วันศุกร์ที่ 14 สิงหาคม พ.ศ. 2552

No433: Bỏ lỡ cơ hội hay tránh được rắc rối?

Hồ Bất Khuất
11.08.2009

Vào khoảng cuối tháng 8 – 2004, sau khi ngồi quán bia hơi với bạn bè, tôi và anh Ngô Sỹ Hoài về văn phòng của Viện nghiên cứu Giáo dục quốc tế (ở phố Kim Mã) uống nước. Vừa cầm chén nước lên thì thấy một người đàn ông lịch lãm đi một chiếc xe máy màu trắng sang trọng đến. Người đó bước vào và hỏi:

- Có anh Hồ Bất Khuất ở đây không?

Tôi đứng lên nói:

- Tôi là Hồ Bất Khuất đây. Anh là ai? Có chuyện gì đấy?

Người đàn ông xưng tên là Căn, cán bộ của Ban Tổ chức Trung ương. Anh cũng chìa thẻ có ảnh và tên của anh. Sau đó anh mới nhẹ nhàng nói:

- Tôi xuống đây vì công việc, cụ thể là vì bài báo này.

Người đàn ông đưa ra tờ báo Tuổi Trẻ số ra ngày Thứ 4, 04/08/2004 và nói:

- Trong này có một bài viết của anh. Tôi muốn hỏi anh đôi điều về bài báo này.

- Đúng là tôi có bài “Người sử dụng nhân tài phải có bản lĩnh” đăng ở đây (tôi xin đưa lại bài báo vào đây). Anh hỏi gì, tôi sẵn sàng trả lời.

- Trước hết anh giới thiệu đôi điều về bản thân mình!

- Họ và tên của tôi là Hồ Bất Khuất, như anh đã biết. Sau khi tốt nghiệp Đại học ở Nga về, tôi làm việc hơn 10 năm ở Tạp chí Cộng sản. Sau đó tôi lại đi học ở Nga, về làm ở Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tạp chí Đại học và giáo dục chuyên nghiệp. Sau đó lại sang Nga làm cộng tác viên khoa học. Nay là Viện trưởng Viện nghiên cứu Giáo dục quốc tế và viết báo.

- Anh có dám chắc tất cả những gì anh viết trong này là sự thật không?

- Tôi dám chắc như vậy. Thậm chí còn có thể nói thêm là báo Tuổi Trẻ đã biên tập, cắt bớt đi nên trong bài báo thiếu thông tin cụ thể. Bây giờ tôi có thể trả lời anh cụ thể hơn.

- Ví dụ, những chi tiết nào vậy?

- Trong bản thảo của mình, tôi viết: “Vậy mà một tháng sau anh nhận được lời từ chối với lý do: “Hình như trước đây có lần cậu tranh luận với anh Nguyễn Phú Trọng, một học sinh cũ của trường, nay là một cán bộ cao cấp?...”. Tôi viết rõ tên anh Trọng vì tôi đã từng làm việc 10 năm ở Tạp chí Cộng sản, quan hệ với anh Trọng bình thường. Cho đến bây giờ vẫn thế. Chắc là báo Tuổi Trẻ cẩn thận nên bỏ tên anh Nguyễn Phú Trọng đi.

- Anh đã viết như vậy thật à?

- Tôi đã viết như vậy. Hơn nữa, trước đó tôi còn gửi thư cho anh Đào Trọng Thi là Giám đốc Đại học Hà Nội, nói rõ vị giáo sư ấy là ai, chủ nhiệm khoa nào ở Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học quốc gia Hà Nội. Tôi không chỉ viết báo mà còn tham gia đào tạo nhà báo, vì vậy tôi bảo đảm và chịu trách nhiệm về những gì mình viết ra. Nếu anh cần biết tên vị giáo sư đó, tôi cũng có thể nói ngay bây giờ.

- Chưa cần đâu.

Nói rồi người đàn ông đó chìa cho chúng tôi (tôi, anh Ngô Sỹ Hoài và vài nhân viên của VNCGDQT) xem hai bức thư được viết tay khá nắn nót. Tôi đọc nhanh và nhớ nội dung đại ý như sau (có thể tôi nhớ không chính xác hoàn toàn).
Bức thư thứ nhất: “Kính gửi Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Vừa rồi tôi đọc trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 04/08/2004 có bài viết của TS Hồ Bất Khuất. Bài viết này khiến tôi quan tâm. Tôi không biết Hồ Bất Khuất là ai, những điều được viết trong bài báo có chính xác hay không? Mong anh cho điều tra và thông báo để tôi được biết! Kính thư – Sáu Dân”.

Bức thư thư hai: “Gửi anh Trần Đình Hoan! Anh Sáu Dân có viết thư cho tôi và đề nghị tôi kiểm tra lại thông tin cũng như tác giả bài báo “Người sử dụng nhân tài phải có bản lĩnh” đăng trên báo Tuổi Trẻ. Mong anh cho người kiểm tra và báo cáo lại. Nông Đức Mạnh”.
Tôi ngạc nhiên một cách thú vị khi khi thấy tác giả của hai bức thư ngắn ngủi kia là những nhân vật vô cùng quan trọng! Tôi tự hỏi: “Không hiểu vì lý do gì mà những con người bận rộn bao việc lớn lao lại quan tâm tới bài báo của tôi?”. Anh Ngô Sỹ Hoài cho biết: “Ông Võ Văn Kiệt vẫn có thói quen đọc báo hàng ngày và có phản ứng tức thì nếu thấy cần thiết. Có lẽ ông ấy quan tâm tới những vấn đề anh đề cập đến bài báo”.

Người đàn ông tên Căn cũng xác nhận như vậy và hẹn mấy ngày nữa sẽ gọi tôi lên Văn phòng Tổng bí thư để gặp gỡ, trao đổi thêm. Tôi nhất trí, nhưng nói thêm:

- Nếu vậy các anh thu xếp nhanh nhanh lên vì sắp tới tôi đi công tác xa.

Chúng tôi trao đổi điện thoại cho nhau và hẹn gặp lại. Người đàn ông đó đi rồi, trong đầu tôi mới xuất hiện cái tên “Phan Thanh Nam ”. Tối 30/12/1990 tôi sang ký túc xá Viện Hàn lâm Khoa học Nga nằm trên phố Ulianovsk chơi (người Việt vẫn gọi đây là “đôm 5”) với anh Lê Tây (lúc đấy là chồng nữ nhà văn Trần Thùy Mai). Năm hết, Tết đến nên mọi người mang rượu ra uống, chủ yếu là vodka Ba Lan. Không hiểu thế nào mà tôi “quật đổ” tất cả các bạn rượu trong phòng. Một người nói với tôi: “Đừng có mừng vội! Tôi đi gọi một cao thủ về đấu với anh ngay bây giờ, anh không thắng được nhân vật này đâu!”

Tôi đấu rượu với một thanh niên khá là to khoẻ, uống rất bốc. Nhưng cũng chỉ được khoảng 30 phút sau, anh ta giơ tay lên nói: “Tôi xin hàng! Xin được tôn anh làm đại ca!”. Nói xong, người thanh niên đó gục xuống, nghỉ ngơi. Một người hỏi tôi: “Anh có biết anh vừa thắng rượu ai đó không?”. “Một người uống rất sòng phẳng, nhưng thua tôi. Còn cụ thể là ai, tôi không biết.” “Phân Thanh Nam, con Thủ tướng Võ Văn Kiệt đấy!” “Bố họ Võ, con họ Phan, thế là con nuôi à?” “Không phải con nuôi đâu, con đẻ đấy!”.

Nghe chúng tôi nói chuyện, người thanh niên tưởng như đã ngủ kia, mở mắt, ngẩng lên nói: “Họ gốc của ông già tôi là họ Phan, dòng dõi Phan Thanh Giản đấy. Còn họ Võ chỉ là họ bí danh, dùng khi đi hoạt động cách mạng. Anh đã thắng rượu tôi, dù tôi là ai, anh là ai thì tôi cũng tôn anh là đại ca.”

Sau đấy một thời gian, Phan Thanh Nam hoàn thành khoá học về nước. Những người ở đôm 5 bảo là anh ấy về để nhận chức Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đấy vài năm, tôi cũng về Việt Nam . Thông tin mà tôi có được là anh Phan Thanh Nam không trở thành Phó Chủ tịch UBND TP HCM, mà trở thành một doanh nhân khá thành đạt, định bụng khi nào rỗi rãi, tìm cách gặp anh, không phải để làm “đại ca”, mà là “đấu trận lượt về”. Bây giờ ba của anh ấy không làm thủ tướng nữa, vẫn quan tâm tới bài báo của mình, có lẽ đây là dịp để gặp gỡ…

Dẫu suy nghĩ như vậy, nhưng vì bận rộn và cũng còn một chút ngại ngần, tôi không liên lạc với anh Nam, chỉ gọi điện cho báo Tuổi Trẻ kể lại chuyện có người của Ban Tổ chức Trung ương đến gặp để trao đổi về bài báo. Sau đó anh Căn có gọi điện cho tôi hẹn ngày giờ lên Văn phòng Tổng bí thư, nhưng lúc đó đã gần đến giờ tôi ra sân bay để đi nước ngoài.

Sau gần một năm ở nước ngoài trở về, mọi việc êm ả. Tôi lại đi làm báo. Khi kể lại chuyện này cho bạn bè, người thân; có người cho rằng, tôi đã bỏ lỡ một cơ hội; có người lại bảo, tôi tránh được một rắc rối lớn. Tôi cũng không quan tâm nhiều tới những vấn đề này, chỉ hơi tiếc là một số bài báo tâm huyết và công phu của mình không được in công khai trên các báo.


Thứ Tư, 04/08/2004, 09:08 (GMT+7)

Người sử dụng nhân tài phải có bản lĩnh

TT - Tôi chưa dám gọi những người mà tôi từng quen biết là nhân tài, nhưng họ là những người có khả năng - khả năng đã được thừa nhận nhưng không được cơ quan nhà nước sử dụng.

Tôi có may mắn được quen biết khá nhiều người trong số này. Hành trình của họ sau khi được giải thưởng là ra nước ngoài học tập. Thông thường họ học một mạch cho đến khi có bằng tiến sĩ. Phạm Hữu Tiệp được giải nhì toán quốc tế, sang học ở Trường ĐH Tổng hợp Matxcơva mang tên Lomonosov và nhận được bằng tiến sĩ (sau khi đã có bằng phó tiến sĩ) khi anh mới 27 tuổi. Anh là người học giỏi và rèn luyện tốt (cả về thể lực); từ một cậu bé loắt choắt, còm nhom thành một người đàn ông cao trên 1,7m, một đảng viên… Tốt nghiệp xong, anh về nước ngay, nhưng ba tháng sau anh quay lại Matxcơva và buồn bã kể:

“Em về nước, hăm hở vác hồ sơ đi xin việc, đến một cơ quan khoa học thuộc chuyên ngành của mình tới ba lần, nhưng lần nào cũng chỉ gặp được ông bảo vệ…”.

Biết được hoàn cảnh của Tiệp, Trường Lomonosov gọi sang làm công tác khoa học. Sau đó anh sang Đức, rồi sang Mỹ làm việc. Những người được giải nhất như Lê Tự Quốc Thắng, Đàm Thanh Sơn… cũng có cuộc hành trình từ Nga sang Mỹ.

Theo tính toán sơ bộ của tôi, có quá nửa những người được giải toán quốc tế của ta hiện đang làm việc ở châu Âu và ở Mỹ. Mà họ không đi một mình đâu nhé, họ mang theo những người vợ VN, thường cũng là tiến sĩ. Như vợ của L.T.Q.T. là tiến sĩ luật; vợ của P.H.T. là tiến sĩ ngôn ngữ… Tôi chỉ thấy một người trở về nước được làm cái việc mình thích là dạy toán. Đó là anh Lê Bá Khánh Trình hiện công tác tại khoa toán của một trường đại học ở TP.HCM.

Người VN hay nói “người có tài thường có tật”. Theo tôi, chưa hẳn như vậy, nhưng người có tài thường tự tin, có lòng tự trọng và có bản lĩnh. Những người có tài đi xin việc thường đến thẳng cơ quan nộp hồ sơ và chờ đợi. Kết quả không mấy khả quan.

Một tiến sĩ được một trưởng khoa của Đại học Quốc gia Hà Nội ngỏ ý mời về giảng dạy. Sau vài lần gặp gỡ, anh đồng ý viết đơn ngay tại phòng làm việc của trưởng khoa. Vậy mà một tháng sau anh nhận đuợc lời từ chối với lý do: “Hình như trước đây đã có lần cậu tranh luận với một học sinh cũ của trường, nay là một cán bộ cao cấp”.

Anh không nói gì thêm và cũng không làm gì thêm. Anh cho rằng làm đến trưởng khoa mà chỉ mới nghe nói như thế đã vội từ chối thì rõ ràng không có bản lĩnh. Người như thế rất khó cộng tác. Biết chuyện, có người cho rằng có thể nguyên nhân đích thực là việc anh chẳng đến nhà trưởng khoa, chẳng quà cáp gì…

Theo tôi được biết, những người có khả năng đi xin việc thường không kèm theo quà cáp, phong bì. Không phải họ không có tiền hay tiếc tiền, mà đơn giản họ cho rằng làm như vậy thì lòng tự trọng ít nhiều bị tổn thương; hơn nữa họ sợ xúc phạm người được biếu.

Một trong những người có khả năng, đi xin việc không được, nói với tôi: “Thời bao cấp, nếu không được làm việc trong các cơ quan đoàn thể nhà nước hay cơ sở tập thể thì chỉ có việc về đẩy xe thồ hoặc đạp xích lô. Nay không thế, tôi có thể đi làm cho công ty liên doanh, công ty nước ngoài, hoặc tôi mở công ty riêng”. Thật vậy, anh đã thành lập công ty và làm ăn khá phát đạt.

Cũng không ít trường hợp những người có khả năng đã làm việc ở cơ quan nhà nước, nhưng vì không được trọng dụng, lại bị trù úm nên họ ra đi. Tôi có quen một người tốt nghiệp tiến sĩ ở Liên Xô, làm hơn mười năm ở một bộ. Ở đó ai cũng công nhận năng lực trí tuệ của anh, nhưng lại cho là anh “hâm”, anh lập dị, thậm chí người ta ghép từ “điên” vào sau tên anh.

Nguyên nhân hết sức đơn giản: anh thẳng thắn, trong sáng và yêu cầu rất cao trong công việc. Một lần anh tới dự một buổi bảo vệ luận án thạc sĩ. Người của ban tổ chức trao phong bì cho anh và nói: “Đây là tiền ăn trưa của anh”. Anh trả lại phong bì và nói: “Cảm ơn! Tôi không bao giờ ăn trưa ở cơ quan”.

Người của ban tổ chức cuống quít hỏi tôi: “Liệu anh ta có phật ý gì không?”. Nhưng không có gì xảy ra. Anh nhận xét tốt về buổi bảo vệ và vui vẻ ra về. Anh bị cô lập, không được trọng dụng và thu nhập rất thấp. Nhân đọc báo thấy một cơ quan của Liên Hiệp Quốc tuyển trợ lý trưởng đại diện, anh đã dự thi và trúng tuyển. Dù thu nhập ở chỗ làm mới cao hơn 15 lần nhưng anh vẫn luyến tiếc công việc của mình ở bộ đó.

Phát hiện, đào tạo được nhân tài là quan trọng, nhưng sử dụng được họ còn quan trọng hơn. Để sử dụng được họ thật ra cũng không khó, chỉ cần cán bộ tổ chức, thủ trưởng cơ quan đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng.

TS HỒ BẤT KHUẤT
Nguồn: Hồ Bất Khuất's Blog

ไม่มีความคิดเห็น: