วันอาทิตย์ที่ 9 พฤศจิกายน พ.ศ. 2551

No51: Người dân, chính quyền, hay các thế lực phản động phá rối?

Đọc mấy bài báo trong nước tự nhiên cảm thấy buồn, lòng dạ xót xa!

Đã hơn ba mươi năm rồi từ khi thống nhất đất nước, sao dân ở Cà Mau, rừng U Minh vẫn còn phải chịu cảnh đói nghèo, thiếu ăn, phải ăn cháo? Nhìn lên vùng Tây Nguyên, ở trên đó người dân cũng tả tơi không kém! Về thành phố thì thôi đủ thứ bát nháo của xã hội, thượng vàng hạ cám, thứ nào cũng có, vật chất đã đành, nhưng cũng còn có đủ thứ mọi tệ nạn xã hội đó mới là điều đáng nói! Những người ham vật chất, có điều kiện mà không có lương tâm thì luật pháp chế tài, theo kiểu bắt cóc bỏ dĩa. Nhưng lòng ham muốn mà không có khả năng kiếm được bằng những công việc thiện đã kích thích con người tàn bạo vượt lên trên luật pháp thì chính quyền bất lực! Xã hội nháo nhào, đảo lộn đủ mọi thứ, còn sức đâu nữa mà khôi phục nhân tâm. Những lời kêu gọi học tập làm theo gương bác Hồ chỉ là vá víu, chống đỡ như một liều thuốc tiêm vào một con bệnh hết thuốc chữa.

Những hà hiếp của chính quyền, tệ nạn xã hội làm cho đời sống người dân bất an, lo sợ, thủ thân kể cả bằng lời nói. Những người khốn khổ họ có quyền kêu ca không? Hay họ không được nói!? Nói với ai!? Ai nghe!? Họ phải nói với thái độ nào được chính quyền cho phép!? Các cấp chính quyền hãy tự đặt trường hợp của mình vào hoàn cảnh đó để thấy, rồi có phẫn nộ không, hay cam chịu? Người dân không đủ hiểu biết, không có trình độ, gián tiếp chịu ảnh hưởng qua nhiều hệ thống lãnh đạo bất công, họ không thấy nguyên nhân dẫn đến đói nghèo mà thân phận họ phải chịu. Còn những người có hiểu biết nguyên nhân vì sao đưa đến tình trạng bất công đó hãy lên tiếng, nói đi. Tại sao mọi người im lặng tránh né một thực tế cách biệt quá xa giữa giàu và nghèo phũ phàng đến thế? Hãy sống vì người khác, không phải bằng vật chất thì ít ra cũng nói lên những lời bênh vực để đừng thẹn với lương tâm mình là người sống vô cảm trước sự khổ đau của đồng loại.

Hồi đầu năm ông thủ tướng hứa rằng năm nay quyết tâm chống tham nhũng, đẩy lùi tệ nan xã hội. Nay đã cuối năm, sắp qua năm mới rồi, nhưng nghe ông thanh tra chính phủ nói mà cảm thấy buồn. Ông nói rằng việc chống tham nhũng còn hạn chế... Hạn chế là sao? Ở mức độ, số liệu nào so với trước đây? Các ban ngành, các ông đứng đầu chính quyền đều vô tách nhiệm với lời nói, việc làm, lời hứa có đạt đến hay không, thành công hay thất bại cũng kệ. Gần một năm đã qua, lời nói của ông thủ tướng thành “cứt trâu hoá bùn”. Những lời nói, hứa cuội của đảng phái, chính phủ trên mọi quốc gia là chuyện bình thường. Đảng nào cầm quyền cũng thế; cá nhân nào, hay bản thân ta nếu có quyền lợi trong tay chắc có lẽ cũng vậy thôi. Nhưng khác ở chỗ là người ta được nói, được biểu lộ qua hành động (biểu tình) để phản đối, phê phán, đôi khi xảy ra xô xát với chính quyền là điều đương nhiên. Nhưng đó là trường hợp người Tây Phương hoặc những dân tộc quá khích. Dân Vit Nam thì ngược lại, họ rất hiền hòa, biểu lộ qua những cuộc biểu tình trong trật tự; chỉ biết khóc than, kêu cứu mà vẫn bị chính quyền viện lý do để đàn áp, bắt bớ. Trong khi không có cái để mà ăn, còn nói thì bị tù tội đánh đập. Hành xử cách đó là nhân tính của con người sao? Thật là một việc làm quá là tàn nhẫn!

Nhiều vụ bất công về đất đai bồi thường! Nếu chính quyền trước đây nói rằng mọi người phải hy sinh riêng tư để xây dựng, phát triển những cơ sở hạ tầng chung cho đất nước… Tạm thời chấp nhận, tin với lời khuyên đầy tình nghĩa đó. Nhưng hy sinh không phải chỉ mình dân đen, còn cán bộ ngày một giàu thêm. Trường hợp những người dân ở Cà Mau, không biết chính quyền có phần nào xúc động trong lòng? Hay khi đối diện với thực tế, trước mặt mọi người lại tỏ ra một khuôn mặt đưa đám, rầu rầu theo kiểu như ông Triết trước đây nói: Dân mình còn nghèo, kêu gọi đồng bào hãy thắt lưng buộc bụng. Ai cần phải thắt lưng, buộc bụng? Dân sống ở rừng U Minh còn sức đâu nửa mà thắt với buộc, trong khi lưng các ông lớn càng ngày càng dài và rộng ra; bụng của các cấp chính quyền càng ngày càng phình to. Khốn khổ, khốn nạn cho những người dân đen Việt Nam quá!

Chờ đợi, hy sinh đến chừng nào nữa? Các ông hứa, nhệm kỳ nào rồi ông nào cũng hứa, nhưng lại không giữ lời! Hơn nửa thế kỷ các ông đã hứa cuội! Trước đây đổ thừa chiến tranh. Sau hơn ba mươi năm thống nhất, đời sống người dân có nhích lên chút xíu nhờ tiền vay mượn nước ngoài, nhờ các ông mở gọng kìm kinh tế, đời sống có đỡ hơn nhưng đạo đức của xã hội suy đồi đến kinh ngạc vì do sự kìm kẹp tư tưởng vẫn còn. Không ai được phát biểu, phê phán nên cấp lãnh đạo hóng hách. Nếu có phê phán theo kiểu… gãi ngứa thì chỉ lên đến cấp huyện hoặc tỉnh là cùng, trung ương thì không ai được đụng tới. Người ta tự hỏi rằng phê phán liệu có bị trù dập không? Tốt hơn im lặng thủ thân!

Khỏi kể ra đây chắc mọi người cũng biết những sai lầm của chính quyền trong suốt thời gian dài qua. Các ông đừng muối mặt, đừng đánh lờ làm như không thấy, không biết, không nghe. Trưc đây người dân đã nghe nhiều về những lời đổ thừa của chính quyền là tại cơ chế, quản lý không chặt các cơ quan ban ngành… Tại sao không tự hỏi ai đẻ ra cơ chế! Chỉ biết đổ thừa tại các cấp thừa hành…, thói đời là thế! Nên nhớ những bát nháo của ngày hôm nay là do suốt quá trình của đảng cộng sản Việt Nam hơn ba mươi năm lãnh đạo, chỉ đường, không có thế lực thù địch nào nhúng tay phá rối. Chỉ thời gian sau này xuất hiện nhiều người đấu tranh cho dân chủ, nghân quyền vì đã ngộ ra rằng chính quyền bất lực, lãnh đạo đất nước quá kém, họ cần phải góp tiếng nói chung.

Trong vụ xử hai nhà báo, trước tòa các ông đổ thừa rằng họ có ý định kêu gọi lật đổ chính quyền. Nếu có, thì đó cũng là tiếng nói để cảnh tỉnh các ông. Các ông không có khả năng thì trước tiên phải tự xử, tức là phải từ chức, hoặc là có một đường hướng chỉnh đốn, sửa sai. Các ông không làm chuyện đó, chờ đến nhiều người dân nói lên những lời bất tín nhiệm, không thấy là một nỗi nhục cho việc tham quyền, cố vị hay sao?

Một chính quyền thật sự vì dân thì sẽ không bao giờ có phân biệt đối xử.

Sự thật thì mất lòng, nói ra thêm buồn cho thân phận dân đen! Bọn cướp có lương tâm, cướp của trước tiên chỉ để chia cho người nghèo, không vì quyền lợi cá nhân, phe nhóm. Chỉ có bọn thảo khấu cường hào, khi chiếm được ưu thế trong tay thì phân phát chiến lợi phẩm cho những người có công, ưu tiên cho những người đã hy sinh giành được phần thắng về cho phe nhóm. Trong mấy chục triệu dân tộc Việt Nam, có biết bao nhiêu thành phần: Trẻ con, người già, tàn tật, mất sức lao động, không có việc làm … họ cũng là con người, cũng có quyền sống, mưu cầu hạnh phúc cho gia đình và bản thân. Không có công với đảng thì họ phải chờ chết đói, nạnh ai nấy lo chèo chống để kiếm sống sao!? Đã gọi là hy sinh vì lý tưởng, tình nguyện cho cuộc chiến hoặc đóng góp công sức cho quốc gia thì hưởng lương theo trình độ, công sức như những công nhân viên chức bình thường là quá đủ, dứt khoát không được kể công. Mà đã là hy sinh thì sao lại đi chia quyền lợi vật chất? Nên chấm dứt những ưu tiên cho những người có công vì nó là hành xử của kẻ cướp bất lương không hơn không kém.

Nguyễn Dư

ไม่มีความคิดเห็น: