วันอาทิตย์ที่ 30 พฤศจิกายน พ.ศ. 2551

No135: Đạo đức của thế hệ trẻ ngày nay đi xuống, tại sao?


Như ta đã từng nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng (kể cả những cơ quan truyền thông trong nước và hải ngoại) đều có một nhận xét chung là thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay đang xuống dốc về đạo đức, vì sao?

Việt Nam sau cuộc đổi đời đầu thế kỷ 20 khi thực dân Pháp du nhập văn hóa phương Tây

Bối cảnh Xã Hội Việt Nam đầu thế kỷ 20

Tiếng súng của thực dân Pháp nổ ra ở Đà Nẵng nửa thế kỷ 19 sau đó đã lần lượt chiếm nước ta làm thuộc địa đã khiến cho nước ta dần dần thay đổi về cách sống. Lối sống theo Âu hoá của người Việt ta cũng băt đầu từ lúc này.

Từ quan niệm "Nam nữ thụ thụ bất thân" ảnh hưởng nho học Trung Hoa ngày nào nhường chỗ cho lối sống văn minh Tây phương, cách ăn mặc, chào hỏi cũng lần lần thay đổi theo thời gian.

Chúng ta thừa nhận rằng có những tập quán hủ lậu ngày xưa không hợp thời phải bỏ đi còn nhưng cái tốt đẹp văn minh cũng nên tiếp xúc và phát triển. Tuy nhiên không thể học tập theo những cái quá dễ dãi của Tây phương làm suy đồi cả đạo đức của thế hệ tiếp theo. Vậy ai có trách nhiệm về việc này? Chúng ta cùng nhau theo dòng lịch sử để nhận xét

Đầu thế kỷ 20 phong trào thơ mới xuất hiện với nhiều dòng văn học cũng như âm nhạc. Mỗi dòng văn học hoặc âm nhạc đều có hướng đi riêng . Có thi sĩ nhạc sĩ chuyên về tình yêu, cũng có thi sĩ nhạc sĩ làm văn thơ, sáng tác ca khúc chỉ để phê phán đả kích xã hội đương thời. Ta phải công nhân rằng dù là thể loại nào thì những tác phẩm của thời mà đa số người ta gọi là thời tiền chiến đều rất là hay và sống mãi với thời gian, chỉ là vì người Việt ta thời ấy đã vừa tinh lọc nhừng cái văn minh Tây phương cũng như giữ lại cái truyền thống vốn có của người Việt Nam. Chúng ta cũng xem qua một số đoạn của các nghệ sĩ sáng tác để thấy cái hay và độc đáo của những sản phẩm tinh thần ấy.

Ví dụ như để tả cảnh lãng mạn qua cảm nhận về thiên nhiên của một nghệ sĩ có đoạn : "Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng, nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa bước tới Đào Nguyên…", hoặc một bài hát mà đã từng được nghe từ thời Bảo Đại : "Vầng trăng sáng chiếu muôn tơ ngời ánh vàng, hoa cỏ mơ màng say lá êm hoà cung đàn, Cùng nhau ta hát lên cho đời huy hoàng, xin chúc muôn người cùng ca vang đón mừng trăng sáng. Tay cầm tay ta ca hát mừng nhịp nhàng cùng hoa lá …" . Đó là những đoạn thơ, đoạn văn thật lãng mạn như thể ta đang sống một thế giới thần tiên vậy. Những nhạc sĩ, văn sĩ v.v… với những suy nghĩ phong phú đã cho độc giả như hoà quyện theo cái thiên đường đó "Trời thu xanh ngắt Ô kìa! Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai ".

Ta nên nhớ thời gian này nước ta đang nằm trong vòng kiềm toả của thực dân Pháp thế mà họ lại có những vần thơ, đoạn văn thanh thoát như thế.

Việt Nam thời chia cắt

Sang thời Việt Nam Cộng Hoà (1955~1975) ở miền Nam, nền Giáo dục Quốc gia vẫn đề cao nhân văn của người Việt. Tất cả các trường học đều có câu khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn". Thầy cô giáo được xem trọng. Việc học trò đánh thầy cô rất là hiếm ở chế độ này. Những bài tập đọc, thơ (một số bài cũng nói về đất nước bị chia cắt bởi cộng sản, những tội ác, nhà tù…) nhưng đa số nói về quê hương đất nước, những chiến công của các tiền nhân chống Tàu, và sinh hoạt của nhân dân. Đề cao lòng yêu nước, trách nhiệm và lòng dũng cảm:

"Ta ở đây bạn cùng bao bạn súng
Chiếc vỡ nòng, chiếc bẹp dúm châu thân
Ta ở đây thân dày dạn phong trần
Mặc mối mọt cùng rỉ hoen tàn phá
……………………………………

Than ôi! thời oanh liệt nay còn đâu"

Đây là một bài nói về Sài Gòn thủ đô của nước Việt Nam Cộng Hoà với lời lẽ kiêu hùng đầy tự hào

"Đây Sài Gòn, đây thủ đô nước Việt
Trái tim chung của dân tộc anh hùng…"

Học sinh được học lòng yêu nước, yêu thương đồng loại.

"Anh không chết đâu anh
Người anh hùng mũ đỏ tên Ðương
Tôi vẫn thấy đêm đêm
Một bông dù sáng trên đồi máu
Nghe trong đêm kêu gào
Từng tiếng súng pháo đến mau
Từng tiếng súng hay nhạc chiêu hồn đưa anh đi, anh đi…"
(Bài hát: Anh không chết đâu anh)

Những văn thơ thời tiền chiến, văn học nước ngoài cũng được đem vào giảng dạy.

Trong khi ở miền Nam thuộc Viêt Nam Công Hoà kiểm soát với niền giáo dục mà tôi vừa trình bày trên thì ở vùng mà Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam kiểm soát và miền Băc (ngoài vĩ tuyến 17 trở ra) của Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà , họ đã dạy cho học sinh những gì.

1. Trung với Đảng, Bác Hồ
2. Chống Mỹ và "tay sai" tức là "ngụy " (vì "Ngụy" là kẻ đã bán nước cho Mỹ)
3. Ca ngợi lao động: "Lao động là vinh quang"
4. Nêu gương các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì "cách mạng"

Trong nhà trường chúng ta không thấy những câu khẩu hiệuu như: "Tôn sư trọng đạo", " Tiên học lễ, hậu học văn"… như hiện nay hoăc trước năm 1975 dưới thời Việt Nam Cộng Hoà, mà chỉ thấy như câu đại loại như "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công", "Lao động là vinh quang", " Không có gì quý hơn độc lập tự do", " Đoàn kết là sức mạnh"... hoạ hoằn lắm mới thấy một vài câu liên quan đến học tập do chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc Lê Nin nói như: "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người", "Học, học nữa, học mãi" … Về giáo trình học toàn là những bài văn chống Pháp hoăc chống Mỹ, và tác phẩm "Nhật Ký Trong Tù của chủ tịch Hồ Chí Minh

Đây là một số bài của Hồ Chủ Tịch:

"Sáng ra bờ suối tối vào hang
Cháo bẹ rau măng đã sẵn sàng
Hòn đá chông chênh lịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang"

Bài KHÔNG NGỦ ĐƯỢC

Một canh, hai canh lại ba canh…
Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành
Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt
Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh
(Một trong những bài được in trong tập thơ Nhật Ký Trong Tù)

Ta hãy xem một số bài văn, thơ kiểu nhồi sọ thế này:

"Anh Kim Đồng làm liên lạc
Đem thư mật rất tài tình
Đi một mình trong rừng núi
Khi lội suôí lúc trèo đèo…"

Những dạng bài kiểu này nhồi sọ học sinh học để làm "tấm gương sáng" cho học sinh noi theo. Những loại này có rất nhiều, những em bé vót chông, anh hùng Núp… những bài như "Anh chủ nhiệm"… không có một tý gì là nghệ thuật trong văn học. Ngay cả toán học mà nhà nước cộng sản lúc đó cũng đem chủ đề chống Mỹ vào. Ta hãy cùng xem một bài toán đại loại như sau: Em A vót được 10 cây chông, em B vót được 20 cây. Hỏi hai em đã vót được bao nhiêu cây chông chống Mỹ. Đại loại là những câu như thế

Đạo đức học trong nhà trường lúc đó chỉ nói về gương kháng chiến, những chuyện ngắn về Bác Hồ, Lê Nin, những gương Lê Văn Tám, Trần Văn Ơn, Nguyễn Thái Bình…

Lưu ý trong thời điểm này văn học thời tiền chiến mà nhà nước cho là "văn học lãng mạn" cấm không cho học sinh học trong nhà trường XHCN của cả hai miền Nam Bắc

Việt Nam thống nhất (sau 1975 đến nay)

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 Miền Nam đổi chủ. Đảng Cộng sản đã sáp nhâp hai miền Bắc Nam thành nước Việt Nam thống nhất với quốc hiệu : NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, giải tán chính phủ lâm thời CỘNG HOÀ MIỀN NAM VIỆT NAM. Những năm đầu, nhà nước vẫn giữ cách nhồi sọ như thế. Nhà nước cấm lưu hành kể cả nhạc tiền chiến hoặc nhạc được lưu hành và sáng tác dưới thời Việt Nam Cộng Hoà vì cho là có nội dung uỷ mỵ. Học sinh chỉ mặc đồng phục trắng, nữ sinh không được mặc áo dài (Áo dài được cho mặc lại từ năm 1988 khi nhà nước đổi mới). Từ năm 1982 trở về sau, nhà nước sau hai lần đổi tiền và đánh tư sản đã nới lỏng, cho tư nhân đầu tư dần dần biến thánh một nước kinh doanh kiểu tư bản nhưng theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Giáo dục dần dần được cải cách theo tình hình mới, được học những văn thơ thời tiền chiến miễn là không phạm về chính trị.

Nhà nước cũng dạy học sinh yêu nước nhưng mà là nhà nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa, trung với Đảng, Bác Hồ, nhà trường vẫn nhắc về những năm tháng chiến tranh chống Pháp, Mỹ nhưng tuyệt nhiên không hề nhắc đến sự xâm lăng của Trung Cộng trong việc xâm chiếm Hoàng Sa năm 1974, chiến tranh Trung Việt trong những năm 1977, 1978, 1979 cũng như việc lập huyện Tam Sa bao gồm cả Trường Sa và Hoàng Sa năm 2007 mới đây. Xét cho cùng Việt Nam đã bị nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà bán nhượng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lúc đó đang dưới sự quản lý của Việt Nam Cộng Hoà một cách bất hợp pháp.

Cũng do nền giáo dục Xã Hội Chủ Nghĩa mà xảy ra tình trạng thầy bị học trò đánh nhiều năm nay từ cấp 2 cấp 3 và cả đại học từ sau năm 1975, nên sau đó chúng ta mới thấy những khẩu hiệu: Tôn sư trọng đạo"," Tiên học lễ hậu học văn"… được đưa vào nhà trường như ngày nay.

Văn học cũng được sáng tác theo kinh tế thị trường thời mở cửa. Trước đây nhà nước cấm nhạc vàng vì sợ dân Việt uỷ mỵ không còn sức chiến đấu thì giờ đây là để cho nhạc sĩ ca sĩ sáng tác và hát những câu, ca từ một cách ngây thơ và vô duyên như bài Yêu Nhau Ghét Nhau của Vi Nhật Tảo: "Yêu nhau con mắt liếc qua, ghét nhau lấy đá vỡ đầu nhau ra…", những bài hát rên rỉ kiêu như "Sao em lại khoá máy" mà Lâm Chấn Huy hát rất là thô tục uỷ mỵ kiểu thất tình, luỵ vì tình "… anh nhận lỗi, anh sai rồi…" v.v…

Những bộ phim, cải lương tâm lý xã hội cũng khai thác truyện kiểu sến theo kiểu rập khuôn như: Hai cặp thanh niên yêu nhau không lấy được nhau bèn tự tử hoặc bỏ nhà trốn đi mang bụng bầu… Điều đó chẳng lạ gì khi mà báo chí hiện giờ phản ánh việc phá thai, cặp bồ bỏ nhà ra đi để góp gạo thổi chung cơm.

Những hiện tượng trên đã làm băng hoại lớp thanh thiếu niên hiện nay, học sinh ghét thầy cô không còn là chuyện lạ như xưa nữa. Mới đây nhất, những ngày mới nhất của tháng Chín này, tôi thật rùng mình khi hay tin một số học sinh của lớp 8/1 (Lớp chọn của trường Phổ thông cơ sở Phước Thắng, phường 11, thành phố Vũng Tàu) mà do em Trà Giang lớp trưởng cầm đầu với một số học sinh trong lớp đã dám phản kháng thầy cô giáo bằng cách viết những câu bất mãn, nói xấu thầy cô giáo vào sổ rồi chuyền tay nhau.

Qua bài viết này tôi muốn phản tỉnh những bậc làm cha, làm mẹ, hội đoàn, những cơ quan có trách nhiệm trồng người không nên cho các em tiếp xúc với những bài hát, những bài văn, những bộ phim, kịch như vậy. Ai là người phải chịu trách nhiệm trước thế hệ tương lai? Đó trước tiên là nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Lòng yêu nước phải được đề cao nhưng là nước Viêt Nam yêu quý của toàn dân tộc Lạc Hồng chứ không phải là nước Việt Nam của riêng chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa như hiện nay.

Viết tại Vũng Tàu ngày 23/9/2008 lúc 12 giờ 05 phút
Phan Thái Dương

ไม่มีความคิดเห็น: