วันอาทิตย์ที่ 2 สิงหาคม พ.ศ. 2552

No392:Chính sách ngoại giao “Mèo trắng, mèo đen” của TQ

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM


Tài liệu tham khảo đặc biệt *

Thứ Hai, ngày 20-7-2009

Bình luận về chính sách ngoại giao của Trung Quốc đối với các nước láng giềng đồng minh, mạng Foreignpolicy.com đăng bài viết của Wen Liao cho rằng ngày nay, hình như câu nói nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình “mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột” đang được Trung Quốc áp dụng với các nước láng giềng theo cách “dù là dân chủ hay chuyên chế miễn là nước đó bảo vệ lợi ích của Trung Quốc”.


Giả thuyết đơn giản này giúp giải thích tại sao sau nhiều năm làm việc với chính quyền quân sự Myanma, Trung Quốc giờ đây có thể tìm cách thay đổi chiến thuật. Điều này không có nghĩa là Trung Quốc lo ngại một chính phủ như vậy là đáng nghi ngờ về mặt tinh thần mà vì họ lo ngại các nhà lãnh đạo Myanma không đủ năng lực điều hành và tình trạng bất ổn định ở nước này có thể dẫn đến những hậu quả không hay cho vận may của chính họ. Từ phía bên kia hàng rào của các nước láng giềng, Trung Quốc trông giống như một bá chủ đang nổi lên, muốn tỏ rõ sức mạnh của mình. Sự can thiệp có tính quyết định của họ trong việc ủng hộ chính phủ trong cuộc nội chiến vừa kết thúc tại Srilanka – một nước bên ngoài vùng ảnh hưởng truyền thống của Trung Quốc – dường như chứng tỏ điều này.

Tuy nhiên, nhìn từ Bắc Kinh, chính các đồng minh của Trung Quốc thỉnh thoảng lại như những con ngựa bất kham. Đặc biệt là hai nước được coi là phụ thuộc Trung Quốc (Bắc Triều Tiên và Myanma) đã làm cho Trung Quốc có cảm giác ngoài tầm kiểm soát, lo ngại rằng bất kỳ một sự mất ổn định nào ở bên ngoài cũng có thể làm đổ vỡ sự ổn định về chính trị mong manh bên trong của Trung Quốc. Như phản ứng nhanh chóng của Trung Quốc trước tình trạng mất ổn định ở Tân Cương cho thấy rõ rằng không gì có thể làm cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc bị hoảng hốt hơn khả năng xảy ra các bất đồng khu vực và biên giới kích động sự bất ổn định ở bên trong. Với khoảng 200 người thiệt mạng trong các cuộc bạo động gần đây ở Tân Cương, hơn bao giờ hết Trung Quốc nhận thấy các nước láng giềng không ổn định và nguy cơ của dòng người tị nạn nguy hiểm. Vì thế, toan tính đằng sau chiến lược an ninh khu vực của Trung Quốc là rất rõ ràng: Nếu hòa bình và thịnh vượng của các nước láng giềng của Trung Quốc không được bảo đảm, thì hòa bình, thịnh vượng và sự đoàn kết trong nội bộ Trung Quốc cũng bị lâm nguy. Mệnh lệnh chiến lược này nổi lên sau thắng lợi tương đối của Trung Quốc trong việc tránh được cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và 1998. Kinh nghiệm này đã giành được sự tôn trọng trong khu vực và Trung Quốc bắt đầu tăng cường các mối quan hệ với khu vực Đông và Đông Nam châu Á, đặc biệt là các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trung Quốc đồng ý giải quyết những bất đồng về lãnh thổ với các nước ASEAN thông qua cơ chế hòa giải tập thể. Nước này cũng đã ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác của ASEAN, cam kết không bao giờ sử dụng vũ lực chống lại các nước thành viên ASEAN. Đó là cơ cấu rất phù hợp với Trung Quốc từ trước tới nay, trừ hai ngoại lệ Bắc Triều Tiên và Myanma.

Trong trường hợp đầu, sự tồn tại của chế độ Bắc Triều Tiên là mục tiêu hàng đầu trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Bắc Kinh lo ngại làn sóng tị nạn không tránh khỏi sẽ tràn qua biên giới đổ vào nước họ sau sự sụp đổ của nước này. Hơn nữa, một bán đảo Triều Tiên bị chia rẽ phù hợp với mục đích của Trung Quốc, vì một bán đảo Triều Tiên thống nhất có thể trở thành một “thách thức lớn” khác của khu vực, ngang tầm với Nhật Bản. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc tham gia tiến trình đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên do họ lo ngại các biện pháp trừng phạt của phương Tây có thể phá huỷ nền kinh tế dễ đổ vỡ của Bắc Triều Tiên. Giống như một ngân hàng quá lớn không thể để phá sản, Bắc Triều Tiên tạo ra một mối đe doạ kinh hoàng cho Trung Quốc nếu Bắc Kinh gây sức ép quá mạnh đối với nhà lãnh đạo Kim Chính Nhật. Vì thế, ảnh hưởng của Trung Quốc dường như không có hiệu quả lắm.

Bực bội khi cảm thấy bị ràng buộc với Bắc Triều Tiên, Trung Quốc muốn ngăn chặn một nước khác là Myanma, và không để cho nước này có được một động lực như vậy. Mặc dù Myanma nằm trong cái gọi là chính sách “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc, với nỗ lực nhằm xây dựng các căn cứ hải quân và tình báo xung quanh Ấn Độ Dương, song lợi ích của nước này đang bị đe doạ. Những tuần gần đây, Trung Quốc đang lén lút thăm dò xem liệu nhà lãnh đạo đối lập đang bị cầm tù Aung San Suu Kyi có khả năng lãnh đạo Myanma như một người đáng tin cậy và dễ uốn nắn hơn chính quyền quân sự hiện nay hay không.

Tình hình hiện nay cho thấy biên giới không có luật pháp của Myanma cho phép tất cả các tệ nạn độc hại – không chỉ sự nổi dậy mà còn ma tuý và AIDS – xâm nhập vào Trung Quốc. Buôn bán thuốc phiện và ma túy tràn vào Trung Quốc, một phần do các tướng lĩnh cầm quyền Myanma thúc đẩy, phần khác được tiến hành bởi quan nổi loạn mà chính quyền quân sự không chế ngự được trong cuộc chiến kéo dài mấy thập kỷ nay, đẩy nạn nghiện ngập ma túy vào các thành phố miền Nam của Trung Quốc, nơi các dân tộc thiểu số đang sống thành từng nhóm.

Rõ ràng, Myanma là một đối tác không đáng tin cậy của Trung Quốc. Cho tới nay, chính quyền quân sự đang dần suy sụp đã tồn tại trong sự rạn nứt của hệ thống quốc tế, nhất là những nhóm quyền lực được hình thành trong sự nghi kỵ lẫn nhau của các nước láng giềng khổng lồ, Trung Quốc và Ấn Độ, và nền văn hóa bị trói buộc ASEAN. Thực ra, Trung Quốc từng lặng lẽ giang tay cứu giúp phe đối lập Myanma. Năm ngoái, trong các cuộc biểu tình phản đối do các nhà sư tiến hành ở Myanma, Trung Quốc đã nhắc lại lời kêu gọi kiềm chế và ủng hộ việc đặc phái viên đặc biệt của Liên hiệp quốc đến nước này. Hai tháng trước, Trung Quốc đã ký một kiến nghị chung EU-ASEAN kêu gọi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi. Giờ đây, Trung Quốc lại đứng sau nỗ lực của Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon đòi chấm dứt việc giam giữ tại gia Aung San Suu Kyi. Trung Quốc dường như muốn thăm dò liệu có thể có sự lựa chọn nào đó hay không.

Bài báo kết luận: Mỹ và Anh ủng hộ một cách chiến thuật Nam Phi với tình trạng phân biệt chủng tộc vì họ lo ngại tình trạng hỗn loạn sẽ nổ ra nếu quyền lực được trao cho đa số người da đen ở nước này. Tuy nhiên, khi nhà hoạt động chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Nelson Mandela nổi lên từ nhà tù, ông đã định hình một chế độ đề ra sự bảo vệ lâu dài tốt hơn cho các quyền lợi của Mỹ và Anh so với chế độ Aparthei trước đây. Đối với Trung Quốc, Aung San Suu Kyi có thể tạo ra một chế độ an toàn tương tự thay cho chế độ quân sự đang suy yếu. Ít nhất, như Đặng Tiểu Bình nói, Aung San Suu Kyi có thể là “con mèo có giá” ở sân sau của Trung Quốc.

* Nguồn: China’s Black Cat, White Cat Diplomacy.

Đăng trong Quan hệ Quốc tế, Trung Quốc | Tagged: ASEAN, Ấn Độ, Bắc Triều Tiên, Myanma | Leave a Comment »

ไม่มีความคิดเห็น: