วันจันทร์ที่ 3 พฤศจิกายน พ.ศ. 2551

No25: Trung Quốc quan tham khắp nơi.

Ông Hoàng Tùng Hữu là quan chức cao cấp nhất trong ngành Tòa án Trung Quốc bị bắt kể từ năm 1949 đến nay. Theo quyết định cách chức và bắt giữ, ông Hoàng Tùng Hữu đã vi phạm 3 vấn đề nghiêm trọng, đó là mưu lợi cá nhân, vi phạm nghiêm trọng luật kinh tế và có lối sống hủ bại.

Image
Ông Hoàng Tùng Hữu.
Vụ bắt giữ và cách chức đối với ông Hoàng Tùng Hữu, nguyên Phó Chánh án Toà án Tối cao càng được dư luận Trung Quốc quan tâm bởi Toà án thành phố Bắc Kinh vừa tuyên án tử hình đối với ông Quách Sinh Quý, nguyên Chánh án Toà án quận Tây Thành, Bắc Kinh vì tội tham nhũng, nhưng cho hoãn thi hành án 2 năm.

Phạm tội vì thuộc cấp là đồng hương?

Mặc dù bị bắt từ ngày trước, nhưng mãi tới hôm 28/10, ủy ban Kiểm tra và kỷ luật Trung ương Trung Quốc mới chính thức phê chuẩn lệnh bắt đối với ông Hoàng Tùng Hữu, nguyên Phó Chánh án Toà án Tối cao. Ngày 28/10, ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc cũng đã thông qua quyết định cách chức Phó Chánh án Tòa án Tối cao đối với ông Hoàng Tùng Hữu.

Theo quyết định cách chức và bắt giữ, ông Hoàng Tùng Hữu đã vi phạm 3 vấn đề nghiêm trọng, đó là mưu lợi cá nhân, vi phạm nghiêm trọng luật kinh tế và có lối sống hủ bại. Ông Hoàng Tùng Hữu là quan chức cao cấp nhất trong ngành Tòa án bị bắt kể từ năm 1949 đến nay. Ngoài ra, ông Hoàng Tùng Hữu đã phạm luật khi bản thân là Tiến sỹ luật, là Phó Chánh án Tòa án Tối cao.

Theo giới truyền thông, ngay sau khi thực hiện lệnh bắt đối với ông Hoàng Tùng Hữu, cán bộ của ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương Trung Quốc đã tiến hành khám xét tư dinh và trụ sở làm việc của Phó Chánh án Toà án Tối cao. Nhưng cho đến nay những thông tin liên quan tới vấn đề này vẫn được giữ kín. Chỉ biết rằng, ông Hoàng Tùng Hữu hiện đang phải tường trình và trả lời những câu hỏi về những liên quan tới vụ tham nhũng trị giá lên đến gần 400 triệu Nhân dân tệ (khoảng 55 triệu Mỹ kim) ở tỉnh Quảng Đông.

Cho tới khi bị bắt - vừa kết thúc phiên họp với các thành viên của Quốc vụ viện chiều 22/10, ông Hoàng Tùng Hữu cũng không hiểu mình bị ủy ban Kiểm tra và kỷ luật Trung ương Trung Quốc chính thức điều tra từ bao giờ. Tuy nhiên có tài liệu lại cho rằng, ông Hoàng Tùng Hữu đã bị bắt khi đang trên đường đi làm hôm 15/10 và suốt từ đó đến nay chưa lần nào được về thăm gia đình.

Sau khi tốt nghiệp khoa Luật tại Học viện Chính pháp Tây Nam Trung Quốc cách đây 30 năm (1978), ông Hoàng Tùng Hữu được điều về làm việc tại Toà án thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông. Do có năng lực chuyên môn và luôn hoàn thành công tác nên ông Hoàng Tùng Hữu sớm được thăng chức - từ Thư ký toà đến Chánh án Toà án thành phố Trạm Giang. Đến tháng 06/1999, ông Hoàng Tùng Hữu được điều động tới nhận công tác tại Toà án Tối cao và chưa đầy 3 năm sau (tháng 12/2002) đã được bổ nhiệm làm Phó Chánh án Toà án Tối cao Trung Quốc.

Sau khi trở thành Phó Chánh án Toà án Tối cao Trung Quốc, ông Hoàng Tùng Hữu được giao phụ trách 2 phần việc chính, đó là án dân sự và cưỡng chế thi hành án. Chính vì sự quan trọng của 2 lĩnh vực này nên ông Hoàng Tùng Hữu luôn được nhiều người nhờ cậy.

Vốn sinh ra (tháng 12/1957) và lớn lên tại một trong những đặc khu kinh tế hàng đầu của Trung Quốc - huyện Trừng Hải, thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông nên ông Hoàng Tùng Hữu hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc thi hành án dân sự, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại của tỉnh này.

Là Tiến sỹ luật, thành viên Hội đồng thẩm phán Trung ương Trung Quốc, ủy viên Thường vụ Hội Nghiên cứu Luật Tố tụng Hội Luật học Trung Quốc, Phó Chủ nhiệm ủy ban nghiên cứu Luật Tố tụng dân sự, Phó Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, nên ông Hoàng Tùng Hữu hiểu rất rõ hậu quả của việc bao che, dung túng, thậm chí là chỉ đạo ông Dương Hiền Tài, nguyên Cục trưởng Cục Thi hành án của Toà án tỉnh Quảng

Đông phạm pháp.

Giới luật gia cho rằng, dù Dương Hiền Tài là đồng hương, là thuộc cấp, nhưng ông Hoàng Tùng Hữu cũng không thể vì thế mà dính vào vụ tham nhũng với số tiền lên tới gần 400 triệu Nhân dân tệ. Nhưng theo giới truyền thông, ông Dương Hiền Tài đã thực hiện vụ bán trực tiếp Quảng trường Trung Thành theo lệnh của ông Hoàng Tùng Hữu, chứ không phải tự ý hành động.

Những khuất tất của ông Dương Hiền Tài

Việc ông Dương Hiền Tài tự ý quyết định bán trực tiếp Quảng trường Trung Thành hay đã làm theo lệnh của ông Hoàng Tùng Hữu còn phải chờ cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Nhưng có một điều rõ ràng là, kể từ khi trở thành Cục trưởng Cục Thi hành án của Toà án tỉnh Quảng Đông, ông Dương Hiền Tài luôn bị dư luận "kêu ca" do liên quan tới một số vụ án kinh tế.

Trong đó điển hình nhất là vụ đấu giá Quảng trường Trung Thành năm 2005. Theo giới truyền thông, Quảng trường Trung Thành là tòa nhà xuống cấp nhanh nhất Trung Quốc, hơn nữa luôn xảy ra tranh chấp nợ kéo dài, kiện tụng triền miên.

Ông Dương Hiền Tài giữ chức Cục trưởng Cục Thi hành án 6 năm (2001-2007) và rời khỏi cương vị này từ tháng 09/2007, nhưng vẫn giữ chức Phó Cục trưởng giám sát tại Toà án tỉnh Quảng Đông cho tới khi bị bắt hôm 28/06 vừa qua. Hiện ông Dương Hiền Tài đang phải tường trình về những liên quan đến vụ đấu giá Quảng trường Trung Thành cách đây 3 năm.

Vụ án "Quảng trường Trung Thành" chính thức được Tòa án Tối cao Trung Quốc giao cho Tòa án tỉnh Quảng Đông thụ lý giải quyết từ đầu năm 2001. Nhưng kể từ khi nhận chỉ thị đến lúc chính thức giải quyết, Cục Thi hành án của Toà án tỉnh Quảng Đông phải mất tới hơn 4 năm mới giải quyết xong bởi sức ép quá lớn từ các bên.

Một trong những nguyên nhân khiến vụ "Quảng trường Trung Thành" không sớm được giải quyết là do tác động của Cục trưởng Cục Thi hành án Dương Hiền Tài. Nhưng cách giải quyết của Cục trưởng Dương Hiền Tài đã khiến cho vụ "Quảng trường Trung Thành" vốn đã căng thẳng càng trở nên phức tạp.

Theo quy định của Tòa án Tối cao Trung Quốc, tài sản bị đem bán đấu giá và bán trực tiếp (bán thẳng) trong thi hành án dân sự khác nhau khá xa, nhưng Cục trưởng Dương Hiền Tài đã cố tình bẻ cong luật pháp. Nhờ sự lách luật của Cục trưởng Dương Hiền Tài nên Quảng trường Trung Thành đã bị coi là tài sản thi hành án, được bán trực tiếp thay vì bán đấu giá và một công ty ở Bắc Kinh đã mua được tòa nhà này với giá 924 triệu Nhân dân tệ. Nếu công ty này kinh doanh lòng vòng thì vụ việc chưa chắc đã bại lộ, nhưng họ đã lập tức chuyển nhượng cho một công ty khác với giá trên 1,3 tỷ Nhân dân tệ, kiếm lời gần 400 triệu Nhân dân tệ.

Vì số tiền ăn chênh lệch quá lớn, nên giới kinh doanh cũng như dư luận liên tiếp phản ứng, buộc cơ quan chức năng phải vào cuộc. Sau khi ông Dương Hiền Tài bị bắt (28/06), ngày 23/07, ông Trần Trác Luân, Chủ nhiệm Văn phòng luật sư Thịnh Bang, tỉnh Quảng Đông cũng bị bắt vì có liên quan tới vụ án kể trên. Trần Trác Luân vừa là đồng hương, vừa là bạn hữu của ông Dương Hiền Tài và được giới luật sư tỉnh Quảng Đông đặt cho biệt danh "Luật sư cứng đầu nhất Quảng Đông".

Dưới sự lãnh đạo của Chủ nhiệm Trần Trác Luân, Văn phòng luật sư Thịnh Bang có đội ngũ nhân viên phục vụ lên tới gần 200 người và là văn phòng luật sư lớn nhất, có uy tín nhất tỉnh Quảng Đông. Ngoài ra, ông Trần Trác Luân còn là Phó hội trưởng Hiệp hội Luật gia tỉnh Quảng Đông.

Có tài liệu nói rằng, ông Dương Hiền Tài đã nhờ ông Trần Trác Luân làm cố vấn pháp lý trong vụ bán trực tiếp Quảng trường Trung Thành và đó là nguyên nhân khiến Chủ nhiệm Văn phòng luật sư Thịnh Bang đang bị giam giữ. Điều đáng nói là đúng thời gian ông Trần Trác Luân bị bắt, Sở Tư pháp thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông vừa cấp bằng danh dự "Đảng viên ưu tú của Sở Tư pháp thành phố Quảng Châu".

Một số quan chức không liêm chính

Cùng bị "ngã ngựa" trong ngày 28/10 với Phó Chánh án Toà án Tối cao Trung Quốc Hoàng Tùng Hữu còn có Chủ nhiệm ủy ban Ngân sách Quốc hội Chu Chí Cương. Ngày 28/10, ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận đơn từ chức của ông Chu Chí Cương, 58 tuổi, Chủ nhiệm ủy ban Ngân sách Quốc hội mặc dù mới được bổ nhiệm hồi tháng 03/2008. Ông Chu Chí Cương phải ra đi vì người thân "được mua nhà với giá rẻ", bản thân vi phạm kỷ luật đảng, có liên quan tới tham nhũng.

Những sai phạm trên của ông Chu Chí Cương xảy ra trong thời gian Chủ nhiệm ủy ban Ngân sách Quốc hội Trung Quốc đương chức Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc. Theo những thông tin ban đầu, ông Chu Chí Cương có dính tới một số vụ án liên quan đến bất động sản ở Bắc Kinh và nhiều vấn đề về tiền nong trong 7 năm làm Thứ trưởng Bộ Tài chính.

Cũng trong những ngày cuối tháng 10, Toà án thành phố Bắc Kinh đã kết án tử hình đối với Quách Sinh Quý, nguyên Chánh án Toà án quận Tây Thành, Bắc Kinh vì tội tham nhũng, nhưng cho hoãn thi hành án 2 năm.

Theo hồ sơ tại toà, trong thời gian đương chức Chánh án Toà án nhân dân quận Tây Thành (1998-2007), ông Quách Sinh Quý đã nhiều lần nhận hối lộ và biển thủ công quỹ với tổng số tiền lên tới 8 triệu Nhân dân tệ (khoảng 1,2 triệu Mỹ kim). Điều đáng nói là ông Quách Sinh Quý đã nhận tiền để phán xử sai một số vụ kiện liên quan tới đấu thầu các dự án xây dựng.

Nhưng những hành vi sai trái của ông Quách Sinh Quý đã sớm bị cơ quan chức năng điều tra, làm rõ và nguyên Chánh án Toà án quận Tây Thành đã phải trả giá đắt cho những việc làm của mình.

ไม่มีความคิดเห็น: