วันอังคารที่ 4 สิงหาคม พ.ศ. 2552

No399: Tu viện Bát Nhã: cuộc tranh chấp trở nên bạo động


Cuộc tranh chấp giữa nhà nước Việt Nam và Thiền sư trở nên bạo động


Hà Nội - Mối quan hệ đôi khi khó chịu giữa nhà nước cộng sản Việt Nam và sự tự do tôn giáo lại đang được thử thách qua chuyện tranh chấp một tu viện đang được đệ tử của thiền sư Thích Nhất Hạnh dùng nơi tu tập, ông là một trong những Thiền sư nổi tiếng nhất trên thế giới.

Trong bốn năm vừa qua, các tu sĩ và ni sư Phật giáo ở tu viện Bát Nhã nằm ở miền trung Việt Nam đã và đang tu thiền một cách êm đềm và tu học dưới sự giảng dạy của một nhà hiền nhân 82 tuổi người Việt, có lẽ là vị tu sĩ Phật giáo đang còn sống được thế giới biết đến nhiều nhất chỉ sau ông Dalai Lama của Tây Tạng (Tibet).

Nhưng gần đây, đang xảy ra một cuộc giằng co có thể thử thách lòng kiên nhẫn ngay cả người giác ngộ nhất.

Trước hết, nhà cầm quyền địa phương cắt điện, nước và đường dây điện thoại.

Kế tiếp, một đám đông côn đồ bất ngờ tấn công tu viện với búa tạ, đập vỡ cửa sổ, phá tòa nhà và hăm dọa những người đang ngụ ở đây.

Nhà cầm quyền cộng sản đã ra lệnh cho 379 tu sĩ Việt Nam rời tu viện Bát Nhã nằm ở vùng Cao nguyên Trung phần. Họ nói rằng chuyện giằng co này xuất phát từ sự bất đồng giữa hai hệ phái Phật giáo ở tu viện.

Nhưng tín đồ của thiền sư Thích Nhất Hạnh tin rằng họ đang bị trừng phạt vì lời ca ngợi của thiền sư Nhất Hạnh dành cho Dalai Lama và cũng như lời kêu gọi cho một sự tự do tôn giáo thông thoáng, cởi mở hơn ở Việt Nam của ông ta.

Chuyện giằng co nay trái ngược hoàn toàn với những gì xảy ra bốn năm trước đây, khi thiền sư Nhất Hạnh từ Pháp trở về quê hương của ông sau 39 năm sống lưu vong, và qua suốt thời gian đó ông đã phát triển một học thuyết gọi là “Phật giáo dấn thân” và đã bán hơn một triệu cuốn sách ở phương Tây.

Năm 1966, ông đã bị trục xuất khỏi miền Nam Việt Nam dạo đó đang được Hoa Kỳ ủng hộ vì chỉ trích cuộc Chiến tranh Việt Nam. Sự trở về của ông năm 2005 là một sự kiện được báo chí nhà nước cộng sản Việt Nam cho đi trên trang đầu, và ông cũng đã gặp ông Thủ tướng Việt Nam.



Vị viện trưởng tu viện Bát Nhã, vốn thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam của nhà nước dựng lên, đã mời đệ tử của thiền sư Nhất Hnạh hướng dẫn sự tu tập cho tu sĩ theo trường phái Phật giáo của mình ở ngay tu viện Bát Nhã này.

Nhiều người cho rằng đây là bằng chứng cho thấy nhà nước cộng sản nới lỏng những hạn chế về tự do tôn giáo. Những người ủng hộ ông Nhất Hạnh đã bỏ ra 1 triệu đô-la để mua đất xây một tòa nhà và một phòng tu thiền có thể chứa 1.800 người.

Thế nhưng sự hòa thuận bắt đầu rối rắm năm rồi, đệ tử của ông Nhất Hạnh nói. Viên chức Trung Quốc không hài lòng về những điều ông Nhất Hạnh công khai phát biểu trong chuyện ủng hộ ông Dalai Lama và đã áp lực Việt Nam cấm không cho ông thiền sư đọc diễn văn trong buổi đại hội Phật giáo Quốc tế tổ chức ở Hà Nội, họ nói.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Ý Đại Lợi (Italian TV), ông Nhất Hạnh đã nói là Việt Nam nên cho phép ông Dalai Lama tham dự buổi đại hội Phật giáo ở Hà Nội và Trung Quốc cũng nên cho phép Dalai Lama trở về Tây Tạng để gặp những tín đồ của ông ta ở đó, như chính ông Nhất Hạnh đã được phép trở về Việt Nam.

“Tôi chắc chắn thầy Nhất Hạnh biết là nói thẳng ra sẽ đem lại cho thầy nhiều vấn đề,” chị Đặng Nghiêm, người đã trải qua sáu tháng tu thiền ở tu viện Bát Nhã và cũng là một phụ tá thân cận với thiền sư Nhất Hạnh nói.

Và qủa thế, những khó khăn bắt đầu đến.

Ngày 29 tháng Mười năm 2008, chủ tịch Ủy ban Tôn giáo Nhà nước Việt Nam đã viết một lá thư kết tội Làng Mai, là thiền viện của ông Nhất Hạnh ở miền nam nước Pháp, đã đưa thông tin sai lạc về Việt Nam trên trang nhà của Làng Mai.

Không đề cập đến chi tiết sai lạc như thế nào, chỉ biết lá thư nói rằng tin tức trên trang nhà Làng Mai đã bóp mép, làm sai lạc chính sách của nhà nước Việt Nam về tôn giáo và phá hoại sự đoàn kết dân tộc.

Lá thư cũng nói là tín đồ của ông Nhất Hạnh nên rời tu viện Bát Nhã và nhấn mạnh rằng viện trưởng Đức Nghi, là chủ nhân nguyên thủy của tu viện này, muốn họ ra đi.

Đã không thể liên lạc được với ông Đức Nghi, và các thành viên trong ban trị sự từ chối cho ý kiến, nói rằng họ cần thêm nhiều ngày để thu xếp cho một cuộc phỏng vấn.

Chị Đặng Nghiêm nói tín đồ Làng Mai lấy làm ngạc nhiên khi viện trưởng Đức Nghi nói họ phải rời tu viện vì chính ông Đức Nghi đã viếng thăm thiền viện này ở Pháp hai hay ba lần trước đó và có vẻ như kính trọng ông Nhất Hạnh.

Các khóa sinh đang tu tập ở tu viện Bát Nhã. Nguồn: langmai.org
Chị đặt gỉa thuyết là viện trưởng Đức Nghi ắt hẳn phải chịu áp lực từ phía trên để yêu cầu những thiền sinh Làng Mai rời tu viện. Còn không, chị nói, bất cứ căng thẳng nào giữa hai bên cũng có thể giải quyết được.

Tuy nhiên, theo những người ủng hộ ông Nhất Hạnh, một số tín đồ của ông Đức Nghi và những cư dân địa phương khác đã thỉnh thoảng làm khó dễ họ trong năm qua.

Hôm 27 tháng Sáu điện cúp. Rồi cả tu viện bị đột kích bất ngờ, và hai ngày sau đó một đám đông ném đá và phân gia súc vào một phái đoàn địa phương của giáo hội Phật giáo nhà nước đến để điều tra sự vụ, thành viên của nhóm cho hay.

Nhà cầm quyền địa phương nói chính ông viện trưởng đã yêu cầu cắt điện, và đã được nối lại hai tuần trước.

Nhưng Pháp Hội, một tu sĩ ở tu viện Bát Nhã, trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại tuần này cho hay là điện vẫn bị cúp.

Những sự thù oán này có lẽ lùi lại ngay cả trước khi có chuyện ông Dalai Lama năm ngoái. Một viên chức công an địa phương, nói với điều kiện được ẩn danh, đã kết tội ông Nhất Hạnh vi phạm luật pháp Việt Nam vì qua buổi gặp mặt với Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, ông Nhất Hạnh đã gợi ý ông chủ tịch nước bỏ đi sự kiểm soát tôn giáo của nhà nước.

“Thầy Nhất Hạnh nên tập chú vào Phật giáo và đừng liên hệ gì với chính trị,” ông sĩ quan công an nói, ông cũng nói thêm là các tu sĩ ở tu viện Bát Nhã vẫn có thời gian cho đến tháng Chín để dời đi chỗ khác.

Tín đồ của ông Nhất Hạnh nói rằng họ sẽ không ra đi.

“Chúng tôi chỉ muốn thực tập thiền và làm điều tốt đẹp,” chị Đặng nói. “Chúng tôi muốn sống cùng nhau trong hòa thuận.”

Thiền sư Nhất Hạnh phủ nhận chuyện ông gây nên sự rắc rối này. Trong lá thư gởi cho tín đồ Bát Nhã của mình hôm 20 tháng Bảy, ông ca ngợi họ đã giữ được hòa nhã và nói rằng bất cứ quan điểm nào cho rằng họ che dấu trong mình những ý đồ chính trị là một “ảo tưởng.”

“Nếu em điều phục được cơn giận trong em,” thiền sư Nhất Hạnh viết, “em có thể làm phát khởi được cái hiểu và cái thương.” (2)


-------------------------


Nguồn:

(1) Vietnam's dispute with Zen master turns violent. Ben Stocking, The Associated Press, 2 Aug 2009
(2) Nguyên văn: “Nếu em điều phục được cơn giận trong em, nếu em làm phát khởi được cái hiểu và cái thương, em sẽ trở thành tươi mát và trong tương lai em có thể giúp cho nhóm người ấy thấy được rằng những thông tin mà người ta đem tới cho họ là những thông tin sai lạc và họ sẽ không còn hành xử như họ đang hành xử. Bụt đã làm như thế, thầy đã làm như thế và bây giờ em cũng phải làm như thế. Ngồi xuống, ngồi xuống ngay đây và thực tập đi em.”

ไม่มีความคิดเห็น: