วันพฤหัสบดีที่ 13 สิงหาคม พ.ศ. 2552

No428: Tương lai biển Đông




Đụng độ trên biển Đông

Cuộc trạm chán giữa Hải quân Mỹ và Trung Quốc hồi tháng 3 năm 2009 tại biển Đông là giọt nước làm tràn ly. Tàu Hải quân Trung Quốc đã tìm cách khiêu khích, chận đường tàu thám hiểm Hải quân Mỹ USNS Impeccable, buộc tàu Mỹ phải khẩn cấp tránh để khỏi bị đụng độ. Sau vụ thử thách đó, Mỹ đã trở nên cứng rắn. Hoa Thịnh Đốn đưa ngay tàu khu trục USS Chung-hoon đi dò đường và hộ tống tàu thám hiểm hải quân Mỹ, không để cho tình trạng khiêu khích xảy ra nữa. Tàu khu trục hạm này gồm 275 thủy thủ đoàn, có trang bị ngư lôi và hoả tiển định hướng. Sự hiện diện của khu trục hạm tại Biển Đông đã làm Bắc Kinh tức giận nhưng bỏ hẳn thái độ khiêu khích vì sợ đụng độ. Đối với Mỹ thì Hải quân Trung Quốc vẫn chưa phải là đối thủ.

Sự kiện này đã làm thức tỉnh giới chức ngoại giao và quân sự Mỹ trước dã tâm và tham vọng bành trướng chủ quyền của Trung Quốc. Trung Quốc đang thử “nắn gân” Hải quân Mỹ và gửi tín hiệu cho các quốc gia vùng về vai trò của mình. Trung Quốc muốn nhắn nhủ “biển đông thuộc chủ quyền của Trung quốc, Mỹ không nên tạo ảnh hưởng làm gì”. Đừng có lộn xộn trong vùng đó, nó thuộc chủ quyền của chúng tôi. Đó là nội dung Trung quốc muốn chuyển cho Mỹ và các quốc gia Á Châu.

Dĩ nhiên tín hiệu đó Hoa Thịnh Đốn đã nắm từ trước. Nhưng bận bịu với những biến động ở Trung Đông, Mỹ không dành ưu tiên cao cho mặt trận Á Châu. Dù vậy, Mỹ cũng không thể làm ngơ khi thấy Trung quốc làm mưa làm gió và tìm mọi cách chận đứng vai trò của Mỹ ở Châu Á. Nếu ảnh hưởng Mỹ bị co cụm, và Trung quốc trổi dậy như một thế lực nguy hiểm, đầy tham vọng thì khả năng một cuộc chiến tranh ở Châu Á khó tránh khỏi. Lúc đó, Mỹ có muốn can thiệp, trở tay cũng không kịp vì tình thế đã vượt ra khỏi tầm ảnh hưởng của Mỹ.

Thái độ của Trung Quốc

Rõ ràng Trung Quốc đang tìm mọi cách bành trướng vị trí chiến lược của họ về mặt quân sự. Những đòi hỏi thô bạo, tham lam, không căn cứ về chủ quyền ở biển Đông. Những trạm chán, áp bức và thái độ hiếu chiến với Việt Nam cho thấy dã tâm của Trung Quốc. Hiện nay, không những đường biển của Việt Nam bị co cụm mà một số quốc gia khối ASIAN cũng bị áp lực, trước sự hiện diện căn cứ quân sự Trung Quốc tại các khu vực đang tranh chấp.

Tại đảo Woody (Phú Lâm) nằm trong quần đảo Trường Sa, Hải quân Trung Quốc đã thiết lập một hải cảng chừng 350 mét với đường băng dài 2500 mét dành cho máy bay, chiến đấu cơ, tàu quân sự của Quân đội Nhân dân Trung Quốc. Tin giới nghiên cứu tiết lộ, Trung Quốc muốn biển đảo Woody thành một căn cứ quân sự, từ đó hướng tầm kiểm soát và làm nhiệm vụ yểm trợ các hoạt động tại biển Đông, nhất là khu vực đảo Trường Sa nếu chiến tranh xảy ra. Tại đây, các trạm lưu trữ dầu, vũ khí, đạn dược đã được xây cất và đang đi vào qui trình hoạt động. Nhiều hỏa tiển Silkworm có mục tiêu chống tàu chiến cũng đã đặt tại căn cứ này. Với tầm bắn gần 60 dặm tại Woody, hoả tiển Silkworm có thể răn đe các tàu chiến dám lảng vảng trong các khu vực thuộc phạm vi kiểm soát của Trung Quốc. Hơn nữa, một trạm thu nhận tín hiệu tình báo đã được thiết lập tại đảo Rocky, nằm về phiá bắc của Woody. Đảo Rocky là đảo có độ cao nhất, dễ dàng làm nhiệm vụ quan sát các tàu chiến và những di chuyển trong vùng biển Đông.

Phi trường trên đảo Woody

Trong quan hệ ngoại giao, Mỹ đã tái khẳng định chính sách cũa Mỹ đối với tranh chấp tại biển Đông là “các bên không nên dùng vũ lực để chiếm chủ quyền về lãnh hải, ngăn chận giao thông thuộc khu vực biển Đông và nằm trong lãnh vực hàng hải quốc tế.” Thực ra, bên cạnh đường biển, Mỹ cũng rất quan tâm đền đuờng trời nằm trong khu vực biển Đông. Vì ngoài cuộc trạm chán tại hồi đầu năm 2009, trước đó, không quân Mỹ -Trung quốc cũng đã từng đụng độ. Tháng 4 năm 2001, máy bay chiến đấu cơ F-8/J8II của hải quân Trung Quốc và EP-3E của Mỹ đã đụng nhau tại biển Đông. Chiến đấu cơ Trung quốc đã bám đuôi máy bay thám sát Mỹ để khiêu khích, vì bay qua gần, F-8/J8II đã mất khả năng kiểm soát, đụng vào phần cánh máy bay Mỹ, F-8/J8II rớt xuống biển, phi công Trung Quốc bị thiệt mạng. Máy bay EP-3E của Mỹ đã phải hạ cánh khẩn cấp tại đảo Hải Nam, toàn bộ phi hành đoàn 24 người đã bị Trung Quốc bắt giữ, 11 ngày sau Trung Quốc mới chịu giao trả lại cho Mỹ.

Phản ứng của Mỹ

Cuộc trạm chán lần thứ nhất ở trên không, Trung Quốc muốn khẳng định với Mỹ và các quốc gia Á Châu là chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông gồm cả vùng biển lẫn vùng trời. Tuy nhiên, phải đợi đến lần đụng độ thứ hai, khi tàu dân sự thám hiểm Mỹ USNS Impeccable bị tàu chiến Trung Quốc khiêu khích, thì Hoa Thịnh Đốn thấy rõ phải có thái độ, để Trung Quốc bớt hung hăng và hiếu chiến.

Tại Hội nghị các quốc gia thuộc khối ASIAN (Association of Southeast Asian Nations) tại Thái hôm tháng 7, 2009, bộ trưởng Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton đã tham dự và trao đổi với lãnh đạo các quốc gia ASEAN. Tại đây, bà ngoại trưởng Mỹ cũng đã ký kết thoả ước hữu nghị và hợp tác TAC (Treaty of Amity and Cooperation in Southeast Asia) với khối ASEAN, một thoả ước tương đối lõng lẻo trong thiết lập quan hệ đối thoại về an ninh và hợp tác vùng, chủ trương tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ và không can thiệp vào nội bộ. Đây là thoả ước mà thời tổng thống Goerge W. Bush, phiá Mỹ đã từ chối ký kết.

Hồi năm 2007, bà Ngoại trưởng Condoleezza Rice thay vì tham dự hội nghị thường niên của ASEAN thì lại bay qua Trung Đông. Lúc đó Mỹ đặt mối quan tâm Trung Đông quan trọng hơn Á Châu. Lần này, phát biểu tại Bang kok, bà Tân Ngoại trưởng Hillary Clinton cho biết “chúng tôi đã trở lại”. Bà muốn ám chỉ đến chính sách bỏ rơi Á Châu từ thời cựu Tổng thống George W. Bush. Tình thế hiện nay đã khác sau khi Hoa Kỳ thay đổi lãnh đạo cùng với chính sách mới về Á Châu. Điều này cho thấy, Hoa Thịnh Đốn đã gửi thông điệp rất mạnh mẽ cho Trung Quốc và ASEAN. Hoa Kỳ không thể để Trung Quốc “muá gậy vườn hoang” tại biển Đông.

Những biến động tại Biển Đông với viễn ảnh Trung Quốc kiểm soát đường biển là điều không thể chấp nhận về mặt chủ quyền, không những đối với các quốc gia đang trong vòng tranh chấp gồm Việt Nam, Mã Lai Á, Philipine, Đài Loan..v..v… mà ngay cả đối với quyền lợi Hoa Kỳ cũng bị ảnh hưởng. Nói cách khác, nếu điều đó xảy ra, hải chiến giữa Trung Quốc và các quốc gia dành chủ quyền trên biển Đông khó tránh khỏi. Lúc đó, Hoa kỳ không thể đứng bên lề hoặc làm đồng minh của Trung Quốc, vì như vậy Hoa Kỳ tự triệt hạ vai trò và quyền lợi chiến lược của mình tại Á châu. Chiến tranh trên biển Đông xảy ra, điều khủng hoảng nhất đối với Mỹ và thế giới là gần 30% đường dẫn dầu quốc tế bị đình động, hơn 50% hàng hoá vận chuyển bằng đường thủy trên toàn thế giới bị gián đoạn. Lo ngại hơn nữa, nếu Trung Quốc kiểm soát các vùng tranh chấp, khả năng các đường lưu thông trên biển sẽ bị Hải quân Trung Quốc ngăn chận. Vì vậy, sự hiện diện của Mỹ tại biển Đông vô cùng quan trọng, vừa có thể cầm chân thái độ khiêu khích, hiếu chiến của Trung Quốc, vừa làm trọng tài để giải quyết những tranh chấp trong vùng, vừa làm chỗ đối trọng cho các quốc gia khối ASEAN, nhằm tránh một cuộc chiến tranh thế giới có thể xảy ra.

Về mặt thực tế, nếu có trạm chán quân sự, chiến tranh giữa Trung Quốc với Đài Loan hoặc Việt Nam là những đối tác có nguy cơ dẫn đến tác động lớn nhất.

Trung Quốc và Đài Loan

Trung Quốc đã hăm he dùng vũ lực để giải quyết Đài Loan. Nếu không có Hiệp ước bảo vệ giữa Mỹ và Đài Loan, Trung Quốc đã chiếm Đài Loan từ lâu. Mỹ không khuyến khích Đài Loan đi vào qui chế độc lập vì như vậy sẽ khiêu khích Trung Quốc, nhưng Mỹ cũng khẳng định, nếu Trung Quốc đánh Đài Loan, quân Mỹ sẽ không khoan tay đứng nhìn. Tham vọng của Trung Quốc vẫn là phải chiếm Đài Loan và làm chủ toàn bộ khu vực biển Đông. Muốn vậy, Trung Quốc phải triệt hạ Việt Nam.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Mỹ đã bán cho Đài Loan 6.4 tỷ mỹ kim vũ khí quân sự gồm 300 Patriot III chống hoả tiển, 30 máy bay trực thăng tấn công Apache, 32 hoả tiển Harpoon và 182 hoả tiển Javelin chống tăng. Hiệp ước Đài Loan 1979 (Taiwan Relations Act 1979) cho phép Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan để “tăng cường khả năng phòng thủ và tự vệ của quốc gia này”. Hiệp ước cũng khẳng định “nếu dùng bất cứ các phương tiện quân sự, hoặc bao vây, tảy chay Đài Loan nhằm áp chế Đài Loan tức là cố ý khiêu khích gấy chiến và làm mất quân bình trong vùng, đều dẫn đến mối quan tâm sâu xa của Mỹ”.

Đài Loan rất muốn trang bị tàu ngầm tối tân của Mỹ nhưng vì sợ Đài Loan khiêu khích Trung quốc, Mỹ đã từ chối bán. Đối với Trung Quốc, một Đài Loan trang bị tàu ngầm tối tân được coi như thái độ thách thức, làm cho tình thế thêm rối rắm và căng thẳng. Trước đây, Đài Loan từng mua 2 chiếc tàu ngầm của Phần Lan, sự kiện này đã dẫn đến việc Trung Quốc triệu hồi đại sứ Trung Quốc tại Phần lan. Áp lực, quan hệ ngoại giao hai nước đã xấu đi trong suốt nhiều năm trời. Với số quân chừng 350 ngàn so với hơn 2.5 triệu quân của Trung Quốc, trang bị vũ khí yếu so với tầm vóc hiện đại của quân Trung Quốc, Đài Loan hoàn toàn không khả năng tự vệ khi Trung Quốc mở cuộc tấn công bất ngờ. Vì vậy, nếu bất cứ lý do gì Hiệp ước Đài Loan năm 1979 không còn giá trị, đảo Đài Loan thuộc vào tay Trung Quốc chỉ còn là thời gian.

Việt Nam trước viễn ảnh chiến tranh

Trước thái độ Trung Quốc leo thang, ngang ngược xâm chiếm lãnh thổ. Việt Nam giữ thái độ ngậm bồ hòn. Dù vậy, thời gian gần đây, có dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang từng bước tân trang quân đội để chuẩn bị đối đầu. Kinh nghiệm cuộc chiến tranh biên giới 1979, khi Trung Quốc đánh bất ngờ vẫn còn chưa phai nhạt đối với các lãnh tụ cộng sản Hà Nội. Và viễn ảnh của chiến tranh Việt – Trung sẽ xảy ra để giải quyết các mối bất đồng là điều “không thể tránh khỏi”.

Chiến đấu cơ Su-30MK2

Từ tháng 4 năm 1999 Hà Nội đã trang bị nhiều hoả tiễn Scud của Bắc Hàn với tổng số lên đến cả trăm triệu mỹ kim. Việt Nam cũng đã chi ra 300 triệu mỹ kim để mua hệ thống hoả tiễn phòng thủ trên không S300 PMU1 của Nga. Đây là loại hỏa tiễn bắn các mục tiêu bay thấp. Hà Nội cũng bày tỏ ý định muốn mua S300 PMU2, một loại hoả tiễn phòng không trang bị đầu đạn có định hướng dùng để ngăn chận hoả tiễn bắn từ xa, tốc độ S300 PUM2 là 10,000 km một giờ và có thể bắn xa đến 200 km, thay vì chỉ có 150 km như S300 PMU1.

Tháng 3 năm 2001, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố khi có mặt tại Hà Nội “Việt Nam không những phải tái chỉnh trang thiết bị quân sự cũ mà cần mua thêm nhiều trang thiết bị quân sự tối tân của Nga nữa”. Năm 1995 Hà Nội mua sáu chiếc phản lực Sukhoi Su-27 trị giá 150 triệu mỹ kim, đồng thời đặt mua thêm 6 chiếc Su-27 nữa cho năm 1997. Những năm sau đó, Hà Nội liên tiếp mua máy bay Su-30, nhiều hoả tiển, hoả tiển chống tàu chiến Mosquito có khả năng điều khiển bay ở độ thấp, bắn mục tiêu xa 120 kilometer và trang bị thêm 4 trạm kiểm soát sóng radar để phát hiện máy bay “Trung Quốc” xâm nhập. Cuối tháng 11 năm 2007, Nga chuyển giao 2 tàu tuần tra Molniya có gắn đầu hoả tiển, sau đó trong năm 2007 Nga giúp Việt Nam tự sản xuất thêm 20 chiếc tuần tra loại này. Tất cả những kỷ thuật quốc phòng cho công nghệ chế tạo tàu Molniya đã được Nga chuyển giao cho Việt Nam với phí tổn gần 1 tỷ dollars. Chưa an tâm, Việt Nam bỏ ra thêm 300 triệu mỹ kim để mua lại công nghệ chế tạo hoả tiển Yakhont chống tàu chiến. Năm 2009, Việt Nam đã mua thêm 12 chiếc phản lực loại cực tối tân Su-30MK2 và 6 chiếc tàu ngầm Kilo của Nga, tổng giá tiền gần 2.5 tỷ dollars.

Tàu ngầm Kilo

Chưa bằng lòng với các trang thiết bị quân sự của Nga, Việt Nam cũng tìm cách mua thêm các vũ khí hiện đại khác của Ấn Độ. Việt Nam ngõ ý mua hoả tiễn Brahmos, có tầm bắn xa 300 km. Nhưng vì đây là loại hoả tiễn tối tân nhất của Ấn, bị ràng buộc về thoả thuận không tiết lộ bí mật kỹ thuật, nên Ấn không thể bán cho Hà Nội. Giới chức ngoại giao Ấn tiết lộ, họ nghĩ Ấn có thể bán cho Hà Nội loại hoả tiển có tầm kỷ thuật thấp hơn, đó là loại hoả tiển đối không Prithvi với chức năng không thua gì hoả tiễn Brahmos.

Việt Nam cũng đang có ý tìm kiếm những vũ khí tối tân khác, trong đó khai dụng “nguyên tử” như một lá chắn trước áp lực và dã tâm của Trung Quốc. Năm ngoái, ông Christopher Hill, trưởng phái đoàn Mỹ đặc trách về “nguyên tử” tường trình trước Thượng viện Mỹ về chuyến đi Á châu, nhằm chuẩn bị cho cuộc thương thuyết về nguyên tử với Bắc Hàn. Khi Thượng Viện Mỹ đặt vấn đề liệu Việt Nam có đi theo con đường của Bắc Hàn không? Ông Christopher Hill trả lời một cách tự tin là “Việt Nam chưa có khả năng nghiên cứu về nguyên tử và không có tham vọng sở đắc vũ khí nguyên tử như Bắc Hàn, chúng ta có thể tin điều này”.

Nói vậy chứ không phải vậy, vì liệu Mỹ có thể tin cậy được những lời hứa hẹn của Hà Nội. Quan hệ mật thiết với Bình Nhưỡng, Hà Nội có thể tìm kiếm trợ giúp về mặt kỷ thuật để xây dựng lò "hạt nhân nguyên tử" và điều này đã nằm trong vòng quan tâm của lãnh đạo Hà Nội, trước tình trạng láng giềng khổng lồ chực “ăn tươi nuốt sống”. Điều cản trở Việt Nam không phải là Bình Nhưỡng mà chính là Bắc Kinh, vì không đời nào Bắc Kinh cho phép Bình Nhưỡng giúp Việt Nam thủ đắc khả năng phòng ngừa “lá chắn nguyên tử” để chống lại họ. Vì vậy, Việt Nam đã tìm đến Ấn Độ như một nguồn cung cấp kỹ thuật “nguyên tử” sau Bình Nhưỡng.

Tháng 10 năm 2005, Trung tướng Nguyễn Thịnh, chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng dẫn đầu phái đoàn quân sự đến thăm Viện Nghiên cứu Quốc phòng Ấn. Tại đây, ông Thịnh đã bày tỏ mong muốn được Ấn Độ giúp Việt Nam kỹ thuật để xây dựng cơ sở chế tạo hoả tiễn. Việt Nam cũng muốn mua hoả tiễn điểu khiển tối tân Brahmos, có tầm bắn xa 300km của Ấn. Ông Thịnh cho biết, Việt Nam cần hoả tiễn có tầm bắn xa để bảo vệ biển Đông và cầm chân hải quân Trung quốc. Hoả tiễn Brahmos của Ấn Độ là sản phẩm quân sự chung Nga và Ấn. Brahmos là viết tắt của chữ Brahmaputra, tên một dòng sông Ấn và Moscow. Đây là hoả tiễn bay nhanh nhất thế giới ở tốc độ vượt âm thanh. Với kích thước nặng từ 2500kg đến 3000kg tuỳ theo dàn phóng, dài 8.4 m, đường kính 0.6m, Brahmos có thể bắn mục tiêu xa 290km. Điều tiện lợi của hoả tiễn này là có thể bắn trên tàu chiến, tàu ngầm, mặt đất và cả máy bay. Đặc biệt, Brahmos có thể tái chỉnh trang để gắn cho các chiến đấu cơ Su-30 và Su-30MK2 của Nga mà Hà Nội đang có.

Hỏa tiễn Brahmos

Mặc dù việc mua bán này sẽ không thuận thảo vì Ấn Độ không thể chuyển giao công nghệ quốc phòng tối tân cho Việt Nam, nhưng Ấn cũng đã tìm cách giúp Việt Nam huấn luyện chuyên viên về tàu ngầm. Hiện tại, Ấn cấp hơn 500 học bổng cho du học sinh Việt Nam và Ấn cũng đang huấn luyện Việt Nam về kỹ thuật nguyên tử chỉ “dùng cho dân sự”. Điều cần lưu tâm là nếu Việt Nam đồng ý cho Ấn sử dụng cảng Cam Ranh, việc chuyển giao kỹ thuật cao của hoả tiễn Brahmos và cả công nghệ “hạt nhân nguyên tử” cho Việt Nam, có thể là những vấn đề mà cả Trung quốc, Hoa Kỳ, Nhật và các nước Đông Nam Á sẽ bị bất ngờ.

Chiến tranh Việt – Trung sẽ phải xảy ra để giải quyết những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Nhân dân Việt Nam không thể chấp nhận lãnh thổ càng lúc càng bị co cụm và nhục nhã trước tình trạng bị mất đất, mất biển. Đồng thời, dù lãnh đạo đảng CSVN có nhịn nhục, khiếp sợ đến cỡ nào thì Trung Quốc cũng phải chiếm các vùng biển Đông, vì nhu cầu chiến lược quân sự và tham vọng bá quyền. Hiện nay, Việt Nam đang nhịn nhục để mua thời gian, hiện đại hoá quân đội, chuẩn bị cho giai đoạn thử lửa, đối đầu và đánh trả nếu không còn sự chọn lưạ. Trung Quốc với tổng số chi tiêu cho ngân quỹ quốc phòng hàng năm trên 150 tỷ dollars và 2.5 triệu quân chính quy, nửa triệu quân Việt Nam không đủ vai vế để đương cự nếu chiến tranh bùng nổ. (*)

Sau cuộc chiến Việt - Trung 1979, Việt Nam đã bỏ mất cơ hội hiện đại hoá quân đội. Giờ mới bắt đầu thì đã muộn. Phải mất một thời gian dài, tốn nhiều tiền của, công sức, trí tuệ, quan hệ và sự khôn ngoan để Việt Nam đưa quân đội xứng với tầm cỡ thể kỷ 21. Tuy nhiên, đảng CSVN cần hiểu rằng quân đội chỉ có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, khi quân đội “hy sinh để bảo vệ Tổ quốc chứ không bảo vệ đảng”, nhất là đảng đang “phản bội và đi ngược lại quyền lợi” của dân tộc.

Nếu chỉ dựa vào vũ khí quân sự tối tân thì vài chục năm sau Việt Nam cũng không đủ sức đối đầu với Trung quốc. Hiểm hoạ bị hán hoá trên nhiều lãnh vực, kể cả lãnh thổ là điều khả thi nếu Hà Nội chỉ biết bám vào sức mạnh của quân đội. Từ ngàn xưa, Trung Quốc luôn mạnh hơn Việt Nam nhưng Đại Hán vẫn không thể nuốt nổi An Nam. Chính nhờ vào lòng yêu nước, ý chí quật cường và tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng của Vua tôi nước Nam mà Việt Nam còn hiện hữu đến hôm nay. Chiếm thành dễ, nhưng giữ thành khó. Đảng CSVN đã chiếm được đất nước Việt Nam nhưng không bao giờ giữ được lòng dân. Chế độ độc tài Hà Nội cai trị dân dựa vào bạo lực, mất đi sức mạnh của trấn áp, chế độ công an trị sẽ bị đổ nhào. Kẻ chơi dao, chết vì dao. Chế độ bạo lực sẽ là nạn nhân của bạo lực. Lịch sử đã minh chứng như vậy đối với các chế độ độc tài, bạo ngược, cuồng vọng như Tần Thủy Hoàng, Hitler, Mussolini, Ceausescu..v.v…

Hiện nay, Hà Nội không thể huy động lòng yêu nước, ý chí quật cường và sức mạnh dân tộc để chống ngoại xâm. Một chế độ độc tài, đảng trị, mất lòng dân, không đủ khả năng bảo vệ Tổ Quốc khi bị ngoại xâm. Cho dù mưu toan thay tên, đổi đảng hay bỏ hẳn luôn mục tiêu xây dựng Chủ nghĩa xã hội, để được làm đồng minh của Mỹ, Nhật, Ấn cho thế trận Trung - Việt..v.v…vẫn không thể giải quyết được yếm thế của Hà Nội. Tứ bề thọ địch, ngoại công nội kích, chế độ độc đảng Hà Nội khó tồn tại lâu dài trước nhiều áp lực. Chỉ có một nước Việt Nam Tự do, Dân chủ mới có thể giữ được sự toàn vẹn lãnh thổ. Điều này chính là mục tiêu mà Nhân dân Việt Nam đang đấu tranh và những người yêu nước trong đảng CSVN cũng như các thế lực quốc tế không thể xem thường.

California, tháng 8 năm 2009

ไม่มีความคิดเห็น: