วันพุธที่ 12 สิงหาคม พ.ศ. 2552
No422: Giáo hội Công giáo Việt Nam và cuộc cách mạng trên đất Việt
Rõ ràng xã hội Việt Nam đang bắt đầu tiến vào một quỹ đạo mới không thể cưỡng lại được của lịch sử phát triển loài người. Những dấu hiệu chuyển mình của xã hội đã chứng tỏ rõ ràng rằng, những kẻ chống cưỡng lại con thuyền Việt Nam trôi vào dòng chảy thăng tiến nhân vị đã bắt đầu nhận ra sự bất lực của họ.
Các nhà chính trị gọi đó là dòng chảy dân chủ, tuy nhiên dòng chảy lịch sự này nên được hiểu rộng hơn là dòng chảy thăng tiến nhân vị. Bởi vì chủ thể của lịch sử chính là con người, và con người làm nên lịch sử qua những hành trình khắc khoải đi tìm kiếm bản ngã chính mình. Xét cho cùng dân chủ cũng chỉ là một phương tiện để đạt tới mục đích tối hậu là thăng tiến nhân vị – rằng mỗi nhân vị đều đáng quý, đều bình đẳng, và đều được tôn trọng.
Bối cảnh chính trị xã hội Việt Nam là một thách đố nhưng cũng là cơ hội để mỗi người tín hữu Việt Nam làm hiện rõ hơn khuôn mặt của Đức Ki-tô – Đấng giải phóng con người một cách toàn diện.
Bạo lực hay không bạo lực? Chính trị hay không chính trị? Cách mạng hay không cách mạng? Đây chính là những câu hỏi mà rất nhiều người Việt Nam nêu lên cho giáo hội nhất là qua những diễn biến nóng bỏng gần đây trong xã hội đang thu hút khối đông đảo người Việt Nam quan tâm. Bên cạnh đó nhiều người tỏ ra nóng lòng trông chờ vào một lãnh tụ xuất chúng “ló” ra dẫn dắt một cuộc cách mạng mới đưa dân tộc tới nền dân chủ.
Cũng bởi sự “sốt ruột” đó mà rất nhiều người đã trách lầm Giáo Hội Công Giáo Việt Nam không dám làm cách mạng.
Câu trả lời là sự thực Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đang làm cách mạng. Tuy nhiên cuộc cách mạng này phổ quát tới nỗi mà các ý niệm cách mạng khác chỉ là hình bóng phản ánh cuộc cách mạng này mà thôi. Đó là cuộc cách mạng giải phóng con người khỏi tội lỗi.
Chính vì tính chất thiêng thánh của cuộc cách mạng này mà Giáo Hội Công Giáo Việt Nam không dùng bạo lực nhưng dùng bác ái; Chính vì tính chất phổ quát của cuộc cách mạng này mà giáo hội không làm chính trị nhưng là phúc âm hóa chính trị; Chính vì tính chất khốc liệt của cuộc cách mạng này mà giáo hội không thể chấp nhận im lặng nhưng lên án bất công và tội lỗi trong xã hội.
Nếu nhìn bằng nhãn quang đó thì Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đang làm một cuộc cách mạng triệt để nhất, sản sinh ra không chỉ một lãnh tụ vĩ đại, nhưng là đào luyện mỗi người trở thành một lãnh tụ vĩ đại, họ chiến đấu trên mặt trận rộng lớn nhất giữa sự thiện và sự dữ, giữa thánh thiện và tội lỗi. Giáo Hội Công Giáo hiểu rằng một người công giáo thánh thiện là một người có trách nhiệm nhất đối với xã hội, một người giải phóng xã hội.
Bối cảnh này hướng dẫn Giáo Hội trở thành một tiếng kêu trong xa mạc của một nhà Tẩy Rửa mới.
Viễn tượng truyền giáo ở Việt Nam những năm tới không gì khác là đẩy mạnh các hoạt động bác ái xã hội, mở nhà thương, thành lập các trại phúc lợi xã hội như trại mồ côi, trại cai nghiện…
Những năm tới sẽ là những năm Giáo Hội dấn thân hơn nữa vào trong lĩnh vực giáo dục. Giáo Hội có thể mở các cuộc phản biện công khai và rộng lớn để trực tiếp đòi quyền giáo dục cho thế hệ trẻ như là một tổ chức dân sự hợp lệ. Quyền giáo dục của Giáo Hội đồng nghĩa với quyền làm điều tốt không thể bị xâm phạm bởi bất cứ nhà nước hay thể chế nào.
Các giáo dân, trí thức trẻ được mời gọi dấn thân hơn nữa vào các lãnh vực của xã hội nhất là giáo dục, các hoạt động thăng tiến cộng đồng, các hoạt động chính trị, và từ đó phúc âm hóa chính trị, phúc âm hóa xã hội.
Song hành với những hành trình rong ruổi mục vụ truyền giáo là những lời cầu nguyện và đời sống đạo sâu sắc. Các phong trào cầu nguyện, đặc biệt là với lời kinh mân côi được nhân rộng khắp nơi, áp dụng theo mô hình “Cuộc cách mạng kinh mân côi” diễn ra năm 1986 tại Philipin đã phá đổ độc tài và mang lại nền dân chủ cho đất nước này mà không đổ một giọt máu.
Giáo hội sẽ tiếp tục là tiếng nói bảo vệ người nghèo, khảng khái lên án những bất công trong xã hội và cả những bất công mang tầm vóc khu vực Đông Nam Á, như vấn đề khai thác Bauxite, tranh chấp Biển Đông, sự khai thác hủy diệt hệ sinh thái dòng Mê-kong.
Giáo Hội Công Giáo cũng cần đón nhận một cách rộng mở một cuộc chạy đua và cạnh tranh tích cực giữa các tôn giáo khác trong nhiệm vụ quảng bá công bằng và từ bi – bác ái trong xã hội.
Viễn tượng này đòi hỏi Giáo Hội Công Giáo Việt Nam ra khơi chỗ nước sâu cùng với Đức Ki-tô để thả lưới.
Ðức Long
สมัครสมาชิก:
ส่งความคิดเห็น (Atom)
ไม่มีความคิดเห็น:
แสดงความคิดเห็น