วันพฤหัสบดีที่ 6 พฤศจิกายน พ.ศ. 2551

No34: Tương Lai Hoa Kỳ, Mức Sống Dân Mỹ Với Tổng Thống Mới



Tương Lai Hoa Kỳ, Mức Sống Dân Mỹ Với Tổng Thống Mới

CHICAGO (NN) - Cơn cuồng phong tàn phá các thị trường tài chánh mới đây đã thay đổi sắc thái của cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Hậu quả chánh trị và kinh tế của sự phá sản này sẽ ảnh hưởng trầm trọng nhiệm kỳ sắp tới của tân Tổng Thống.

Sự suy sập của các thị trường tài chánh trên thế giới đã phục hồi thuyết kinh tế Keynes do kinh tế gia người Anh, John Maynard Keynes, người cha đẻ của kinh tế vĩ mô hiện đại, đề xướng vào đầu thập niên 1900, theo đó chánh quyền cần can thiệp vào kinh tế để tránh tình trạng suy thoái. Những diễn biến này đã thể hiện lập trường của đảng Dân Chủ chủ trương một vai trò ngày càng lớn của chánh quyền trong cuộc sống hằng ngày và đã giúp ông Obama dẫn đầu trong cuộc chạy đua nước rút vào Tòa Bạch Ốc.

Hoa Kỳ hiện nay đang trải qua giai đoạn khá hy hữu khi đa số dân nghĩ rằng chánh quyền là một giải pháp thay vì là một trở ngại để giải quyết khó khăn hiện nay. Trong cuộc khủng hoảng hiện hữu người dân Mỹ thấy cần sự che chở của chánh quyền. Đây là một thay đổi đáng chú ý so với thái độ nói chung của dân Mỹ muốn chánh quyền đừng quá xen vào cuộc sống hằng ngày của họ – như lập trường của đảng Cộng Hòa chủ trương.

Không khí tranh cử kỳ này


Hiện nay cử tri Mỹ sống trong một hỏa mủ thăm dò dư luận: một số cho rằng ông Obama sẽ thắng một cách dứt khoát – một thứ thắng lợi long trời lở đất – và một số khác thì cho rằng cuộc tranh cử kỳ này cũng sát nút như kỳ bầu cử năm 2000 va 2004, và rất có nhiều phần ngựa sẽ về ngược. Kết quả những thăm dò dư luận đựơc giới truyền thông và ban tham mưu của hai ứng cử viên bóp méo và thêu dệt để cố ảnh hửơng dư luận và khích động thành phần nòng cốt của đảng và thuyết phục thành phần còn do dự.

Cuộc tranh cử kỳ này, cũng như những lần trước, có những lúc khôi hài, nhũng lúc mạ lỵ đối phương, những lúc bóp méo sự kiện để tấn công đối phương. Đây là một phương thức chính trị gia mọi nơi đều áp dụng khi họ chủ mưu không muốn cử tri chất vấn họ họặc am hiểu quá nhiều về chủ trương của họ, về chiến lược, chiến thuật và giải pháp cụ thể để giải quyết các vấn đề ảnh hưởng cuộc sống hằng ngày, nhất là các vấn đề kinh tế tài chánh.

Ngoài xứ Mỹ thế giới cũng theo dõi cuộc tranh cử này, với đa số mong thấy ông Obama đắc cử vì họ có nhận thức rằng chánh quyền Obama sẽ thân thiện và ân cần hơn với các quốc gia khác, đặc biệt là với đồng minh tại Âu Châu. Mặc dù họ không có trách nhiệm trong việc bầu cử tổng thống kỳ này họ cũng “hưởng ké” trong việc “thương mại hóa” cuộc vận động tranh cử. Các nhà may áo quần danh tiếng tại Âu Châu đã có những người mẫu biểu diển các mẫu áo quần có tên hay hình ông Obama, và công ty Nhật Bản sản xuất mắt kính Masunaga đang hốt bạc nhờ hính ảnh ứng cử viên Phó Tổng thống Sarah Palin dùng gọng kính do họ sản xuất. Kể từ khi thế giới thấy Bà Palin xuất hiện trên màn ảnh truyền hình với gọng kính Masunaga (kiểu MP-704, màu số 34 -trị giá cở 350 đôla, chưa kể kính) hảng Masunaga bán không kịp loại gọng này vì số người đặt hàng lên trên 10,000 người kề từ đầu tháng Chín đến nay, so với cở 500 gọng mỗi năm trước đây!!

Cuộc bầu cử kỳ này được định hướng bởi một số vấn đề, nhưng đã thay đổi hoàn toàn với khủng hoảng tài chánh và tín dụng và sự hồi phục của thuyết kinh tế Keynes như đã nói trên.

Những động lực chuyển hóa


Cách đây không lâu đa số quan sát viên nghĩ rằng yếu tố then chốt quyết định cuộc bầu cử tổng thống kỳ này là cuộc chiến tại Iraq. Ông Obama nghĩ rằng cam kết của ông ta chấm dứt chiến tranh Iraq và đem binh lính về là chiêu bài sẽ giúp ông ta thắng cử. Trong lúc đó ông McCain thấy cơ hội khai thác yếu tố kinh nghiệm để lèo lái con thuyền quốc gia và chỉ trích ông Obama không có kinh nghiệm để lãnh đạo.

Phe Cộng Hòa cũng thành công trong một thời gian ngắn khi họ chĩa mũi dùi vào đối phương bằng cách đề cập đến cái có thể gọi là “yếu tố sự khác biệt” của ông Obama, một mỹ từ bao gồm sự kiện di sản ông Obama là người Mỹ gốc Phi Châu, sự kiện ông ta tỏ vẽ có thái độ khinh thường, và sự kiện lòng yêu nước của ông ta đáng nghi ngờ (vì trước đây ông ta không đeo huy hiệu có quốc kỳ trên ve áo).

Tuy nhiên, những đề tài đó đã bị cơn sóng thần tín dụng và tài chánh cuốn đi mất như những tiền thưởng kết xù của cấp lãnh đạo các công ty tài chánh và ngân hàng. Hầu hết các cuộc thăm dò dư luận cho thấy rằng trên hai phần ba dân Mỹ nghĩ rằng kinh tế là vấn đề trọng đại. Chiến tranh Iraq là vấn đề quan trọng thứ nhì, nhưng chỉ võn vẹn mười phần trăm dân chúng nghĩ rằng đây là vần đề quyết định cuộc bầu cử kỳ này.

Điều đáng buồn là cả hai ứng cử viên không nắm lấy cơ hội này để cho cử tri thấy họ có khả năng giải quyết vấn đề và lèo lái con thuyền quốc gia trong cuồn phong tài chánh và tín dụng. Cả hai đều đề cập đến kinh tế trong những buổi nói chuyện và gặp gỡ với cử tri. Nào là sáng kiến này, đề nghị nọ, nhưng các giải pháp thì quá sơ sài.

Cả hai ứng cử viên đều chú trọng về một số chương trình ngắn hạng tiếp sinh lực cho kinh tế - giảm thiếu thuế, gia tăng chi tiêu hoặc cả hai – với mục đích làm nhẹ bớt đau khổ cho người dân trong tình trạng suy thoái kinh tế sắp đến. Không ai đề cập đến những hy sinh người dân sẽ phải chịu trong vòng bốn năm sắp đến hầu có hy vọng lấy lại cân bằng cho một nền kinh tế đang chìm ngập dưới một núi nợ.

Ông Obama bề ngoài cho dân chúng thấy sự tự tin của ông ta và quyết tâm giải quyết các khủng hoảng này. Tuy nhiên, những gì hai ứng cử viên hứa trong ba kỳ tranh luận trên truyền hình cũng sẽ không thay đổi kết luận rằng ông Obama sẽ thắng. Ông McCain càng ngày càng tỏ ra bực bội vì cử tri không tin rằng ông ta có giải pháp thích hợp, thậm chí đến ông và Bà Palin đả phải công khai chỉ trích khéo TT Bush về hậu quả của cơn khủng hoảng tài chánh.

Điều đáng tiếc là cử tri không am hiểu được những để nghị của ông Obama rất mơ hồ và thiếu thực tế: đề nghị giảm thiếu thuế lợi tức của ông ta không cứu xét hậu quả của chương trinh này đối với ngân sách quốc gia mỗi ngày thiếu hụt trầm trọng. Quan trọng hơn hết là những luận điệu của ông ta để dáp ứng đòi hỏi của nhiều phe nhóm trong đảng Dân Chủ. Lập trường bảo vệ thị trường nội địa của ông ta để cứu vãn công việc cho nhân công Mỹ– đáp ứng đòi hỏi của giới nghiệp đoàn – đi ngược lại với cam kết của ông ta tái lập thế đứng của Hoa Kỳ trong cộng đồng thế giới. Đó là chưa kể lập trường mỵ dân và thiếu thực tế của ông Obama, một mặt thì muốn gia tăng xuất cảng để có thêm sản xuất nội địa và như thế bảo tồn công ăn việc làm cho công nhân, nhưng mặt khác, vì muốn làm vừa lòng giới nghiệp đoàn và các tổ chức nhân quyền và bảo vệ môi sinh, cho nên đặc đủ thứ điều kiện có tánh cách áp lực trên các quốc gia muốn ký kết thỏa ước mậu dịch với Hoa Kỳ.

Trong lúc đó ông McCain không giúp cử tri tin tưởng hơn nơi ông ta vì ông ta không có một chiến lược mạch lạc và chỉ đưa ra nhiều đề nghị có tánh cách tùy cơ ứng biến. Mỗi ngày khủng hoảng tín dụng và tài chánh giao động thị trường là một ngày cử tri bớt tin tưởng nơi ông ta và, như những luận điệu của đảng Dân Chủ, ông ta chỉ mớm đi mớm lại chương trinh của chánh quyền Bush.

Tuy nhiên, ta cũng nên nhớ rằng, như những xáo trộn trên thị trường tài chánh, tình hình và thái độ của cử tri cũng có thể thay đổi bất ngờ.

Bầu cho ai? Bầu cho cái gì?


Tâm trạng của giới ủng hộ ông Obama đi từ lạc quan điên cuồng đến bi quan qúa mức. Một lúc thì họ tin chắc rằng ông ta sẽ thắng một cách vẻ vang, và lúc khác thì họ lo sợ chiến thắng này một lần nữa sẽ lọt khỏi vòng tay họ vào lúc chót. Thăm dò dư luận mới nhất tại tiểu bang Florida cho thấy bầu cử kỳ này cũng rất sát nút như kỳ trước làm họ lo sợ thêm.

Tại tiểu bang California cử tri Dân chủ vẫn còn bị ám ảnh bởi cái gọi là “tác động Bradley”. Ông Tom Bradley, Thị trưởng thành phố Los Angeles, thua cuộc tranh cử Thống đốc tiểu bang vào năm 1982 mặc dù các cuộc thăm dò dư luận ngoài cổng trung tâm bầu cử (exit polls) đều cho ông ta thắng vẻ vang. Ông ta là người Mỹ gốc Phi Châu.

Điều đáng ghi nhận trong kỳ bầu cử này là sự cách biệt giữa những mỹ từ của ứng cử viên và thực trạng kinh tế tân Tổng thống sẽ phải đối phó. Cả hai ứng cử viên đều nói đến việc sửa lại hệ thống tài chánh, nhưng không ông nào đã công nhận, ngay với chính mình, rằng sửa lại hệ thống kinh tế khó hơn.

Cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu đã cho thấy rỏ ràng nhiều thay đổi thật lớn trong giới cường quốc kinh tế hiện nay. Tân Tổng thống Hoa Kỳ sẽ phải hiểu rằng Hoa Kỳ không thể tiếp tục dựa trên tăng trưởng của một số nền kinh tế Á Châu để tài trợ chi tiêu của quốc gia mình. Những nền kinh tế đó có qúa đủ đôla rồi!

Thực trạng kinh tế Hoa Kỳ là, chưa kể ngân khoản 700 tỷ Mỹ kim để cứu vãn hệ thống tài chánh và tín dụng mà chánh quyền Bush đã thi hành và tổn phí của những chương trinh trên trời dưới đất hai ứng cử viên đã đề xướng, thiếu hụt ngân sách quốc gia được ước lượng lên đến 500 tỷ Mỹ kim, và có đà tăng gấp đôi.

Nhiều giới kinh tế tài chánh và chính trị ủng hộ ông Obama cho rằng “không sao đâu” và hy vọng rằng một khi ông ta làm Tổng thống ông ta sẽ có đủ cớ để giải thích tại sao ông ta không thực hiện được những gì ông ta đã hứa trong thời gian tranh cử.

Điều đáng buồn và lo sợ là những giới này không am hiểu được mức độ lớn lao của thử thách sắp tới. Sửa đổi kinh tế – thuyết phục cử tri bớt chi tiêu và tiết kiệm thêm, và chi tiêu vào những dự án sửa chửa hạ tầng cơ sở quá bi đát – sẽ đòi hỏi người lãnh đạo có uy quyền tinh thần, có nghĩa là có can đảm lấy những quyết định khó khăn, không được lòng dân. Liệu ông Obama có đủ bản lĩnh để biểu tượng uy quyền tinh thần đó hay không?

Cử tri nào bầu cho ông Obama sẽ nghĩ sao nếu, khi ông đắc cử và, trước thực trạng kinh tế của đất nước, sẽ tuyên bố rằng những chương trình ông ta đề xướng, đặc biệt là chương trinh giảm thuế và chương trinh bảo đảm chăm sóc y tế cho mọi người sẽ không còn thực hiện được?

Lúc đó liệu những cử tri đó có cam đảm thú nhận mình đáng ra phải bầu cho ông McCain vì ông này đã không ngần ngại và một cách công khai chủ trương những giải pháp không được lòng dân nhưng rất cần thiết để giải quyết khủng hoảng? Điển hình là, khác hẳn với ông Obama, quyết định của ông ta ủng hộ chánh sách tăng quân tại Iraq và chi tiêu 700 tỷ Mỹ kim để cho nền kinh tế Mỹ, và nhờ đó nền kinh tế thế giới, không sụp đổ.

Ngày 4 tháng 11 , người cử tri Hoa Kỳ cần nhớ rằng người lãnh đạo quốc gia mình phải có đủ uy quyền tinh thần và quyết tâm chánh trị để giải quyết các vấn đề cực kỳ khó khăn ảnh hưởng cuộc sống hằng ngày.
Nhận thức không phải là thực tế!


ไม่มีความคิดเห็น: