วันศุกร์ที่ 7 พฤศจิกายน พ.ศ. 2551

No38: Chuyện thường ngày ở thủ đô ngàn năm văn hiến

Những kẻ cầm quân cờ trên tay đã không đủ khả năng giải gỡ thế bí, lại cũng không đủ can đảm xoá bàn cờ đi chơi ván khác, mà chỉ kiên trì đánh cù nhầy theo kiểu lũ nhãi ranh hè phố. Tương lai đất nước và dân tộc vẫn tiếp tục chìm trong nước ngập tù đọng…”

Những ngày qua, Hà Nội phải gánh chịu một trận lụt hiếm thấy trong lịch sử. Dĩ nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội chịu cảnh lụt lội. Chuyện những con phố như Khâm Thiên, Đội Cấn, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng … bị ngập sau những trận mưa lớn đã thành chuyện thường ngày ở thủ đô ngàn năm văn hiến rồi. Nhưng mức độ ngập gần như ở mức toàn thành phố thủ đô, không do bão lũ hay vỡ đê, trong khi mực nước sông Hồng không quá cao, mà chỉ vì… mưa nhiều, có lẽ là chuyện hi hữu không chỉ ở riêng Việt Nam.

Trong một vài ngày tới, người dân Hà Nội sẽ vẫn phải tiếp tục “sống chung với nước”. Tôi không muốn đi sâu vào những chi tiết, những thảm cảnh mà người dân thủ đô đang từng ngày phải gánh chịu, mà chỉ muốn đưa ra vài suy gẫm nhân trận lụt này.

Bài ca muôn thủa

Rảo qua các diễn đàn trên mạng X-Café và các trang điện tử chính thức, có thể thấy những hình ảnh, những nhận xét khá phong phú và đa dạng. Ở diễn đàn x-café, ý kiến của những người được gọi là Hồng Vệ Binh dường như không nhiều lắm. Tuy nhiên, rải rác bên cạnh những hình ảnh dở khóc dở cười như đưa đò qua phố, cất vó trên đường, ngan bơi trong phòng khách…, cũng có những hình ảnh của những trận lụt từng tàn phá những thành phố ở những xứ sở văn minh, để chứng minh rằng: chậc, ở đâu mà chẳng có lụt lội!

[Xem toàn văn bài phỏng vấn]


Nhớ lại cách đây chừng hơn một tháng, cũng trên diễn đàn X-Café, sau khi những hình ảnh đàn áp đánh đập giáo dân Thái Hà bằng dùi cui điện và hơi cay được tung lên mạng, lập tức một loạt những hình ảnh cảnh sát ở các nước tự do dân chủ dùng hơi cay và dùi cui điện để vãn hồi trật tự nhằm kiểm soát tình hình những cuộc biểu tình cũng được tung lên, để chứng minh rằng đó cũng là chuyện bình thường.

Hay khi có những người bới ra những thói hư tật xấu của đảng hoặc các lãnh tụ cộng sản, lập tức một loạt thói hư tật xấu của đảng này đảng nọ, nhân vật này nhật vật kia liền được trưng ra để khẳng định rằng ai mà chẳng có tật xấu, chính thể nào mà chẳng có những khiếm khuyết này nọ! Thói đánh tráo khái niệm dường như đã ăn vào máu thịt của những người tự xưng là khoa học biện chứng.

Một lần, khi nói chuyện với một nhân viên an ninh đã giải nghệ, tôi có nói rằng bộ trưởng bộ nội vụ trước đây là Trần Quốc Hoàn vốn xuất thân là một tên lưu manh mạt hạng, rằng Đỗ Mười vốn chỉ là gã hoạn lợn. Anh chàng này lập tức phản ứng rằng chuyện những vĩ nhân có xuất xứ bần hàn đâu phải hiếm trong lịch sử nhân loại. Tôi trả lời rằng chuyện đó chính xác, nhưng liệu có thể tin rằng trong một thời điểm cụ thể không dài trong lịch sử Việt Nam, một loạt những vĩ nhân cùng xuất hiện, bởi con số không nhỏ những nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam vốn là những người ít học, thậm chí lưu manh? Vĩ nhân ở đâu mà lắm thế?

Cũng vậy, cái không bình thường là ở chỗ Hà Nội bị lụt lội khủng khiếp chỉ vì mưa nhiều, hệ thống thoát nước quá kém cỏi. Sau bao nhiêu năm kiên trì đường lối “sai đâu sửa đấy, càng sửa càng sai”, Hà Nội vẫn chịu cảnh cứ mưa là ngập. Thế mà theo kiểu nói của ông Phạm Quang Nghị được trang điện tử VietnamNet trưng dẫn rằng: “Thiên tai thì không tính trước được”, hiểu theo hoàn cảnh cụ thể tại Hà Nội nghĩa là chuyện trời có thể mưa lớn và kéo dài chưa được đảng ta tính đến! Hoá ra chỉ tại đồng chí Trời không chịu vè vè đi theo lề do đảng vạch ra! Mà sao sau bao nhiêu chỉnh huấn, rồi thanh trừng nặng mùi tử khí, đồng chí Trời vẫn cứ lọt lưới và hình như đang bị các thế lực thù địch lôi kéo xúi giục? Thật ra, với kiểu chất lượng công trình như vườn hoa ở Toà Khâm Sứ cũ, nghĩa là chỉ trong vòng hơn một tháng trời, người ta cứ khởi công, khánh thành rồi sửa lên sửa xuống tới tận lần thứ tư vẫn chưa đâu ra đâu, có thể nhận ra rằng cái lối suy nghĩ tiền thuế, mồ hôi xương máu của dân bỏ ra cũng chỉ là thứ của “chùa”, tiền “chùa”, đã ăn thật sâu vào đầu óc những tên đầy tớ bất lương. Chuyện Hà Nội sẽ còn chịu cảnh ngập lụt dài dài sẽ là chuyện thường ngày ở thủ đô ngàn năm văn hiến, sẽ cùng tồn tại với đất nước và dân tộc!

Vậy nên, cũng như muôn vàn chuyện bất bình thường vẫn ngang nhiên tồn tại hằng ngày ở cái quốc gia đã sắp chạm tay vào thiên đường mù, việc giáo dân bị đối xử bằng dùi cui điện và hơi cay, khi họ chỉ cầu nguyện một cách ôn hoà, lại cũng được xem là chuyện thường ngày ở thủ đô ngàn năm văn hiến!

Xem ra bài ca “ở đâu mà chẳng vậy, con người ai mà chẳng thế” dường như đã thành bài ca muôn thủa, luôn được lôi ra hát mỗi khi cần, với mức độ xuất hiện mỗi ngày càng nhiều hơn! Thế mà không hiểu tại sao khi những Hà Sĩ Phu, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Xuân Nghĩa, Vũ Hùng, Phạm Thanh Nghiên …, chỉ đòi cái quyền đã được ghi chễm chệ trên xấp giấy có tên là Hiến Pháp, bài ca nọ đã bị giấu biệt ở đâu, khi họ bị kết cho cái tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ, cái quyền mà họ mới chỉ đòi chứ chưa hề có!

Dân ỷ lại Nhà nước?

Cũng trong cùng bài báo ở trang Vietnamnet kể trên, lời ông Phạm Quang Nghị trong cuộc trả lời phỏng vấn được ghi lại rằng: “Kinh nghiệm tốt nhất vẫn là huy động chính sức dân và huy động tại chỗ. Do đang đi kiểm tra dưới cơ sở nên tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm” .

Quái! Chúng nó cứ ỷ lại vào nhà nước,
không chịu tát nước đi!


Hầu như cứ mỗi lần xảy ra biến cố nào đó, trên báo chí chính thức luôn xuất hiện những câu nói ngây ngô ngờ nghệch của giới lãnh đạo cao cấp. Ông Phạm Quang Nghị cứ làm như những kẻ ăn lương của dân, là những tên công bộc không có trách nhiệm gì với quốc kế dân sinh. Nhân dân chứ không phải ai khác sẽ phải tự lo liệu mọi chuyện. Còn những tên đầy tớ của nhân dân, những cán bộ ăn lương của nhân dân chỉ để làm một việc duy nhất là ngồi chơi xơi nước, đánh bạc, chơi gái và nhăm nhe có vụ nọ việc kia để hạch sách, vòi vĩnh, ăn chặn. Làm đầy tớ kiểu ấy thì không những không thể gọi là tử tế, mà phải nói là mất dạy, dĩ nhiên phải hiểu ngầm là họ cũng từng được dạy dỗ như ai.

Ôi, sao cái lẽ đơn giản Nguyễn Trãi từng nói trước đây gần 600 năm rằng kẻ làm quan phải “lo trước điều thiên hạ phải lo, vui sau cái vui của thiên hạ” mới thật xa vời với đất nước ngàn năm văn hiến này, cứ như chuyện chỉ tồn tại trong cổ tích!

Khối tự phát khổng lồ

Trong khi ông Phạm Quang Nghị dạy rằng “nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm”, thì từng ngày, dân nghèo Hà Nội vẫn phải chật vật lo lắng từng mớ rau, bữa gạo, với mức tăng giá hàng chục lần, vẫn phải dùng những con đò qua phố với mức giá 20 ngàn đồng trên 20m. Ra đường, dân phải chống chọi với sóng dữ của các loại ôtô, nhất là hung thần xe buýt. Cũng chính người dân chứ không phải ai khác đã nghĩ ra các kiểu di chuyển hết sức tự phát như thuyền trên phố, đò trên đường, xe ngựa chống lụt, cõng con chống lụt … Với cụ Nghị, những điều dân tự nghĩ ra để đối phó với hoàn cảnh như thế là chưa đủ. Có lẽ người dân phải mỗi người một xô một chậu xúc nước đổ ra sông Hồng, như vậy các quan chức sẽ đỡ phải lo nghĩ chuyện xe của các ngài có thể bị ngập. Mà mỗi chiếc xe có giá cả mấy trăm ngàn Mỹ kim chứ đâu có ít. Gì thì gì cũng xót tiền cướp được của dân lắm chứ! Cái giọng ấy thật giống kiểu kêu quang quác của ả gà mái. Không, so sánh như thế là bất công với ả gà nọ, vì ả kêu quang quác sau khi cho đời một quả trứng. Kiểu nói đó thật sự là của những tên vừa ăn cướp vừa la làng.

Mà đồng chí Nghị thân mến ạ, chuyện kể ra đâu có gì khó. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của đảng ta, hình như đồng chí Hoàng Trung Thông từng hót rằng “Nghiêng đồng đổ nước ra sông / Vắt đất ra nước thay trời làm mưa”. Đồng chí Trời mà không chịu nghe thì ta cưỡng chế, nếu không thì cứ nghiêng cái vèo là nước ở thủ đô sẽ chảy ào ào ra sông Hồng chứ làm gì mà cứ nhặng lên. Nhưng chết. Nhỡ nghiêng cái, mả cụ Hồ xồng xộc chạy tuốt ra sông Hồng, rồi xuôi thẳng về biển Đông, hết chỗ hương khói thì ăn mày cả đám! Vậy nên thôi, ai nấy cứ tự thân vận động là đảng yên tâm nhất.

Kể ra vu cho đồng chí Trời bị các thế lực thù địch lôi kéo xúi giục kể cũng hơi quá. Đồng chí cho đảng ta cơ hội ngàn vàng là có chỗ khai khống. Những công trình bị rút ruột, những thất thoát chưa biết đổ cho ai thì giờ đã có đồng chí Trời chịu trách nhiệm. Tiện nhất là từ xưa đến nay, đồng chí Trời không bao giờ biết tự biện hộ. Như thế là rất tốt, nếu cần đồng chí sẽ nhận được giấy khen. Gì chứ món giấy khen thì đảng ta chỉ thỉnh thoảng mới hà tiện thôi.

Nghĩ ra cũng thật hay, dân Việt Nam ta hiền lành cam chịu. Dù bị oan ức tới mức nào đi nữa cũng chỉ biết im lặng, cắn răng nuốt nỗi đau nỗi nhục vào tim, có phần nào thật giống đồng chí Trời. Để rồi họ sẽ dùng hết khả năng sức lực chạy đôn chạy đáo như bầy ong vỡ tổ, mạnh ai nấy sống, gặp gì làm nấy, thấy gì làm vậy, cốt sao qua cơn bĩ cực. Ông Vương Trí Nhàn có nói tới một xã hội Việt Nam theo kiểu khối tự phát khổng lồ thật không hề sai, nhất là khi ta quan sát những sáng kiến muôn hình muôn vẻ người ta có thể nghĩ ra trong trận lụt lịch sử hiện nay tại Hà Nội. Có điều khi nói như thế e rằng ông đã đánh giá hơi cao sự lãnh đạo sáng suốt tài tình của đảng ta.

Hôm nay, 3-11, khi tôi ngồi viết những dòng này, những cơn mưa có nhỏ hơn, nhưng chưa dứt hẳn, nhiều khu vực vẫn tiếp tục bị cắt điện. Theo dự kiến của báo đài nhà nước, nhanh nhất cũng phải chừng năm ngày nữa Hà Nội mới thoát cảnh ngập lụt. Trong thời gian này, người dân nào muốn sống sót thì tuyệt đối không nên ỷ lại vào Nhà nước. Nhưng không biết tới bao giờ nước Việt Nam mới thoát cảnh coi những chuyện thậm vô lí đến nực cười như là những chuyện thường ngày ở thủ đô ngàn năm văn hiến!

Bàn cờ đã thành rối tinh rối mù. Những kẻ cầm quân cờ trên tay đã không đủ khả năng giải gỡ thế bí, lại cũng không đủ can đảm xoá bàn cờ đi chơi ván khác, mà chỉ kiên trì đánh cù nhầy theo kiểu lũ nhãi ranh hè phố. Tương lai đất nước và dân tộc vẫn tiếp tục chìm trong nước ngập tù đọng, hàm chứa muôn vàn thứ hiểm hoạ bệnh tật và chết chóc!

ไม่มีความคิดเห็น: