วันศุกร์ที่ 14 พฤศจิกายน พ.ศ. 2551

No69: Bùi Tín -Thư gửi bạn bên nhà

Thư số 1: Con người của chữ nghĩa làm thơm thế giới

Thật là thú vị khi được biết tổng thống Mỹ Barack Obama mới được bầu không những là nhà báo có tay nghề vững, từng nhiều năm là tổng biên tập tuần báo "Luật pháp" của trường đại học hàng đầu nước Mỹ Havard, còn là một nhà thơ và nhà văn có hạng.

Obama làm thơ sớm, năm 19 tuổi (1981), khi là sinh viên đã có 2 bài thơ đăng trên tạp chí văn Feast, được bàn đến từ tháng 7-2007 trên báo New Yorker, được các nhà bình luận văn học nhận xét là có tư tưởng cấp tiến, có phong cách hình tượng và bút pháp riêng.

Năm 2005, Obama đưa in cuốn sách "Dreams of my Father" - Những giấc mơ của Cha tôi, kể lại cuộc đời nhọc nhằn của người cha gốc Kenya châu Phi, sang đảo Hawaii lập nghiệp rồi lại trở về quê cũ ở Kenya, với những giấc mơ đẹp chưa thành hiện thực. Sau đó Obama đưa in cuốn sách thứ 2 : "the Audacity of Hope" - Ước vọng táo bạo, nói về sự nảy sinh của những ước vọng đẹp đẽ và khả năng thực tế thực hiện ước vọng ở thế hệ ngày nay.

Theo hãng CNN, 2 cuốn sách này được bạn đọc Mỹ, nhất là bạn trẻ tìm đọc trước khi Obama là ứng cử viên tổng thống, bán được hàng triệu cuốn, là những văn phẩm "bestseller" - bán chạy nhất, đầu thế kỷ 21.

Thật đáng mừng, tổng thống trẻ tuổi của nước Mỹ không những là một trí thức thực sự, loại hiểu biết cao rộng, còn là một nhà báo tài năng, cũng là một thi sĩ có hạng và một nhà văn được ưa chuộng.

Không phải ai khác, chính nữ văn sĩ Mỹ giải báo chí Pulitzer 1988, giải Nobel văn học 1993 Toni Morrison, gốc da đen, bang Ohio, đã hứng khởi chào mừng tân tổng thống Obama rằng : tôi trẻ hẳn lại (bà 87 tuổi), được sống cùng thời với Obama, được có một tổng thống không phải chỉ chung một màu da, mà đáng mừng hơn nhiều, "tổng thống thứ 44 của chúng ta là một con người của chữ nghĩa, là một người làm vẻ vang cho ngòi bút".

Có lẽ đây là một lời khen thú vị nhất, đáng mừng nhất, sâu sắc hơn cả về tổng thống Obama. Anh em trí thức, văn nghệ sỹ chân chính ở trong nước chắc cũng vui thêm khi được tin này. Tôi nghĩ đến niềm vui thú của anh chị em ở bên nhà, như Võ Thị Hảo, Trần Thị Hồng Sương, Trần Khải Thanh Thuỷ, Dương Tường, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Duy, Nguyên Ngọc, Nguyễn Huy Thiệp, và biết bao nhà văn, nhà văn hoá khác...

Con người của chữ nghĩa khai phóng làm thơm tho thế giới.

Những người cầm quyền tối tăm, nghèo văn hoá, thù nghịch với báo chí tự do, chỉ làm ô nhiễm, huỷ hoại đất nước họ thống trị.

Paris 11-11-2008.

* Thư số 2: Thày giỏi và trò lười

Ở Việt nam lâu nay có phong trào học thêm. Nhiều gia đình thuê thầy giỏi về nhà dạy thêm cho con cháu.

Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng lo học. Ông thuê thày quốc tế kèm cặp thêm về kinh tế - tài chính đã hơn 1 năm nay.

Ông Dũng biết kén thày giỏi. Ông thuê Đại học mũi nhọn Harvard ở Mỹ làm thầy. Cứ 3 tháng một lần tổ giáo sư lại viết một tổng hợp, nhận xét và kiến nghị, đề xuất giải pháp cho tình hình kinh tế - tài chính Việt nam. Tháng 10 vừa qua, họ đã đưa tận tay ông Dũng bài nghiên cứu- góp ý lần thứ 3. Nhóm thầy của Harvard gồm 5 giáo sư thuộc "Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright" nằm trong tổ chức Harvard - Kennedy School : D.Dapice, J.Pineus, B.Wilkinson, Nguyễn Xuân Thành và Vũ Thành Tự Anh, - cực giỏi. Cũng phải trả khối tiền. Tiền nào của nấy.

Điều đáng nói về câu chuyện này là theo tin từ Đại học Harvard, các thày nói trên hiện rất băn khoan, xen lẫn với buồn nản, và cả bực mình.

5 giáo sư rất tận tình nghiên cứu, thời gian nằm tại chỗ không ít, đã làm 3 bản báo cáo, đánh giá, kiến nghị cực kỳ công phu, nhưng xem ra học sinh có vấn đề; các giáo sư đều hiểu rõ là trò của mình học hành yếu kém, không cơ bản, không có hệ thống, lại chậm hiểu và lười. Thật ra học trò còn tệ hơn thế. Đã thất học, còn không muốn học nữa.

Học trò đây không phải là chỉ một mình ông thủ tướng Dũng, mà tất cả các phó thủ tướng, bộ trưởng, cả 14 uỷ viên bộ chính trị đều được cung cấp mỗi người 1 bản báo cáo, để cùng học, nhưng có vẻ như 3 bản báo cáo dày cộp đều nằm im trong ngăn kéo.

Khá đông trí thức, chuyên gia Việt nam trong và ngoài nước tìm đọc và quí trọng những bản tài liệu trên đây. Nhiều bạn đánh giá cao tầm nghiên cứu, nhận xét thẳng và sâu, nhất là những kiến nghị trúng phắp của các tác giả. Nhiều thực tế cực kỳ hệ trọng trong đó không hề được các phiên họp quốc hội hay trung ương đảng CS đề cập, bàn đến.

Thí dụ trong bản nghiên cứu thứ 3 có những nhận định :"những yếu kém về mặt cơ cấu của nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết"; "các giải pháp mới chỉ cứu chữa triệu chứng chứ chưa phải là nguyên nhân của căn bệnh"; "triển vọng tăng trưởng phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo để giải quyết những thách thức này ".

Vẫn nhắc lại ý của 2 bản nghiên cứu trước, bản này phàn nàn về sự khan hiếm thông tin tin cậy, nhất là về tài chính và kế toán, và đặt ra câu hỏi: họ đang cố gắng che dấu điều gì?!

Báo cáo chỉ rõ :"thật đáng lo khi Việt nam bị xếp thứ 49 trên 52 nước châu Á về nền tài chính công khai minh bạch, thứ 50 trên 52 nước về kế toán, kiểm toán". Sau nhiều lần được đề nghị, Việt nam nay vẫn chưa thành lập Uỷ ban Giám sát Tài chính để kiểm tra, thẩm sát, điều chỉnh mọi chi tiêu, kiểm chứng, công bố các số liệu về thu, chi của quốc gia.

Bản báo cáo không ngần ngại chỉ ra những báo cáo đầy hoang tưởng và dối trá của bộ trưởng kế hoạch - đầu tư, khi phô trương những con số khổng lồ về vốn FDI (gần 60 tỷ đôla!) trong khi đó chỉ là những ý định, dự định, hứa hẹn còn vu vơ, với những dự án thổi phồng quá đáng. 5 tác giả hoài nghi về "dự án của một nhà đầu tư Malaixia định rót một núi tiền lớn hơn ngân sách giáo dục hàng năm của cả Việtnam chỉ cho một khu đại học", hay về dự án của Brunây xây dựng một khu dân cư ở tỉnh nhỏ Phú yên lên đến 4 tỷ đôla! Bản báo cáo phơi bày :"Các nhà đầu tư được khuyến khích phóng đại các số tiền đầu tư nhằm gây ấn tượng với chính quyền địa phương, giúp đẩy nhanh tiến độ cấp phép và tiếp cận khu đất tốt và rộng nhất". Phóng đại con số 60 tỷ, mà giải ngân được có 10 tỷ!

Một ý kiến được nêu lên từ nửa năm trước là cục bướu những Tập đoàn Quốc doanh kiểu Chaebol Hàn quốc, như PetroVietnam, EVN, Vinashin, FPT, Vinatex, Vinacomin đang bung ra đầu cơ ngành Ngân hàng, bất động sản, xuất khẩu...chỉ tạo ra rối loạn và rủi ro cho nhà nước.

Bản báo cáo nhắc lại kiến nghị ưu tiên phát triển rộng khắp các cơ sở kinh doanh cá nhân vừa và nhỏ, khẩn cấp lập Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia để thu thập, xử lý và phân tích thông tin về hệ thống tài chính, hiện là khu vực mù mờ, bị che dấu, thiếu công khai và minh bạch và tai hại nhất. Việc tái cấu trúc Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cũng đã trở nên cấp bách, không thể để chậm trễ thêm nữa.

Cuộc họp quốc hội đang bàn về tài chính, cắt giảm chi của các tập đoàn kinh tế, nhưng có ai biết ngân sách cắt ngầm cho bộ chính trị là mấy trăm nghìn tỷ đồng? do Ban tài chính quản trị trung ương đảng nắm, quản lý vô vàn nhà khách, nhà nghỉ, công ty thương nghiệp, quản lý nhà đất, kinh doanh tài chính ngân hàng, chứng khoán, xuất nhập khẩu riêng của đảng? Có ông nghị nào dám hỏi không? Đó là một nhà nước trong nhà nước, một ngân sách khổng lồ trong ngân sách quốc gia, không ai được nói đến, hỏi đến, đụng đến.

Cho đến nay, những kiến nghị công khai hoá và giám sát nghiêm nền tài chính quốc gia của các giáo sư Havard vẫn bị học trò cố tình quên mất. Vậy thì thuê thầy làm gì? Vẫn chỉ tiền mất tật mang.

Quốc hội vừa rồi thông qua một số luật, chất vấn một số bộ trưởng 5 điều 3 chuyện, rồi bế mạc; việc cải cách cơ cấu cấp bách, nhất là cải cách tận gốc cơ cấu chính trị quốc gia - được coi là then chốt, vẫn chỉ nằm ở ý định... trong tương lai.

Paris 11-11-2008

Thư số 3: Ông Lê Công Phụng lưỡi hơi bị cứng

Ông Lê Công Phụng từng là trưởng ban đàm phán về biên giới của Việt nam những năm 1996 đến 2.000; ông cũng từng là trưởng ban biên giới , là thứ trưởng ngoại giao, nay là đại sứ Việt nam tại Hoa kỳ.

Tháng 10 vừa qua ông đã trả lời phỏng vấn của nhà báo Lý Kiến Trúc, tạp chí Văn hoá ở Nam Cali (Hoa kỳ), nói về 2 Hiệp định Việt - Trung về biên giới : Hiệp định 30-12-1999 (trên bộ) và Hiệp định 25-12-2.000 (về Vịnh Bắc bộ). Mục đích của ông Phụng là thanh minh rằng 2 hiệp định ấy rất công bằng, bình đẳng, hợp lẽ, hợp luật quốc tế, phía Việt nam không hớ, không bị ép, không thua thiệt gì cả.

Là người theo dõi tình hình, tôi đã gửi đến ông Lý Kiến Trúc và ông Lê Công Phụng 7 câu hỏi, để yêu cầu ông Phụng trả lời, - trả lời riêng hay chung thì tuỳ ông - , nhằm soi sáng công luận trong và ngoài nước về một vấn đề cực kỳ hệ trọng của đất nước.

Ngay sau đó, nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn ở Marseille (Pháp), tác giả cuốn sách "Biên giới Việt - Trung, 1885 - 2000" - 856 trang, đã lên tiếng chứng minh rằng ông Phụng đã nói không đúng sự thật, nghĩa là sai, nói dối, đặc biệt về các khu vực Ải Nam Quan, thác Bản Dốc, vùng Bằng Tường, Quảng Ninh, Hà Giang và Vịnh Bác bộ...

Ông Phụng im thin thít, cho đến nay. Ông có thể trả lời riêng, hoặc gửi báo Văn hoá của ông Lý Kiến Trúc, hoặc qua một tờ báo ở trong nước, hoặc qua mạng thông tin internet của Bô ngoại giao. Tôi không hỏi ông Phụng về một địa danh cụ thể nào. Tôi chỉ hỏi ông về một số nét không bình thường, khác lạ và yêu cầu ông giải thích sao cho hợp lý, trôi chảy.

Đây không phải những vướng mắc riêng, mà là của khá đông bạn bè tôi. Xin nhắc lại vài câu hỏi để bà con ta cùng biết.

- Trước hết, tại sao từ khi đàm phán (năm 1992) đến khi kết thúc (năm 2000), không thông báo cho nhân dân, cho dư luận biết về quá trình đàm phán diễn ra, như hồi đàm phán Việt - Mỹ (1968 - 1973) : công khai hoá mỗi buổi họp, ai tham gia, đề tài tranh cãi, thông báo về từng phiên họp, từng buổi tiến triển ra sao ...; tại sao cũng không báo cáo cho Quốc hội, hay cho Ban thường trực quốc hội? Sau khi ký đến 6 tháng mới báo cáo cho quốc hội (ngày 9-6-2000), mà báo cáo quá sơ sài, không có thảo luận, chất vấn gì cả, đối với một vấn đề hệ trọng đến vậy? Ông suy nghĩ ra sao về tình hình như thế? Nó không bình thường ở chỗ không công khai, như có nhiều điều khuất tất, cần che dấu nhân dân, không tận dụng sức ép của công luận, của dư luận của thế giới .

- Tại sao 2 hiệp định đều ký vào những ngày cuối cùng của năm (30/12 và 25/12) , và cứ vào mỗi giữa năm phía Trung quốc đều nhắc rằng "lãnh đạo cao nhất của 2 đảng đã thoả thuận sẽ ký xong trước khi năm nay kết thúc". Đó là sức ép ghê gớm. Họ ép tổng bí thư phía Việt nam phải hứa, lấy đó ép đoàn đàm phán. Có ai đi đàm phán lại bị động, để đối phương ép thời hạn buộc phải thoả thuận có lợi cho họ như thế!

- Vì sao các tập bản đồ chi tiết tỷ lệ 1/25.000 được ghi nhận là "bộ phận cấu thành của hiệp định" lại không được công bố, bị dấu kỹ đến nay? Viện lý do bản đồ lớn quá, in không hết được, là không ổn, vì có thể phổ biến trên mạng internet, tỷ lệ mấy cũng đủ.

Cuối năm nay, 2 bên sẽ đặt xong hơn 2 ngàn cột mốc dọc 1400 km biên giới, sẽ ký Hiệp định thư kết thúc việc cắm mốc, kèm theo bản đồ chi tiết tỷ lệ 1/5.000, phía Việt nam có ý định công bố cho nhân dân biết tập bản đồ biên giới cực kỳ chi tiết này hay không?

- Về phân chia Vịnh Bắc bộ, ông Phụng có biết khi tranh cãi chủ quyền của một vịnh, đã có những tiêu chuẩn và kinh nghiệm là : - số dân mỗi bên sinh sống nhờ vào vịnh là bao nhiêu? ( số dân Việt nam ở đông Bắc bộ và bắc Trung bộ là 24 triệu, số dân ở phía Tây đảo Hải Nam và bán đảo Lôi châu chỉ có 8 triệu, nghĩa là 3/1); - chiều dài đường cơ sở ven bờ biển và ven các đảo (Việt nam có hàng ngàn đảo, Trung quốc chỉ có 4 đảo, đường cơ sở phía Việt nam gấp hàng trăm lần phía Trung quốc ); - số sông mỗi bên với tổng lưu lượng nước chảy hàng năm cùng tổng số phù sa đóng góp vào hình thành Vịnh của mỗi bên : phía Việt nam có hơn 20 con sông lớn nhỏ, các sông Hồng, Lô, Đà, Thương, Đáy, Mã, Chu, Lam, Gianh... trong khi Trung quốc chỉ có 2 con sông nhỏ, về lượng nước và phù sa, phía ta gấp hàng chục lần Trung quốc. Ta có đòi 3/4 diện tích Vịnh Bắc bộ cũng là thoả đáng.

Trong khi chờ lưỡi ông Phụng khỏi cứng, xin kể chuyến đi thăm thác Bản Giốc do Sứ quán Tàu ở Hà Nội tổ chức, mời phóng viên các báo, quan chức vụ báo chí bộ thông tin truyền thông và bộ ngoại giao Hà Nội, được nhà báo Điếu Cày và cô phóng viên Nụ kể lại rất sinh động.

Đoàn xe sang trọng, từ Hà Nội, qua Bằng tường đi sâu sang đất Quảng Tây rồi quay lại phía Nam, ghé thăm đệ nhất Hùng Quan ở Phương Nam, một thắng cảnh giá trị và ăn khách du lịch bậc nhất ở phía Nam, với khách sạn 3 tầng, nhà nghỉ hiện đại mái đỏ như son, bãi xe rộng lớn. Các phóng viên Việt nam sững sờ, ngỡ ngàng, khám phá ra chuyện lạ: đây chính là khu Bản Giốc của Việt nam ta đã bị lấn chiếm và chính thức hoá bằng Hiệp định 25-12-2000. Các bạn cay đắng nói với nhau:

"Ôi! thì ra mình được họ rước về thăm ngôi nhà của... chính mình!". Không biết nên cười hay khóc! Các quan chức bộ thông tin vẫn hý hửng một cách lỳ lợm, còn lườm nguýt bộ hạ : "Cấm nói với nhau bằng tiếng Việt, các đồng chí bạn giỏi tiếng Việt lắm đấy, nghe không!".

Xin hỏi ông Phụng : ông nghĩ gì về sự kiện chủ nhà được mời về thăm ngôi nhà của chính mình? Và ông biết chăng, nhà báo Điếu Cày đang nằm trong tù một phần do dám khóc trước sự kiện kỳ quặc này đấy.

Paris 14-11-2008.

Bùi Tín

* Mời quí vị tìm đọc thêm vấn đề biên giới qua 2 cuốn sách do Nhà xuất bản Sự Thật phát hành tại Hà nội năm 1979:
- Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua.
- Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.

ไม่มีความคิดเห็น: