Đại hội Tây Tạng diễn ra giữa những lời hù dọa đưa ra từ chính phủ Bắc Kinh. Hôm Thứ Sáu 21-11-2008, Bắc Kinh lại giận dữ tố giác ngài Đạt Lai Lạt Ma là bí mật vận động cho độc lập Tây Tạng. Bài quan điểm dài trên thông tấn nhà nước Xinhua, do AFP tường thuật lại, viết rằng tình hình Đức Đạt Lai Lạt Ma đòi tự trị chỉ là giả lập một cơ chế chính trị “nửa độc lập” hay “độc lập bí mật” bị kiểm soát bởi nhân sự của Đức Đạt Lai Lạt Ma trên một phần lãnh thổ Trung Quốc, “và khi điều kiện chín mùi, họ sẽ đòi công nhận ‘độc lập toàn diện cho Tây Tạng.’...”
Đạt Lai Lạt Ma đã lưu vong từ năm 1959 sau một cuộc nổi dậy thất bại, thực ra từ lâu vẫn nói là ngài muốn tự trị, chứ không đòi độc lập. Nhưng gần đây giới trẻ Tây Tạng lưu vong tăng áp lực đòi chiến đấu cho Tây Tạng độc lập.
Save Tibet Nguồn: savetibet.org |
Trong khi đó, Đạt Lai Lạt Ma chính thức xin Ấn Độ giúp giải quyết vấn đề Tây Tạng. Bản tin từ thông tấn Ấn Độ IANS hôm 20-11-2008 viết rằng, Đạt Lai Lạt Ma trong khi tham dự một buổi lễ của Lions Club tại Calcutta, đã nói với các phóng viên: “Ấn Độ và Tây Tạng đang có một quan hệ giữa ‘guru’ và ‘chela’ (thầy và trò), và khi trò gặp rắc rối, thì thầy phải chăm sóc giúp.”
Tuy nhiên, dịp này, ngài không nói gì về quan hệ giữa người Tây Tạng lưu vong và Bắc Kinh; khi được hỏi, chỉ nói là không bình luận. Nhưng mạng phayul.com của người Tây Tạng lưu vong khi chú thích hình có ghi lời ngài nói rằng ngài không dự đại hội Diên Hồng của người Tây Tạng lưu vong vì không muốn sự hiện diện có thể ảnh hưởng vào cuộc thảo luận của đại hội.
Thực tế, Đạt Lai Lạt Ma chưa bao giờ chính thức yêu cầu Ấn Độ can thiệp với TQ về vấn đề Tây Tạng, theo lời Tenzin Taklha, phụ tá cao cấp của ngài, mà cách gọi 'thầy, trò' chỉ là lối thường nói của ngài, vì trong nhiều trường hợp khác, ngài cũng luôn gọi Ấn Độ là 'thầy'.
Như thế là mọi hướng đi thương thuyết với Bắc Kinh đều bế tắc. Ngài Đạt Lai Lạt Ma năm nay cũng 73 tuổi rồi, và tới lúc các nhà hoạt động phải thấy rằng cuộc chiến sắp vắng mặt ngài, nghĩa là phải chuẩn bị cho một thời kỳ mới với phương pháp vận động mới. Nhưng chiến hay hòa? Tất cả mọi lựa chọn đều mang theo nhiều hy sinh, đặc biệt là với chủ trương bất bạo động của Phật Giáo.
Đại Hội từ ngày 17 tới 22-11-2008 với gần 600 đại biểu từ toàn cầu về dự để vạch hướng đi cho cuộc chiến sẽ có quyết định nào? Đặc biệt là đại hội được toàn quyền thảo luận mọi vấn đề. Lúc đầu, các vị bộ trưởng trong chính phủ lưu vong xin không tham dự, để các tham dự viên không bị ảnh hưởng. Điều này dễ hiểu: vì các bộ trưởng đều là các vị sư già, các bậc thầy nhiều thập niên, nên không muốn làm các tham dự viên với rất nhiều người là đệ tử của họ, bị ảnh hưởng. Nhưng rồi đại hội đã mời các bộ trưởng cho ý kiến với tư cách cá nhân, chứ không phải tư cách người của chính phủ lưu vong. Cách sắp xếp đại hội cho thấy lá cờ đấu tranh đã chuyển sang cho thế hệ trẻ, và sẽ giao toàn quyền cuộc chiến này cho thế hệ trẻ.
Một bản văn bằng tiếng Trung Quốc đã được phổ biến bên lề đại hội, viết bởi nhà bất đồng chính kiến TQ Wang Lixiong, chồng của nữ văn sĩ Woeser. Bài này nguyên khởi đăng trên trang blog bị tường lửa của Woeser, trong đó nhà dân chủ Hán tộc này tiên đoán rằng ngay sau khi Đạt Lai Lạt Ma viên tịch là sẽ có cuộc nổi dậy tầm vóc lớn lao hơn những cuộc biểu tình tại Lhasa hồi tháng 3-2008 vừa qua. Wang đề nghị rằng để ngăn cản cuộc nổi dậy đó, cần phải có giải pháp cho Tây Tạng trước khi Đạt Lai Lạt Ma viên tịch.
Thật là khó. Với tình hình Bắc Kinh cứng rắn, không nhượng bộ, làm sao có giải pháp nào khả thi? Cần nhắc rằng, Wang là người Hán, còn vợ ông là nhà văn Woeser có mẹ người Tây Tạng và cha là hai dòng máu nửa Hán nửa Tạng; người cha quá cố này là một cán bộ cao cấp của Đảng CSTQ tại Tây Tạng. Nhà văn Woeser, đang bị quản thúc ở Bắc Kinh và bị cấm in sách, từ lâu đã trở thành một hỗ trợ lớn cho cuộc chiến của người Tây Tạng.
Đặc biệt, Đại hội Tây Tạng đã phổ biến một lá thư gửi từ quốc nội. Người gửi là một thanh niên Tây Tạng, được giáo dục tại hải ngoại và đã trở về hoạt động tại nội địa Tây Tạng đã gửi thư ra tường trình cho đại hội. Tên và lai lịch người gửi thư được giữ kín vì lý do bảo mật.
Lá thư viết bằng Tạng ngữ, và được dịch sang Anh ngữ để phổ biến lên mạng phayul.com.
Thư cho biết anh khi còn trẻ được giáo dục ở Ấn, nhưng đã trở về lại Tây Tạng để hoạt động, đã làm việc cho nhiều công ty ở Tây Tạng, và cũng đã từng thăm nhiều nước Tây Phương (chữ Tây Phương ám chỉ Châu Âu và Mỹ, nhưng không nói rõ người này có từng thăm Mỹ chưa). Thư nói là nhiều Tạng dân ở Tây Tạng thành công trong việc kinh doanh và tìm việc làm, tham dự vào nền kinh tế ở mọi hướng, và nhờ vậy mà ít lệ thuộc vào người Hán.
Thư kể là từ tháng 3-2008 tình hình trở nên tệ hại vì cuộc đàn áp khốc liệt từ công an TQ. Bất kỳ ai có chứng cớ liên hệ nào với hải ngoại đều bị trừng trị. Nhiều bạn của người viết thư còn bị giam, và chưa có án. Ngay cả hồi tổ chức Thế Vận, công an cũng làm im tiếng của mọi người dân Tây Tạng, trong khi truyền thông một chiều trên TV và báo chí liên tục bôi đen người Tây Tạng, tới nổi “người dân Hán tộc bây giờ hoặc là sợ hãi, hoặc là giận dữ khi gặp bất kỳ người Tạng dân nào.”
Thư viết, Thế Vận 2008 đã cho người Tạng hy vọng, cho thấy chính nghĩa Tây Tạng chưa bị bỏ quên, cho thấy những cuộc biểu tình của người Tây Tạng lưu vong chống rước Đuốc Thế Vận đã thành công lớn trên màn hình TV quốc tế.
Điều đặc biệt, thư của nhà hoạt động bí mật này nhận xét rằng,
“Nói chung về cuộc chiến của chúng ta, phải giữ bất bạo động bằng mọi giá. Trung Quốc sẽ vui mừng nếu người Tây Tạng trở nên bạo động hơn bởi vì họ sẽ có cơ hội mô tả người Tây Tạng trong một cách tiêu cực. Họ luôn luôn mong muốn chứng tỏ rằng người Tây Tạng tại Ấn Độ kích động bạo lực… Ngay cả người Tây Tạng làm việc cho chính quyền ở Tây Tạng cũng cảm nhận mạnh mẽ về căn cước quốc gia Tây Tạng. Tôi có nghe chuyện cảnh sát Tây Tạng tại Lhasa và chiến binh Tây Tạng cũng rất bất mãn khi thấy quân đội đàn áp biểu tình đầu năm nay. Nhưng họ không làm gì được. Họ rất giận dữ khi một phụ nữ Tây Tạng kể tên những người biểu tình cho công an bắt…”
Thư cho biết là không chỉ các trang web Tây Tạng hải ngoại bị tường lửa, mà một số video clip trên mạng www.YouTube.com cũng không vào được; các công ty ngoại quốc kinh doanh về công cụ Internet ở TQ “không có đạo đức kinh doanh tí nào; họ giúp chính phủ TQ bưng bít thông tin.”
Thêm nữa, thư viết rằng, điều quan trọng không phải là độc lập hay tự trị, mà phải là cách nào
Thêm nữa, thư viết rằng, điều quan trọng không phải là độc lập hay tự trị, mà phải là cách nào
“để giữ nền văn hóa của chúng ta tồn tại. Tôi không nghĩ là sẽ có một thỏa hiệp về tự trị đầy đủ hay độc lập. Có lẽ tương lai sẽ được một hình thức tự trị. Nhưng điều quan trọng là cách chúng ta bảo tồn và phát triển văn hóa của chúng ta. Vấn đề chính là tồn tại chủng tộc và cách sống của chúng ta. Dân chúng tại Tây Tạng, những người là một phần trong đất nước chúng ta, đang mất dần bản sắc văn hóa. Họ thích nói chuyện bằng tiếng TQ, và sống theo kiểu TQ. Nhưng ở Ấn Độ quý vị cũng thấy như thế. Mọi người nói với nhau bằng tiếng Anh hay tiếng Ấn Độ. Dân Tây Tạng đang mất cảm xúc tự nhiên với cách sống Tây Tạng. Khi chúng ta nhìn các vùng biên giới ở phía đông Tây Tạng, chúng ta sẽ thấy những gì sẽ xảy ra ở trung tâm Tây Tạng tương lai. Văn hóa chúng ta và chủng tộc chúng ta sẽ bị đồng hóa hoàn toàn và bị nuốt chửng vào văn hóa Trung Quốc.
“Để nuôi dưỡng chính nghĩa Tây Tạng, điều quan trọng nhất là giữ văn hóa Tây Tạng sống còn. Tại Ấn Độ, dân Tây Tạng trên nguyên tắc là phải nuôi giữ văn hóa chúng ta, nhưng quý vị thấy rồi đó. Họ có sống với nhau như một cộng đồng đâu? Họ đang di chuyển khắp thế giới. Thế hệ mới cũa người Tây Tạng toàn cầu không muốn về lại Tây Tạng. Vậy thì ai sẽ giữ chính nghĩa này sống còn? Tôi muốn nói là cần một điểm thương lượng về thỏa hiệp sơ khởi, một ưu tiên trên mọi ưu tiên cho người Tây Tạng lưu vong là hãy về du lịch tại Tây Tạng. Cực kỳ quan trọng là người Tây Tạng hải ngoại phải ham muốn viếng thăm Tây Tạng và nếu có thể thì về làm việc ở Tây Tạng, mở ra các đề án hay các cơ sở kinh doanh trong nội địa Tây Tạng. Đặc biệt là ở các vùng gần vùng người TQ, nơi không khí dễ thở hơn và là nơi người Tây Tạng có thể thành công nhiều hơn. Bởi vì dân Tây Tạng lưu vong thường có học hơn, có thông tin hơn và cởi mở hơn, họ có ảnh hưởng cực kỳ tích cực trên cộng đồng ở nội địa Tây Tạng. Họ có thể ảnh hưởng dân địa phương, mà không cần tham dự chính trị. Trong cách này, họ có thể giữ cho chính nghĩa Tây Tạng sống còn.”
Thư của nhà hoạt động từ quốc nội đề ngày 15-11-2008, kết thúc bằng đoạn văn:
“Tôi muốn bày tỏ mong ước rằng chúng ta luôn gìn giữ khát vọng mạnh mẽ và nuôi dưỡng tinh thần chiến đấu cho tự do, phẩm chất và hòa bình cho dân tộc chúng ta. Tôi cầu nguyện cho Đạt Lai Lạt Ma trường thọ, và tôi cầu nguyện cho những người đã hy sinh thân mạng cho Tây Tạng và cho những người còn đang ở trong tù.”
Lịch 2009. Save Tibet Nguồn: savetibet.org |
ไม่มีความคิดเห็น:
แสดงความคิดเห็น