วันเสาร์ที่ 22 พฤศจิกายน พ.ศ. 2551

No110: Ngự trên "Sôfa"


Ngự trên “Sofa”

*Hoa Kỳ đã học được cách tháo chạy… *

Dân chúng Hoa Kỳ đã quên chuyện Iraq, nhưng dân Iraq chưa thể quên chuyện Mỹ. Và đang lo…


Sau khi Nội các của Chính quyền Baghdad đồng ý với tỷ lệ 27/13 ngày 16, Đại sứ Mỹ đã ký với Ngoại trưởng Iraq hiệp định về quy chế lực lượng Mỹ tại Iraq (the Status of Forces Agreement – SOFA) vào ngày 17. Thủ tục còn lại là việc Quốc hội Iraq phê chuẩn, có thể vào ngày 24 tới đây. Một ngày sau lễ ký kết đó, Chính quyền Iraq quyết định sẽ tổ chức bầu cử hàng tỉnh vào ngày 31 tháng Giêng năm tới. Tình hình Iraq bắt đầu đi vào ngã ngũ...


Từ khi Chính quyền Bush quyết định dồn quân đánh tới, cục diện xứ này đã thay đổi. Quan trọng nhất không phải là yếu tố quân sự mà chính trị (tranh thủ hệ phái Sunni) và ngoại giao (đấu trí với Iran về tương lai Iraq). Thay đổi ấy mới cho phép Hoa Kỳ và Chính quyền Baghdad lập ra lịch trình triệt thoái các đơn vị tác chiến của Mỹ, nội dung của Hiệp định SOFA: các đơn vị Mỹ rút dần khỏi thành phố và thị trấn và bàn giao việc bảo vệ an ninh cho Iraq, hạn chót vào cuối tháng Sáu năm 2009. Và sẽ ra khỏi Iraq vào cuối năm 2011, nghĩa là trong ba năm nữa.

Binh lính Hoa Kỳ gác tại Mosul, Iraq.Getty Images

Chỉ một ngày sau khi Nội các của Thủ tướng Nouri al Malaki đồng ý ký kết, từ Iran, Giáo chủ Mahmoud Hashemi Sharoudi công khai chào mừng biến cố đó: Tehran đảo ngược lập trường, không đòi Mỹ rút quân lập tức và vô điều kiện, mà còn tán đồng Hiệp định SOFA. Ông ta là tiếng nói có thẩm quyền vì cầm đầu hệ thống tư pháp và nhân vật thân tín của lãnh tụ tối cao, Giáo chủ Ali Khamenei của Iran.


Người ta phải suy luận rằng bên trong hậu trường, Hoa Kỳ đã gián tiếp đàm phán với Tehran khiến Iran cắt giây thả nổi Giáo sĩ Muqtada al Sadr và lực lượng al Mahdi của ông ta. Cả các lãnh tụ Shia mới đồng ý với kế hoạch triệt thoái của Mỹ. Cũng từ sự kiện đó, kết luận kế tiếp là Iran tin rằng sau ba năm, mình vẫn còn ở tại đó và còn gây được ảnh hưởng vào nội tình Iraq. Ngược lại, Hoa Kỳ tin rằng trong ba năm, lãnh đạo Iraq sẽ đủ mạnh để tự lo lấy thân.


Đúng hay sai, sự thể sẽ diễn tiến ra sao thì chưa ai biết chắc được, nhưng ít ra đôi bên đều thấy đường hầm, và ánh sáng.


Điểm then chốt, Chính quyền Iraq đã chứng tỏ được khả năng độc lập của mình với Mỹ, dù là nhờ sự bảo vệ của các đơn vị Hoa Kỳ. Đây là bài học mà nước Mỹ có thể đã rút được từ... Sàigòn: không làm nhục đồng minh khiến cho đồng minh của Mỹ đồng nghĩa với tay sai của Mỹ. Phải 40 năm, nước Mỹ mới bò đến đó!
Nhưng, tình hình Iraq không chỉ tùy thuộc vào quan hệ song phương theo lối vừa đánh vừa đàm vừa dọa vừa dụ giữa Hoa Kỳ và Iran. Nhiều quốc gia khác cũng theo dõi chuyện này, và quan tâm đến an ninh hay quyền lợi của họ sau khi Hoa Kỳ triệt thoái. Họ có thể làm được gì?


Trước tiên, có đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ trong khu vực, là Israel.


Tel Aviv không thể không biết chuyện đánh-đàm của Mỹ với Tehran, có khi còn ồn ào góp sức khi dọa sẽ không tập các căn cứ chế tạo võ khí nguyên tử của Iran. Ngày 17, Tư lệnh Quân báo Israel là Tướng Amos Yadlin tuyên bố đã đến lúc Hoa Kỳ và Iran nên đàm phán, nhưng việc đàm phán của Mỹ không có nghĩa là hòa dịu, và Iran càng nên đàm phán vì rất nhiều khó khăn chính trị và kinh tế bên trong.


Nhìn từ Tel Aviv, Israel có thể tồn tại nếu cục diện Trung Đông xoay về trật tự cũ và giải pháp tháo gỡ của Chính quyền Bush còn ít tệ hơn lịch trình tháo chạy trong 16 tháng của Chính quyền Obama! Chính quyền mới của Israel, dưới sự lãnh đạo của bà Tzipi Livni hay ông Benjamin Netanyahu sẽ phải ứng xử với tình hình mới.

Một đồng minh khác của Hoa Kỳ thì chưa lên tiếng, đó là Saudi Arabia.


Là cường quốc Á Rập theo hệ phái Sunni, tất nhiên là xứ này không yên tâm nếu Iran của dân Ba Tư – theo hệ phái Shia – lại khống chế được Iraq. Nhưng Hoàng gia Saudi cũng có con tẩy trên bàn cờ Iraq, là các lãnh tụ Sunni. Và một con tẩy khác còn ác liệt hơn: là đại gia có thế giá nhất trong hiệp hội OPEC của các nước xuất cảng dầu thô.


Khi dầu thô sụt giá, hơn 60% trong ba tháng, Iran bị thắt họng trước nhất nên kêu gọi các hội viên OPEC hạn chế xuất cảng để nâng giá cho cao hơn. Saudi Arabia dư tiền yểm trợ các lãnh tụ Sinni tại Iraq và thong thả bơm thêm dầu cho giá còn giảm mạnh hơn nữa.


Cả Israel và Saudi Arabia đều cùng biết – như Mỹ – là dầu thô càng tuột giá, các Giáo chủ Tehran càng chóng mặt vì kinh tế sa sút và sẽ khủng hoảng, và Tổng thống Mahmoud Admadinejah hết đất múa. Cho nên, một chỉ số cần theo dõi về tương lai của SOFA lại là giá dầu!

Một cường quốc quân sự trong vùng, và đồng minh của Mỹ trong Minh ước NATO – là Turkey.
Ngay từ đầu, xứ này chống lại việc Mỹ tấn công Iraq, không vì những lý do lật lọng như đảng Dân Chủ tại Mỹ mà vì e rằng Iraq tan rã sẽ xoá mờ biên vực của sắc dân Kurd tại Iraq và tại Turkey. Xưa nay, dân Kurd trong vùng vẫn ước mơ thống nhất thành nước Cộng hoà Kurdistan. Giả thuyết Turkey kinh hãi nhất là đề nghị của Nghị sĩ Joe Biden – chuyên gia quốc tế của liên danh Obama-Biden – nhằm chia ba Iraq thành ba nước của ba sắc tộc Kurd, Sunni và Shia!

Khi nước Mỹ vấp ngã, Turkey mau mắn nhảy vào cuộc, vừa diệt trừ các nhóm khủng bố người Kurd, vừa làm trung gian giữa Hoa Kỳ và Iran, rồi giữa Israel với Syria. Bây giờ, Hiệp định SOFA sẽ trả lại độc lập cho Iraq, khiến Turkey khó nhảy vào tấn công các lực lượng Kurd trong lãnh thổ Iraq ở miền Bắc, nhưng hiệp định cũng quy định rằng lãnh thổ Iraq sẽ không được sử dụng để tấn công các lân bang. Một hiệp định có đủ hai mặt lợi và hại cho Ankara.


Nhìn trong trường kỳ, Turkey vẫn là cường quốc có lợi nhất và có ảnh hưởng gia tăng trong khu vực sau khi Hoa Kỳ triệt thoái. Chỉ dấu cần theo dõi là phản ứng của các nhóm du kích Kurd đang hoạt động tại miền Bắc Iraq. Nếu họ lẻn qua biên giới tập kích các đơn vị Turkey, Chính quyền Ankara sẽ làm gì?

Một xứ Hồi giáo lân bang của Iraq có khi lại nhìn vào SOFA với lo ngại, đó là Syria.


Cuối tháng trước, Hoa Kỳ đã từ Iraq không tập một hậu cứ của al-Qaeda nằm trong lãnh thổ Syria. Và chẳng che giấu gì việc đó! Trong ba năm nữa, Hoa Kỳ sẽ rút, nhưng từ nay đến đó liệu các đơn vị Mỹ có dùng căn cứ quân sự tại Iraq để xâm phạm lãnh thổ Syria không? Khi đó, Damascus sẽ kêu ai? Hay sẽ khai quang để cỏ dại al-Qaeda khỏi lan qua đất của mình?


Mà Syria đang có nhu cầu ưu tiên hơn, đó là đàm phán với Israel để lấy lại cao nguyên Golan bị mất năm 1967. Cũng vì nhu cầu đó, Damascus đã gián đoạn dần mối quan hệ với lực lượng Hezbollah tại Lebanon và hết là kẻ đồng hành với Tehran. Ngày nay, Tehran lại nói chuyện với Washington! Hiệp định SOFA vì vậy không là tin vui cho Syria. Nhưng, chẳng chống được thì thà là im.


Cao điệu hơn, Damascus có thể nhanh nhảu bày tỏ thiện chí để dự phần, bằng cách tri hô nguy cơ của khủng bố Thánh chiến và lấy tý điểm lẻ. Chỉ dấu cần theo dõi vì vậy là hoạt động “truy lùng khủng bố” của Syria!


Một vòng chân trời Trung Đông như vậy cho thấy Hoa Kỳ đã chuẩn bị việc triệt thoái một cách lịch sự và nhẹ nhàng nhất. Dân Mỹ sẽ có ngày nhìn ra điều ấy và đánh giá lại hứa hẹn rút quân khỏi Iraq trong 16 tháng và đàm phán vô điều kiện với Iran, mà ứng cử viên Obama đã thề thốt ngày xưa.


Duy nhất có một biến cố khả dĩ giúp cho giải pháp Obama trở thành “nước bài sáng”, là Quốc hội Iraq sẽ bác bỏ Hiệp định này. Nghĩa là tình hình Iraq chưa êm!

Mà chuyện ấy có thể xảy ra vì một vụ ung thư.

Lãnh tụ cao cấp nhất của Thượng hội đồng Hồi giáo Iraq ISCI, Abdel Aziz al-Hakim, là nhân vật Shia có ảnh hưởng trong xã hội và Quốc hội, với lập trường thân Iran nhưng không chống Mỹ. Ông góp phần đáng kể cho cuộc đàm phán về Hiệp định SOFA và sẽ vận động Quốc hội phê chuẩn văn kiện này. Nhưng ông đang bị ung thư lá lách đến hồi nguy kịch. Al-Hakim mà tạ thế, người con là Ammar al-Hakim có thể lên thay và nhiều phần thì tiếp tục đường lối của thân phụ. Nhưng sự đời có gì là chắc chắn trong thế giới hư ảo đó?

Bất trắc vẫn có thể xảy ra khiến ông Bush không kịp bàn giao cho người kế nhiệm một lộ trình an toàn để ra khỏi Iraq. Nếu chẳng may, Obama lại tìm một lộ trình khác và “tháo chạy trong danh dự”, dân Iraq sẽ lại khổ! (NXN)

ไม่มีความคิดเห็น: