วันพฤหัสบดีที่ 20 สิงหาคม พ.ศ. 2552

No443: Thư ngỏ của người mẹ gửi một người mẹ

Kính gửi bà Trần Thị Lệ - mẹ luật sư Lê Thị Công Nhân

Khi đọc bài báo về chuyến thăm con gái của bà vào ngày 20 tháng 7/ 2009 trên báo Người Việt, tôi xúc động vô cùng. Ở vị trí một người mẹ, tôi không thể cầm lòng khi hình dung đứa con gái thân yêu, thiên thần của mình lại đang trong cảnh lao tù, sống cùng với những tội phạm hình sự: Sáu mươi người chung trong một phòng giam nhỏ, diện tích nằm nghỉ là 2 m X 0,8 m/người; bệnh tật mà lại phải tắm trần ngoài trời bằng nước giếng, bất kể tiết trời nóng nực hay giá lạnh…

Trong cuộc đời, gian khổ đã từng, con cái đã trưởng thành nhưng tôi không thể tưởng tượng nổi về cảnh ngộ “con bé” (1) của bà - một nữ luật sư còn trẻ tuổi, đầy năng động trong hoạt động chuyên môn, xã hội với một trái tim trong sáng, nhiệt huyết lại lâm vào hoàn cảnh như vậy. Trước mặt cô là cả một triển vọng sáng lạn về cuộc đời và sự nghiệp, thế mà chỉ vì đấu tranh cho dân chủ, tự do mà bị thế lực bảo thủ lỗi thời đang thống trị xã hội cản đường, hành hạ và đưa cô vào chốn lao tù…

Tôi viết thư này để thỏa được phần nào nỗi bức xúc của chính mình về sự việc ấy và cũng mong làm vơi đi đôi chút cho bà và tất cả những người mẹ đã có được những người con đáng tự hào mà rơi vào hoàn cảnh chớ trêu, như của sứ mệnh thời đại giao cho. Không thể chối từ, dẫu rằng thật lắm gian truân.

Tôi không làm nghề báo, nghề văn nên việc viết ra được những cảm xúc không phải là điều dễ dàng, nhưng có gì từ nơi sâu thẳm của tấm lòng người mẹ thúc giục tôi phải viết ra những dòng này. Chắc bà cũng hiểu rằng, cũng như tôi, phụ nữ chúng ta ở thời đại này đâu phải là vô cảm, thờ ơ với thời cuộc, nhưng họ đều có những hạn chế riêng tư. Và họ thường thể hiện tấm lòng của mình ở đâu đó, qua nhiều hình thức cũng không kém phần kết quả.

Với chức năng người mẹ, chúng ta đã gắn cả cuộc đời mình với những đứa con tự thuở lọt lòng, những tháng năm khi còn tấm bé. Ta xót xa cả khi chúng vấp phải những điều không hay nho nhỏ. Ta lo sợ đến hoảng hốt khi chúng ốm đau, bệnh tật. Và ta thật hạnh phúc khi mỗi khi ngắm nhìn chúng trong giấc ngủ yên lành với nụ cười trên môi. Lúc ấy, ta cảm thấy mãn nguyện với cuộc sống hiện tại mà quên đi biết bao nhiêu gian truân, bao điều nhiễu nhương đang lởn vởn quanh mình giữa cuộc đời vốn đầy bất trắc này.

Trong cái thời buổi không mấy an bình này, mọi giá trị văn hóa bị đảo lộn, lý tưởng chỉ còn là một ảo ảnh giả dối, mong manh; nhân cách bị xem thường; quyền lực và lợi ích cá nhân được coi là tối thượng; đạo đức xã hội xuống cấp một cách thảm hại thì việc nuôi dạy một đứa trẻ nên người là điều thật không dễ dàng.

Trong cuộc đời, đôi lúc người ta tin vào định mệnh - vào sự sắp đặt từ trước của đấng tối thượng, nhưng dù sao thì quy luật của xã hội, của cuộc sống muôn đời vẫn đúng: Gieo nhân nào, có quả ấy. Vượt qua khốn khó ắt có ngày vinh quang… Ơn trời, con cái chúng ta đã qua được cái thuở còn non nớt, ngơ ngác trước cuộc đời. Rồi ngoảnh đi ngoảnh lại, mới ngày nào, nay chúng đã trưởng thành, đã có chính kiến rõ ràng về cuộc sống. Quý giá hơn cả là chúng có được nhân cách, có lòng nhân ái, biết nhận ra lẽ phải và căm ghét cái tham, điều độc ác.

Là người mẹ bình thường, ai chẳng mong con cái mình gặp nhiều thuận lợi trong bước trưởng thành. Mong chúng có nghề nghiệp, rồi lập gia đình, làm ăn lương thiện, có tiền đồ sáng sủa để mình được yên vui lúc tuổi già. Nhưng ông trời vốn hay thử thách con người, đã dành cho chúng ta mỗi người một cảnh ngộ, có cả niềm hạnh phúc xen lẫn với nỗi khổ đau.
Có ai dám mơ tưởng là sẽ được thỏa mãn hoàn toàn với con cái, mong muốn chúng gập toàn “vận may” trên con đường mưu cầu hạnh phúc ? Ngay cả khi cái hạnh phúc ấy chỉ nhằm toan tính cho riêng mình!

Đó là chuyện của đời thường.

May mắn thay, trong suốt chiều dài lịch sử nước nhà, mỗi khi đất nước lâm vào cảnh khốn cùng, thường thấy xuất hiện những người con xuất sắc từ dân chúng mà ra – những vị anh hùng. Mỗi người trong họ, ít nhiều đã góp phần làm chuyển biến tình hình, cứu nguy cho đất nước trong những lúc hiểm nghèo và thúc đẩy tiến trình phát triển của lịch sử. Vì thế chúng ta mới có được một đất nước tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Điều khác nhau giữa xưa và nay là ở chỗ trong quá khứ thường lưu truyền lại về những nhân vật lịch sử đáng kính mà kẻ thù là bọn ngoại xâm; nhưng ngày nay, những người anh hùng trong giai đoạn lịch sử ngắn ngủi này của chúng ta lại phải đối mặt với bọn nội xâm.

Với những kẻ tự nhận là đại diện của dân, vì dân, nhưng trong mọi ý tưởng và hành động của họ đều đi ngược lại với truyền thống của dân tộc và xu thế thời đại. Thậm chí họ càng ngày càng lộ rất rõ sự hèn kém trong việc dẫn dắt, điều hành đất nước, đã đưa dân tộc ta từ thế chủ động sang thế bị động, phụ thuộc; làm mất dần ý chí tự cường để dẫn tới nguy cơ rơi vào vòng kiềm tỏa của ngoại bang.

Những người dân VN có chút lương tri không khỏi đau lòng khi nghe tin những thanh niên, sinh viên biểu tình ôn hòa tại Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn phản đối TQ xâm lược Hoàng – Trường Sa đã bị đàn áp thẳng tay bằng dùi cui và bắt bớ (2). Những người dân đấu tranh cho công lý, cho dân chủ, nhân quyền, thì bị bỏ tù vì bị gán tội chống phá nước cái Nhà nước cộng hòa đầy bất công và tham nhũng này.

Một đất nước không nhỏ với dân số trên 80 chục triệu con người thông minh, cần cù lao động, điều kiện về tài nguyên thiên nhiên, điều kiện nông nghiệp, vị trí địa lý thuận lợi, mà sau hơn 30 năm có hòa bình, vẫn ở vào mức phát triển kém của thế giới.

Những người cầm quyền đã rất lúng túng trong việc mạo nhận theo đuổi học thuyết Mác-Lê Nin lỗi thời. Mà chính nó đã làm băng hoại cả một nền đạo đức truyền thống của dân tộc có từ hàng ngàn năm nay; đã làm phung phí một lượng vô giá về sức người, sức của và trí tuệ của nhiều thế hệ trong các cuộc cải cách nội bộ phi nhân tính (cải cách ruộng đất, cách mạng văn hóa tư tưởng, cải tạo công thương nghiệp…) để có được quyền lực tuyệt đối. Cho đến ngày hôm nay, họ vẫn còn đang mò mẫm đi tìm “con đường phát triển xã hội” ở vị trí thua kém các nước trong khu vực tới vài thập kỷ phát triển.

Chúng ta như không thể chịu nổi, thấy đau xót và nhục nhã mỗi khi nghe tin những người lao động Việt Nam bị chủ nước ngoài đánh đập tàn nhẫn ngay trên quê hương mình; hàng đoàn thiếu nữ VN bị chào bán, lựa chọn như một thứ hàng hóa thời nô lệ - để hòng lấy được một tấm chồng già, có chốn dung thân ở nước ngoài, rồi có chút tiền chu cấp cho gia đình đang trong cơn khốn khó; hàng trăm ngư dân phải vật lộn ngoài biển sâu sóng dữ vì miếng cơm manh áo của gia đình đã phải sống trong khổ nhục, tù tội ở trại giam nước ngoài hàng tháng, hàng năm trời chỉ vì sự vô trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo hộ công dân và quản lý lãnh hải của mình…

Trong khi đó, những người cầm quyền đã dùng cả một lực lượng hùng hậu “chuyên chính vô sản” để “chăm sóc” những công dân muốn nói lên sự thật, đòi công bằng xã hội. Họ đã vận hết công lực của cả một bộ máy chính quyền để đàn áp nhân dân, bảo vệ bằng được cái quyền độc đoán của mình nhằm tiếp tục khai thác món lời ngon lành trước mắt.

Quy luật vận động xã hội cho thấy khi bộ máy thống trị thể hiện đầy đủ bản chất vô luân của nó, thì cũng là lúc thời kỳ mạt vận đang đến. Nhân tố tích cực nổi lên. Phong trào quần chúng và những nhân vật lịch sử dần xuất hiện để cáo chung cho thời kỳ đen tối và lật sang một trang mới cho lịch sử đất nước.

Chúng ta không thể nào quên được biết bao tấm gương sáng ngời trong lịch sử: Một Bà Triệu “muốn đạp bằng muôn sóng dữ, chém cá Kình ở biển Đông, để cứu muôn dân ra khỏi cảnh lầm than”; Một Trần bình Trọng “thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”; Một Nguyễn Trãi khóc vĩnh biệt cha nơi biên ải để rồi nằm gai nếm mật, giúp minh Chúa dành lại được non sông; Một Nguyễn Thái Học hy sinh cả tuổi trẻ và tình yêu tuyệt vời của mình khi mới 29 tuổi đời vì lý tưởng cao cả của đảng Quốc Dân.…

Ngày nay trong sự nghiệp chống nội xâm, đòi tiến bộ xã hội - chúng ta có quyền liên tưởng đến những người con của thời đại này đã dám hy sinh tự do cá nhân của mình, chịu cảnh tù đầy chỉ vì mưu cầu tự do, nhân quyền cho dân tộc. Chúng ta đã có một Nguyễn văn Lý vào tù ra tội, đã từng đạp đổ vành móng ngựa của tòa án cường quyền; có một Nguyễn Tiến Trung còn rất trẻ, đã bằng trí tuệ, sự dũng cảm tuyệt vời của mình đã làm được những điều mà các bậc lão thành trong và ngoài nước cảm phục; một Cù Huy Hà Vũ đã dám ngang nhiên đâm đơn kiện một Thủ tướng Chính phủ đầy quyền lực vì đã ký quyết định cho một dự án nhiều khả năng gây hậu quả tai hại khôn lường cho đất nước – điều chưa từng có trong thế giới cộng sản độc tài. Ta lại cũng có một Lê Thị Công Nhân kiên định, đã dám hy sinh những ngày tháng đẹp nhất của tuổi thanh xuân cho lý tưởng tự do dân chủ, chấp nhận cảnh lao tù khắc nghiệt mà không thèm ngỏ một lời xin ân xá (3).

Anh hùng không làm nên lịch sử, nhưng lịch sử phải có những anh hùng. Anh hùng cũng chỉ là những đứa con của người mẹ. Mà bà mẹ gian truân và bao dung nhất chính là Tổ quốc của chúng ta.

Thực tế cho thấy, khi cần thiết, không thiếu những người con trung hiếu sẵn sàng hy sinh tất cả vì sự trường tồn của MẸ.

Chuyến thăm con, vào sinh nhật của cháu, bà đã tặng chiếc bánh ‘gâteau’ chocolat và bó hoa có 30 bông hồng vàng – “mà cháu rất thích”. Món quà đó thật ý nghĩa. Nhưng với một người con bất khuất - “không chịu đầu hàng”(4), lại không hề nghĩ đến bản thân mình mà chỉ lo cho những người cùng bị bắt - thì món quà mà những người mẹ chúng tôi muốn gửi cho cháu qua lá thư này là lòng mến phục sâu sắc nhất của mình.

Nó là vô giá và sẽ tồn tại mãi mãi trong tâm niệm của chúng tôi và trong suốt cả cuộc đời đáng tự hào của Nhân.

Xin chúc bà và gia đình được luôn mạnh khỏe và bình yên.

Hà Nội 19 tháng 8 năm 2009

Người mẹ - giáo viên
email: tranthikimlien09@gmail.com

Ghi chú:
(1) – Bà Lệ thường gọi con gái yêu (Lê Thị Công Nhân) là “con bé”.
(2) – Sự việc sảy ra nhiều lần vào năm 2008.
(3) – Công an đã nhiều lần gợi ý, đề nghị luật sư Nhân (hoặc gia đình) làm đơn “nhận tội và xin khoan hồng”, nhưng cô và gia đình đều từ chối.
(4) – Trước khi bị bắt Nhân đã tuyên bố là “Sẽ không chịu đầu hàng”.

ไม่มีความคิดเห็น: