วันพุธที่ 29 ตุลาคม พ.ศ. 2551

No 7 : Thật thà - Thà không thật ! Thà không thật còn hơn

Mặt tái dại, vẻ sát khí đằng đằng, hắn khệnh khạng bước vào trong nhà, ngang qua bức tường nối liền hai gian phòng hắn liếc mắt trông ngang tờ lịch trên tường thấy đè bốn chữ: Đại thử - nóng nực, liền rít nước bọt qua kẽ răng, gắt:

- Mẹ kiếp! đài lại... dự láo thời tiết rồi, rét nổi da gà, da lợn như thế này, gió mùa đông bắc cấp 10, 11, bão giật đùng đùng, mưa rơi rả rích suốt mấy tiếng đồng hồ mà lại bảo đại thử, có mà... đại bịp, đại láo thì có ấy.

Vợ hắn vốn không ưa cái tính cứ hay túm năm, tụm ba rồi về nhà chành chọe, chửi... nóng, mắng... lịch như thế, quát:

- Anh ăn nói cho cẩn thận, xỏ xiên gì. Đã là dự báo, dự đoán thì cũng có lúc đúng lúc sai chứ? Làm sao trăm lần đúng cả trăm được.

- Ô cái cô này, hắn vặc lại vợ: - Cô lại bênh cái lão Lê văn Xiên nhà cô à ? Dự báo thời tiết chứ có phải trò đánh số đề, sổ xố đâu mà bảo đoán đúng đoán sai ? bằng đánh đố cả bàn dân thiên hạ à? Hay lão ấy mắc bệnh lãnh đạo định xỏ dân chơi ?

- Phải...thị dài giọng:- Đến cái nghề giáo vụ như ông, sự thực nó rành rành ra đấy. Bao nhiêu đứa dốt, bao nhiêu đứa ngu, cứ ô dù mà nấp là thành tốt hết. Thế mà còn báo cáo láo, những là 45% khá, 50 % giỏi, không có học sinh trung bình, cá biệt... Chẳng qua chỉ là lấy tiền cấp dưới, xin thành tích cấp trên tôi còn lạ. Đằng này gió ở trên trời, bão ở ngoài khơi, sao dự đoán chính xác được.

- Cô đúng là... Đuối lý hắn khùng:- Nghề của cô thì thật thà hơn chắc ? Tiêm nước cho bệnh nhân, còn rút thuốc tốt ra để phục vụ... người giàu có tiền mà lại không... muốn khóc.

Vợ hắn nóng tiết :

- Nói như ông thì chẳng có cái nghề nào trong xã hội là thật thà cả. Thời điểm cuối 2003 này ai cũng thích ăn cơm, chả ai dại mặt ăn cháo mãi, trong khi lãnh đạo mua nhà, sắm xe. Họ bảo nhau: "Thà không thật. Thà không thật còn hơn". Thế là lớn, bé trẻ già từ đứa bé lên 3 đến cụ già kề miệng lỗ đều hô khẩu hiệu: "Thà không thật, thà không thật còn hơn".

Không hiểu suy nghĩ của vợ ngoắt nghéo đến đâu, hắn cáu:

- Xã hội thì cũng phải có người này người khác chứ. Kẻ tốt, người xấu, trắng đen, đủ vẻ. Sao lại quy chụp hết lượt thế được ? Trẻ con như con Tuyết nhà mình mới ba tuổi đầu thì đã biết cái quái gì mà cũng cũng ...

Đang đà nói, thị tức tối cắt ngang:

- Biết quái gì à ? Anh hỏi con anh xem, hôm nay tôi đưa nó từ mẫu giáo về đấy. Có hẳn một lô phiếu bé ngoan kia.

- Thì tốt chứ sao, cô lẩm cẩm đến mức thấy con được nhiều phiếu bé ngoan đâm ra lo sợ, tức tối à?

- Phải...thị dài giọng cong cớn: - Mấy lần tôi đón nó vào thứ 6, hỏi: Tuần này con có được phiếu bé ngoan không ? Nó lúng túng, buồn bã, ngẩn ngơ mãi rồi bảo: Tại cô cứ hay quên mẹ ạ, chứ con ngoan thật mà... Hôm nay thấy nó cầm một lô 5 cái, tôi lại hỏi: Con cầm hộ phiếu bé ngoan cho ai mà nhiều thế ? Nó hồn nhiên bảo: Con mua đấy chứ, mỗi ngày một tờ mẹ ạ.

- Mua? Hắn không tin vào tai mình tưởng vợ bịa, tí tuổi đầu nó đã biết mua bán gì mà có biết thì cũng lấy đâu ra tiền mà mua ?

- Không e dè kiêng nể, công dung ngôn hạnh gì vợ hắn độp lại: - Có thế tôi mới có chuyện để nói với anh. Hóa ra bao lần vừa vội vừa muộn, mình cứ ấn nó vào đấy - cái chỗ ăn sáng của cả trường ấy - ngay cửa lớp học, để lại tiền lẻ, bảo bà bán hàng bán cho cháu rồi... biến . Ai ngờ mẹ để ba thì nó ăn hai, có hôm còn không chịu ăn trứng để đem tiền vào lớp hối lộ bạn Hùng trưởng lớp mua phiếu bé ngoan.

- Trời ơi là trời, sao nó phải làm thế ? Giọng hắn nghi hoặc... Mà thằng Hùng lớp trưởng thì có quyền gì mà bán phiếu bé ngoan cho nó ?

- Nó bảo tại bạn Hùng là lãnh đạo nên tuần nào cô cũng nhớ để phát cho bạn ấy, có lần mải chơi, bạn ấy đánh rơi, bố mẹ đưa về đến gần nhà rồi mới nhớ ra, quay lại hỏi cô, chưa kịp khóc đã được cô phát thêm cho cái nữa.

- Lại còn thế nữa, hắn đắng họng hỏi sẵng: - Còn con bé nhà mình thì sao lại phải nghĩ chuyện bỏ tiền ra mua cái của nợ hết sức vớ vẩn ấy ?

- Nó sợ cô quên chứ sao ? Trưa hôm ấy hai đứa nằm cạnh nhau, thầm thì to nhỏ "tớ tớ, cậu cậu, tiền tiền, phiếu phiếu", cứ như buôn bạc giả, bị cô nghe thấy liền bảo:

- Hùng không được lấy tiền của bạn, thế là không tốt, còn Phương có ý thức tiết kiệm tiền quà sáng thế là tốt, để cô giữ đưa vào quỹ lớp, nhất định cô sẽ thưởng phiếu bé ngoan cho, càng ngoan cô càng thưởng nhiều, mỗi ngày một cái cũng được.

- Thật là tội nợ, hắn gầm lên tí tuổi đầu đã biết mua, bán, đổi chác, móc ngoặc, hối lộ rồi, chả trách cả hệ thống xã hội từ trên xuống dưới chỗ nào cũng hối lộ, quan tham.

Vợ hắn như ngộ ra cái lẽ đơn giản ở đời, mát mẻ:

- Là anh nói đấy nhớ, hóa ra không chỉ ngành khí tượng thủy văn có ông Lê văn Xiên nên bị người đời xỏ xiên gọi chệch thành dự láo thời tiết đâu mà ngành nào bây giờ cũng láo toét, xỏ xiên hết, kể cả y tế, giáo dục kiểm soát, công an, quân đội v.v..

Hắn ôm đầu :

- Nhìn đâu cũng chỉ thấy dặt một màu đen tối như thế này thì xã hội hội này là xã hội gì, hả ?

- Thì xã hội đen chứ còn gì nữa. Vợ hắn mát mẻ, cong cớn. Ông chủ chỉ việc ngồi khoắng tay vơ vét mà hưởng thụ như một thứ chủ nô, còn tất cả dân đen chổng mông chổng tĩ lên khác gì một thứ chủ làm, thằng láo thì được khen thưởng trọng dụng, lên chức lên lương, nào "Anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua", người có chữ có tài mà không tiền, không biết tạo cơn mưa... phong bì thì chỉ có ngồi bệt, rồi trộm cắp, đĩ điếm, nghiện hút, lưu manh cũng từ chuyện tham nhũng hối lộ mà ra...

- Chết tiệt ! Nhận ra thủ phạm gây ra cuộc cãi nhau vô bổ tội nghiệp này đích thị là tờ lịch treo tường, trong khi bếp nước còn lạnh tanh, hắn bước tới giằng xuống xé tan: - Chỉ vì mấy chữ đại thử - nóng nực xỏ xiên này mà cô bắt tôi đói đến run cả bụng đây, có lo dọn cơm cho tôi ăn không thì bảo.

- Được! Vợ hắn tưng hửng, giao hẹn: - Nhưng mà chỉ có cháo thôi đấy nhé.

- Giời ạ! Hắn ngẩn ra: - Lại còn thế nữa? Sức dài, vai rộng, lại gió mùa đông bắc như thế này mà bắt tôi ăn cháo để lẩy bẩy như Cao Biền dạy non hả vợ ?

- Thì...thị nghệt mặt thú nhận:- Tại tôi cũng nghĩ như anh ấy, thấy đại thử, tưởng nóng 39,40 độ, hơn mọi hôm nên trước khi ra khỏi nhà tặc lưỡi thả đại nắm gạo vào nồi thử nấu cháo chơi, ai ngờ gần trưa, trời xỏ xiên thế nào lại quay ngoắt ra mưa bão gió mùa, cháo thì chẳng biến thành cơm được. Cũng thử đổ đi nhưng lại tiếc.

Nhìn mặt vợ, hiểu cớ sự, hắn tru tréo:

- Cô đúng là đồ "thật thà", lại còn định bắt ba bố con tôi phải ăn cháo theo cô nữa à? Giời ạ!

Ngoài khuôn cửa, cu Sứt bảy tuổi nghe thủng câu chuyện của bố mẹ liền nhe cả hai hàm răng sứt ra đả đảo:

- Thà không thật, thà không thật còn hơn.

ไม่มีความคิดเห็น: