วันอังคารที่ 18 สิงหาคม พ.ศ. 2552

No440: Một Số Chuyện Trong Chuyến Đi Bình Nhưỡng Của Ông Clinton

Nguyễn Khanh và Nam Phương
Theo Radio Chân Trời Mới

Trưa ngày 4 tháng 8 vừa qua, hầu như tất cả báo chí phát hành trên khắp thế giới đều sử dụng hai chữ "đột ngột" cho bản tin nhanh về chuyến viếng thăm Bình Nhưỡng của cựu Tổng thống Bill Clinton. Đối với mọi người thì đây đúng là một sự đột ngột, nhưng giữa Bình Nhưỡng và Washington chẳng có gì gọi là đột ngột cả vì nó đã được bàn thảo gần ba tuần trước ngày ông Clinton lên đường.

Theo một số tin tức vừa mới tiết lộ cho biết thì vào ngày 18 tháng 7 năm 2009, một trong hai nữ ký giả người Mỹ gốc Á châu bị bắt điện thoại từ một trại tù ở Bắc Hàn về cho gia đình ở California nói rằng nếu cựu Tổng thống Bill Clinton bay sang Bình Nhưỡng nói chuyện với ông Kim Chính Nhật thì Bắc Triều Tiên sẽ thả. Gia đình người nữ ký giả này đã trình bày câu chuyện này với những người hữu trách. Chính phủ Mỹ sau khi phân tích sự việc đã kết luận rằng đây là một thông điệp mà Bình Nhưỡng muốn gởi cho Washington, nhưng để chắc ăn Nhà Trắng (White House) đã tiếp xúc với Đại diện chính quyền Bình Nhưỡng ở Liên Hiệp Quốc để xác nhận có đúng như vậy hay không. Sau khi được trả lời là đúng như vậy, Nhà Trắng mới điện thoại cho cựu Tổng thống Bill Clinton để nhờ ông ta bay sang Bình Nhưỡng. Ngày 25 tháng 7, trên nguyên tắc ông Clinton đã nhận lời nhưng hỏi lại Nhà Trắng rằng có chắc là Bình Nhưỡng sẽ trả tự do cho hai nữ ký giả Mỹ hay không. White House lại liên lạc với Đại sứ Bắc Triều Tiên ở New York và biết được rằng đây là ý kiến lãnh tụ của họ. Ông Kim Chính Nhật nói thẳng ra là đối tượng mà ông ta muốn giao thiệp là cựu Tổng thống Bill Clinton.

Tại sao vậy, vì khi ông Clinton làm Tổng thống đã nhờ cựu Tổng thống Jimmy Carter làm đặc sứ bay sang Bắc Hàn hội đàm với ông Kim Nhật Thành về vấn đề vũ khí hạt nhân với nhiều nhượng bộ. Kết quả thì ai cũng biết, Hoa Kỳ đã viện trợ năng lượng cho Bắc Triều Tiên theo như lời hứa còn Bình Nhưỡng thì xé rào, không giữ đúng cam kết vẫn bí mật chế tạo tên lửa, bom nguyên tử mà chính quyền Clinton vẫn để yên.

Sau khi xác định được Bình Nhưỡng có ý định thả hai nữ ký giả Mỹ, White House đã điện thoại thông báo cho hai nước đồng minh cật ruột của mình biết chuyện này và nhận được sự yêu cầu là khi nói chuyện với ông Kim Chính Nhật cần phải đặt vấn đề người Nhật và Hàn bị Bình Nhưỡng bắt cóc. White House đã chuyển những lơi yêu cầu này cho ông Clinton vì thế trong cuộc nói chuyện với ông Kim Chính Nhật, cựu Tổng thống Clinton đã đề nghị Bắc Triều Tiên nên thật tâm giải quyết vấn đề bắt cóc người Nhật, người Đại Hàn mới mong hai quốc gia này bãi bỏ lệnh cấm vận và tái viện trợ.

Mặc dù White House sắp xếp chuyến đi này cho ông Clinton, nhưng vì muốn giữ bí mật cho đến lúc dẫn được hai nữ ký giả về, nên trước đó chẳng hề lên tiếng và chiếc chuyên cơ Boeing 737 chở ông Clinton khi đáp xuống phi trường quốc tế Sunan ở Bình Nhưỡng chỉ là một chiếc phi cơ sơn màu trắng toát, chẳng có một biểu tượng gì liên hệ đến chính phủ Hoa Kỳ. Đây là chiếc máy bay riêng của tỷ phú Steve Bing (44 tuổi), một người ủng hộ đảng Dân Chủ Mỹ, quen thân với ông Clinton, cho mượn. Ngày 30 tháng 7 năm 2009, người của tỷ phú Steve Bing điện thoại cho hãng Avjet đang quản lý chiếc máy bay này bảo rằng hãy chuẩn bị sẵn để có thể bay đi Bình Nhưỡng bất cứ lúc nào. Người của hãng Avjet lấy làm thắc mắc vì theo luật hàng không hiện hành của Hoa Kỳ thì cấm tất cả máy bay Mỹ không được đáp xuống bất kỳ một phi trường nào của Bắc Triều Tiên. Thắc mắc này được giải đáp ngay là đã có phép của Cục Hàng không Hoa Kỳ.

Các ký giả đã tìm đủ mọi cách để yêu cầu chính quyền Bình Nhưỡng làm rõ hai chuyện, nhưng bị khước từ. Chuyện thứ nhất là theo như hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên loan tin thì Tổng thống Obama đã nhờ ông Clinton chuyển một bức thư thân thiện đến ông Kim Chính Nhật trong đó có viết những lời tạ lỗi, sự thật như thế nào xin cho biết, nếu không thì sẽ bị mang tiếng loan tin thất thiệt vì phía Hoa Kỳ đã khẳng định rằng chẳng bao giờ có chuyện đó, mà xin lỗi về việc gì. Chuyện thứ hai là theo thỏa thuận giữa Bình Nhưỡng với Washington thì chỉ loan tin khi chiếc máy bay chở cựu Tổng thống Bill Clinton đáp xuống phi trường Sunan thì tại sao trước đó khoảng 10 phút đài truyền hình Bình Nhưỡng lại cho đi tin để rồi một phút sau thì cắt ngang rồi cho phát một vài bản nhạc ngay trong lúc xướng ngôn viên đang đọc tin.

Chắc chắn còn rất nhiều chuyện liên quan đến chuyến đi Bình Nhưỡng của cựu Tổng thống Bill Clinton chưa được tiết lộ, Nguyễn Khanh và Nam Phương sẽ tiếp tục theo dõi để tường trình cùng quý thính giả.

ไม่มีความคิดเห็น: