“… Một nhà nước luôn “bảo mật” với dân trong mọi việc dân cần được biết, dân cần được bàn, dân cần kiểm tra, giám sát. Nay lại có thêm một đường dây “bảo mật” nữa với dân! Dân chẳng còn gì để biết, chẳng còn gì phải bận tâm, dân chỉ như đám con nít cho gì được nấy, bảo sao nghe vậy!…”
Sau những hành động vừa ngấm ngầm lặng lẽ lấn chiếm, vừa ngang nhiên, trắng trợn thôn tính đất đai biển trời của ta ở biên giới và ngoài biển đông của nhà nước Trung Hoa; Sau những ngây thơ, hớ hênh, cả tin gửi trứng cho ác, sau những nhu nhược nhượng bộ, ngậm ngùi chịu thiệt thòi mất mát của nhà nước ta trước sự ngang ngược lấn tới của nhà nước Trung Hoa thì mỗi lần lãnh đạo nhà nước ta đi sứ sang Trung Hoa, người dân đều chăm chú theo dõi và phập phồng lo ngại. Lần này trong tiết heo may cuối thu năm 2008 đầy khó khăn thử thách, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhà ta lại đi sứ sang Bắc Kinh. Nỗi lo lắng của người dân càng to lớn, càng cụ thể khi trong các kí kết với nhà nước phương Bắc có một kí kết bất thường: Kí hiệp định về đường dây thông tin bảo mật giữa các nhà lãnh đạo hai nước!
Đường dây bảo mật này chính là đường dây nóng mà trong chuyến đi sứ sang Đại Hán giữa năm nay của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, người đồng cấp Hồ Cẩm Đào đã đặt ra đây! Đường dây này bất thường lắm, đáng băn khoăn lắm vì:
Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, nhất là trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cam go, khốc liệt, vận nước vô cùng chênh vênh, hiểm nghèo và lúc ấy Trung Hoa còn giữ bộ mặt thân thiện, chí cốt với ta. Lãnh tụ bên này nói Mối tình hữu nghị Việt – Hoa / Vừa là đồng chí, vừa là anh em. Lãnh tụ bên kia nói Trung Hoa – Việt Nam như răng với môi, môi hở răng lạnh. Nghệ sĩ hai nước thì hoà giọng ca: Bên đây biên giới là mình / Bên kia biên giới cũng tình quê hương. Còn những người lính chúng tôi ra trận đánh Mĩ thì càng thấy Trung Hoa xiết bao gần gũi, thân thiết. Từ đôi dép cao su đúc đi dưới chân đến cái mũ lá sen đội trên đầu, từ cái bi đông, túi thuốc cá nhân thắt bên sườn đến khẩu súng AK đeo trên vai, cái máy thông tin cõng trên lưng, từ hạt gạo ăn hàng ngày đến bánh lương khô, túi ruốc bông ăn khi lỡ bữa giữa rừng... đều của Trung Hoa. Lúc đó chúng tôi vẫn đinh ninh rằng đó là sự giúp đỡ cao cả vô tư của nhân dân Trung Hoa vĩ đại dành cho nhân dân Việt Nam.
Mãi sau này tôi mới hiểu ra rằng đánh Mĩ bằng máu người Việt Nam và bằng trang bị, vũ khí Trung Hoa, đó là phương thức làm cách mạng thế giới của người Trung Hoa. Với phương thức đó thì họ còn cần ta nhiều hơn là ta cần họ vì nếu không có vũ khí trang bị của Trung Hoa ta có thể trông chờ ở các nước khác trong khối xã hội chủ nghĩa lúc đó còn đông đảo, còn say lí tưởng quốc tế vô sản và còn mang mục tiêu chống chủ nghĩa đế quốc! Nhưng chống chủ nghĩa đế quốc bằng xương máu, bằng mạng sống của con người thì chỉ có nhân dân Việt Nam dám nhận lấy! Dù sao vũ khí trang bị của Trung Hoa cũng vô cùng cần thiết cho ta trong cuộc kháng chiến giữ nước. Ta cần họ và họ cũng cần ta. Cuộc chiến tranh giữ nước của ta cũng là cuộc đối đầu phân định thắng bại của hai ý thức hệ đối kháng phân chia thế giới mà ta và họ cùng trong một ý thức hệ. Vì thế hai nước rất cần có sự phối hợp chặt chẽ từ những hành động chiến thuật đến những ý đồ chiến lược, sách lược và những thông tin đó đều vô cùng hệ trọng, có tính bảo mật rất cao. Thế mà lúc đó đâu có cần đường dây nóng, đường dây bảo mật!
Trở về cuộc sống hòa bình, trở về bang giao hòa hiếu hữu nghị đâu có còn những gấp gáp của cuộc chiến đđang diễn ra, đâu có còn những bí mật quân sự! Hơn nữa, chiến tranh lạnh đã kết thúc, không còn hai hệ tư tưởng đối kháng. Việt Nam mong muốn là bạn của tất cả các nước. Thế giới bước vào thời kì cởi mở và xã hội bước vào kỉ nguyên dân chủ công khai, mọi việc lớn nhỏ của dân của nước, dân phải được biết, dân phải được bàn, dân phải kiểm tra giám sát. Trong cuộc sống hòa bình, trong thế giới cởi mở, trong xã hội dân chủ công khai, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Trung Hoa lập đường dây bảo mật làm gì vậy?
Trước những mưu đồ xảo trá của những tham vọng phương Bắc, lãnh đạo ta đã nhiều lần hớ hênh, dại dột làm cho đất nước chịu nhiều thiệt thòi, mất mát, làm cho nhân dân phải chịu nhiều cay đắng, đau xót không bao giờ quên. Nay lại có thêm đường dây đi đêm riêng tư, lành ít dữ nhiều, rồi điều gì sẽ xảy ra?
Còn nhớ năm 1955, miền Bắc vừa được giải phóng, cả miền Bắc đang thất nghiệp, sức người thừa thãi nhưng lãnh đạo nhà nước ta vẫn chấp nhận cho công nhân đường sắt Trung Hoa vào Việt Nam giúp ta khôi phục đường sắt Lạng Sơn – Hà Nội và công nhân đường sắt Trung Hoa đã đưa điểm nối giữa đường sắt Việt Nam với đường sắt Trung Hoa vào sâu lãnh thổ nước ta, cách xa đường biên giới tới 300 mét và ta cứ ngây thơ im lặng! Mãi đến khi quân Mĩ rút khỏi Việt Nam tháng 3 năm 1973 thì ngay lập tức tháng 1 năm 1974 Trung Hoa liền cất quân đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ tay quân đội Sài Gòn! Đến lúc đó lãnh đạo ta mới giật mình nhận ra nỗi thèm khát của “chiếc răng Trung Hoa” (Trung Việt như răng với môi mà) Lại chột dạ nhớ những gì đã diễn ra trước đây ở biên giới phía Bắc! Đắn đo, lúng túng mãi, đến ngày cuối cùng năm ấy, 31 tháng 12 năm 1974, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới dè dặt đề nghị Chính phủ Trung Hoa giao cho ngành đường sắt hai nước điều chỉnh chỗ nối đường sắt Việt – Trung theo đúng đường biên giới lịch sử. Tất nhiên, Trung Hoa không thiếu gì cớ từ chối: Các đồng chí cứ tập trung vào sự nghiệp giải phóng miền Nam. Điểm nối đường sắt hai nước không có gì quan trọng. Trung – Việt sẽ còn ngồi lại với nhau phân định lại cả tuyến biên giới lịch sử. Đến lúc đó sẽ xem xét luôn! Nhưng khi hai nước đàm phán về biên giới thì họ lại lí sự: Không thể có đường sắt nước này lại đặt trên lãnh thổ nước khác! Vì thế điểm nối hai đường sắt chính là điểm phân ranh hai nước!
Có đủ chứng cứ từ lịch sử lâu đời, có công ước phân định biên giới Việt – Hoa giữa người Pháp và nhà Thanh, có bản đồ biên giới Việt - Trung của người Pháp để lại, có sự thật lịch sử chỗ nối đường sắt đo do công nhân Trung Hoa đặt... nhiều lắm những chứng cứ xác định đúng đường biên giới lịch sử nhưng những người quản lí quốc gia của ta đã không đủ lòng yêu nước và bản lĩnh để đi đến cùng sự thật, họ đã bình thản buông xuôi để mất đất đai thiêng liêng của tổ tiên rồi lặng lẽ trước nhân dân, trước lịch sử và quanh co trước dư luận!
Cũng năm 1955 Việt Nam còn nhờ Trung Hoa in lại bản đồ Việt Nam tỉ lệ 1/100 000. Không có biên bản giao kèo và những qui định về nội dung in ấn. Không kiểm tra, nghiệm thu thành phẩm. Không xác định bản đồ gốc đối chiếu để từ chối khi bản đồ in lại không đúng với bản đồ gốc thì không có giá trị, không chấp nhận. Họ in sao ta nhận vậy! Bản đồ Việt Nam của Pháp để lại vẽ theo công ước phân định biên giới Việt – Hoa đã được hai nước Pháp, Hoa công nhận năm 1897 thì thác Bản Giốc thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng ở phía nam đường biên giới tới 2 kilomet. Nhưng bản đồ Trung Hoa in giúp ta, đường biên giới cắt đôi thác Bản Giốc! Bước một khó khăn nhất là lấn đất trên bản đồ đã được thực hiện đàng hoàng, dễ dàng, mau lẹ! Bước hai chỉ còn việc chiếu theo bản đồ vạch đường biên giới trên thực tế. Ngày 29 tháng 2 năm 1976 họ bất ngờ huy động 2 000 quân mặc đồ dân sự tràn sang đất ta bao vây toàn bộ thác Bản Giốc, che chắn cho kíp thợ gấp rút đổ bê tông phân ranh cắt ngang thác, ngang nhiên nhận một phần thác Bản Giốc của ta là của họ! Mới đây, nhân khai trương điểm du lịch mới sát biên giới ta, thác Đức Thiên, Đệ nhất hùng quan Nam Trung Hoa, họ mời một đoàn nhà báo ta sang dự. Đến nơi, các nhà báo Việt Nam cay đắng nhận ra Đệ nhất hùng quan Nam Trung Hoa, thác Đức Thiên chính là phần đẹp nhất của thác Bản Giốc của ta!
Đất đai trên đất liền bị mất mát hao hụt ở từng điểm tính bằng kilomet vuông, trên cả dải biên giới lên tới hàng trăm kilomet vuông! Lớn lắm! Nhưng cũng chưa thấm tháp gì so với những con số hàng trăm nghìn kilomet vuông biển trời bị mất ngoài thềm cửa phía đông nước ta!
Đất đai là xương máu, hồn cốt cha ông bị mất mát lớn như thế nhưng đến nay Quốc hội cũng không được báo cáo, không được biết sự thật! Người dân lại càng không được biết! Để tiêu hóa phần đất chiếm được của ta, nhà nước phương Bắc liền đưa phần đất đó vào đơn vị hành chính quận, huyện của họ! Đến lúc đó sinh viên ta mới biết đất đai của ta đã trở thành quận huyện Trung Hoa! Lòng yêu nước đã tập hợp sinh viên ta lại biểu lộ ý chí khẳng định chủ quyền Việt Nam ở những phần đất bị chiếm. Đó là việc rất cần thiết khởi đầu cho quá trình đòi lại đất bị mất. Cấm không cho sinh viên bộc lộ ý chí khẳng định chủ quyền Việt Nam ở những phần đất bị mất là nhà nước ta không có ý định đòi lại những phần đất đó sao? Làm sao người dân có yên tâm về một nhà nước như thế và về những người giữ trọng trách của nhà nước đó!
Một nhà nước luôn “bảo mật” với dân trong mọi việc dân cần được biết, dân cần được bàn, dân cần kiểm tra, giám sát. Nay lại có thêm một đường dây “bảo mật” nữa với dân! Dân chẳng còn gì để biết, chẳng còn gì phải bận tâm, dân chỉ như đám con nít cho gì được nấy, bảo sao nghe vậy!
Trong mối quan hệ với nước láng giềng, nhân dân Việt Nam luôn phải nhận thua thiệt, mất mát, cay đắng, tủi nhục. Nay trong mối quan hệ ấy lại có thêm một đường dây “bảo mật” nữa với dân! Rồi điều gì sẽ đến và đường dây “bảo mật” ấy cần cho ai?
Thời thế giới còn phân chia hai lực lượng thù địch trong hai hệ tư tưởng đối kháng, Việt Nam cùng trong hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa với nước lớn Trung Hoa và những nhà cách mạng Việt Nam đều tâm niệm học thuyết Mao ít, đều bị cái vòng kim cơ tư tưởng Mao Trạch Đông thít trên đầu và họ đã hăng hái tiến hành cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp, đã lạnh lùng thực hiện những vụ việc tàn bạo như vụ Nhân văn Giai phẩm, vụ Xét lại chống đảng, gây tai họa lớn cho đất nước, cho nhân dân, còn để lại hậu quả đến hôm nay. Bước vào thời kì mới, Việt Nam cần hội nhập với thế giới, cần mở rộng hợp tác làm ăn với tất cả các nước, nhất là với những nước có nền kinh tế phát triển, có trình độ khoa học kĩ thuật cao, có công nghệ hiện đại như nước Mĩ và các nước công nghiệp phương Tây.
Muốn thật sự hội nhập, tiếp cận và đón nhận vốn liếng, công nghệ và cung cách làm ăn lớn, hiệu quả, chúng ta phải là chúng ta, là con người Việt Nam thông minh, sáng tạo, là khí phách Việt Nam hiên ngang, tự tin, tự chủ. Thực tế cho thấy cái vòng kim cơ tư tưởng Mao Trạch Đông còn hằn sâu trong tư duy không ít nhà cách mạng Việt Nam, trở thành sự giằng co, níu kéo sự phát triển của đất nước, làm mất tư thế tự tin, tự chủ và hiên ngang của đất nước. Đó là một sợi dây đang trói buộc chúng ta! Thực tế cũng cho thấy, với tư tưởng Đại Hán, nước lớn Trung Hoa không muốn những nước nhỏ quanh họ phát triển để mãi mãi phụ thuộc vào họ, mãi mãi bị cột chặt vào họ. Và có phải đường dây bảo mật kia là lại thêm một đường dây cụ thể để họ cột chúng ta vào với họ?
Phạm Đình Trọng
ไม่มีความคิดเห็น:
แสดงความคิดเห็น