Các vụ kỷ luật báo chí mang tính cách răn đe liên tục diễn ra ở Việt Nam trong năm nay. Hai lãnh đạo cao nhất của Báo Đại Đoàn Kết vừa bị sa thải vì đã đưa những thông tin trái chiều lên mặt báo.
Đại Đoàn Kết, tờ báo của Mặt Trận Tổ Quốc VN, một tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng Sản. Mặt Trận tổ Quốc về lý thuyết được lập ra như một nơi tập hợp các nhân sĩ trí thức, đại diện tôn giáo các thành phần trong xã hội bên ngoài đảng cộng sản.
Trong thời gian dài dư luận ít quan tâm tới sự hiện diện của Mặt Trận Tổ Quốc vì tổ chức này chỉ có tính cách tượng trưng, không có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị một đảng ở VN.
Những năm gần đây trong xu thế mới, vị thế của Quốc Hội cũng được nâng cấp và nhiều tiếng nói phê bình đã được công luận chú ý hơn.
Trong hoàn cảnh tương tự Mặt Trận Tổ Quốc VN với tờ báo chính thức Đại Đoàn Kết, đôi lúc đã có những bài báo những thông tin không làm vừa lòng Đảng, chính xác hơn không đẹp lòng Ban Tuyên Giáo Trung Ương, trước kia mang tên Ban Văn Hoá Tư Tưởng Trung Ương, cơ quan chỉ đạo chính trị của báo chí truyền thông.
Cách chức Tổng biên tập
Thông tin từ VN cho biết, ngày 27/10 vừa qua Uỷ Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc VN, đã công bố kỷ luật hai người đứng đầu Báo Đại Đoàn Kết với lý do vi phạm luật báo chí.
Ông Lý Tiến Dũng Tổng Biên Tập và người phó của mình là ông Đặng Ngọc đã bị cảnh cáo và chuyển công tác, nói cách khác bị cách chức sa thải.
Hai vị trí này sẽ do người khác đảm nhiệm ngay từ đầu tháng 11.
Một nhà báo lâu năm ở TP.HCM ông Nguyễn Quốc Thái đã nhận định sự việc với chúng tôi:
“Anh Lý Tiến Dũng là con trai của GS Lý Chánh Trung là thầy dậy và cũng là bạn vong niên của tôi. Tôi rất quí mến anh Lý Tiến Dũng bởi vì anh là người rất khẳng khái, trong cách cư xử của anh ấy về báo chí, anh là người rất thẳng thắn.
Tôi mới hay tin anh Lý Tiến Dũng bị cách chức Tổng Biên Tập Báo Đại Đoàn Kết thì tôi cũng hơi bàng hoàng một chút. Bởi vì tôi vẫn tin là anh sẽ làm được một điều gì trong lãnh vực báo chí.
Việc anh Lý Tiến Dũng bị cách chức Tổng Biên Tập thực sự tôi không rõ nguyên nhân. Việc sa thải một người cách chức một người trong toà báo thì theo tổ chức báo chí VN, họ đều là công chức cả.
Bởi vì VN không có báo chí tư nhân, trong guồng máy Nhà nước họ đều ăn lương là công chức, quyền cách chức sa thải đều thuộc về Nhà nướ . Riêng tôi thấy việc cách chức anh Lý Tiến Dũng là điều rất đáng tiếc, tôi rất quí mến anh ấy.”
Lá thư của tướng Giáp
Các thông tin chúng tôi ghi nhận không nói rõ ban lãnh đạo Báo Đại Đoàn Kết vi phạm luật báo chí về vấn đề gì.
Nhưng giới làm báo và những người theo dõi thời cuộc bàn tán nhiều về một số bài báo đăng trên Đại Đoàn Kết, có thể coi như nguyên nhân sâu xa của sự việc.
Đầu tháng 11 năm ngoái, tờ báo đã làm một việc mà các báo khác không dám làm, đó là đăng tải lá thư của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp gởi các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trình bày quan điểm ngược lại về chủ trương phá bỏ Hội Trường Ba Đình và xây dựng trụ sở Quốc Hội trên khu di tích Hoàng Thành Thăng Long.
Dư luận lúc bấy giờ cho rằng việc đại tướng Giáp viết lá thư ấy đã là lạ, mà Đại Đòan Kết dám đăng trong khi các báo khác mà ông Giáp gửi bài đến đều không dám nói đến còn là một việc lạ hơn.
Cựu Đại Tá Bùi Tín, nguyên là một nhà báo cộng sản lâu năm nay đang sống ở Pháp đã nhận định về lá thư của ông Võ Nguyên Giáp, một khai quốc công thần của Nhà nước cộng sản:
“Bức thư hay bài báo đăng ngày 1/11 hay bức thư của ông Giáp gởi cho Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh, lời lẽ rất mạnh mẽ.
Nói rõ trách nhiệm của Tổng bí thư, yêu cầu phải có trách nhiệm với việc trọng đại này, để xét lại nghiên cứu lại, bàn lại và đưa ra công luận thảo luận lại, vấn đề này không nên vội vã dù quốc hội đã thông qua.”
Quan điểm trái chiều ?
Ngược dòng thời gian, Đại Đoàn Kết báo in và mạng điện tử trong năm 2008 đã đăng nhiều bài báo được mô tả là trái chiều với quan điểm của Đảng và Nhà nước.
Như bài tham luận của linh mục Nguyễn Thiện Cẩm, Uỷ Viên Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc VN, phó chủ nhiệm Uỷ Ban đoàn kết công giáo, bài tham luận này được Báo Đại Đoàn Kết chạy tít khá nhạy cảm ‘Cần phải xoá bỏ bao cấp về chính trị’.
Ngoài ra còn có một số bài của nhà báo Thái Duy và Hữu Nguyên đưa nhiều ý kiến về tình trạng chính trị bức xúc ở VN.
Nhiều người tỏ ra không ngạc nhiên khi làng báo VN gần đây bị nhiều hoạn nạn với những vụ cách chức, sa thải, thuyên chuyển, rút thẻ hành nghề và cả tù tội nữa;
Có vụ liên quan tới nhà báo vi phạm đạo đức, nhưng cũng có những vụ khó lý giải như vụ án hai nhà báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên mới đây.
Thực tế khó chối cãi là làm báo ở VN hoàn toàn không khác gì làm cán bộ công chức, theo những qui định rõ ràng mà nhà báo phải tuân thủ.
Tuy nhiên nghề làm báo mang những đặc thù của nó, độc giả vẫn yêu thích quí trọng những cây bút nghiệp vụ giỏi và trung thực. Nhà báo dù là cán bộ công chức vẫn được xã hội nhìn nhận là nhà báo và trong một số trường hợp họ sống và chết với thiên chức của mình.
Thư Kiến Nghị
January 15th, 2008 by Quantri
Lý Tiến Dũng, Tổng Biên Tập báo Đại Đoàn Kết
Hà nội, ngày 10 tháng 12 năm 2007
Kính gửi:
- Đ/c Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư
- Đ/c Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương
- Đ/c Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương
- Đ/c Phạm Thế Duyệt, Bí thư Đảng Đoàn Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam
Tôi ký tên dưới đây là Lý Tiến Dũng, Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết, đảng viên 26 tuổi Đảng. Xin kiến nghị về một số vấn đề không bình thường tại Ban Tuyên giáo Trung ương.
Trong quá trình kiểm điểm một số việc theo thông báo của Văn phòng Trung ương, tôi có nhận được văn bản số 46-BC/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương do Phó ban Hồng Vinh ký. Văn bản này đóng dấu “Mật”, nêu một số vấn đề về báo Đại Đoàn Kết, và nhận xét về Ban biên tập báo. Một văn bản với những lời lẽ ngây ngô về chính trị, lại rất hách dịch chụp mũ (kiểu thường thấy ở những người có kiến thức rất hạn chế, nhưng lại thích thể hiện quyền lực) che giấu một động cơ thiếu minh bạch. Đồng thời với việc này, một số người còn yêu cầu truy cứu lý lịch và quy trình bổ nhiệm tôi vào cương vị Tổng biên tập. Việc đào bới xoi mói lý lịch đảng viên như vậy, theo tôi, là thiếu tôn trọng sự quản lý của Đảng Đoàn, của Uỷ Ban Trung ương MTTQVN và tập thể báo Đại Đoàn Kết, nếu chưa muốn nói là vô nguyên tắc và trịch thượng. Những hành vi đó thật không thích hợp khi xử lý loại công việc đảng vụ như thế này. Tôi đã ở trong nghề báo hơn 15 năm, cộng với quá trình làm công tác chính trị khi còn ở Quân đội Nhân dân Việt Nam, tính ra cũng đã gần 25 năm, chưa bao giờ thấy một cơ quan tham mưu cho Đảng lại có cách hành xử kém cỏi như vậy.
Cách thể hiện ý tứ, chữ nghĩa như trong công văn 46-BC/BTGTW là điều không nên có trong các văn bản phát xuất từ cơ quan tham mưu của Đảng, nhất là tham mưu về tư tưởng lý luận, thường xuyên phải làm việc với đội ngũ trí thức, những người có học và có quá trình cống hiến. Đặc biệt khi nhận xét về công tác quản lý của Đảng Đoàn, Uỷ Ban Trung ương MTTQVN và những người được Đảng Đoàn, tập thể tín nhiệm cử giữ cương vị đứng đầu Báo Đại Đoàn Kết, cơ quan ngôn luận của Mặt Trận, mà tiền thân của nó là tờ báo Cứu Quốc, nay đã 66 tuổi, càng rất không nên sử dụng một phong cách ngôn ngữ hồ đồ như vậy.
Trước hết, xin được nhắc lại một sự việc liên đới trực tiếp đến người đã ký văn bản số 46-BC/BTGTW này, để các đồng chí suy nghĩ và cân nhắc. Con người này, đã từng vì lợi ích cá nhân, cản trở báo chí không cho đăng tải tin tức về một vụ hiếp dâm trẻ con (vụ án Lương Quốc Dũng) thì không thể có tư cách giáo dục tư tưởng đối với người khác, huống chi là giữ vị trí quản lý báo chí. Công luận không hiểu được vì sao một con người đầy tai tiếng như vậy, đã quá tuổi nghỉ hưu, mà vẫn được sử dụng, lại còn tiếp tục được giữ vị trí Phó ban Tuyên giáo Trung ương ??!
Đất nước ta đang phải đối diện với nhiều vấn đề nan giải về tư tưởng, lý luận, báo chí và truyền thông. Đảng và Nhà nước đang huy động tất cả tinh tuý của đội ngũ trí thức, những người tâm huyết với sự nghiệp này để cùng nhau kiến giải và tìm ra định hướng tốt nhất cho công cuộc đổi mới đất nước. Anh em làm báo chúng tôi cũng đang góp tay góp sức vào công việc ấy. Tôi nghĩ kiểu đe nẹt, ngăn chặn báo chí một cách vô lối như trường hợp không cho đăng thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa qua, bằng động tác nhắc nhở “dù là ai cũng không được đăng, phát” (Bản thông tin công tác tuần số 39 của Ban Tuyên giáo Trung ương) là điều không nên. Cho đó là “kỷ luật thông tin” lại càng không nên. Là người có học, biết trọng đạo lý, tâm huyết với lý tưởng từ ngày vào Đảng, tôi có đủ lòng tin để nghĩ rằng trên đất nước này, bây giờ và mãi mãi sau này, không ai có thể quở trách chúng tôi vì đã đăng bức thư của một con người như Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đảng Cộng sản Việt Nam không giáo dục các đảng viên của mình thấy việc hợp với đạo lý mà không làm. Đảng cũng chẳng bao giờ muốn các đảng viên của mình ra mệnh lệnh hoặc tuân thủ mệnh lệnh một cách máy móc, như những người máy. Tôi được biết để tạo thêm lý do “nghiêm trọng” cho việc xúc tiến kiểm điểm và “xử lý” báo Đại Đoàn Kết vừa qua, anh Hồng Vinh còn gửi kèm theo công văn số 46 một số đơn nặc danh, vu cáo Ban biên tập báo nhiều điều, trong đó có việc “tập hợp lực lượng”, “liên hệ với những người có vấn đề về chính trị”, gặp gỡ Câu Lạc bộ Thăng Long… Đây là lối chụp mũ vô tổ chức lẽ ra không nên có trong một cơ quan như Ban Tuyên giáo Trung ương.
Nhân đây, tôi cũng xin phản ánh: Dư luận hiện nay trong nhân dân, trong đội ngũ trí thức, văn nghệ, báo chí… ngày càng nhiều và bất lợi, khi chúng ta quy tụ về để giữ các vị trí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương quá nhiều những người làm không được việc, không được đồng chí và nhân dân ủng hộ ở các nơi khác. Tôi tin vào sự cân nhắc, lựa chọn của Đảng, nhưng nếu thực sự có quá nhiều dư luận phản ánh thì Trung ương cũng nên xem lại, bởi vì để như vậy vừa gây khó cho đồng chí Bí thư Trung ương phụ trách Trưởng Ban, vừa làm tăng thêm sự thiếu nể trọng trong tất cả các lực lượng đang làm việc dưới sự quản lý của Ban Tuyên giáo Trung ương, một bộ máy tham mưu giúp việc cho Đảng có độ dày truyền thống từ trong chiến tranh, và qua bao thăng trầm của công cuộc Đổi mới.
Sức mạnh của Đảng chỉ có được từ lòng tin của nhân dân vào đường lối lãnh đạo đất nước. Trong thời bình, mà nhất là trong giai đoạn đổi mới, hội nhập hiện nay, lãnh đạo càng ít mệnh lệnh, càng tăng cường phương pháp thuyết phục, nhất là đối với những người có tri thức, thì chắc chắn vị thế của Đảng sẽ ngày càng cao hơn trong lòng dân tộc. “Mệnh lệnh”, hay “kỷ luật thông tin” được nhân danh để sử dụng một cách thiếu thận trọng, hàm hồ, lồng ghép cá nhân vào đó chính là một biểu hiện ấu trĩ về chính trị, chính là làm suy yếu chứ không phải tăng cường sức mạnh của nguyên tắc tập trung dân chủ. Nó chỉ làm thất vọng những người có tâm huyết với sự nghiệp Đổi mới, và làm chỗ dựa cho những kẻ xấu, bất tài, hám danh lợi quyền chức, làm suy yếu tinh thần cộng sản trong Đảng.
Mấy lời đóng góp và kiến nghị thẳng thắn, nếu có chỗ nào không phải, rất mong các đồng chí bỏ qua. Kính chúc các đồng chí mạnh khoẻ để ngày càng phục vụ tốt sự nghiệp Đổi mới của toàn Đảng, toàn dân.
Người kiến nghị,
Lý Tiến Dũng
TỔNG BIÊN TẬP BÁO ĐẠI ĐOÀN KẾ
ไม่มีความคิดเห็น:
แสดงความคิดเห็น