วันจันทร์ที่ 24 พฤศจิกายน พ.ศ. 2551

No120: - Chỉ Vì Một Câu Thơ Độc Nhất Quang Dũng

Chỉ Vì Một Câu Thơ Độc Nhất Quang Dũng

VÀ VỢ CON ĐỂU BỊ TRUY ĐÌ ĐẾN CHẾT THẢM TRONG ĐÓI KHỔ TRIỀN MIÊN. NGƯỢC LẠI NGUYỄN CHÍ THIỆN ĐÃ ĐƯỢC ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC CS NUÔI VỖ CHO BÉO PHÌ RỒI THẢ SANG MỸ NHƯ MỘT THƯỢNG KHÁCH NHÀN DU, THA HỒ BA HOA, TỰ DO PHÓNG PHÉT...SỰ TƯƠNG PHẢN VÔ CÙNG NGHỊCH LÝ NÀY CHẮC CHẮN PHẢI CÓ LÝ DO MỜ ÁM VÀ MỤC ĐÍCH CHÍNH TRỊ ĐEN TỐI?!


· KHẮC HOẠ LẠI CHÂN DUNG ĐÍCH THỰC TÀI HOA, ANH HÙNG, LÃNG MẠN...NHƯNG ĐẦY GIAN TRUÂN, KHỔ ẢI CUẢ NHÀ THƠ TRỨ DANH: QUANG DŨNG.


• SAU 9 NĂM CAN CƯỜNG CHIẾN ĐẤU CHỐNG PHÁP DÀNH ĐỘC LẬP CHO DÂN TỘC, QUANG DŨNG VÀ VỢ CON ĐÃ ĐƯỢC ĐẢNG C.S. " THƯỞNG CÔNG" BẰNG SUỐT CUỘC ĐỜI BỊ TRUY ĐÌ, CÔ LẬP TRONG ĐÓI KHỔ...CHỈ VÌ MỘT CÂU THƠ! ĐỘC NHẤT MỘT CÂU THƠ LÃNG MẠN!


Đặng Văn Nhâm


KHAI ĐỀ


Trong giới văn nhân, nghệ sĩ ở Âu Châu, ai cũng biết tôi và nhạc sĩ Trịnh Hưng là đôi bạn thâm giao. Chúng tôi thường gặp gỡ, liên lạc điện thoại, thư từ thăm hỏi nhau. Khi anh còn sống, lần nào xuống Paris chơi, tôi đều réo Trịnh Hưng đến gặp vợ chồng tôi. Có khi chúng tôi la cà khắp các phố phường tới tận nửa khuya mới chia tay.


Tôi được biết, năm 2000, anh Trịnh Hưng mới có dịp trở về thăm quê hương lần đầu tiên, để viếng mồ mả tổ tiên, ông bà, cha mẹ, và thăm thân nhân, bằng hữu, sau hơn nưả thế kỷ lưu lạc ở miền Nam rồi đất khách quê người. Trong số những chuyện tản mạn cuả miền Bắc, những kỷ niệm thuở thiếu thời ở Hà Nội, anh còn kể cho tôi biết qua về trường hợp đau thương, bị truy đì nghiệt ngã và đày đoạ đói khổ suốt mười mấy năm trời. Cả gia đình vợ chồng con cái nhà thơ Quang Dũng đã không có được một bưã cơm độn no. Thật là bi thảm hãi hùng!


Nhưng cách nay hơn một tuần, bỗng tôi lại nhận được thêm một lá thơ cuả anh, chủ đích vẫn chỉ nói về trường hợp cuả nhà thơ Quang Dũng với cuộc sống nghèo khổ, bịnh hoạn, đói rách đến thảm hại cuả chị Quang Dũng [khuê danh là Bùi Thị Thạch], hiện nay đã ngoài 90 tuổi, ở Hà Nội. Ngay phần mở đầu lá thơ, để tránh mọi ngộ nhận, anh Trịnh Hưng đã nghiêm chỉnh minh xác với tôi nguyên văn:" Đây là việc mà tôi thấy có bổn phận phải làm, chứ không phải là chị Quang Dũng nói tôi làm đâu. Tôi làm là vì lòng mến thương anh và tôi làm được thì tôi sung sướng và thanh thản!..."


Ngoài ra, anh còn viết thêm cho tôi mấy câu như sau:" Anh đọc những gì tôi kể trong thư này xem sao.Có dùng được không? Nếu cần thì anh cứ sưả lại cho gọn, và sắp xếp có lớp lang rành mạch. Vì tôi không phải là một nhà văn, chỉ nhớ đến đâu kể tới đó thôi.Nó cũng lộn xộn. Anh thì viết văn quen rồi, còn tôi thì có viết lách gì đâu. Vì vậy, nên tôi phải nhờ anh viết lại và chỉnh đốn theo ý anh, làm sao cho gọn và dễ hiểu..."


Được lời ủy thác cuả bạn, lại cũng vì sự quen biết thân tình giữa tôi với những người thân của Trịnh Hưng như anh chị Lê Khải Trạch ( sau làm đổng lý bộ Thông Tin), anh Trần Chánh Thành ( sau làm tổng trưởng Thông Tin, chủ tịch Phong Trào Tố Cộng thời đệ nhất CH). Song đặc biệt nhất vẫn là mối cảm xúc sâu xa trong lòng tôi trước cuộc đời ngang trái đắng cay cuả nhà thơ Quang Dũng, cộng thêm tấm lòng thiết tha cuả anh Trịnh Hưng với anh chị Quang Dũng trong thời gian sau 75 , nên tôi đã không ngần ngại tiếp tay trong mục đích phục vụ lý tưởng chống Cộng cao cả này.


Trong thơ anh Trịnh Hưng còn chép lại cho tôi mấy vần thơ cuả chị Quang Dũng đã viết để tặng chồng, đồng thời cũng để an ủi chồng, tuy không trách ai, song đọc lên nghe sao mà ai oán, đắng cay, ngậm ngùi đến bức xúc tâm can:


-" Chồng tôi thơ bút lưu danh


Chồng người binh đao xây thành


Nếu đem tài hoa xét lại


Ngai vàng bia đá sử xanh !"


Sau khi anh Quang Dũng đã mất đi, chị còn làm thêm một bài thơ khóc chồng, để diễn tả tâm trạng và kín đáo gói ghém tất cả tấm lòng son sắt với chồng, chia xẻ cùng chồng cuộc đời oan trái, khổ đau không ai bì kịp, như sau:


" Chồng người là nhà vua


Chồng tôi là nhà thơ


Cách nhau ba thế kỷ


Cùng lưu danh muôn thuở.


Người xưa làm thơ " Ai Tư Vấn" (*)


Người nay làm thơ " Trách Ai"


"AI" trước và "AI " sau


Nỗi niềm có khác nhau


Là một kiếp đàn bà


Đã theo chồng chấp cả !"


Tuy chị Quang Dũng đã khiêm nhường tự nhận mình ít học, và chỉ có một tấm lòng yêu thơ, thiết tha với thơ, cũng như đã yêu chồng và thiết tha với chồng, nhưng đọc mấy vần thơ tuyệt tác " Trách Ai" kể trên cuả chị, chúng ta thấy chị đã mượn điển cố, và nương theo tâm trạng cuả Ngọc Hân công chuá qua bài thơ " Ai Tư Vấn" khóc chồng là hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ, một vị anh hùng áo vải đất Tây Sơn, đã chẳng may qua đời quá sớm ( ngày 29.7. năm Nhâm Tí- 1792, theo " Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, quyển 30, trg 416), từ lúc còn trẻ, trước một tương lai hưá hẹn đầy vinh quang rực rỡ, huy hoàng.


Người xưa: Ngọc Hân công chuá "đã theo chồng chấp cả" , thì người nay cũng có một phụ nữ VN tên Bùi Thị Thạch " đã theo chồng chấp cả"! Người xưa đã theo chồng trong nhung gấm lụa là và quyền uy tột đỉnh; còn ngày nay, ngược lại, người đàn bà tầm thường Bùi Thị Thạch - chẳng khác nào muôn vàn người đàn bà VN khác ! - đã ẩn nhẫn theo chồng chấp tất cả mọi đoạ đày, áp bức cùng với chính sách khủng bố cuả cả một hệ thống cai trị gian ác, bất nhân cuả CS! Cái khác nhau, rất đơn giản, chỉ nằm ở chỗ đó !


Ngoài ra còn một cái khác nưã mà không ai có thể hình dung ra hay tưởng tượng nổi trong xã hội loài người ở thế kỷ 20 này là: Sau 9 năm đóng góp công lao, tài trí, kháng chiến gian khổ chống Pháp, chẳng những Quang Dũng là một con hùm xám đối với quân thực dân xâm lăng Pháp, là một thần tượng anh hùng cuả trung đoàn " Tây Tiến" lừng danh, mà còn nhà thơ thiên tài, đã để lại cho hậu thế những vần thơ bất hủ. Đặc biệt nhất là bài thơ "Tây Tiến"!


Chính bài thơ này đã làm nên tên tuổi cuả Quang Dũng, và đưa cái tên Quang Dũng vào lòng dân tộc muôn thuở. Nhưng éo le, oan nghiệt thay, cũng chính bài thơ đó đã khíến tác giả cuả nó và luôn cả vợ con cuả tác giả bị đấu tố, cùm kẹp, truy đì, cô lập...suốt cả cuộc đời.


Theo lời chị Quang Dũng đã kể, từ đầu thập niên 50 cho đến ngày chết Quang Dũng đã không hề được hưởng một ngày no. Ngoại trừ vợ con cùng chung cảnh ngộ; thân nhân ruột thịt, bạn bè dù thương sót đến đâu cũng không dám lai vãng thăm hỏi, vì sợ bị liên luỵ. Quang Dũng đã chết đi, thân xác đã tiêu tan, trở về với cát bụi, nhưng khối óc căm hờn vẫn còn nguyên như một tảng sắt đá!


Càng trớ trêu hơn nưã, sau khi Quang Dũng đã chết tức tưởi trong đau khổ, đói rách (1988), nhà cầm quyền CSBV mới bắt đầu công cuộc gọi là " phục hồi danh dự " cho Quang Dũng.


Ngày xưa và ngay trước đó không bao lâu, đảng CS và đám văn nô Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi...trong " Hội Nhà Văn" , một công cụ cuả CSBV, đã đem bài thơ " Tây Tiến" cuả Quang Dũng ra mà soi chiếu tìm tòi khuyết tật dưới ống kính hiển vi cuả chủ thuyết Mác Xít, để quy kết Quang Dũng vào những đại tội không tưởng như: lãng tử , nặng tinh thần gia đình, và sặc suạ mùi vị tiểu tư sản...đang kể nhất là câu:" Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"...!


Vâng! Chỉ có thế thôi, chỉ mỗi một câu thơ ấy thôi, mà cả cuộc đời và công lao chiến đấu gian khổ hiểm nguy suốt 9 năm trời trong những vùng rừng thiêng nước độc dọc biên giới Lào-Việt cuả Quang Dũng đã được CS " tưởng thưởng " bằng những năm tháng triền miên đói khổ, và tinh thần bị khủng bố hãi hùng!


Nhưng, nguyên nhân sâu kín hơn, mà ngày nay ai cũng đã nhìn thấy rõ như ban ngày là lòng đố kỵ , hờn ghen cuả Tố Hữu, một nhà thơ CS. Tố Hữu cũng là một nhà thơ có tài. Nhưng biệt tài cuả ông chỉ quanh quẩn trong lãnh vực goị là " Thơ khẩu hiệu" hay " thơ tuyên truyền" nồng nực mùi hận thù đấu tranh giai cấp, hô hoán, cổ vũ giết chóc bạo tàn và xu nịnh lãnh tụ...Tố Hữu cũng nổi tiếng nhờ một bài thơ như Quang Dũng. Đó là bài" Đời đời nhớ ông", khóc bạo chuá đỏ dâm ô Stalin, với những câu đọc lên mà không khỏi buồn nôn, xin trích lược một đoạn như sau:


..." Xít Ta Lin ơi,


Hỡi ơi, ông mất đất trời biết không?


Thương cha, thương mẹ, thương chồng,


Thương mình , thương một, thương ông thương mười!...


Ơn này nhớ để hai vai,


Một vai ơn bác , một vai ơn người!"...


Tất cả những ai làm văn học đều biết rõ số phận tiền định cuả mấy bài thơ làm theo toa đặt hàng, hay những bài thơ loại hô hào khẩu hiệu và rêu rao tuyên truyền là... yểu tử! Văn học sử dân tộc và lòng quần chúng yêu thơ không có chỗ nào dành cho các loại thơ đó. Vì thế, Tố Hữu đã sanh lòng ghen ghét với Quang Dũng, và quyết tâm vùi dập bài thơ " Tây Tiến". Tố Hữu ra lịnh bao vây, treo bút cuả Quang Dũng, cấm chỉ hành nghề, hay cấm làm bất cứ việc gì có thể ra tiền để nuôi thân , con cái không được đến trường v.v...Hành động như thế Tố Hữu đã không ngờ mình thiển cận, và điên khùng chẳng khác nào kẻ xoè năm ngón tay ra để mong che kín ánh mặt trời. Tố Hữu cũng không biết rằng đối với văn học sử dân tộc , từ cổ chí kim, chẳng một ai được phép dành độc quyền " ngự sử văn đàn" bao giờ!


Ngày nay, sau khi Quang Dũng đã qua đời (1988), đem theo cả mối hận lòng khôn nguôi sang bên kia thế giới, thì nhà cầm quyền CSBV mới đem bài thơ lừng danh" Tây Tiến" cuả ông, với chính giọng ngâm hào sảng cuả ông thuở sanh thời lên đài phát thanh, để truyền qua làn sóng điện cho quần chúng trong nước thưởng thức. Như thế vẫn chưa đủ, nhà cầm quyền CSBV còn tài tình nhỏ thêm vài giọt nước mắt cá sấu khóc người đã nằm xuống, đem di hài nhà thơ vào nghiã trang liệt sĩ với tấm mộ bia bằng đá vĩ đại có khắc trọn bài thơ " Tây Tiến", và nức nở ca ngợi thơ cuả Quang Dũng, hô hào tìm kiếm, sưu tập thơ cuả Quang Dũng, in ra thành tập để bán lấy tiền...bỏ túi tiêu riêng.


Mặt khác, nhà cầm quyền CSVN còn vận động với chính phủ Thụy Điển để thực hiện một chương trình qui mô, đúc tượng đồng nhà thơ Quang Dũng đặt ngay tại nơi sinh quán cuả thi nhân [làng Phùng, Sơn Tây]. Được biết dường như chính phủ Thụy Điển đã trợ cấp cho CSVN một ngân khoản khổng lồ đến 25 triệu Mỹ Kim ( hay 2, 5 triệu MK?) để thực hiện đồ án này. Số tiền lớn lao đó chi phí hết bao nhiêu, dùng vào những việc gì, không một ai trong quần chúng được biết. Riêng bà quả phụ Quang Dũng và gia đình 5 người con cuả nhà thơ cũng chẳng một ai được hưởng một đồng xu nào!...


NGƯỜI TRONG VĂN GIỚI HÃY THƯƠNG NHAU CÙNG!


Ngày nay, theo tôi biết, ở hải ngoại có lẽ chẳng mấy ai am tường cặn kẽ về thực chất cuộc đời cuả nhà thơ Quang Dũng hơn nhạc sĩ Trịnh Hưng. Theo anh Trịnh Hưng, một vài nhà " làm văn học" ở hải ngoại đã luộc lại những tài liệu sai lạc nhắm mục tiêu tuyên truyền cuả một nhà văn CS ở trong nước, nay đã xuất bản thành sách, để kiếm ăn. Như thế tức là một lối sống bằng cách đầu cơ tên tuổi và văn tài cuả người đã quá cố!...


Anh Trịnh Hưng cho tôi biết anh đã từng tham gia bộ đội, cùng chia sẻ với Quang Dũng nhiều kỷ niệm trong thời gian kháng chiến chống Pháp ở liên khu 3. Về sau, trước khi dinh tê Hà Nội để vào Nam, anh lại còn có dịp sống chung trong một thời gian ngắn dưới mái nhà cuả ông bà Lê Khải Trạch ( anh rể và chị gái – chị nuôi- cuả Trịnh Hưng) ở Thanh Hoá. Năm ngoái, anh Trịnh Hưng lại còn về Hà Nội gặp chị Quang Dũng để hàn huyên, ôn lại những kỷ niệm xưa đã chôn vùi trong ký ức từ trên nưả thế kỷ qua.


Dĩ nhiên anh Trịnh Hưng đã kể cho tôi nghe nhiều điều khổ cực về cuộc sống bị cô lập và trấn áp cuả gia đình nhà thơ Quang Dũng, nhất là thảm cảnh thương tâm trong cuộc sống hiện nay cuả bà quả phụ Quang Dũng, năm nay đã 83 tuổi, bịnh hoạn, nghèo đói, cơm không bao giờ đủ no, bịnh không bao giờ có thuốc uống. Mỗi tháng nhà nước CS chỉ trợ cấp tử tuất cho bà vỏn vẹn 30.000 đồng VN, khoảng 1 Mỹ Kim 50 !


Trước sự đối xử bất công quá đáng cuả nhà cầm quyền trong nước, và trước thảm trạng cuả bà goá phụ Quang Dũng trong những ngày giờ cuối cùng cuả cuộc đời, cộng thêm lòng yêu mến thi tài cuả nhà thơ cùng với nhiệt tâm muốn trả sự thực về cho lịch sử văn học dân tộc, tôi đã không ngần ngại tiếp tay nhạc sĩ Trịnh Hưng, khắc hoạ lại toàn bộ chân dung đích thực cuả nhà thơ Quang Dũng gồm nhiều khám phá bất ngờ ngoài sự hiểu biết cuả mọi người, đính chính lại tất cả những sai lầm liên quan đến thi phẩm cuả tác giả.


Sau cùng tôi còn muốn nhân dịp này gióng lên tiếng chuông kêu gọi tinh thần tương trợ cuả anh em trong văn, báo giới cũng như toàn thể độc giả đồng bào hải ngoại. Trong phạm vi này , tôi mạn phép dùng 2 câu ca dao cuả dân tộc làm tiêu ngữ :


" Nhiễu điều phủ lấy giá gương,


Người trong văn giới hãy thương nhau cùng!"


Đến đây tôi xin nhường lời cho nhạc sĩ Trịnh Hưng, kể lại những giây phút đầu tiên khi gặp lại bà goá phụ Quang Dũng, sau hơn nưả thế kỷ xa cách, kẻ Bắc người Nam, kẻ ở trong nước , người sống lưu vong...


" ...Tôi đến thăm chị để xem cuộc sống cuả chị hiện nay ra sao, chị có mạnh khoẻ không, và nhất là mong được nghe chính lời chị kể lại tất cả sự thật về cuộc sống cả chục năm trời triền miên đói khổ vì bị chế độ CS truy đì tàn nhẫn .


Người bạn dẫn tôi tới đường Nguyễn Công Trứ, Hà Nội, đi vào hẻm độ 3-4 bước thì đến nhà. Đó là một căn phòng nhỏ bé khoảng 5 mét bề ngang 3 mét bề sâu, nằm ở từng trệt cuả một chung cư xây cất đã lâu đời, lại không được tu bổ gì, nên bây giờ đã hư hỏng rất nhiều, tường vôi loang lổ, trông rất tồi tàn. Trong phòng kê vỏn vẹn một cái giuờng gỗ mộc độc thân , cũng đã cũ kỹ ọp ẹp lắm rồi. Trên mặt giường phủ một tấm mền bông gòn, cũ rách, màu cháo lòng, chắc đã lâu năm chưa từng được một lần nào ngâm mình vào nước để tẩy bớt những vết dơ bẩn đóng cáu thành láng bóng.Trên đầu giường lỏng chỏng mấy cái gối. Bên cạnh có một cái bàn con bằng gỗ tạp với 2 cái ghế đẩu thấp lè tè. Trên mặt bàn có một ấm sành cổ lỗ sĩ đựng nước vối với vài cái chén đã sứt mẻ quanh miệng như bị cóc gặm.


Trên đầu giường và dưới cuối giường chất chưá ngổn ngang mấy cái thùng giấy bồi cũ kỹ mà tôi thầm đoán là đó là những"cái tủ" quần áo , đồng thời cũng là nơi cất giấu những vật dụng linh tinh cần thiết hằng ngày.


Phiá ngoài cưả, tôi còn thấy có một cái trạn gỗ kê trên một tấm ván cũ sơ sài, thô kệch. Đó là nơi trang trọng nhất trong căn phòng nghèo nàn, dành để chưng tấm hình cuả anh Quang Dũng và hình cô con gái. Trước hình nhà thơ có cắm hai cây đèn cầy với một bát nhang ở giưã đang cháy giở. Tôi hiểu ngay cái trạn kê trên tấm ván mộc thô sơ kia chính là bàn thờ anh Quang Dũng và cô con gái. Bên dưới bàn thờ là một cái máy truyền hình đen trắng, cũ kỹ, nhỏ xíu khoảng chừng 12 inch. Có lẽ chiếc máy truyền hình này là " tài sản" qúi báu nhất trong căn phòng đó.


Phiá dưới cuối giường, tôi thấy một bà già khoảng ngoài 80 tuổi, dáng người gầy còm, đang để hết tinh thần chăm chú vào cuốn kinh Diệu Pháp Liên Hoa, tay phải gõ mõ. Tiếng miệng tụng niệm đều đều, thỉnh thoảng điểm thêm tiếng mõ rời rạc, tạo nên một âm thanh buồn ray rứt đến xé ruột xé gan. Người lão phụ gầy còm đáng thương kia chính là chị Quang Dũng đang ngồi tụng niệm cho chồng và cho con theo lệ thường hằng ngày.


Trước cảnh đó, lòng tôi se thắt.Tôi cảm thấy trong không khí bao phủ một cái gì thiêng liêng mà mong manh quá, nên tôi đứng im bất động hồi lâu... Khi lão phụ đã tụng kinh xong, thong thả đứng lên xếp cuốn kinh lại và cất mõ lên đầu giường, rồi bà mới ngạc nhiên quay ra hỏi chúng tôi:" Các ông muốn tìm ai?"


Lúc đó tôi mới mạnh dạn bước vào chào bà và tự giới thiệu ngay :


" Thưa chị, em là Trịnh Hưng , em cuả anh chị Trạch ở Thanh Hoá, mà hồi năm 1952, chị có ra đó để thăm anh Dũng. Lúc đó chị có ẵm theo cả cháu Nghi. Và chị đã ở lại chơi với gia đình em và anh Dũng 10 ngày mà chắc chị còn nhớ?!"


" Ủa , chú là chú Trịnh Hưng đấy à? Chú nhắc thì chị nhớ ra ngay. Cũng đã hơn 50 năm rồi còn gì nưã. Thời gian quá lâu, với biết bao thăng trầm biến đổi, lúc đó chú mới lớn độ ngoài 20 thôi.Còn chị thì khi đó mới 32 tuổi. Bây giờ chú cũng đã 70 rồi mà chị thì đã 83 tuổi rồi còn gì nưã. Làm sao mà nhớ?! Có gặp nhau ngoài đường cũng không tài nào nhận ra.Nếu chú không đến chơi và nhắc lại thì không nhớ được!


Hơn nưã từ ngày hoà bình lập lại, anh ở khu về lại bị bạc đãi, gia đình túng quẫn, cả ngày chỉ có chạy ăn không đủ no, đâu còn thì giờ nào mà nhớ đến bạn bè..."


Ngưng một lát như để hồi tưởng về dĩ vãng , chị Quang Dũng tiếp tục hỏi:


" Thế bây giờ anh chị Trạch ra sao? Ở đâu? Có mạnh khoẻ không?"


Tôi đáp:


" Dạ , cám ơn chị. Chị em hiện nay ở Sài Gòn vẫn mạnh khoẻ. Chị em cũng đã 89 tuổi rồi.


Chỉ có anh Trạch em thì đã chết.Anh bị bắt năm 1977 cho đến năm 79 thì vào một đêm họ dẫn đi đâu mất tích luôn , không về nưã. Như vậy chắc là anh đã bị thủ tiêu mất xác luôn!"


" Chuyện anh Trạch bị thủ tiêu thì chị có nghe. Năm 1983, anh Dũng vào Nam thăm cháu gái dạy học ở Lâm Đồng. Anh Dũng có nghe, nhưng anh bị theo dõi gắt, sợ bị liên lụy, nên không thể đến thăm chị Trạch được.Anh Dũng về có kể lại cho chị nghe, mà anh khóc quá chừng. Anh Dũng nói là cuộc đời cuả anh chỉ có một mình anh Trạch là bạn thân nhất đời cuả anh. Nay anh Trạch đã chết, coi như đã hết. Cừ mỗi lần nhắc đến anh Trạch là anh Dũng lại khóc.Tội ngiệp quá!..."


Vưà gạt nước mắt, chị vưà quay sang hỏi tôi:


" Thế còn chú thì ra sao?Bây giờ ở đâu và làm gì?"


" Thưa chị sau 75, mất miền Nam, thì em ở lại Sài Gòn. Đến năm 1982 thì em bị bắt đi tù 8 năm. Đến năm 1990 , em mới được thả ra và đi Pháp ở với con cái. Hôm nay em về thăm quê lần đầu, em nhớ anh chị em đến thăm... Vì anh Trạch chết năm 1979, và năm 1982 thì em bị bắt đi tù, nên khi anh Dũng vào Sài Gòn đâu còn ai mà gặp. Em biết anh Dũng đã mất năm 1988, nên hôm nay em đến thăm chị và cũng để thắp cho anh một nén nhang!"


Nghe tôi nói , chị thở dài và tiếp tục kể:


" Sau khi thắng Pháp rồi, hoà bình thì ai cũng tưởng là được sống trong hạnh phúc, có ngờ đâu hoà bình rồi các gia đình mà anh chị quen biết nhà nào cũng bị trấn áp, bạc đãi , sau khi đã chịu hy sinh và bị mất mát quá nhiều. Ngoại trừ lớp người thống trị, kỳ dư đều đói khổ. Riêng cảnh gia đình cuả anh chị lại càng bi thảm hơn nưã. Không đếm xiả gì đến những công lao chiến đấu gian khổ ở mặt trận, lập tức họ đem các bài thơ cuả anh đã làm trong thời gian chiến đấu ngoài khu đã được mọi người ca tụng- nhất là bài " Tây Tiến"- để mổ xẻ.Họ mở ra cả một chiến dịch báo chí hùng hậu, họ xúm nhau vào phê bình, chỉ trích, kết tội từng lời từng câu , rồi đua nhau suy diễn, lên án gắt gao, cho là thơ cuả anh còn nặng tinh thần tiểu tư sản và nặng đầu óc gia đình.Nhất là câu thơ cuối cuả bài Tây Tiến " Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"...Họ ghép tội: Trong khi kháng chiến, mọi người đều hăng say giết giặc mà anh lại có tư tuởng phản động , nhắc đến Hà Nội dáng kiều thơm để làm giảm tinh thần kháng chiến cuả toàn dân, rồi cuối cùng họ qui kết là loại văn nghệ xấu, có tính phản động!


Với cớ đó, họ – chính là Tố Hữu - ra lịnh treo bút anh, không cho làm bất cứ một việc gì nưã. Cả gia đình anh chị và các cháu đều bị cô lập và đói khổ. Các cháu đều bị thất học cả, vì không được phép đến trường. Tuy anh bị bệnh tê thấp nặng , nhưng chiều chiều vẫn phải cố gắng cùng chị ra ngoài đường quét lá rụng đem về để nấu ăn thay củi. Cả nhà gồm 7 miệng ăn ( 2 vợ chồng và 5 con) chỉ trông vào một tay lèo lái cuả chị.Chị đi đan thuê.Cây kim đan không lúc nào rời tay, để kiếm từng lon gạo về cho chồng con ăn. Mà nào có gạo, chỉ toàn ăn độn ngô, khoai hay cuả sắn thôi! Lắm khi kiếm cũng không đủ tiền mua khoai sắn, chị đành bấm bụng, cắn răng chịu nhịn đói để nhường từng miếng khoai, từng củ sắn già cho chồng con an lót dạ.


Chị cơ cực như vậy, nhưng thương anh quá, nên lúc nào chị cũng cố cười, không dám lộ chút gì buồn phiền cả. Chị sợ anh bắt gặp chị buồn lại tủi thân, và lo nghĩ, thì bịnh càng nặng thêm. Chị cố nhẫn nại cho anh vui. Lắm khi anh đau, chị luôn luôn gần gũi, săn sóc, quạt cho anh và an uỉ anh. Nhưng anh vốn là một nghệ sĩ rất nhạy cảm.Anh biết chị quá vất vả mà chị cố giấu, cố đè nén, nên những lúc đó anh đã nắm tay chị thật chặt, nước mắt đầm đià.Anh đã khóc và đã nói với chị một câu mà chị nhớ mãi không bao giờ quên:"Người ơi, ta nặng kiếp phong trần!"


Lời nói đó cuả anh, chị có ngờ đâu lại là lời cảnh báo chứ không phải lời hối lỗi đã gieo phiền lụy khổ đau cho chị...Sau khi anh đã qua đời lại đến lượt một cháu gái nằm xuống, vì bịnh tim vào tuổi 35 son trẻ, để lại cho chị một đưá cháu ngoại mồ côi còn măng sữa..."


MỘT DUYÊN, HAI NỢ, BA TÌNH...


Nghe chị kể, trong trí tôi hình ảnh sống động cuả anh Quang Dũng thời trai trẻ đã trở về nguyên vẹn như bằng xương bằng thịt cuả ngày nào ở Thanh Hoá. Thân hình cường tráng, to cao, khoẻ mạnh, gương mặt rắn rỏi, đẹp trai, một cái đẹp rất nam nhi chí khí, hiên ngang với bộ râu mép dầy đậm. Lúc đó bên tai tôi vẫn nghe lời chị êm đềm, thong thả nhắc lại chuyện yêu đương, duyên nợ ngày xưa, khi hai người còn son trẻ:


" Không hiểu tại sao, tại duyên nợ, hay số phận thế nào mà cuộc đời chị lại dính liền vào với anh...Các năm đầu, lúc đó anh mới ở bên Tàu về nước, anh qua Yên Bái, tình cờ đến trọ gần nhà chị như một cánh chim giang hồ lạc bước trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Từ đó hai người quen nhau. Nhưng chị vẫn không dám mơ ước cao xa. Vì lúc bấy giờ chẳng những anh là một thanh niên trí thức, cường tráng, đẹp trai, tính tình khả ái, lại đa tài, biết đủ cả các môn cầm, kỳ thi, hoạ...Chị cũng thầm biết con người như thế thì chắc chắn đã phải có nhiều cô gái nhan sắc Hà thành văn minh mê mệt. Còn chị lại chỉ là một thiếu nữ tầm thường vùng quê làm sao so sánh kịp!


Nhưng trong thời gian ngắn ở đó chiều chiều anh và chị thường ngồi bên cưả sổ nhìn những toán tù nhân bị cùm chân lê bước qua nhà. Những lúc đó anh mới kể chuyện cuả họ cho chị nghe, và đồng thời cũng ngầm hiểu tâm tư và chí hướng cuả anh..."


Đang kể lể tâm sự , đến đây bỗng chị ngưng bặt, như vưà mới xảy ra đột biến gì trong tâm hồn. Song chị lại tiếp tục ngay:


" Thật chị đã hoàn toàn không ngờ người thanh niên ấy lại đem lòng yêu mình: Chẳng bao lâu sau, anh về suôi, anh ấy mới viết một bức thơ tỏ tình với chị. Chị vui lắm , nhưng không khỏi càng ngạc nhiên hơn khi nghe anh nói rằng đó là mối tình đầu cuả anh.Lúc bấy giờ chị cứ cười thầm và nói một mình:" Anh mà là mối tình đầu! Chắc là mối tình đầu thứ mấy mươi ấy chứ!"...


Sau đám cưới, chị đã theo anh về Hà Nội. Nhưng đến khi vưà sanh được đưá con trai đầu lòng mới 29 ngày thì công cuộc tản cư diễn ra. Lúc bấy giờ anh đã đi theo tiếng gọi cuả núi sông, gia nhập đoàn thanh niên yêu nước kháng chiến chống thực dân Pháp. Còn chị một mình phải tự lo liệu lấy. Một tay bế con còn đỏ hỏn, một tay mang tay nải, chị đem con chạy giặc về Yên Bái, nơi quê nhà cuả chị. Dọc đường, đi đến đâu, đói thì xin ăn , khát thì xin uống. Nhưng khổ nhất là thỉnh thoảng chị lại bị những cơn sốt rét rừng hành hạ. Lắm lúc đang khi cơn sốt lên cao độ, con đòi bú, đành phải cho bú. Nhưng sữa nóng quá , con lại khóc thét lên và dẫy nảy ra không chịu bú... Có trải qua thảm cảnh bịnh hoạn, cô đơn, lại phải đèo bòng con thơ, chạy giặc với hai bàn tay trắng trên quãng đường dài rừng núi chập chùng, không cơm ăn , không nước uống, người ta mới hiểu được nỗi khổ sở gian truân cuả phận đàn bà VN trong thời loạn như thế nào...


( Còn tiếp nhiều kỳ. Xin bạn đọc cất giữ để có một tác phẩm giá trị độc đáo trong văn học sử VN thời kháng chiến . Muốn đọc đầy đủ , xin vào trang nhà: www.dangvannham.com ).


Đặng Văn Nhâm

ไม่มีความคิดเห็น: