mục Nguyễn Thiện Cẩm, Uỷ Viên Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc VN, phó chủ nhiệm Uỷ Ban đoàn kết công giáo, bài tham luận này được Báo Đại Đoàn Kết chạy tít khá nhạy cảm ‘Cần phải xoá bỏ bao cấp về chính trị’.

Ngoài ra còn có một số bài của nhà báo Thái Duy và Hữu Nguyên đưa nhiều ý kiến về tình trạng chính trị bức xúc ở VN.

Nhiều người tỏ ra không ngạc nhiên khi làng báo VN gần đây bị nhiều hoạn nạn với những vụ cách chức, sa thải, thuyên chuyển, rút thẻ hành nghề và cả tù tội nữa;

Có vụ liên quan tới nhà báo vi phạm đạo đức, nhưng cũng có những vụ khó lý giải như vụ án hai nhà báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên mới đây.
Thực tế khó chối cãi là làm báo ở VN hoàn toàn không khác gì làm cán bộ công chức, theo những qui định rõ ràng mà nhà báo phải tuân thủ.

Tuy nhiên nghề làm báo mang những đặc thù của nó, độc giả vẫn yêu thích quí trọng những cây bút nghiệp vụ giỏi và trung thực. Nhà báo dù là cán bộ công chức vẫn được xã hội nhìn nhận là nhà báo và trong một số trường hợp họ sống và chết với thiên chức của mình.

Thư Kiến Nghị

January 15th, 2008 by Quantri

Lý Tiến Dũng, Tổng Biên Tập báo Đại Đoàn Kết

Hà nội, ngày 10 tháng 12 năm 2007

Kính gửi:
- Đ/c Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư
- Đ/c Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương
- Đ/c Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương
- Đ/c Phạm Thế Duyệt, Bí thư Đảng Đoàn Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam

Tôi ký tên dưới đây là Lý Tiến Dũng, Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết, đảng viên 26 tuổi Đảng. Xin kiến nghị về một số vấn đề không bình thường tại Ban Tuyên giáo Trung ương.

Trong quá trình kiểm điểm một số việc theo thông báo của Văn phòng Trung ương, tôi có nhận được văn bản số 46-BC/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương do Phó ban Hồng Vinh ký. Văn bản này đóng dấu “Mật”, nêu một số vấn đề về báo Đại Đoàn Kết, và nhận xét về Ban biên tập báo. Một văn bản với những lời lẽ ngây ngô về chính trị, lại rất hách dịch chụp mũ (kiểu thường thấy ở những người có kiến thức rất hạn chế, nhưng lại thích thể hiện quyền lực) che giấu một động cơ thiếu minh bạch. Đồng thời với việc này, một số người còn yêu cầu truy cứu lý lịch và quy trình bổ nhiệm tôi vào cương vị Tổng biên tập. Việc đào bới xoi mói lý lịch đảng viên như vậy, theo tôi, là thiếu tôn trọng sự quản lý của Đảng Đoàn, của Uỷ Ban Trung ương MTTQVN và tập thể báo Đại Đoàn Kết, nếu chưa muốn nói là vô nguyên tắc và trịch thượng. Những hành vi đó thật không thích hợp khi xử lý loại công việc đảng vụ như thế này. Tôi đã ở trong nghề báo hơn 15 năm, cộng với quá trình làm công tác chính trị khi còn ở Quân đội Nhân dân Việt Nam, tính ra cũng đã gần 25 năm, chưa bao giờ thấy một cơ quan tham mưu cho Đảng lại có cách hành xử kém cỏi như vậy.

Cách thể hiện ý tứ, chữ nghĩa như trong công văn 46-BC/BTGTW là điều không nên có trong các văn bản phát xuất từ cơ quan tham mưu của Đảng, nhất là tham mưu về tư tưởng lý luận, thường xuyên phải làm việc với đội ngũ trí thức, những người có học và có quá trình cống hiến. Đặc biệt khi nhận xét về công tác quản lý của Đảng Đoàn, Uỷ Ban Trung ương MTTQVN và những người được Đảng Đoàn, tập thể tín nhiệm cử giữ cương vị đứng đầu Báo Đại Đoàn Kết, cơ quan ngôn luận của Mặt Trận, mà tiền thân của nó là tờ báo Cứu Quốc, nay đã 66 tuổi, càng rất không nên sử dụng một phong cách ngôn ngữ hồ đồ như vậy.

Trước hết, xin được nhắc lại một sự việc liên đới trực tiếp đến người đã ký văn bản số 46-BC/BTGTW này, để các đồng chí suy nghĩ và cân nhắc. Con người này, đã từng vì lợi ích cá nhân, cản trở báo chí không cho đăng tải tin tức về một vụ hiếp dâm trẻ con (vụ án Lương Quốc Dũng) thì không thể có tư cách giáo dục tư tưởng đối với người khác, huống chi là giữ vị trí quản lý báo chí. Công luận không hiểu được vì sao một con người đầy tai tiếng như vậy, đã quá tuổi nghỉ hưu, mà vẫn được sử dụng, lại còn tiếp tục được giữ vị trí Phó ban Tuyên giáo Trung ương ??!

Đất nước ta đang phải đối diện với nhiều vấn đề nan giải về tư tưởng, lý luận, báo chí và truyền thông. Đảng và Nhà nước đang huy động tất cả tinh tuý của đội ngũ trí thức, những người tâm huyết với sự nghiệp này để cùng nhau kiến giải và tìm ra định hướng tốt nhất cho công cuộc đổi mới đất nước. Anh em làm báo chúng tôi cũng đang góp tay góp sức vào công việc ấy. Tôi nghĩ kiểu đe nẹt, ngăn chặn báo chí một cách vô lối như trường hợp không cho đăng thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa qua, bằng động tác nhắc nhở “dù là ai cũng không được đăng, phát” (Bản thông tin công tác tuần số 39 của Ban Tuyên giáo Trung ương) là điều không nên. Cho đó là “kỷ luật thông tin” lại càng không nên. Là người có học, biết trọng đạo lý, tâm huyết với lý tưởng từ ngày vào Đảng, tôi có đủ lòng tin để nghĩ rằng trên đất nước này, bây giờ và mãi mãi sau này, không ai có thể quở trách chúng tôi vì đã đăng bức thư của một con người như Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đảng Cộng sản Việt Nam không giáo dục các đảng viên của mình thấy việc hợp với đạo lý mà không làm. Đảng cũng chẳng bao giờ muốn các đảng viên của mình ra mệnh lệnh hoặc tuân thủ mệnh lệnh một cách máy móc, như những người máy. Tôi được biết để tạo thêm lý do “nghiêm trọng” cho việc xúc tiến kiểm điểm và “xử lý” báo Đại Đoàn Kết vừa qua, anh Hồng Vinh còn gửi kèm theo công văn số 46 một số đơn nặc danh, vu cáo Ban biên tập báo nhiều điều, trong đó có việc “tập hợp lực lượng”, “liên hệ với những người có vấn đề về chính trị”, gặp gỡ Câu Lạc bộ Thăng Long… Đây là lối chụp mũ vô tổ chức lẽ ra không nên có trong một cơ quan như Ban Tuyên giáo Trung ương.

Nhân đây, tôi cũng xin phản ánh: Dư luận hiện nay trong nhân dân, trong đội ngũ trí thức, văn nghệ, báo chí… ngày càng nhiều và bất lợi, khi chúng ta quy tụ về để giữ các vị trí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương quá nhiều những người làm không được việc, không được đồng chí và nhân dân ủng hộ ở các nơi khác. Tôi tin vào sự cân nhắc, lựa chọn của Đảng, nhưng nếu thực sự có quá nhiều dư luận phản ánh thì Trung ương cũng nên xem lại, bởi vì để như vậy vừa gây khó cho đồng chí Bí thư Trung ương phụ trách Trưởng Ban, vừa làm tăng thêm sự thiếu nể trọng trong tất cả các lực lượng đang làm việc dưới sự quản lý của Ban Tuyên giáo Trung ương, một bộ máy tham mưu giúp việc cho Đảng có độ dày truyền thống từ trong chiến tranh, và qua bao thăng trầm của công cuộc Đổi mới.

Sức mạnh của Đảng chỉ có được từ lòng tin của nhân dân vào đường lối lãnh đạo đất nước. Trong thời bình, mà nhất là trong giai đoạn đổi mới, hội nhập hiện nay, lãnh đạo càng ít mệnh lệnh, càng tăng cường phương pháp thuyết phục, nhất là đối với những người có tri thức, thì chắc chắn vị thế của Đảng sẽ ngày càng cao hơn trong lòng dân tộc. “Mệnh lệnh”, hay “kỷ luật thông tin” được nhân danh để sử dụng một cách thiếu thận trọng, hàm hồ, lồng ghép cá nhân vào đó chính là một biểu hiện ấu trĩ về chính trị, chính là làm suy yếu chứ không phải tăng cường sức mạnh của nguyên tắc tập trung dân chủ. Nó chỉ làm thất vọng những người có tâm huyết với sự nghiệp Đổi mới, và làm chỗ dựa cho những kẻ xấu, bất tài, hám danh lợi quyền chức, làm suy yếu tinh thần cộng sản trong Đảng.

Mấy lời đóng góp và kiến nghị thẳng thắn, nếu có chỗ nào không phải, rất mong các đồng chí bỏ qua. Kính chúc các đồng chí mạnh khoẻ để ngày càng phục vụ tốt sự nghiệp Đổi mới của toàn Đảng, toàn dân.

Người kiến nghị,
Lý Tiến Dũng
TỔNG BIÊN TẬP BÁO ĐẠI ĐOÀN KẾ