Bùi Tín viết riêng cho VOA
31/07/2009
Nguyen Tien Trung
Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung
Nhóm lãnh đạo độc quyền toàn trị trong nước đã và đang mở những đợt bắt bớ tràn lan. Họ lần lượt bắt các nhà dân chủ như luật sư Lê Công Định, thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung, cựu trung tá Trần Anh Kim, đe dọa các luật sư Lê Trần Luật, Tạ Phong Tần, mưu sát cô Hồ Thị Bích Khương ở Nghệ An. Công an, cảnh sát phối hợp với bọn xã hội đen chuyên đâm thuê chém mướn lao vào đánh đập bà con Phật tử tu tập ở Chùa Bát Nhã (Lâm Đồng) và bà con giáo dân ở Tam Tòa (Quảng Bình), đánh dã man, đến thành thương tật các linh mục Nguyễn Đình Phú và Ngô Thế Bính...
Nhiều người bị bắt, bị mất tích hơn 4 tháng nay vẫn không được xét xử. Số bị bắt trên đây tuy bị truy tố vẫn chưa được xét xử và chưa biết bao giờ mới ra tòa.
Bắt thì dễ, nhưng đưa ra xét xử lại không dễ, không đơn giản chút nào.
Bởi vì sau khi Đổi mới và Hòa nhập, chính quyền độc đảng cam kết xây dựng chế độ pháp quyền, cam kết công khai minh bạch trong hệ thống hành chính và tư pháp, các cuộc xử án nói chung phải công khai - nghĩa là về nguyên tắc công dân, gia đình bị cáo, nhà báo trong và ngoài nước đều phải được dự, có luật sư bào chữa, bị cáo được phát biểu hết ý kiến như ở mọi nước bình thường khác. Không thể còn những phiên xử "tiền chế", "đóng kịch" để quay phim, chụp ảnh, hay "phiên toà bịt miệng"...sẽ bị công luận trong và ngoài nước bác bỏ và nghiêm khắc kết án trở lại.
Theo chúng tôi được biết, các anh Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Anh Kim... chỉ mong được xét xử sớm nhất, xét xử ngay, vì các anh thừa sức tự bảo vệ mình.
Chính quyền đuối lý nên lần lữa, kéo dài giam giữ bị cáo. Các viên chức tư pháp, chánh án, thẩm phán, công tố viên được cử cho những phiên tòa trớ trêu này cũng e ngại, lo cho bản thân, họ có thể nghĩ đến thời kỳ "hậu cộng sản".
Ở Liên Xô và Đông Âu cũ, một số viên chức tư pháp từng xử tội kiểu cưỡng ép luật pháp dưới chế độ "XHCN" toàn trị, đã bị sờ gáy về liên đới trách nhiệm với chính quyền độc đoán cũ.
Mời các bạn đọc những văn bản về lý do khởi tố các bị cáo, sẽ thấy rõ sự phi lý của lời kết tội về âm mưu "chống đối chế độ", "lật đổ chính quyền", "khủng bố"...
Le Cong Dinh
Luật sư Lê Công Ðịnh
Tất cả các bị cáo không một ai nói, viết, làm một việc gì có chủ định dùng bạo lực để lật đổ, hoặc kêu gọi nhân dân cầm gươm giáo súng đạn để khởi nghĩa, hay dùng bom mìn để khủng bố. Cũng chẳng có một ai đòi "chống cộng" một cách cực đoan, cả gói, lên án và gạt bỏ mọi đảng viên cộng sản ra khỏi đời sống chính trị tương lai.
Họ họp để trao đổi ý kiến về tình hình đất nước, về xây dựng chế độ đa nguyên đa đảng tiến bộ hơn hiện tại, để yêu cầu đảng CS thực thi dân chủ ngay trong đảng, và thực thi dân chủ ngoài xã hội. Những điều ấy có gì là "tội"? Lẽ ra bộ chính trị phải cám ơn những góp ý thẳng thắn và xây dựng ấy.
Trong Hiến pháp (1992) điều 69 ghi rõ: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật ". Không luật pháp nào được đi ngược với hiến pháp. Do đó không một bị cáo nào nói trên vi phạm hiến pháp cả.
Mỗi lần họp Đại hội Ðảng Cộng sản, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương lại kêu gọi toàn dân trong và ngoài nước hãy mạnh dạn, ngay thẳng góp ý cho đảng, phê bình mọi mặt, ưu điểm và sai lầm, khuyết điểm của đảng và nhà nước. Khi người ta hăng hái làm việc ấy thì sao lại gán cho họ là bôi xấu chế độ, là có âm mưu lật đổ?
Vậy thì việc chống tham ô lãng phí không đạt kết quả, càng chống càng tăng thêm, dơ cao đánh khẽ, chỉ đánh từ vai trở xuống là bịa đặt chăng ? Vậy thì vụ PMU18 bầy nhầy 3, 4 năm trời, vụ án PCI-Huỳnh Ngọc Sỹ úp úp mở mở là bằng chứng của quyết tâm chống tham nhũng rất cao(!) của lãnh đạo đảng và nhà nước ư
Còn việc chính quyền và đặc biệt là tổng bí thư và Bộ Chính trị đã tỏ ra quá mềm yếu đến ươn hèn trước sức ép của bành trướng phương Bắc mà Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Anh Kim, Lê Trần Luật, Tạ Phong Tần...chỉ ra cũng là do những kẻ bất mãn, bị bọn phản động ở ngoài nước giật dây để bịa đặt ra hay sao? Những kiến nghị về ngừng khai thác bôxít của vài ngàn trí thức và cuộc Tọa đàm của 200 nhà nghiên cứu về "Biển Đông và hải đảo" đã trả lời rõ ràng đâu là sự thật hiển nhiên.
Việc có một số người nghĩ đến một hiến pháp mới, thậm chí cùng nhau trao đổi dự thảo một hiến pháp mới là một điều hay, tốt, đáng mừng chứ! Sao lại coi đó là tội chống nhà nước! Vấn đề là nội dung hiến pháp ấy ra sao, có được nhân dân chấp nhận hay không mà thôi. Họ có dám trưng cầu ý dân về vấn đề hệ trọng này không?
Chẳng phải là ai khác, chính ông Lenin từng cảnh báo rằng không ai phá hoại uy tín của đảng CS, không ai phá đổ sự nghiệp của người cộng sản bằng chính những sai lầm của họ. Ông Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cũng lắp lại ý ấy, rằng không ai phá hoại và lật đổ được chế độ XHCN, chỉ có chính những người cộng sản tham quyền, tham nhũng, thoái hóa và biến chất mới làm cho chế độ lâm nguy.
Lẽ ra Bộ Chính trị và Trung ương đảng CS phải tự nhìn lại mình, tiếp thu những ý kiến phê bình ngay thật đúng đắn của đảng viên bình thường, của giới trí thức và của nhân dân, sửa chữa những sai lầm, thoái hoá, biến chất tệ hại của đảng CS, tự mình rửa mặt cho sạch, lau kỹ những vết nhơ khó coi, thì lại đi bắt bớ người ngay thật, có lòng yêu nước thương dân cao hơn mình, để rồi không biết xét xử ra sao, tự mình dẫn mình vào bế tắc, vào ngõ cụt.
Mời các ủy viên Bộ Chính trị và uỷ viên Trung ương đảng CS đọc cho kỹ bài viết: "Thêm một lời khuyên chân tình" trên mạng Bauxite Vietnam.info, khuyên họ rằng hãy đối thoại thay vì đàn áp các anh Định, Trung, Kim...rằng "chúng tôi (giới trí thức) kỳ vọng ở những thanh niên có học thật như thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung".
Vậy thì ai có tội đối với dân ta, đối với nước ta? Ai làm suy yếu cái chế độ này? Ai làm xấu mặt cái nhà nước này, ai tỏ ra bất lực còn tiếp tay cho tham nhũng hoành hành, ai để mất đất, mất biển, mất đảo, còn mở cửa cho bành trướng vào sâu, lại còn rước chúng lên tận "mái nhà"? hay chính nhà lãnh đạo, kẻ cầm quyền tự bôi xấu mặt mình, chẳng cần ai khác bôi nhọ thêm.
Trong khi cả 700 tờ báo bị kiểm soát, kềm kẹp gắt gao, xin hãy đi khắp nước, nghe ngóng từ hang cùng ngõ hẻm, từ anh lái xe tắc xi, chị gánh hàng rong, đến các giáo sư đại học, các đặc đẳng công thần cộng sản, các em sinh viên ngành luật, các nhà báo bị mất việc, bị treo bút vì "tội" trung thực, bạn sẽ ngộ ra tình trạng thật sự của đất nước này, để nhận rõ ai thật sự có tội, và tội gì, để mà tìm hiểu và bàn luận về những phiên toà rất khó xử đối với nhóm cầm quyền toàn trị, khi một xã hội dân sự dù bị cấm cản vẫn cứ "lừng lững" xuất hiện, như nhận xét tinh tế của nhà văn Nguyên Ngọc.
สมัครสมาชิก:
ส่งความคิดเห็น (Atom)
ไม่มีความคิดเห็น:
แสดงความคิดเห็น