(VNN) Bản tin mới nhất của hãng thông tấn AP vào ngày 11/11/2008 loan tin về việc cựu tổng thống của Trung Hoa Dân Quốc, thường gọi là Đài Loan, là ông Chen Shui-bian (Trần Thuỷ Biển) đã bị còng tay từ phòng công tố để di chuyển sang toà án. Hình ảnh được chiếu trên màn ảnh truyền hình cho thấy cựu lãnh tụ họ Trần bị đưa đến một toà án để chờ nghe phán quyết của thẩm phán có nên giam giữ ông hay không. Đoạn phim cũng cho thấy là ông cựu tổng thống vừa đi vừa giơ hai tay bị còng lên trời cho mọi người thấy, và miệng thì hô to "Đây là một vụ đàn áp chính trị."
Vào tối hôm trước, ông Trần cho biết là dường như chính phủ đương thời của ông Ma Ying-jeou (Mã Anh Cửu) sẽ tìm cách bắt giữ ông, vì họ muốn tìm cách làm hài lòng chính quyền Trung Cộng, sau một loạt những cuộc xuống đường bạo động vào tuần trước để chống lại chuyến viếng thăm của một đặc sứ của Trung Cộng. Ông Trần cho biết là mình không có dính líu hay liên hệ gì đến những người chủ trương các vụ xuống đường phản động này để bày tỏ sự chống đối các chính sách muốn thương thuyết với Trung Cộng do chính quyền họ Mã đề xướng. Ông Mã Anh Cửu là lãnh tụ của Quốc Dân Đảng Trung Hoa (Kuomintang), vừa mới đắc cử tổng thống năm nay, sau 8 năm cầm quyền của đảng đối lập là đảng Dân Chủ Tiến Bộ dưới sự lãnh đạo của ông Trần Thuỷ Biển.
Tưởng cũng nên biết là Quốc Dân Đảng Trung Hoa đã cầm quyền liên tục tại Đài Loan trong hơn 50 năm kể từ ngày đảo quốc này được thành lập bởi lãnh tụ Tưởng Giới Thạch sau khi vị tướng này thua trận trước quân đội cộng sản của Mao Trạch Đông vào năm 1949. Tuy vậy về sau này, các lãnh tụ của Quốc Dân Đảng lại có vẻ đổi chiều, hết còn chủ trương chống Cộng cũng như không còn ôm mộng lật đổ chính quyền Bắc Kinh để phục hận cho lãnh tụ họ Tưởng. Ngược lại, các lãnh tụ về sau còn ủng hộ việc thương thuyết mạnh mẽ với phía Trung Cộng để đẩy mạnh sự hợp tác song phương giữa đôi bên trên nhiều lãnh vực, và tránh nói đến những vấn đề tế nhị về vị thế độc lập của Đài Loan.
Trong khi đó thì ông Trần Thuỷ Biển và đảng Dân Chủ Tiến Bộ lại ủng hộ mạnh mẽ lý tưởng quyết đòi độc lập cho Đài Loan, khiến cho chính quyền Bắc Kinh rất giận dữ và chính quyền ở Hoa Thịnh Đốn cũng khó chịu và khó xử. Trên nguyên tắc, sau khi Hoa Kỳ bỏ rơi đồng minh cũ để quay sang công nhận Trung Cộng là quốc gia chính đại diện cho Trung Hoa và giữ ghế thành viên thường trực trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vào thập niên 1970 thì đa số các quốc gia khác trên thế giới cũng theo gương của Mỹ và thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Cộng thay vì Đài Loan. Tuy nhiên, các chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục giữ cam kết bảo vệ an ninh cho Đài Loan khỏi bị xâm chiếm bởi Trung Cộng, tuy rằng vẫn tôn trọng chính sách một quốc gia duy nhất của Trung Hoa, thuộc về Trung Cộng. Do đó, Hoa Kỳ không muốn Đài Loan nhắc đến vấn đề đòi quyền độc lập cho đảo quốc này.
Phe ông Trần Thuỷ Biển thì ủng hộ chủ trương độc lập và do đó sẵn sàng ủng hộ việc gọi tên nước mới là Đài Loan thay vì tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc. Trong khi đó, Trung Cộng luôn nhấn mạnh rằng Đài Loan là một tỉnh ly khai, nhưng thuộc về lãnh thổ của Trung Cộng, và do đó đã nhiều lần đe doạ khai chiến nếu như đảo quốc này muốn tách rời hẳn khỏi Trung Hoa.
Sau khi thất cử, cựu tổng thống họ Trần đã bị điều tra về tội "rửa tiền" cùng với bà vợ, cũng như lạm dụng vào công quỹ trong thời gian 8 năm làm tổng thống. Có lẽ chính trị gia này cũng không phải là người hoàn hảo, xuyên qua những lời tố cáo về một số việc dàn dựng như giả bộ bị đả thương bởi một nhóm người tấn công trong mùa vận động tranh cử vào năm 2004 để từ đó mong lấy được thêm phiếu ủng hộ của dân chúng trong nước.
Nội vụ còn trong vòng điều tra, và dù cho toà án có quyết định tạm giam ông Trần thì cũng còn phải mất thêm một thời gian nữa cho một phiên xử để nghe hai bên tranh luận trước khi đi đến kết luận. Vì thế cho nên ông Trần đã không sợ hãi hoặc xấu hổ trước việc bị còng tay, và đã nhiều lần hô to trước đám đông những người ủng hộ ông đến toà những khẩu hiệu nhằm khích động họ như "Dân Chủ cho Đài Loan Muôn Năm! Độc Lập cho Đài Loan Muôn Năm!" Tuy nhiên, hình ảnh ông Trần Thuỷ Biển — chỉ mới vài tháng trước còn là người đứng đầu ngành hành pháp, nhưng giờ đây đã bị bên công tố viện quyết định còng tay để dẫn ra toà — cũng để lại những ấn tượng mạnh mẽ và tốt đẹp về tinh thần tôn trọng dân chủ pháp trị tại quốc gia Á Châu này, mà cách đây không lâu vẫn nằm dưới một chính quyền chuyên chế của một đảng duy nhất là Quốc Dân Đảng.
Cùng lúc đó thì tại một quốc gia Á châu kế cận khác là Thái Lan cũng đang diễn ra một trường hợp khá thử thách cho tinh thần thượng tôn pháp luật cho chính quyền cũng như người dân tại đây. Đó là sự kiện Tối Cao Pháp Viện nước này vừa mới xử khiếm diện, vào ngày 21 tháng 10 vừa qua, cựu Thủ Tướng Thaksin Shinawatra về tội hối mại quyền thế với bản án hai năm tù. Trước đó thì ông Thaksin đã tìm cách bay sang trú ngụ tại Anh từ tháng Tám và nói rằng ông sẽ không trở về nước để đối chất trước toà vì cho rằng vụ này cũng là do những động lực chính trị thù ghét ông chủ mưu.
Tưởng cũng nên nhắc lại là vụ án này khởi sự vào năm 2003, một thời gian ngắn sau khi ông Shinawatra lên nắm quyền thủ tướng tại Thái Lan, với lá phiếu ủng hộ đông đảo của khối dân ở thôn quê nhưng lại không được lòng của đa số dân trung lưu và có học thức tại thành phố do chính sách cứng rắn, mạnh tay và có phần chuyên chế của ông. Bà vợ của ông là Pojaman bị tố cáo là dùng ảnh hưởng của chồng để mua một khu đất đắt tiền tại thủ đô Bangkok thuộc Ngân Hàng Trung Ương, thay vì để lọt vào tay của hai nhà kinh doan địa ốc khác. Việc mua bán này có vẻ trong sạch, nhưng toà đã kết tội vì nó phạm vào luật không cho phép các công chức và thân nhân được quyền mua bán trong những giao kèo có dính líu đến những cơ quan nhà nước thuộc thẩm quyền của mình để tránh tình trạng tham nhũng hay thiên vị. Vì ông Shinawatra là thủ tướng nên có thể coi như tất cả các cơ quan nhà nước đều nằm dưới quyền ông, và vì thế vợ con ông có mua bán gì với các cơ quan này cũng sẽ bị cáo buộc. Ngoài ra, ông Shinawatra cũng bị cáo buộc là đã dùng quyền lực để làm giầu cho cá nhân khi bán lại dịch vụ thông tin viễn liên của ông cho tổ hợp đầu tư Temasek của Tân Gia Ba với giá tiền kếch xù khoảng 2,2 tỷ Mỹ-kim.
Ông đã bị một nhóm quân nhân đứng lên lật đổ vào năm 2006 khi ông đang trên đường tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York. Từ đó ông sống lưu vong tại Anh nhờ vào những khoản tiền giầu có ông đã tích tụ được từ trước. Nhưng đến tháng 12 năm 2007 thì các đồng minh trong đảng của ông đã giành lại quyền hành trong một cuộc bầu cử, giúp ông có thể trở về nước tuy rằng không giành lại được cái ghế thủ tướng. Thế nhưng từ đó thì những khó khăn về mặt pháp lý tiếp tục đổ dồn vào khiến cho cuối cùng vợ chồng ông phải tìm cách trốn thoát sang Anh, và từ đây ông gửi điện thư cho các cơ quan truyền thông trong nước giải thích lý do vì sao ông không cảm thấy an toàn trong nước — mặc dù thủ tướng hiện nay, ông Somchai Wongsawat, cũng là người trong gia đình với ông — và tố ngược rằng những lời cáo giác ông là do những kẻ thù chính trị của ông dàn dựng lên. Phía chống ông thì cho rằng ngành tư pháp trong nước đã dám tỏ sự độc lập của mình sau khi đã thoát ra khỏi ách cai trị chuyên chế của ông.
Nhưng xui cho ông Thaksin Shinawatra là chính phủ Anh có lẽ không bị thuyết phục bởi những lời lẽ này bằng những phán quyết của Tối Cao Pháp Viện của Thái. Do đó, Anh quốc đã quyết định thu hồi chiếu khán của Anh trên sổ thông hành của vợ chồng ông. Do đó vợ chồng ông không thể trở về Anh, và hiện nay cũng không biết sẽ đi về đâu. Giới truyền thông tại Thái cho rằng có nhiều nguồn tin cho thấy là vợ chồng ông đang trên đường đến thủ đô Manila của Phi Luật Tân, và có thể từ đó sẽ tính đến những giải pháp cứu thân. Tuy vậy, chính quyền Phi đã vội vã ra thông cáo chặn họng trước, khi loan báo rằng nước Phi sẽ không chấp nhận cho ông Shinawatra được xin tị nạn chính trị, theo như lời xác nhận của phát ngôn viên Jesus Dureza của dinh Malacanang.
Tuy ông Dureza không đưa ra những lời giải thích về quyết định này của chính phủ Phi, nhưng các chuyên gia đều cho rằng việc chấp thuận cho tị nạn chính trị sẽ gây khó khăn rất nhiều cho Tổng thống của Phi là bà Gloria Macapagal-Arroyo bởi áp lực chống đối của đảng đối lập cũng như của nhiều nhóm chống chính quyền khác. Từ lúc lên cầm quyền vào năm 2001 đến nay, bà Arroyo đã trải qua ít nhất là 4 vụ ám sát hụt, 3 lần bị truy tố để luận tội tại quốc hội và hàng chục vụ xuống đường chống đối với những lời cáo buộc về tội tham nhũng.
Chính bà Arroyo cũng lên cầm quyền trong một tình thế đặc biệt, khi bà còn là phó tổng thống, và vị tổng thống đương quyền lúc bấy giờ là ông Joseph Estrada đã bị luận tội về nhiều tội, trong đó có tội hối mại quyền thế và tham nhũng. Ông Estrada là một chính trị gia xuất thân từ giới tài tử xi-nê, và nhờ vào sự nổi tiếng này mà ông được đông đảo dân chúng trong nước ủng hộ bỏ phiếu cho ông trở thành tổng thống. Nhưng khi ông Estrada bị luận tội và đàn em của ông tại Thượng Viện tìm cách bao che thì sự chống đối của dân chúng trong nước nổ bùng lên, dẫn đến một cuộc cách mạng nhân dân thứ hai (lần đầu xảy ra vào năm 1986 khiến cho tổng thống Ferdinand Marcos phải ra đi) khiến ông phải từ chức và sau đó cũng bị tống giam như bất cứ mọi công dân khác. Cuộc điều tra và vụ kiện kéo dài trong gần 6 năm trời, và trong thời gian này ông Estrada được đóng tiền tại ngoại hầu tra và được sống khá thoải mái tại trang trại riêng sang trọng và to lớn. Vào tháng 9 năm 2007, một toà án chống tham nhũng đã phán quyết ông Estrada có tội vơ vét tài sản, một tội danh mà hình phạt có thể lên đến cấm cố chung thân. Nhưng đến cuối tháng 10 thì ông Estrada đã được Tổng thống Arroyo ban lệnh ân xá.
Điều này cho thấy là tại các nước Á Châu vốn thường nằm dưới quyền lãnh đạo của các lãnh tụ hay chế độ độc tài chuyên chế, và chỉ mới làm quen với sinh hoạt tự do dân chủ từ vài thập niên qua, tinh thần dân chủ pháp trị dường như cũng có cơ may được tôn trọng ở cao độ, xuyên qua việc các ông cựu tổng thống như Trần Thuỷ Biển của Đài Loan và Joseph Estrada của Phi Luật Tân đã bị còng tay để đưa vào nhà giam. Có lẽ chỉ còn chờ có cảnh ông Thaksin Shinawatra chịu hoặc bị bắt về nằm tù ở Thái Lan cho đủ bộ ba thì uy tín của các nước Á Châu này sẽ được tăng cao và sẽ khiến cho người dân trong nước cũng có quyền hãnh diện với thế giới.
Tuấn Minh
ไม่มีความคิดเห็น:
แสดงความคิดเห็น