วันอังคารที่ 11 สิงหาคม พ.ศ. 2552

No 421: Từ một chuyến công du bất ngờ


http://www.tuanvietnam.net/vn/sukiennonghomnay/7682/index.aspx

(TuanVietNam) - Việc cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton có chuyến công du bất ngờ đến Bình Nhưỡng nhằm giải cứu cho hai công dân Hoa Kỳ là một thông điệp có sức thuyết phục về ý tưởng thế nào là “nhà nước của dân, do dân và vì dân".

Voltaire có một câu nói thoạt nghe tưởng như cực đoan nhưng ngẫm kỹ thì thật là thâm thúy: “sự ngẫu nhiên là một từ không mấy ý nghĩa. Không có gì hiện hữu mà lại không có nguyên do”. Câu chuyện cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton có chuyến công du bất ngờ đến Bình Nhưỡng nhằm giải cứu cho hai công dân Hoa Kỳ Euna Lee và Laura Ling, xem ra có thể vận vào ý nghĩa thâm thúy nói trên.

Việc các nhà chức trách Mỹ giải cứu cho công dân của họ không là biệt lệ. Trước đây cũng từng có chuyến công du của Thượng nghị sĩ Bill Richarson đến Bình Nhưỡng để thương thuyết nhằm giải cứu một công dân Mỹ.

Cựu Tổng thống Mỹ Billl Clinton được đón tiếp tại Bình Nhưỡng. Ảnh: AP

Trước đó, năm 1994, cựu Tổng thống Jimmy Carter đã có một sứ mạng tới Bình Nhưỡng, dẫn đến bước đột phá về thương lượng hạt nhân vào năm 2000. Vì vậy, ai cũng hiểu chuyến công du của vị cựu Tổng thống Mỹ không đơn thuần chỉ vì một mục tiêu trên mà thật ra chỉ là một khâu trong chuỗi thương thảo giữa hai bên nhằm mở ra một bước đột phá trong quan hệ Washington và Bình Nhưỡng.

Không khó để nhận ra những mục tiêu của chuyến công du này. Tuy người phát ngôn của Nhà Trắng gọi đây là hoạt động riêng tư, nhưng ai cũng thấy được rằng đây là chuyến thăm chính thức với chiếc áo khoác “riêng tư” nhằm giải quyết nhiều vấn đề trong đường lối đối ngoại của chính quyền Obama.

Điều này còn phải thận trọng tìm hiểu, ở đây chỉ bàn về chuyện “riêng tư” kia ở một khía cạnh khác: Khi người phát ngôn của Nhà trắng cho biết hai nữ phóng viên Mỹ đang ngồi cùng máy bay với cựu Tổng thống hướng tới thành phố Los Angeles thì tin này có ý nghĩa vượt ra khỏi những mục tiêu chính trị với những thủ thuật và giải pháp ngoại giao.

Hai phóng viên được đoàn tụ cùng gia đình.
Ảnh: AFP

Về khách quan, nó khuyến cáo cho ý nghĩa nhân đạo, thể hiện mối quan tâm của nhà nước đối với công dân của họ đang lâm nạn. Nữ phóng viên đã từng đến Việt Nam để làm một phóng sự về nạn cúm gia cầm năm 2005, Laura Ling, xúc động kể lại: “Khi nhìn thấy ông Clinton, chúng tôi bị sốc thật sự, nhưng tôi hiểu ngay rằng 140 ngày buồn tủi sắp chấm dứt”..

Còn vị cựu Tổng thống đáng kính của họ thì chỉ giải thích đơn giản: “Công việc tôi đã làm là niềm vinh dự to lớn cho tôi với tư cách là một người Mỹ và một người cha. Đó là đưa những người phụ nữ trẻ ấy trở về nhà”. Clinton phát biểu như vậy ở trụ sở tổ chức Sáng kiến Toàn cầu Clinton tại New York hôm 6/8!

Và như thế cũng là quá đủ cho một chuyến công du “bất ngờ”!

Với công dân Mỹ, việc hai nữ phóng viên kia đã cùng bay về nước trên cùng chuyến bay với người đến giải cứu mình là thông điệp có ý nghĩa cổ vũ lòng tự hào và củng cố niềm tin: công dân trao quyền và đóng thuế để nuôi bộ máy nhà nước, thì nhà nước ấy là chỗ dựa tin cậy khi họ lâm nạn.

Gần đây nhất, báo chí Mỹ đã loan tin về những vụ tham nhũng và bê bối trong nhiều cơ quan hành pháp và tư pháp Hoa Kỳ. Thế nhưng, trong riêng chuyện này, không phải chỉ hai công dân Mỹ “hiểu ngay rằng 140 ngày buồn tủi sắp chấm dứt” khi họ nhìn thấy sự hiện diện của vị cựu Tổng thống của họ, mà những công dân Mỹ nói chung cũng được trấn an khi họ đang trong một thế giới đấy bất an này.

Trong một thế giới mà bọn khủng bố và lũ cướp biển đang gây ra bao thảm họa cho dân lành, ngoài chuyện cướp bóc còn phục vụ cho những ý đồ thâm độc, thì thông điệp nói trên có tác động trực tiếp đến tâm trạng bất an đó.

Một quan chức Nhà Trắng cho hay “chuyến công du của ông Clinton đến Bình Nhưỡng là một bảo đảm cho việc ân xá hai nhà báo Mỹ”. Việc có được “bảo đảm” ấy có thể không là mục tiêu chính trị lớn nhất đối với hoạt động đối ngoại mà Nhà Trắng toan tính, song với người dân Mỹ, đây là một thông điệp có sức thuyết phục về ý tưởng thế nào là “nhà nước của dân, do dân và vì dân” mà Abraham Lilcoln, vị Tổng thống thứ 16 của họ từng phát biểu tại Gettysburg năm 1863.

Xem ra, chính trị cao nhất và thiết thực nhất là an dân, trong trường hợp này của nước Mỹ là không bỏ mặc dân trong hoạn nạn.



* Tương Lai

1 ความคิดเห็น:

BTV กล่าวว่า...

Bài rất hay, không ngờ VNN cũng quan tâm sự kiện này.