Dân Báo 05.11.2008 04:28
Tôi thật sự xúc động khi đọc bài trả lời phỏng vấn nhà báo Võ Đắc Danh trên tạp chí Người Đô Thị tháng 10/2008.
Anh là một nhà báo có dũng khí viết lên những sự thật trần trụi của cuộc sống đang diễn ra trong xã hội. Tôi biết điều này từ lúc mới quen anh, và cho đến bây giờ anh vẫn thế.
Trong xã hội này, người ta có thể tìm kể tên vanh vách hàng loạt nhà báo tài hoa có tay nghề, có năng lực , có tiếng tăm,.... nhưng tìm một nhà báo có tâm, có tầm, có dũng khí viết về sự thật trần trụi đang tồn tại trong một xã hội luôn được riêu rao là tốt đẹp ra rả trên báo đài hàng ngày thì khó lắm.
Gọi Tên Cái Ác
Bằng chứng tội ác - Miếng giấy bìa cac-ton này ghi nội dung hoàn cảnh gia đình hai em bé đang cầm đã bị người của chính quyền giựt xé tả tơi khi hai em cùng cha mẹ đi đến trụ sở UBND quận 9 đòi giải quyết quyền lợi vì bị "thu hồi đất" cho dự án khu Công Nghệ Cao, mẹ của hai em là chị Dương Thanh Trúc bị bắt giam một năm tù
Tại sao lại như vậy ?
Tại sao chỉ viết đúng sự thật đã và đang diễn ra trong cuộc sống mà người ta không đủ dũng khí để viết?
Bởi người ta sợ cái Ác.
Một cái Ác rõ ràng, phơi bài bản chất tàn bạo của nó có thể không làm người ta run sợ. Hoặc người ta phải vượt qua sợ hãi mà chống lại cái Ác đó để tìm cách sinh tồn. Nhưng với cái Ác được che đậy bằng những điều tốt đẹp của cái Thiện thì người ta trở nên sợ hãi vô cùng. Bởi vạch trần bản chất cái Ác đó cho mọi người cùng thấy được là điều khó khăn.
Một khi cái Ác được ngụy trang bằng những cái tốt đẹp thì con người rất khó nhận ra nó. Hơn nữa, nhiều người nhận ra được cái Ác đang ẩn sau những cái tốt đẹp thì lại càng sợ hãi khi muốn vạch mặt, lột trần nó ra để cho người khác thấy. Bởi họ biết rằng mọi người đang bị đánh lừa bởi cái tốt đẹp giả dối bên ngoài của cái Ác. Người ta sẽ nhân danh cái tốt đẹp mà quật ngược lại họ nếu họ dám vạch ra cái Ác.
Trong cuộc sống hôm nay cái ác biết lợi dụng cái tốt đẹp, lợi dụng những con người lương thiện để bao che, bảo vệ cho nó.
Để mọi người lương thiện có thể nhìn rõ cái Ác thì phải gọi đúng tên cái Ác. Trong từng trường hợp, từng môi trường phải nhận diện cho rõ và chỉ ra đúng bản chất của tội ác.
Đó chính là trách nhiệm của những người hiểu biết, những người trí thức.
Trong phạm vi bài viết này tôi chỉ đi tìm tên gọi cái Ác đang diễn ra trong việc tước đi quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của người nông dân. Người nông dân đã và đang bị cướp mất mãnh đất cha truyền con nối tù bao đời nay của họ- nguồn sống cơ bản của bất kỳ ai là nông dân. Cái Ác ở đây nhân danh lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
Sự bất công đánh vào những người nông dân chân chất, nghèo khổ bao đời nay. Đặc biệt khi mà họ là thành phần chính chịu đựng hy sinh gian khổ trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Hơn cả sự bất công đó là tội ác: tội chống lại quyền mưu sinh của người nông dân nghèo khổ. Tội ác được định danh: Tội phản bội nhân dân và tội chà đạp quyền sống của con người.
Hơn ai hết những người cộng sản ở Việt Nam biết rõ vai trò của tầng lớp nông dân nghèo trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Họ là thành phần chính trực tiếp chiến đấu và gánh chịu hy sinh mất mát. Có thể nói nếu không huy động được tầng lớp nông dân theo họ, đảng cộng sản ở Việt Nam sẽ không là gì cả.
Tầng lớp nông dân nghèo ở Việt Nam là những người ít học, nhưng lòng yêu nước và tinh thần xả thân vì nước thì không ai hơn họ. Một phần bởi lẽ người nông dân nghèo khổ không có nhiều cơ hội để chọn lựa. Họ đã nghe theo lời kêu gọi của đảng cộng sản Viêt Nam để theo đảng đấu tranh giải phóng dân tộc.
Đảng cộng sản Việt Nam đã vẽ cho họ một thiên đường hoang tưởng về một xã hội công bằng và hạnh phúc. Họ đã tin và chấp nhận hy sinh gian khổ để theo đảng mà tranh đấu. Sau 35 năm theo đảng có đến hàng triệu người nông dân đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến (từ 1930 đến 1975). Để rồi sau chiến tranh họ lại bị bỏ rơi và phản bội trước nhất.
Sau đó đến thời kỳ mở cửa xây dựng đất nước thì người nông dân lại là thành phần phải tiếp tục "hy sinh quyền lợi " bởi những người cầm quyền đã nhân danh lợi ích quốc gia, lợi ích tập thể.
Ngày xưa, bị bóc lột bởi thực dân và phong kiến, người nông dân phải sống trong nghèo khổ, cơ cực, không thấy tương lai tươi sáng cho chính họ và con cháu họ. Từ đó họ phải theo đảng đứng lên tranh đấu hy vọng tìm kiếm một tương lai sáng lạn.
Đảng cộng sản khi mới du nhập vào Việt Nam chỉ là một tổ chức yếu ớt, không có nhân lực, vật lực, tài lực. Và chính những người nông dân nghèo Việt Nam đã nuôi dưỡng, che dấu, đùm bọc những người cộng sản. Họ đã gia nhập vào đảng cộng sản để đảng này phát triển thành một tổ chức chính trị to lớn, giữ vai trò lãnh đạo toàn dân trong hai cuộc kháng chiến được xem là "thần kỳ" đối với toàn thế giới.
Những gì mà đảng cộng sản có chỉ là một mớ lý thuyết hão huyền hoang tưởng về một xã hội đại đồng công bằng chưa được kiểm chứng bằng thực tiễn. Thế mà những người cộng sản đã thổi phồng thứ lý thuyết đó thành cái phao cứu hộ cho người nông dân báo vào.
Sau mấy mươi năm thì chính những người cộng sản phá vỡ cái phao ấy và ngươì nông dân tiếp tục chới với trong dòng xoáy của một nền kinh tế quái dị: Kinh tế thị trường định hướng XHCN. Mà thực chất đó là nền kinh tế tư bản thời kỳ tiền sử được "bảo kê "bởi quyền lực nhà nước - trong kinh tế học gọi là tư bản nhà nước.
Tai hại hơn khi đó lại là nhà nước còn giữ nguyên bản chất chuyên chính vô sản, bởi nhà nước pháp quyền chỉ có trên lý thuyết. Những người cầm quyền không muốn xây dựng một nhà nước pháp quyền thật sự cho nhân dân hưỡng thụ hạnh phúc. Bởi họ biết rằng nhà nước pháp quyền được thực thi quyền lực thì sẽ không còn chổ cho tham nhũng tồn tại.
Nếu những người cầm quyền thực tâm muốn xây dựng một nền kinh tế thị trường đúng bản chất thị trường thì chắc chắn người nông dân sẽ không khốn khổ vì mất đất. Bởi đất đai của họ - tài sản và tư liệu sản xuất chính của người nông dân- sẽ được định giá sòng phẳng theo cơ chế thị trường để bồi thường cho họ. Sẽ không có khái niệm "thu hồi đất" với giá rẽ mạt và sẽ không có những cảnh chính quyền dùng một lực lượng công cụ bạo lực hùng hậu để cưỡng chế tước đoạt đất đai - tài sản và tư liệu sản xuất cuối cùng của người nông dân.
Đối với người nông dân thì đất đai là nơi mà họ mưu sinh, mưu cầu hạnh phúc cho họ và con cái của họ. Có thể nói đất đai là tài sản có giá trị lớn nhất của người nông dân.
Hành vi dùng công cụ bạo lực (Công an, Toà án, Nhà tù,...) tước đoạt đất đai của người nông dân bất chấp quyền lợi của họ là tội ác chống lại quyền mưu sinh, quyền mưu cầu hạnh phúc của người nông dân.
Hành vi dùng công cụ bạo lực trấn áp người nông dân khi họ phản kháng lại để bảo vệ đất đai của họ là tội ác chà đạp lên quyền được sống của con người.
Đối với người nông dân Việt Nam, những hành vi đó còn là sự phản bội đau đớn nhất. Bởi sự phản bội từ chính quyền do chính họ hy sinh để xây dựng nên.
Những tội ác này chính là " tột đỉnh tội ác"
But Thep
ไม่มีความคิดเห็น:
แสดงความคิดเห็น