Các nước xã hội chủ nghĩa hoặc theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa đều có phản ứng tích cực và lạc quan trước chiến thắng của ông Barack Obama trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Trong đó, cựu lãnh đạo Cu Ba cũng có phát biểu đáng chú ý nhất.
Tổng thống Bolivia Evo Morales gọi chiến thắng của ông Obama là một chiến thắng mang tính lịch sử. Ông Morales chúc mừng thành công của ứng cử viên đảng Dân chủ và tỏ ý hy vọng rằng trong tương lai, quan hệ hai nước sẽ được cải thiện.
Tổng thống Bolivia đặc biệt quan tâm đến gốc gác của ông Obama và nhấn mạnh rằng những người Mỹ gốc Phi, cũng như thổ dân Bolivia đều là nạn nhân của phân biệt đối xử.
Ông Obama là người Mỹ gốc Phi đầu tiên trở thành tổng thống Hợp chủng quốc, trong khi ông Morales là tổng thống đầu tiên của Bolivia có nguồn gốc thổ dân.
Venezuela, đồng minh thân thiết của Bolivia tại Mỹ Latin, cũng bày tỏ hy vọng rằng việc ông Obama lên nắm quyền tại Mỹ sẽ tạo cơ hội cho việc cải thiện quan hệ giữa hai nước.
Bộ Ngoại giao Venezuela ra thông cáo cho biết: “Chúng tôi tin tưởng rằng đã đến lúc xây dựng quan hệ mới giữa hai nước, dựa trên sự tôn trọng chủ quyền, bình đẳng và hợp tác thực sự”.
Căng thẳng trong quan hệ giữa Caracas và Washington, vốn tồn tại từ nhiều năm nay, đã lên đến đỉnh điểm vào tháng 9/2008, khi Venezuela yêu cầu đại sứ Mỹ phải về nước. Tổng thống Venezuela Hugo Chavez khi đó đã tuyên bố sẽ không khôi phục lại đầy đủ quan hệ ngoại giao với Mỹ chừng nào tổng thống Bush còn ở Nhà Trắng.
Tại Cu Ba, đất nước đã chịu sự cấm vận ngặt nghèo của Mỹ từ nhiều thập kỷ qua, người dân tỏ ra lạc quan với triển vọng cải thiện quan hệ với Mỹ khi ông Obama trở thành tổng thống.
Trước đây, trong quá trình tranh cử, ứng cử viên đảng Dân chủ đã tuyên bố sẵn sàng thảo luận về việc nới lỏng quy định hạn chế trong lĩnh vực du lịch và quản lý dòng kiều hối do người Mỹ gốc Cu Ba gửi về cho thân nhân trong nước.
Nhà lãnh đạo kỳ cựu của Cu Ba Fidel Castro, dù khẳng định giữ quan điểm trung lập về các ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, song cũng tỏ ý đề cao ông Obama là “một người thông minh, có học thức và điềm tĩnh”.
Tuy nhiên, giới chức Cu Ba cũng tỏ thái độ thận trọng về tương lai quan hệ với người láng giềng hùng mạnh. Bộ trưởng Đầu tư nước ngoài của Cu Ba Marta Lomas cho biết: “Chúng tôi sẽ hoan nghệnh nếu ông Obama có một số động thái nhằm nới lỏng lệnh cấm vận. Nhưng chúng tôi cũng đã chuẩn bị tư tưởng trong trường hợp mọi việc vẫn như cũ”.
Tại Trung Quốc, vài giờ sau khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có kết quả, Nhân Dân Nhật Báo bản tiếng Anh đã đăng bài khẳng định nhân dân Trung Quốc vui mừng trước thắng lợi của ông Obama.
Các tác giả của bài báo cho biết họ hy vọng tổng thống mới đắc cử “sẽ tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế lớn nhất thế giới bằng những tư tưởng và tầm nhìn hoàn toàn mới”, và rằng họ trông đợi vào một nước Mỹ “hợp tác hơn và có tinh thần đối thoại hơn”.
Trong khi đó, đại sứ quán Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên tại London hy vọng tổng thống mới của nước Mỹ có thể làm dịu những tranh cãi gay gắt về chương trình phát triển hạt nhân của nước này.
Một viên chức ngoại giao tại đây cho biết: “Chúng tôi không quan tâm ai vào Nhà Trắng. Chúng tôi chỉ quan tâm liệu nước Mỹ có dỡ bỏ những chính sách thù địch đối với Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên hay không. Chúng tôi chia sẻ quan điểm với ông Obama, rằng đối thoại là giải pháp đúng đắn”.
Cho đến nay, nhà nước Triều Tiên vẫn chưa có phản ứng chính thức về việc ông Obama trở thành tổng thống Mỹ. Cũng theo đại sứ quán Triều Tiên tại London thì sự trì hoãn này là hoàn toàn bình thường và Bình Nhưỡng có thể đưa ra quan điểm chính thức trong vài ngày nữa.
สมัครสมาชิก:
ส่งความคิดเห็น (Atom)
ไม่มีความคิดเห็น:
แสดงความคิดเห็น