วันเสาร์ที่ 8 พฤศจิกายน พ.ศ. 2551

No43: Hà Nội lụt: Cơn hoạn nạn để hiểu tận lòng quan

2

Xem hình

Vô cảm
Trời làm mưa lụt, Hà Nội ngập chìm trong những ngày qua, để lại cho người dân quá nhiều hậu quả phải gánh chịu. Qua trận lụt, người ta đã thấy rõ hệ thống thoát nước Hà Nội không có hiệu quả dù đã được đầu tư hàng trăm triệu đô la những năm qua.

Cũng qua trận lụt này, điều người dân thấy rõ hơn là một bộ máy chính quyền nói chung và Hà Nội nói riêng đã không hoạt động có hiệu quả dù đã phải đổ vào đó hàng hà sa số tiền của người dân để nuôi dưỡng.

Qua trận lụt, những biểu hiện sự vô cảm trước nỗi đau đồng loại của các quan chức đã thể hiện rõ nét.

Trận mưa lớn bất ngờ (vì nghe tin dự báo thời tiết chỉ mấy chục mm) từ ngày 30/10/2008 đã nhanh chóng đưa nhiều vùng Hà Nội vào cô lập. Hàng loạt các khu vực nhanh chóng bị tách biệt khỏi thế giới bên ngoài, không điện, không phương tiện giao thông… Nước lên từng giờ đe dọa hàng triệu người dân Thủ đô, tiếng kêu gào của những người dân vang lên khắp các hang cùng ngõ hẻm của Hà Nội. Giá cả tăng vọt, cuộc sống thật sự bị đe dọa bi đát, người dân gồng mình lên chống đỡ bằng mọi cách.

Nhưng, những mất mát, khốn đốn đau đớn của người dân hình như không thể kịp thời vọng đến tai những cán bộ của đảng và nhà nước. Họ lặng im như những chuyện đó đang xảy ra với những bộ tộc xa lạ nào đó ở nơi nào đó xa xôi trên thế giới không hề ảnh hưởng đến họ.

Những tiếng kêu ai oán của người dân đã đồng loạt cất lên khi bỗng nhiên họ chịu sự đau đớn và mất mát quá nặng nề. Riêng Hà Nội, con số người chết lên đến 22 người. Những người chết đã phải tức tưởi, ngậm ngùi khi tính mạng mình bị cướp đi do lụt ngay giữa Thủ đô. Em bé Vân Anh đã vĩnh viễn không trở về nhà sau buổi sáng chào bố mẹ để đến trường. Hàng loạt người chết đã nói lên những hậu quả nặng nề của trận lụt và vô cảm với cán bộ chính quyền Hà Nội. Sáng hôm bé Vân Anh bị nước cuốn trôi vào miệng cống, bạn tôi đã gọi cho tôi và rất phẫn uất: “Tôi đang đứng chỗ cháu bé bị nạn, chẳng thấy một cán bộ chính quyền quận hay thành phố nào đến nơi, dù tôi đã gọi khắp nơi cầu cứu” . Hèn chi, trong những tổn thất thường thấy trong các trận thiên tai, ít khi có danh sách cán bộ. Ông Phạm Quang Nghị cũng thừa nhận những người chết, chỉ có học sinh, sinh viên đi di chuyển đồ đạc cho người dân bị nước cuốn trôi.

Hàng loạt tiếng kêu ca, chỉ trích một chính quyền thành phố chậm chạp đối phó khi lụt bão thiên tai đổ xuống đầu người dân. Những điều cần thiết để đảm bảo cuộc sống người dân, ngay cả giữa Thủ đô đã không được chú ý đến mức cần thiết. Những hoạt động thiết thực nhằm thăm hỏi, hỗ trợ người dân khi bị thiên tai đã bị xem nhẹ, coi đó như không phải phần việc của mình. Tất cả đã làm cho những người dân mệt mỏi và chán nản. Người ta thấy rõ hơn những nét thật đằng sau những lời hoa mỹ về một chính quyền “vì dân, do dân”.

Hệ thống quan chức Hà Nội, đến sáng 1/11/2008 vẫn yên vị ngồi “Tổng kết tình hình tôn giáo” như chẳng có vấn đề gì xảy ra xung quanh. Vẫn những gương mặt béo tốt, những cái bắt tay hỉ hả. Người ta đặt câu hỏi: “Phải chăng, tình hình tôn giáo ảnh hưởng nghiêm trọng đến Hà Nội hơn cả tính mạng hàng triệu người dân đang ngâm mình trong lụt bão và xác các nạn nhân chưa được tìm thấy?”

Người ta đặt câu hỏi: Vì sao hồi này, TP Hà Nội đặt vấn đề tôn giáo quan trọng đến thế nếu thực tế đúng như lời ông Thảo mới nói hôm nào: “Chính quyền thành phố Hà Nội luôn tạo điều kiện hoạt động của các tôn giáo, trong đó có công giáo, như cấp đất, cấp phép xây dựng nhiều công trình của công giáo” .

Phải chăng trong đó có lý do hai “vườn hoa” đã xong, mà lòng người vẫn còn chưa thể yên ổn?

Báo chí là công cụ của đảng đã làm gì?

Cả hệ thống báo chí Việt Nam đã nhanh nhảu tranh giành nhau đưa tin về hình ảnh một vụ clip sex Vàng Anh với những lời kêu gọi thống thiết, xin “Đừng giết Vàng Anh” để biện minh cho hành động suy đồi của một thiếu nữ mới lớn với cậu con trai của cán bộ công an thành phố. Thậm chí cả một chương trình truyền hình hoành tráng đã được công phu dựng lên bào chữa cho hành vi đó với những lời sụt sùi, khóc lóc biện minh “em vô tội”. Những cuộc thi hoa hậu, những vụ scandal tình dục và những cuộc viếng thăm của một cán bộ nào đó của đảng hoặc nhà nước… luôn được săn sóc kỹ lưỡng và tốn kém.

Những chuyện cao siêu xa xôi về “Thiên đường xã hội chủ nghĩa” ở Bắc Hàn cũng đã được báo chí tuyên truyền công phu.

Đặc biệt là chiến dịch bôi nhọ, nhục mạ TGM Ngô Quang Kiệt không chút lương tâm đã được cả hệ thống báo chí huy động hết công suất bằng tất cả khả năng cao nhất và bất nhân nhất, nhanh nhất với kỷ lục quay quắt khi chưa đầy 24 tiếng đồng hồ.

Nhưng những gì thiết thực cho người dân khi hoạn nạn trong cơn hoảng loạn đã không được đề cập đến. Vì vậy người dân không thể thông qua báo chí để biết mình cần phải làm gì để “tự cứu” khi nước ngập, khi có người chết đuối, ốm đau. Báo chí chỉ chăm chắm săn tin hôm nay lãnh đạo làm gì ở đâu, với những lời bốc thơm là nhanh, thể hiện đầy đủ tư duy của báo chí nô lệ.

Những hình ảnh đau thương của các nạn nhân đã làm cho bao con người xúc động, tuy nhiên, báo chí đã không có mấy dòng để kêu gọi giúp đỡ họ.

Mặt trận Tổ quốc, một cơ quan giữ bằng được tiền của cho việc cứu trợ nạn nhân về phía mình, cho đến nay chưa có một lời kêu gọi giúp đỡ các nạn nhân khi hoạn nạn.

Quả là câu hát ví dặm Nghệ Tĩnh “Rằng qua cơn hoạn nạn, mới hiểu tận lòng nhau” có dịp đươc kiểm chứng tính đúng đắn của nó.

Vụng chèo, nhưng… không khéo chống

Ai cũng thấy, cả hệ thống công quyền Hà Nội đã tỏ ra lừng khừng, chậm chạp và vô cảm trước những nỗi đau của người dân qua việc chậm trễ trong việc ngăn ngừa, phòng chống lũ lụt và khắc phục hậu quả thiên tai. Ai cũng thấy được những cán bộ của dân kia đã không thực thi đẩy đủ nhiệm vụ của mình khi đã nhận những đồng lương do dân đóng góp.

Người ta thấy lạ là khi những thiên tai xảy ra ở đâu đó xa xôi, các nhà lãnh đạo Việt Nam rất nhanh nhảu gửi điện chia buồn, thăm hỏi và giúp đỡ. Nhưng những chuyện xảy ra với dân mình ngay giữa Thủ đô, thì chính quyền đã không thể nhanh tay hơn để giúp họ.

Cháu bé Vân Anh đã tức tưởi dưới ba tấc đất, nỗi đau chưa thể nguôi ngoai, nhưng những cán bộ của dân chưa thể đến thăm, chắc còn bận… họp. Những vùng ngập lụt không xa xôi, ở ngay nội thành, nhưng những người dân cứ chịu cảnh sống ngâm da, chết ngâm xương mà không có một lời động viên nào.

Xem cách làm và cách nghĩ của những người đứng đầu thành phố thì người ta đủ câu trả lời rất cụ thể.

Nói về hệ thống thoát nước, Chủ tịch TP Nguyễn Thế Thảo xác nhận ráo hoảnh: “Hệ thống thoát nước Hà Nội, cải tạo xong vẫn ngập” .

Tôi thấy thật ngạc nhiên, Chủ tịch Thành phố Nguyễn Thế Thảo đã biết điều đó sao ông không có kế hoạch nào để giải quyết vấn đề khi nước lụt chưa đến? Hay ông cứ để cho nó ngập và dân cứ chịu? Hay ông đánh bài đổ lỗi cho người tiền nhiệm khi nói lên điều này? Hay ông công khai điều này khi khó khăn, để sắp tới ông lại có thể chi cho dự án thoát nước những khoản tiền hàng trăm triệu đô la khác.

Thời gian gần đây, người dân đã nhìn thấy ông Phạm Quang Nghị rất “quan tâm” đến đồng bào công giáo.

Sáng 20/9/2008, khi hàng ngàn giáo dân đến chứng kiến cảnh làm trộm “vườn hoa” ở Tòa Khâm sứ được bảo vệ chặt chẽ bằng cảnh sát, chó nghiệp vụ bên hàng rào dây thép gai và hai lớp rào sắt nhọn, thì ông đã có mặt ở đó.

Sáng 1/11/2008, tức hai ngày sau khi mưa lụt ập xuống đầu nhân dân, ông họp tổng kết tình hình tôn giáo ở thành phố.

Chiều 1/11/2008, ông lại đến “một thôn công giáo toàn tòng thuộc xã An Phú, huyện Mỹ Đức”. Khi mà ở đó đã vào tình trạng “Toàn thôn bị nước lụt chia cắt. Mực nước dâng cao tận mái nhà. Mọi di chuyển của người dân đều bằng ghe, thuyền hoặc bơi lội trong ngõ xóm; tôi và anh em cán bộ cũng phải di chuyển bằng thuyền nhỏ của người dân. Nhiều gia đình phải nổi lửa nấu cơm trên mặt đê…”

Khi biện hộ cho những việc chậm trễ, ông Phạm Quang Nghị nói: “Có cái chậm một chút nhưng khả năng ứng phó cũng có lý do khách quan” , và: “Thiên tai thì không ai tính trước được” .

Ở đó, ông đã có câu nói “nổi tiếng” động viên người dân trong cơn khốn cùng như sau: “Do đang đi kiểm tra dưới cơ sở nên tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm” . (Copy nguyên xi câu nói, không cắt xén).

Câu nói nổi tiếng của ông, lập tức được nhận được sự giận dữ của dân chúng. Người ta thấy câu nói này thể hiện rõ tư duy đổ lỗi của ông. Việc chống chọi với thiên tai nếu không có sự cố gắng của nhân dân khi lụt lội đến thì chắc chắn Hà Nội bây giờ sẽ lại là nơi đất rộng người thưa từ lâu nếu cứ ỷ lại và ngồi chờ chính quyền.

Vậy nhưng người dân không thể tự động đắp đê, không thể tự động làm trạm bơm cho làng mình để đổ nước sang làng khác, không thể tự làm những dự án thoát nước nếu không muốn đi tù, dù người dân cũng muốn làm các dự án của nhà nước lắm. Nhưng đâu có đến lượt họ. Họ đã đóng góp tiền của thuê những công bộc của dân để làm thì không thể lại đổ ngược lại cho họ.

Tuy những lời giận dữ đó không được thể hiện trên bất cứ một bài báo nào của hệ thống báo chí Việt Nam, không có trong bất cứ báo cáo nào nhưng đầy rẫy trên mạng internet. Cũng vì vậy, ngày hôm sau, ông lại lên báo để nói lời xin lỗi?

Người ta đặt câu hỏi: Nếu tất cả blog, ý kiến trên mạng được quản lý theo “lề phải” như báo chí VN hiện nay, liệu ông Nghị có biết sự giận dữ của dân chúng để đưa lời xin lỗi, xoa dịu hay không?

Lời xin lỗi của ông đã được nói ra, nhưng người ta đã đọc được trong ý nghĩ của ông những gì trong đó. Bởi trong bài viết có lời xin lỗi của ông, ông nói rằng: “Trong những ngày qua, TP Hà Nội đã dừng mọi cuộc họp và những công việc không thật cần thiết để tập trung mọi lực lượng và phương tiện ứng cứu khẩn cấp, khắc phục các thiệt hại do thiên tai gây ra” mặc dù ngày 1/11/2008, TP vẫn họp “tổng kết tình hình tôn giáo”?

Ngày 3/11/2008 ông lại nói "Trận mưa lụt là cuộc tổng diễn tập lớn cho tương lai".

Tôi đọc câu nói đó của ông, mà không thể tin đây là câu nói của một Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Thủ đô. Bởi cứ theo suy nghĩ bình dân trong từ điển Tiếng Việt thì “diễn tập”, chỉ là việc diễn để tập dượt, rút kinh nghiệm.

Hỡi ôi, với hàng chục người chết, hàng ngàn tỷ đồng thiệt hại, tính mạng người dân đang bị đe dọa bởi nạn đói, dịch bệnh… thì quả là cuộc “tổng diễn tập lớn” quá đắt giá.

Nếu những ứng cứu và xử sự với dân như vừa qua của TP Hà Nội là cuộc diễn tập, thì mong thay, dừng có diễn mãi vở này.

Điều đó có khác chi đưa tính mạng con dân mình đi làm thí nghiệm?

Có lẽ một số quan chức coi đó là cuộc “tổng diễn tập”, chỉ vì những người thiệt mạng kia không phải là con cháu mình chăng?

Hãy đến một lần nhà cháu Vân Anh, những người chết vì trận lụt, con dân của các ông để nhìn thấy hậu quả “cuộc tổng diễn tập” đó. Hãy cứ đến đó hỏi những nạn nhân, những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng họ sẽ phát biểu cảm tưởng của họ về cuộc “Tổng diễn tập lớn cho tương lai”. Người ta rùng mình nếu như trong tương lai, không còn là những cuộc “diễn tập” nữa mà là “thực tập” thì những gì sẽ xảy ra?

Dù sao, đến hôm nay, nhiều hoạt động đã trở lại, trừ các cháu nhỏ chưa được đến trường. Dù rau muống vẫn 15.000 đồng/bó.

Đến hôm nay qua, khi nước đã rút hầu hết các đường phố HN, chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến để thăm người dân.

Quà cứu trợ của Thành phố đã đến với người dân, những gia đình bị ngập nhà đi ở nhờ thì 4 người đã được chia 2 gói mỳ tôm. Như vậy, trận lụt này, nhờ ơn đảng, ơn Chính phủ, mỗi người dân đã được nhận nửa gói mỳ tôm sau khi nước rút.

Nơi tôi ở, nước đã rút khỏi hầu hết các gia đình. Tuy nhiên, hậu quả của trận lụt còn lâu mới được khắc phục. Trận lụt đã qua, nhưng vẫn như có một cơn bão đang nổi sóng trong lòng những người dân qua cách hành xử của chính quyền và quan chức Hà Nội khi người dân hoạn nạn bởi một phần trách nhiệm của họ.

ไม่มีความคิดเห็น: