Sự kiện Tòa Giám mục Hà Nội và giáo xứ Thái Hà đòi lại hai mảnh đất đã được các tay tư bản đỏ phân lô để bán, lấy tiền bỏ túi có thể coi là tạm lắng xuống. Nay mặc dù giáo xứ Thái Hà và Tòa Giám mục Hà Nội đã mất hai mảnh đất ấy, nhưng cuộc tranh đấu này có công ngăn chặn được một vụ tham nhũng lớn, lột mặt nạ của một chính quyền khéo che đậy và giúp cho nhiều người dân bước ra khỏi màn đêm của sự sợ hãi trước bạo quyền của chế độ cộng sản. Sau những gì xẩy ra, những người theo dõi biến cố này đã thấy được bộ mặt thật của chính quyền, đồng thời thấy được sự lúng túng của tập thể chính quyền Hà Nội, tưởng rằng mạnh mẽ lắm, nhưng qua cách hành xử của họ cho thấy chính quyền ấy quá bạc nhược đến nỗi đã phải sử dụng đến những trò chơi bẩn thỉu nhất để đối phó với một tập thể chẳng có súng ống, cảnh sát, quân đội và chó nghiệp vụ. Thật vậy, công lý và sự thật sẽ không bao giờ hiện hữu trên quê hương Việt Nam nếu chúng ta – những người Việt Nam yêu chuộng tự do, hòa bình và sự thật – dừng lại ở đây. Cũng vậy, nếu sự kiện Thái Hà và Tòa Khâm Sứ dừng lại ở đây, thì tôi nghĩ đó là một sự thất bại hoàn toàn của Giáo hội Công giáo vì cuộc tranh đấu vừa qua chỉ là một cuộc đòi lại quyền lợi riêng của Giáo hội Công giáo mà thôi. Chính vì vậy, qua sự kiện này Giáo hội Công giáo đã có được một cơ hội thử sức đức tin trước một chính quyền độc tài, lì lợm, ngang nhiên chà đạp công lý để bảo vệ cho quyền lợi của những kẻ tham nhũng, những tay đục khoét để vơ vét và chia chác tài nguyên quốc gia. Nếu Giáo hội Công giáo dừng lại đây, thì sẽ có nhiều người nghĩ rằng Giáo hội chỉ thực sự vào cuộc, tức là tranh đấu cho công lý và sự thật, khi quyền lợi của Giáo hội bị mất hoặc bị chiếm đoạt. Đó là điều mà tôi nghĩ các vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo – tức là các vị giám mục nên sáng suốt và tỉnh thức, để đưa ra lập trường, giáo huấn và những đường hướng mục vụ, và trên hết, lập trường, giáo huấn và những đường hướng mục vụ đó phải thông qua những hành động, việc làm cụ thể, chứ không thể dừng lại ở phương diện lý thuyết được công bố bằng những bức thư gọi là Thư Chung sau những cuộc họp dài ngày, điều đã diễn ra trong nhiều năm với quá nhiều thư chung chung. Thật vậy, Chúa Giê-su thiết lập Giáo hội của Ngài trên trần thế không phải chỉ mưu cầu hạnh phúc cho riêng một mình Giáo hội của Ngài, mà thông qua Giáo hội, nhân loại được kín múc từ đó một kho tàng chân lý để xây dựng hòa bình, đảm bảo tự do, thực thi công lý và tôn trọng sự thật. Trong suốt cuộc đời rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho sự thật, Chúa Giê-su đã phải đối diện với hàng loạt sự chống đối, sự cô đơn, sự phản bội của môn đệ… và cuối cùng là bị treo trên thập giá và trải qua một cái chết hết sức nhục nhã, không khác gì một tên tội phạm. Điều Chúa Giê-su đã làm là để minh chứng cho sự thật và chân lý đó được rao giảng cho đến ngày hôm nay, thông qua Giáo hội của Ngài. Ngài đã tuyên bố là Ta đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hy sinh mạng sống của mình để cứu chuộc nhân loại. Tấm gương của Chúa Giê-su đòi buộc những người tin theo Ngài, đặc biệt là những người được giao phó trách nhiệm chăn dắt đàn chiên, tức là các giám mục và linh mục, phải triệt để sống và làm chứng cho sự thật đó, và trong những trường hợp cần thiết còn phải hy sinh cả mạng sống để bảo đức tin và các giá trị Tin Mừng, giống như Chúa Giê-su đã làm, đã chiến thắng và hôm nay, Giáo hội Công giáo Việt Nam lại đang tiếp tục đi theo con đường và tiếng gọi của Vị Sáng Lập. Trở lại với những vấn nạn của đất nước hiện nay, chắc chắn rằng có rất nhiều người dân nói chung và người Công giáo Việt Nam nói riêng đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào Giáo hội Công giáo, bởi đây là một tập thể có tổ chức và có một hệ thống giáo lý chặt chẽ, có thể xem như đủ sức để chống lại sự bất công, gian dối, độc tài toàn trị của chính quyền… đang ngự trị trong hầu hết mọi lãnh vực của đời sống xã hội. Trong số những vấn nạn đó, những điều hoàn toàn đi ngược lại với những giá trị của Tin Mừng đòi buộc người Kitô hữu không thể làm ngơ hoặc im hơi lặng tiếng trước những vấn đề như phá thai, gian dối, tham nhũng, sa sút đạo đức, ô nhiễm môi trường, thể chế chính trị phi nhân, độc tài dẫn đến chia chác tài nguyên quốc gia trong giới tư bản đỏ để rồi đẩy hàng loạt người dân vào cảnh lầm than cơ cực. Sở dĩ đặt ra trách nhiệm và bổn phận đối với Giáo hội Công giáo, thông qua các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân, là bởi vì Giáo hội sở hữu trong tay mình kho tàng chân lý của Chúa Giê-su, và nếu chúng ta không triệt để sống và bênh vực cho công lý và bảo vệ quyền lợi cho những người thấp cổ bé miệng, người bị áp bức, người bị gạt ra bên lề… thì không khác gì là chúng ta đang đi ngược với căn tính Kitô giáo của mình. Qua những dòng trên đây, với tư cách là một người yêu chuộng tự do và hằng khát khao cho nước nhà sớm có được một nền CÔNG LÝ và DÂN CHỦ đích thực, tôi xin mạn phép có một số lời CẦU XIN sau đây: 1. Hãy cùng nhau hậu thuẫn mạnh mẽ cho Đức tổng giám mục Ngô Quang Kiệt và Dòng Chúa Cứu Thế Để thổi bùng ngọn lửa Thái Hà và Tòa Khâm Sứ không phải dễ dàng, bởi vì chính quyền cộng sản có vô số mưu kế và tai mắt ở khắp mọi nơi. Sự bùng phát ngọn lửa tranh đấu cho công lý và hòa bình, thông qua việc đòi lại hai mảnh đất này, có thể là nằm ngoài dự đoán của nhiều người, kể cả phía nhà nước vốn luôn cảnh giác. Do đó nếu ngọn lửa này bị dập tắt hay do nản chỉ của con người mà nó tự tắt đi thì rất uổng công. Do đó, bằng mọi cách đừng để nó bị tắt đi. Muốn cho ngọn lửa đó khỏi tắt thì mọi người Công giáo trên toàn quốc và những người thiện chí hãy hậu thuẫn mạnh mẽ cho Đức cha Kiệt, tập thể Dòng Chúa Cứu Thế, đặc biệt sự hậu thuẫn đó đến từ các giám mục, linh mục, các tu sĩ nam nữ, các Hội Dòng. Mặt khác, phải rất lâu sau biến cố 1975 chúng ta mới có các vị Giám mục can đảm gióng lên tiếng nói chống bắt công và nhập cuộc, và có một tập thể tu sĩ có sự đồng thuận mạnh mẽ và rất dứt khoát trong đường hướng tranh đấu cho công lý và hòa bình của dân tộc. 2. Xây dựng một mặt trận truyền thông Sự kiện Thái Hà và Tòa Khâm Sứ nếu diễn ra cách đây 10 năm thì có lẽ sẽ bị dập tắt một cách thê thảm. Nhưng vấn đề này đã khác và những kết quả gặt hái được là nhờ tin tức truyền đi rất nhanh chóng và được người dân mau mắn đón nhận. Do đó, tất cả những ai có khả năng viết lách, nắm bắt tình hình, biết được tin tức xin hãy tung lên mạng internet để mọi người cùng tìm hiểu. Mỗi người dân ý thức trách nhiệm có thể trở thành một phóng viên. Trong một buổi gặp mặt mà tôi có tham dự, các cha Dòng Chúa Cứu Thế cũng đã thừa nhận là nếu tin tức không được phổ biến nhanh chóng thì chắc có lẽ giáo dân Thái Hà còn bị hành hung giã man hơn nữa, chứ không phải chỉ có xịt hơi cay, đánh đập, sai côn đồ đến đòi giết chết Đức Tổng Kiệt, cha Vũ Khởi Phụng… Do đó xin mọi người hãy luôn luôn ý thức rằng trong cuộc tranh đấu đòi công lý và cỗ võ hòa bình, mặt trận truyền thông chính xác, nhanh chóng là vô cùng quan trọng, không thể thiếu, nếu thiếu mặt trận này cuộc tranh đấu sẽ thất bại thê thảm. 3. Xin các Hội Dòng hãy nhập cuộc Nếu anh em Dòng Chúa Cứu thế và Đức Tổng Kiệt chỉ đơn thuần đi đòi lại hai mảnh đất để xây nhà hay phục vụ cho mục đích riêng thì không có lý do gì để các Hội Dòng nhập cuộc. Nhưng xin hãy nhìn rộng ra rằng đây là cuộc tranh đấu cho công lý và hòa bình của đất nước, và cũng chính là của Giáo hội nữa. 4. Xin Hội Đồng Giám mục Việt Nam hãy phát động cuộc thắp nến cầu nguyện cho công lý và hòa bình được hiển trị trên quê hương đất nước Lời cầu xin này không chỉ là ước vọng sâu xa của người viết, mà đó là sự kỳ vọng lớn lao của hơn 6 triệu giáo dân và của toàn thể nhân dân, đặc biệt là những ai yêu chuộng tự do, nhân quyền và dân chủ. Đây là điều hết sức chính đáng, và Hội đồng Giám mục nên làm. Vì tại Việt Nam, nhà cầm quyền đã bắt bỏ tù những người yêu nước, ra sức tranh đấu cho nền dân chủ nước nhà. Đây không chỉ một đòi hỏi nơi Hội đồng Giám mục, mà đây cũng là trách nhiệm và bổn phận của các vị bởi vì các giám mục là cha là mẹ, thay mặt dân Chúa, công bố các giáo huấn và đường hướng mục vụ cho cộng đồng dân Chúa. Hơn bao giờ hết, đây là trách nhiệm và bổn phận của các vị Chủ Chăn, những đấng kế vị các tông đồ. 5. Cảnh giác và can đảm khước từ ân huệ xin cho của chính quyền Đối thoại thẳng thắn để đạt được sự công bằng và công lý hay nhượng bộ để có được những ích lợi trước mắt là hai chuyện khác nhau. Cách đối thoại chân thực, thẳng thắn, không nhượng bộ trước bạo quyền đã được Đức tổng giám mục Ngô Quan Kiệt thể hiện hết sức dứt khoán bằng một lập trường kiên quyết, rõ ràng tại cuộc gặp với UBND tp Hà Nội: Trước hết ông chủ tịch có nói rằng: ủy ban nhân dân TP đã tạo rất là nhiều điều kiện cho Giáo Hội Công Giáo trong những năm qua nhất là dịp lễ Noel… chúng ta phải công nhận là trong những năm gần đây có nhiều điều kiện, thế tuy nhiên khi như thế, khi nói tạo điều kiện vẫn còn mang cái tâm lý xin cho: tức là cái này là ân huệ tôi ban cho anh đó. Nhưng mà cái tôn giáo là cái quyền tự nhiên con người được hưởng. Và nhà nước vì dân cho dân phải có trách nhiệm tạo cái điều đó cho người dân chứ không phải cái ân huệ chúng tôi xin. Không có. Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải cái ân huệ “xin cho”. Tôi nghĩ phát biểu của Đức cha Kiệt chắc chắn là được Thánh Linh soi sáng, bởi vì lâu lắm rồi, chúng ta mới được thưởng thức một sự minh định vững chắc của một vị giám mục rằng Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải cái ân huệ “xin cho”. Tôi nghĩ rằng đây chính là lời cảnh tỉnh cho giới Công giáo, bởi vì trong thực tế có nhiều trường hợp, nhiều sự việc chúng ta mang ơn nhà nước cho nên chúng ta cảm thấy khó khăn, không dám chống lại sự bất công, gian dối… Trong khi đó lại là quyền chính đáng của mình mà mình không biết đàng đòi, nên chấp nhận ngửa tay xin, và khi được ban cho thì mang ơn. Đây là âm mưu hiểm độc, nếu không tỉnh thức thì nhà nước sẽ dùng tiền, cơ chế xin cho để bịt miệng các vị lãnh đạo Giáo hội và do đó nhiều vị buộc phải im hơi lặng tiếng trước những bất công, nạn phá thai, trước sự bạo ngược của chính quyền, không ngừng ra sức cai trị dân chúng bằng những chính sách sai lầm, ngu dốt, mị dân, lừa dối… Mong thay, đất nước sớm có được công lý và dân chủ thực sự. |
วันเสาร์ที่ 1 พฤศจิกายน พ.ศ. 2551
No18:Thái Hà và Tòa Khâm Sứ: Lật qua một trang sử mới
สมัครสมาชิก:
ส่งความคิดเห็น (Atom)
ไม่มีความคิดเห็น:
แสดงความคิดเห็น