วันอังคารที่ 4 สิงหาคม พ.ศ. 2552
No397: : Hãy cho nhau “một cơ hội để lắng nghe”!
Kami.
Tôi có thói quen, hàng tháng vào ngày đầu của tháng thường ngồi nghĩ xem trong tháng vừa rồi đã có những tin gì trong nước hay trên thế giới nổi bật mà được nhiều người quan tâm làm mình phải suy nghĩ.
Tháng 7/2009 này cũng thế, chuyện trong nước tin nổi bật được mọi người quan tâm chắc không ngoài tin chính quyền bắt giam Nguyễn Tiến Trung mà tới hôm nay còn nhiều người vẫn còn nhắc đến. Còn chuyện ngoài nước thì cũng nhiều sự kiện, ngoài tin bà Hillary Clinton sang dự hội nghị Asian ở Thái lan với lời tuyên bố "Hoa kỳ đã trở Asian" thì tôi quan tâm đến một tin nhỏ không nhiều người ở Việt nam biết đó là tin "Beer Summit" liên quan đến ông tổng thống da màu Obama ở Mỹ. Chuyện rất bình thường mà đôi người còn coi đó là những chuyện vớ vẩn không có gì đáng quan tâm, nhưng với tôi thì hơi khác, tôi coi đó là chuyện không nhỏ.
Chuyện đàn ông ngồi uống bia với nhau tào lao hay giãi bày những suy nghĩ cá nhân mình thì quá đơn giản, nhất là đối với người Việt nam mình, ngày nào cũng được, lúc nào cũng được, thích và rỗi thì kêu nhau ra quán bia là xong. Nhưng hôm nay xin được kể về chuyện ba bốn người đàn ông Mỹ ngồi uống bia ở trong tòa Bạch ốc cuối tuần rồi, chuyện này mới đáng nói vì không nói không được.
Chuyện rằng hôm Thứ Năm 16/7 một cảnh sát tại thành phố Cambridge, bang Massachusetts nhận được điện thoại báo cáo có người đang nạy cửa nhà của một nhà hàng xóm. Trung sĩ James Crowley nhận nhiệm vụ của cấp trên đã lập tức đến nơi xảy ra sự việc. Tới nơi, và sau khi tìm hiểu biết rằng người nạy cửa chính là giáo sư Henry Louis Gates Jr. của đại học Harvard và là chủ của ngôi nhà. Ông Gates đi công tác nước ngoài về, mất chìa khóa nhà nên phải tìm cách nạy cửa nhà mình để vào. Nếu bình thường câu chuyện chẳng có gì để nói, ông cảnh sát Crowley có thể xem như xong việc và trở về đồn làm công việc khác.
Nhưng sự thể không diễn đơn giản như vậy, khi ông Cảnh sát Clowley đến nơi thì Giáo sư Gates lại đòi ông trung sĩ Crowley xưng tên và trình thẻ cảnh sát, trong khi ông trung sĩ bảo ông giáo sư hãy bình tình trả lời các câu hỏi của mình. Nói qua, nói lại không ai chịu nghe ai,cả hai cùng nổi nóng vì cho rằng đối phương đã coi thường mình. Ông giáo sư càng lúc càng nóng giận và to tiếng, ông cảnh sát thấy thế cũng ra oai rút còng số 8 còng tay vị giáo sư gọi xe đưa về đồn cảnh sát Cambridge về tội làm mất trật tự công cộng.
Tại Mỹ, việc cảnh sát tuần tra còng tay quan tòa, dân biểu, nghị sĩ hay ai đi chăng nữa về tội lái xe đụng người bỏ chạy, hay say rượu lái xe là chuyện thường và chẳng ai quan tâm và để ý. Nhưng lần này câu chuyện cảnh sát còng tay giáo sư Gates biến thành một tin sốt dẻo chiếm nhiều thì giờ trong các buổi phát tin hằng ngày của các đài truyền hình toàn quốc trong nhiều ngày vì chuyện “đen trắng” – ông trung sĩ Crowley da trắng, trong khi giáo sư Gates da đen – và đặc biệt gây sự chú ý nhất là sự can thiệp của tổng thống Obama .
Sau khi bị chở về đồn cảnh sát, lăn tay chụp hình, tội trạng do trung sĩ Crowley gán cho giáo sư Gates được xem xét, xét thấy sự việc không có gì nghiêm trọng họ đã cho ông được trở về nhà.
Nhưng sau đó tấm hình giáo sư Gates bị còng tay với khuôn mặt vừa hốt hoảng vừa tức giận đã tạo ra một cuộc cãi vã sôi nổi về vấn đề màu da. Người da đen cho rằng trung sĩ Crowley hành xử nhiệm vụ một cách kỳ thị, trong khi người da trắng cho rằng trung sĩ Crowley làm đúng nhiệm vụ giữ gìn trật tự xã hội.
Nhưng chuyện trở nên ồn ào khi ông Obama hôm thứ tư 22/7 trong buổi họp báo vận động luật cải tổ bảo hiểm sức khỏe đã vô ý miêu tả hành động của trung sĩ Crowley bắt giáo sư Gates tại nhà riêng của ông về tội làm mất trật tự là một hành động ngu xuẩn (the police acted stupidly).
Sau nhận xét của tổng thống Obama, hàm ý có áp lực muốn trung sĩ Crowley xin lỗi giáo sư Gates, nhưng ông trung sĩ nói ông chỉ làm nhiệm vụ và không có gì để xin lỗi ai. Hôm Thứ Sáu 24/7 giới chức lãnh đạo các hội cựu nhân viên cảnh sát của thành phố Cambridge họp báo lên tiếng ủng hộ trung sĩ Crowley và yêu cầu tổng thống Obama xin lỗi (vì đã dùng từ nặng) đối với tất cả nhân viên công lực toàn quốc.
Thế là câu chuyện lại chuyển sang một hướng khác. Chỉ mấy giờ sau khi các hội cựu nhân viên cảnh sát lên tiếng, tổng thống Obama đột ngột bước vào phòng họp báo tại tòa Bạch Ốc tuyên bố rằng có thể ông đã không cân nhắc ngôn từ chính xác khi miêu tả vụ cảnh sát còng tay giáo sư Gates mấy ngày trước. Ông nói cả hai người đều đã phản ứng quá mức cần thiết. Tổng thống cho biết ông đã điện thoại khuyên giải cả hai người và mời họ nếu đồng ý thì đến tòa Bạch Ốc uống bia để thông cảm nhau. Câu chuyện đáng chú ý bởi chi tiết này, từ một chuyện tưởng rằng không đâu vào đâu cuối cùng lại trở thành tiêu điểm chú ý của dư luận.
TT Obama tuyên bố cuộc gặp gỡ giữa ông và hai nhân vật chính trong vụ gây sôi nổi về da màu gần đây chỉ là “một cơ hội lắng nghe với nhau”.
TT nói với ký giả: “Tôi có nghe cuộc gặp gỡ này đã được vài người đặt tên là “Beer Summit”, thật là một từ rất kêu, nhưng quý vị ạ, đó có phải là hội nghị thượng đỉnh gì đâu”.(1)
Ông nói tiếp: “Chỉ là 3 tay đàn ông gặp nhau cuối ngày, uống bia với nhau và tạo cơ hội lắng nghe nhau, vậy thôi. Đó là như thế, có phải hội thảo cấp đại học gì đâu!”
Hai người kia là giáo sư Havard ông Henry Louis Gates Jr. và trung sĩ cảnh sát James Crowley thuộc vùng Cambridge, tiểu bang Massachusett.
Vụ bắt giữ giáo sư Gates và những lời nói gây sốc của TT Obama là "cảnh sát Cambridge đã hành xử ngu ngốc” đã phần nào gây tổn thất chính trị nghiêm trọng cho uy tín TT Obama những ngày qua. Về việc này khi có cơ hội ông Obama đã thanh minh rằng: “Tôi cũng bị mê hoặc do sức chú ý của công chúng tối nay, cũng may là thay vì tức giận hay nói bóng gió với nhau, mọi người sẽ bình tâm nhận ra người khác có ý kiến khác với mình”.(2)
Chuyện gì cũng phải học và rút kinh nghiệm. Tổng thống Obama sơ suất một chút, sau đó rút kinh nghiệm là một quá trình đào luyện tự nhiên. Điều đáng lo là vụ này làm giảm sự tin tưởng của quần chúng vào sự phán đoán của ông và có thể ảnh hưởng đến kết quả của cuộc tranh đấu đang hết sức cam go của ông và đảng Dân chủ trên chính trường, nhưng ông đã xử trí thật tuyệt vời, hài lòng cả đôi bên dư luận.
Qua câu chuyện nhỏ của ông TT da màu Obama làm tôi suy nghĩ rất nhiều, nhất là về cái mà ông ta gọi là “một cơ hội lắng nghe với nhau”.
Một người tổng thống hạng nhất của thế giới, nhưng cách xử sự rất bình dị mang đầy tình con người và trách nhiệm, không chỉ với chính cá nhân mình và còn trách nhiệm với mọi cử tri Mỹ. không chỉ đơn thuần là biểu hiện của sự phản ứng nhanh nhậy để xoay chuyển tình thế trên cơ sở lấy lòng cử tri. Tôi không hiểu ông Obama có thật tâm hay chỉ là bài của mấy ông cố vấn chính trị nhằm PR cho ông tổng thống da màu này? Dù thế nào đi chăng nữa với tôi nghĩ rất đơn giản kịch bản hay không nhưng ở cương vị người đứng đầu một đất nước cách hành xử của ông Obama rất đáng khâm phục, đó chính là đã biết dành cho“một cơ hội lắng nghe với nhau”. Cái đó là một trong những nguyên nhân kỳ bầu cử sau nếu là công dân Mỹ tôi sẽ dành cho ông ta một phiếu bầu vì hành động ấn tượng này.
Nhân sự kiện này, giá như một vài vị lãnh đạo hàng đầu của chính quyền Việt nam biết hành xử như thế với các công dân của mình, đặc biệt mấy anh bạn trẻ như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và những nhà đấu tranh cho dân chủ khác đã bị họ bắt thời gian qua. Chưa cần nói tới suy nghĩ của mấy anh bạn trẻ này đúng hay sai, cái quan trọng là tạo cơ hội để có thể trao đổi những suy nghĩ của cả hai phía để tìm được một tiếng nói chung hài hòa, phù hợp chắc chẳng tốn kém hay gây hại gì cho bất cứ ai hay bên nào. Đó là cách hành xử cao thượng của kẻ trên là người lãnh đạo quốc gia, của kẻ lớn có quyền hành đối với suy nghĩ và tiếng nói khác biệt của nhân dân. Để thông qua đó là hành động thể hiện thái độ cầu thị , lắng nghe để rút kinh nghiệm hay nói một cách khác là cho kẻ dưới một cơ hội để bày tỏ suy nghĩ của cá nhân mình.
Giá như họ hiểu như vậy làm được điều này thì thật là phước cho dân tộc tôi quá.
Một chiếc bàn, vài ba chiếc ghế, vài chai bia và thời gian rảnh rỗi một buổi chiều ngày nghỉ cuối tuần của vài ba con người khó gì đâu? Địa điểm thì không nhất thiết là phủ Chủ tịch hay dinh Thủ tướng, mà ở bất kỳ đâu, chỗ nào cũng được.
Nhà hẹp không ngại chỉ ngại hẹp lòng mà thôi.
Cái khó nhất là sự hiểu biết, tấm lòng rộng mở, nhân từ và ý thức tôn trọng quần chúng của người lãnh đạo quốc gia nếu họ có lòng yêu nước thương dân thực sự. Nếu chính quyền của họ đúng như họ vẫn tuyên truyền là một nhà nước "của dân , do dân, vì dân" sao việc làm đơn giản như vậy họ không làm?
Nếu họ là người lãnh đạo đại diện cho nguyện vọng của nhân dân thông qua lá phiếu bầu trong các cuộc bầu cử công bằng trung thực như Obama, chứ không phải là nghiễm nhiên thông qua các cuộc bầu cử giả hiệu theo kiểu "đảng cử dân bầu phiếu không cần kiểm" thì chắc chắn họ sẽ phải hiểu điều này và biết phải hành động như thế nào cho hợp lòng dân. Các nhà lãnh đạo quốc gia đừng nên sợ rằng việc đối thoại với người bỏ phiếu bầu mình lên là điều xấu hổ hay tự hạ thấp mình, đừng nghĩ rằng những người lên tiếng góp ý đóng góp với nhà nước như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung là họ chống đối hay đòi hỏi chia quyền lực của mình đang có. Xin khẳng định rằng những việc làm mang tính phản biện xã hội của họ chỉ xuất phát từ trách nhiệm của cá nhân đối với vận mệnh đất nước và dân tộc. Không ai có thể giành được chính quyền từ tay các vị bằng các ý kiến đóng góp thông qua các bài viết mang tính ôn hòa, bất bạo động như vậy.
Nếu người lãnh đạo chính quyền Việt nam có sự hiểu biết, sự tôn trọng quần chúng nhân dân và làm được như thế, tin chắc chắn rằng cho dù đất nước có gặp khó khăn đến mấy, nhưng họ sẽ tạo được sự đoàn kết nhất trí một lòng của toàn dân tộc, nhờ đó dân tộc Việt nam chúng ta sẽ bay cao và xa hơn rất nhiều.
Đấy là cái lớn nhất , là cái quý nhất, là bức tường thành bảo vệ cho cả dân tộc trong đó có cả cá nhân họ và đảng của họ sẽ được trường tồn cùng dân tộc. Cái đó sức mạnh vô địch đó không thể đổi bằng tiền bạc hay dùng bạo lực để có như họ tưởng.
Câu chuyện “Beer Summit” tưởng chừng rất nhỏ của nước Mỹ lại là một điều không nhỏ chút nào đối với chúng ta, nhất là những người đang ở cương vị lãnh đạo quốc gia hôm nay, giá mà chúng ta biết ngồi xuống, bắt tay và cho nhau “một cơ hội lắng nghe”, có lẽ mọi chuyện sẽ khác đi nhiều lắm.
Chuyện phức tạp sẽ hóa đơn giản, việc dữ sẽ hóa việc lành, đừng quên rằng "Khó trăm lần không dân cũng chịu-Khó vạn lần dân liệu cũng xong" và "Quan nhất thời-Dân vạn đại". Biết bao bài học của bao nhiêu triều đại trong lịch sử dân tộc đã cho chúng ta nhiều bài học về tính quan trọng và khả năng quyết định lịch sử của quần chúng nhân dân vẫn còn đó.
Một câu chuyện nhỏ của mấy người đàn ông ngồi uống bia, nhưng ý nghĩa không nhỏ chút nào với những người lãnh đạo đất nước nếu tâm của họ thực sự mong muốn là " do dân, vì dân và của dân".
Chỉ cần hãy cho nhau “một cơ hội để lắng nghe” là quá đủ!
Hà nội, ngày 08/8/2009
-------------------
(1)http://www.calitoday.com/news/view_article.html?article_id=844c5de8b31a373ed80570c31b1557ec
(2)http://danchimviet.com/articles/1326/1/Nhng-chuyn-khong-au-vao-au/Page1.html
สมัครสมาชิก:
ส่งความคิดเห็น (Atom)
ไม่มีความคิดเห็น:
แสดงความคิดเห็น