วันศุกร์ที่ 7 สิงหาคม พ.ศ. 2552

No412:Thấy gì trong dĩa DVD về Tân Cương do Bắc Kinh đưa ra

Bà Rebiya Kadeer

Này 28/07/2009, bộ ngoại giao Trung Quốc gọi Đại sứ Nhật ở Bắc Kinh đến để phản đối việc Tokyo cho vị Chủ tịch Liên đoàn Uyghur hải ngoại là bà Kadeer vào Nhật. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vũ Đại Vĩ nói với Đại sứ Nhật Miyamoto rằng, Trung Quốc cực lực phản đối việc Tokyo cấp chiếu khán cho bà Kadeer vào Nhật, và yêu cầu chính phủ Nhật phải ra lịnh cấm bà Kadeer tổ chức các buổi hội họp hay thảo luận làm phân hóa sự thống nhất đất nước và tình đoàn kết dân tộc của Trung Quốc. Vũ Đại Vĩ còn đe dọa rằng, nếu Nhật không làm theo lời yêu cầu của Trung Quốc thì sự bang giao giữa hai nước sẽ trở nên căng thẳng, phong trào bài Nhật tại Trung quốc sẽ bộc phát mạnh trong tương lai rất gần, và Nhật Bản phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những hậu quả này.

Cùng với sự phản đối vừa kể, Vũ Đại Vĩ còn trao cho đại sứ Nhật một dĩa DVD do Quốc vụ viện, tức phủ Thủ tướng Trung Quốc, phát hành, nội dung nói về vụ nổi loạn ở Tân Cương vừa qua. Bộ ngoại giao Trung Quốc muốn phía Nhật sẽ phân phối DVD này cho giới truyền thông Nhật, hầu người Nhật nhận ra ai là kẻ chủ mưu cuộc bạo loạn này. Đại sứ Miyamoto hứa sẽ chuyển những lời kháng nghị của Bắc Kinh cho Tokyo; tuy nhiên ông cũng cho Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc biết rằng, ở Nhật chẳng ai có quyền cấm người dân hội họp trong tinh thần ôn hoà để bàn thảo về bất cứ một vấn đề gì. Luật pháp Nhật đã quy định rõ như thế. Tuy nhận dĩa DVD, nhưng Đại sứ Miyamoto không hứa là sẽ phân phối lại cho giới truyền thông Nhật theo yêu cầu của Trung Quốc. Điều này cũng dễ hiểu, vì trên cương vị Đại sứ, ông Miyamoto không có nhiệm vụ làm theo những gì Bắc Kinh yêu cầu để tuyên truyền dùm cho Trung Quốc; trong khi cả nước Nhật hầu như ai cũng biết vụ bạo loạn ở Tân Cương vừa qua bắt nguồn từ việc Trung quốc ra tay đàn áp những cuộc biểu tình ôn hòa của người dân Uyghur.

Bắc Kinh hy vọng với áp lực của họ, Tokyo sẽ gây khó khăn cho những cuộc vận động nhân quyền cho sắc tộc Uyghur của bà Kadeer. Thế nhưng, sự việc lại trái ngược với những gì mà nhà cầm quyền Bắc Kinh mong đợi, nghĩa là chuyến đi Nhật của bà Kadeer thành công ngoài dự tưởng. Sứ quán Trung quốc ở Nhật hẳn nhiên là không vui với những diễn tiến đó, nên vào ngày 30/07/2009 họ đã mời các ký giả đến để xem trình chiếu dĩa DVD về cuộc bạo động ở Tân Cương, mà họ cho rằng bà Kadeer là chủ mưu.

DVD này dài khoảng 20 phút, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Nội dung là những hình ảnh đã được chiếu trên hệ thống truyền hình của Trung Quốc được sắp xếp lại, nhưng lồng thêm mấy cuộc điện đàm của bà Kadeer với những người trong tổ chức Liên đoàn Uyghur… Sau khi xem xong, nhiều ký giả đã chất vấn Đặng Vĩ, Đệ nhất Tham tán sứ quán Trung quốc ở Tokyo, về tính cách hợp pháp trong việc Trung Quốc lén lút ghi âm các cuộc điện đàm của bà Kadeer. Đặng Vĩ tránh né trả lời trực tiếp vấn đề, và cho rằng không nên quan tâm đến nguồn cung cấp những cuộc điện đàm đó, mà hãy chú ý đến nội dung để thấy rằng không ai khác hơn là bà Kadeer đã chủ mưu cuộc bạo động, khủng bố ở Tân Cương vừa rồi.

Một trong những người Nhật ủng hộ
bà Kadeer

Trong các cuộc điện đàm bị thu lén có những trao đổi tại cuộc họp qua điện thoại hôm 1 tháng 7 năm 2009 của những người trong Ban chấp hành Liên đoàn Uyghur hải ngoại; mà nội dung gồm ba điểm chính: Thứ nhất kêu gọi người Uyghur ở trong nước đừng sợ hãi nữa, mà hãy tích cực đứng lên đòi quyền sống; thứ hai kêu gọi thế giới đồng tình và ủng hộ cuộc đấu tranh của người Uyghur, và liên kết với dân tộc Tây Tạng trong tất cả các cuộc đấu tranh; và thứ ba chọn ngày 26 tháng 6 (tức là ngày hai người Uyghur bị người Hán sát hại) làm ngày liệt sĩ.

Cuộc trao đổi giữa bà Kadeer với ông Seyit Tumturk (Phó Chủ tịch Liên đoàn Uyghur hải ngoại) vào ngày 30/06/2009 cũng bị ghi âm lén. Qua đó, bà Kadeer nhấn mạnh rằng, cần phải đặc biệt lưu tâm đến sự kiện hai người Uyghur bị người Hán sát hại ở Quảng Đông, và phải tận dụng biến cố này… Cuộc điện đàm thứ ba bị thâu lén là điện thoại của bà Kadeer từ Hoa Kỳ về Urumqui (thủ phủ Tân Cương) báo cho người em trai biết rằng ngày mai (05/07/2009) sẽ có biểu tình, và khuyên người em hãy cẩn thận.

Các ký giả cũng chất vấn Đặng Vĩ về những hình ảnh biểu tình ôn hoà của người Uyghur mà họ đều thu nhận được, nhưng DVD của Trung Quốc lại dấu nhẹm những hình ảnh đó. Họ cho rằng người Uyghur biểu tình ôn hòa nhưng vẫn bị đàn áp, nên mới phát sinh bạo động. Hơn nữa, nội dung những cuộc điện đàm của bà Kadeer đều là bình thường, không hề có chủ trương bạo động hay khủng bố. Những điều bà Kadeer quan tâm chỉ là những điều bình thường và đó cũng là mối quan tâm của mọi người dân Uyghur khác.

Không những báo chí phát hành ở Nhật, mà báo chí tại nhiều nước khác cũng đều đã lên tiếng chỉ trích rất gay gắt việc nhà cầm quyền cộng sản Trung quốc đàn áp người dân Uyghur ở Tân Cương. Bị dư luận phản đối, Bắc Kinh “giận cá chém thớt”, nên ngày 1 tháng 8 họ đã ra lệnh các hãng máy bay không cho phóng viên báo chí ngoại ngữ dùng các phòng đợi (Lounge) dành cho thượng khách ở các sân bay quốc tế của Trung Quốc. Theo ghi nhận của các phóng viên nước ngoài tại Trung quốc, thì tại các sạp báo vẫn có bày bán những tờ báo ngoại ngữ, nhưng đã bị kiểm duyệt nội dung. Một số báo Hoa ngữ phát hành ở Hồng Kông vẫn không được phép lưu hành, vì trong đó có bài viết về Tân Cương không phù hợp những gì mà chính quyền Bắc Kinh công bố.

Chuyện đàn áp người dân Uyghur đã rõ như ban ngày, nhưng nhà cầm quyền Bắc Kinh vẫn cố bẻ cong sự thật. Do đó, trong việc lấn chiếm lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam, Trung Quốc chắc chắn đã và đang ra sức nguỵ tạo ra những bằng chứng lịch sử của họ. Điều không may cho dân tộc Việt Nam là chính những người cầm quyền ở Hà Nội không những đã không dám lên tiếng phản đối, mà nhiều khi còn ủng hộ những nguỵ tạo lịch sử của Trung Quốc, đồng thời tạo điều kiện để Trung Quốc hợp thức hoá sự lấn chiếm của họ. Vì vậy, chỉ có sự can đảm lên tiếng của người Việt Nam mới bẻ gãy được những nguỵ tạo của Trung Quốc và ngăn chặn được sự thông đồng của nhà cầm quyền Hà Nội trong việc Trung Quốc gặm nhấm dần giang sơn Việt Nam.

Ngô Văn

ไม่มีความคิดเห็น: