วันพฤหัสบดีที่ 13 พฤศจิกายน พ.ศ. 2551

No66: Dân chủ và đời thường

Cần phải có cơm ăn áo mặc... Bất kỳ ai cũng thế. Đó là những gì cần thiết của đời sống hằng ngày. Bất kể đó là ông Tổng thống hay chỉ là người công nhân bình thường ở đời thường: bụng mà không no thì không làm nổi chuyện gì. Thế cho nên, một trong những độc chiêu của nhà nước CSVN đối với các nhà hoạt động dân chủ là bao vây, triệt hẳn đường mưu sinh của họ và gia đình... Thế là bất chiến tự nhiên thành, phong trào dân chủ sẽ suy yếu.

Một thời thơ ấu chúng ta đọc truyện kiếm hiệp Kim Dung, hào hứng theo dõi các kỳ tích của các cao thủ võ lâm hành hiệp giang hồ. Nhưng chỉ tới khi lớn lên, chúng ta mới thắc mắc không hiểu các trang võ hiệp phóng ngựa, múa kiếm, hành hiệp giang hồ đó thực sự làm sao mà có tiền chi dụng. Bởi vì trong truyện, chúng ta đều thấy rằng họ thất nghiệp.

Tất nhiên, chỉ trừ các nhà sư Thiếu Lâm trong truyện thì đi các chùa bạn hóa duyên, hay là buổi sáng ra phố khất thực... Cũng chỉ trừ các vương gia như họ Đoàn, như Đoàn Nam Đế trong Võ Lâm Ngũ Bá, hay Đoàn Dự trong Lục Mạch Thần Kiếm... lúc nào trong túi cũng có vàng, ngọc để chi dụng. Cũng tất nhiên là trừ ông cụ Hồng Thất Công, bang chủ Cái Bang, chuyên đi ăn mày kiếm sống... Còn thì các cao thủ trong truyện kiếm hiệp không hề đi lao động bao giờ cả. Vậy thì ai nuôi? Nhưng các chi tiết này không hề làm cho truyện dở đi. Thực tế, có thể là nhờ không vướng bận chuyện mưu sinh, nên mới có chuyện kiếm hiệp gay cấn cho đời sau mà đọc.

Bây giờ, thì, những người hoạt động dân chủ Việt Nam rơi vào hoàn cảnh rất là khác biệt. Họ cũng hành hiệp giang hồ, cũng nhảy ra trước đao kiếm công an để nóí đạọ lý giang hồ, để bênh vực dân oan trong khi tay không tấc sắt, cũng rạng sáng phóng lên thành cầu Hải Phòng để treo biểu ngữ đòi dân chủ, cũng hẹn nhau phó hội 8406 ở nhà lão hiệp Nguyễn Thanh Giang mà bàn tuyệt kỹ võ công Dân Chủ Chân Kinh, cũng dịp Tết vào quán uống rượu bàn chuyện du thuyết các tỉnh để biến đổi thiên hạ...

Nhưng than ôi, vẫn còn khác rất nhiều trong truyện võ hiệp. Rằng những người hoạt động dân chủ vẫn phải lo chuyện kiếm tiền để nuôi gia đình, để có tiền cho vợ đi chợ, cho con đi học, và để vào trà quán Internet mà phóng chưởng xa nghìn dặm...

Tín đồ Hòa Hảo Trương Văn Đức
Nguồn: danlentieng.net
Như cư dân Quận Cam mới mấy tuần qua, được tu sĩ Trương Văn Đức của Phật Giáó Hòa Hảo vừa định cư tại Mỹ lý do tị nạn chính trị, nói rằng ông và gia đình bị công an bao vây kinh tế tới nỗi cả nhà ai cũng đói xanh cả mặt. Sống ngay giữa An Giang lúa nổi đầy đồng, nơi lòng dân thương nhau như ruột thịt trong nhà, vậy mà rồi cũng đói. Công an hù dọa tới nổi làng xóm ai cũng tránh xa gia đình tu sĩ Trương Văn Đức. Ngày đêm công an hù dọa sẽ vào nhà tấn công, tới nổi tu sĩ phải mua để sẵn hàng chục lít xăng trong nhà, đe dọa hễ công an vàò là ông châm lửa tự thiêu liền. Mới biết, người hoạt động tự do tôn giáo bây giờ chịu nhiều áp lực lắm, đâu có thơ mộng như truyện võ hiệp, và cũng đâu có nhẹ gánh tới nổi được tác giả Kim Dung miễn cho chuyện đi làm kiếm sống.

Như thế, chúng ta mới thấy quý trọng những người hoạt động dân chủ hiện nay. Như khi ông Phuơng Nam Đỗ Nam Hảỉ từ Úc về, thời gian ngắn sau là ngân hàng phải cho nghỉ việc vì áp lực công an. Hay như sinh viên Nguyễn Tiến Trung ra trường, về lại Việt Nam... thời gian sau là bị kêu đi nghĩa vụ quân sự.

Hay gần nhất là trường hợp người hoạt động dân chủ Lê Thanh Tùng bị bắt. Đời sống gia đình thê thảm gần như tức khắc, vì anh là lao động trụ cột cho cả nhà. Bản tin từ quốc nội cho biết:

“...chiến sĩ tranh đấu dân chủ nhân quyền Lê Thanh Tùng đã bị bắt lúc 8 giờ sáng ngày 06/11/2008 tại phố Chợ, thị trấn Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội. Sau hơn 2 ngày tạm giam ở công an huyện, đến 13 giờ 30 phút chiều ngày 08/11/2008 một đoàn công an gồm hơn 20 nhân viên an ninh các cấp từ thành phố, huyện, xã đã dẫn giải anh Tùng về nhà để thực hiện lệnh khám xét nhà đến 15 giờ thì tạm kết thúc. Kết quả, toán công an nói trên đã thu giữ được rất nhiều tài liệu nội dung viết về dân chủ, nhân quyền, đa nguyên đa đảng tại Việt Nam của nhiều tác giả. Số tài liệu này anh Lê Thanh Tùng đã in ra để phân phát cho nhân dân, cán bộ đảng viên kể cả công an địa phương đọc nhằm nâng cao dân trí cho họ. Sau khi khám xét xong, toán công an trên đã khoá tay rồi áp giải anh Tùng lên xe ô tô chở đi và không cho gia đình biết nơi giam giữ cụ thể ở đâu, cũng không cho anh được đem theo các đồ dùng cá nhân tối thiểu như quần áo, khăn mặt, bàn chải đánh răng, xà bông....

Cơm áo gạo tiền
Nguồn: photobucket.com
Vì thế đến ngày 09/11/2008 chị An là vợ anh đã thử tìm đến công an huyện xem chồng mình bị giam giữ cần tiếp tế những gì, đồng thời có đem đến đây cho anh Tùng một số đồ dùng tối thiểu như trên, nhưng chị đã bị một sĩ quan công an cấp bậc trung tá hơn 50 tuổi tiếp và chửi rủa thậm tệ. Viên công an này nói: “Mang tất cả về không cho thằng này nó đánh răng làm gì, gội đầu bằng xà phòng thơm làm gì...Cứ để cho mồm nó thối như mồm lồn... và cái đầu nó hôi hám bẩn thỉu để khỏi viết ra toàn bài phản động chống đảng nữa...” Trước thái độ vô học không mấy văn hoá, lưu manh như vậy của viên sĩ quan công an huyện Sóc Sơn, y vừa là đảng viên ĐCSVN nữa làm cho chị An vừa căm giận sự tàn ác và coi thường nhân dân của hắn... Hiện nay cuộc sống của 3 mẹ con gặp nhiều khó khăn cơ cực vì anh Lê Thanh Tùng trong gia đình vừa là trụ cột vừa là lao động chính. Chị An cho biết lúc đoàn công an đông đúc ập tràn xông vào nhà để đọc lệnh khám xét và bắt giam, anh Lê Thanh Tùng rất tự tin, bản lĩnh và vững vàng không chút hoảng sợ. Còn chị An tỏ rõ tinh thần cũng rất bình tĩnh, đàng hoàng không chút nao núng, tin tưởng chồng mình đấu tranh hy sinh vì dân vì nước và hoàn toàn chính nghĩa. Chị An cũng cho biết có đôi chút buồn lòng do trình độ dân trí nhân dân còn thấp, kém hiểu biết, lại bị bưng bít thông tin và chính sách ngu dân ngự trị quá lâu nên có thể việc anh Tùng bị công an, chính quyền CSVN bắt giam làm cho một số đồng bào địa phương hiểu sai bản chất sự việc. Hiện nay chị phải thay anh làm mọi việc, vừa buôn bán kiếm sống nuôi 2 con nhỏ, vừa tiếp tế cho chồng trong tù. Chị phải ra chợ dọn hàng từ sáng sớm đến chiều tối nên điện thoại liên lạc chỉ nên gọi vào ban tối hoặc đêm hay sáng sớm theo giờ Việt Nam mới liên hệ được với chị. (Số cố định để bàn là: 04 22 189 645 )...”
(hết trích)

Đó là một câu chuyện mới xảy ra trong rất nhiều chuyện bi thương đời thường của người hoạt động dân chủ và gia đình của họ. Các hội từ thiện tất nhiên là phải tránh né, không dám tìm tới để giúp gia đình họ.

Tôi không biết rồi nhà văn Kim Dung nếu biết những chuyện thế này sẽ có cách nào làm cho các trang giấy thơ mộng hơn hay không. Bởi vì các tình tiết lựa chọn bây giờ đã rất là hạn hẹp. Khi họ bị quan phủ giam trong ngục thất, Kim Dung sẽ viết tiếp như thế nào? Lòng tôi rối bời bời khi đọc các chuyện đời nay. Chỉ muốn hỏi vậy thôi.

ไม่มีความคิดเห็น: