Tiến sĩ Nguyễn Quang A ở Hà Nội nói rằng Quyết định 97 của CSVN có thể gây nhiều thiệt hại cho công cuộc nghiên cứu khoa học .
“Ông Nguyễn Tấn Dũng bịt miệng cả nước!” Đó là một trong những lời chỉ trích của một số các nhà trí thức Việt Nam đối với một luật lệ mà chính phủ ở Hà Nội ban hành hồi gần đây nhằm hạn chế việc công bố ý kiến phản biện của các nhà nghiên cứu. Tiến sĩ Nguyễn Quang A của Viện Nghiên cứu Phát triển ở Hà Nội nói rằng Quyết định 97 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể gây nhiều thiệt hại cho công cuộc nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Trong khi đó, giáo sư Đoàn Viết Hoạt của Viện Quốc tế cho Việt Nam ở Virginia cho rằng hành động này nêu bật sự bảo thủ, trì trệ của giới lãnh đạo ở Hà Nội trong lúc đất nước ngày càng phát triển và hội nhập nhiều hơn với thế giới bên ngoài. Mời quí vị theo dõi thêm một số chi tiết về việc này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu với Duy Ái sau đây.
Hôm thứ hai (ngày 10 tháng 8), tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, ấn bản trên mạng, đã cho đăng một bài viết với tựa đề “Tổ chức khoa học công nghệ tư nhân: Phản biện phải đúng địa chỉ.” Bài viết này nhằm trình bày về Quyết định số 97 mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ngày 24 tháng 7 và sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15 tháng 9. Theo luật mới này, cá nhân chỉ được thành lập tổ chức nghiên cứu khoa học trong các lãnh vực mà chính phủ cho phép; và các nhà khoa học khi có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước thì phải gởi ý kiến đó cho cơ quan đảng và nhà nước mà không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ.
Luật mới này đã nhanh chóng bị nhiều người lên tiếng chỉ trích. Ngay trong ngày bài báo vừa kể được đăng tải, một website qui tụ các chuyên gia kinh tế học Việt Nam, có tên VnEconomist.net, đã đăng tải ý kiến phản đối của một blogger, trong đó nói rằng “việc cho phép phản biện nhưng cấm công bố cũng tương tự như cho phép suy nghĩ nhưng cấm nói ra.” Blogger này nói thêm rằng “nó cũng trái với điều 69 Hiến pháp năm 1992: ‘Công dân có quyền tự do ngôn luận’.”
Một ngày sau đó, nhà bình luận Ngô Nhân Dụng của nhật báo Người Việt ở California cũng đã cho đăng một bài viết chỉ trích điều mà ông gọi là “Ông Nguyễn Tấn Dũng bịt miệng cả nước.” Bài viết có đoạn nói rằng “Cái ông thủ tướng tự xưng mình là người yêu sự thật ra lệnh cho dân rằng ai muốn ‘góp ý kiến với những đường lối, chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước’ thì phải đưa ý kiến của họ cho ‘các cơ quan có thẩm quyền’ mà thôi.”
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà nghiên cứu ở Hà Nội, cho rằng quyết định đó của ông Nguyễn Tấn Dũng không thể có hiệu lực. Ông cho biết như sau trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài VOA.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói: “Bản thân cái Quyết định 97 này nó có nhiều điểm sai phạm về luật pháp. Cái thứ nhất là trình tự xây dựng và ban hành của nó vi phạm Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật, vừa bắt đầu có hiệu lực từ ngày mồng một tháng giêng năm 2009. Theo luật đó, những văn bản như là quyết định của thủ tướng này phải đưa ra công khai toàn văn ít nhất 60 ngày trước khi ký để các tổ chức và các cá nhân tham gia góp ý. Điều đó đã không được thực hiện. Thế thì về mặt thủ tục quyết định này vi phạm luật, nên tôi nghĩ rằng nó không thể có hiệu lực.”
Ông Nguyễn Quang A là người đứng đầu một tổ chức nghiên cứu tư nhân có tên là Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, qui tụ nhiều khuôn mặt trí thức nổi tiếng ở Việt Nam như Phan Đình Diệu, Lê Đăng Doanh, Chu Hảo, Tương Lai, Phan Huy Lê, Phạm Chi Lan, và Nguyễn Trung. Ông Nguyễn Quang A cho rằng Quyết định 97 có thể gây trở ngại rất nhiều cho công cuộc nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, trong lúc giới lãnh đạo ở Hà Nội đã nhiều lần nói tới ý định xây dựng một nền kinh tế tri thức.
Ông Nguyễn Quang A nói tiếp: “Về nội dung thì nó có rất nhiều điểm trái với nhiều luật. Như cái điểm mà ông nói, là phản biện chỉ được nói cho cơ quan, thì tôi nghĩ nó còn trái với cả hiến pháp hiện hành của đất nước Việt Nam. Ngoài ra nó còn có nhiều điểm khác. Thí dụ như việc liệt kê một danh sách các lãnh vực để cho người ta chỉ được làm theo những cái đó. Tôi nghĩ rằng đấy là vi phạm rất nặng quyền tự do nghiên cứu của các nhà khoa học. Khoa học rất mênh mông và biến đổi rất nhanh. Sự phát triển của nó cần phải như thế. Không thể khoanh lại là chỉ được làm mấy trăm cái lãnh vực mà người ta nghĩ như thế. Khoa học bây giờ nó liên ngành, nó kết nối với nhau các lãnh vực, các ranh giới cũng hòa quyện với nhau thì làm sao có thể đưa ra danh mục như thế. Mà đưa ra danh mục như thế có nghĩa là cấm tất cả các thứ khác còn lại. Mà như thế sẽ cản trở rất nhiều cho sự phát triển của khoa học của đất nước này.”
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt là một nhà hoạt động dân chủ kỳ cựu của Việt Nam đang sống lưu vong ở Mỹ. Ông cho biết ý kiến như sau về quyết định “cấm phản biện công khai” của chính quyền Cộng Sản ở Hà Nội.
doan_viet_hoat_210Giáo sư Ðoàn Viết Hoạt, nhà hoạt động dân chủ Việt Nam đang sống lưu vong ở Hoa Kỳ
Giáo sư Ðoàn Viết Hoạt nhận định: “Theo tôi thì đây, một lần nữa, cho thấy rõ cái mâu thuẫn nội tại của chế độ và nhà nước hiện nay ở Việt Nam. Vì, nếu nói theo từ ngữ của chính Marx, thì chế độ và nhà nước hiện nay ở Việt Nam đang phải đối diện với cái mà ông Marx gọi là sự khốn cùng của chế độ. Trước đây thì có thể đối phó với ngoại địch vì huy động được sức mạnh của toàn dân, nhưng ngày nay ngoại địch từ phương Bắc chính là chỗ dựa của chế độ. Còn ở trong nước thì nói tới phản biện. Nhưng mà phản biện chân chính thì phải giữ được độc lập với đảng và nhà nước, nếu không thì chỉ là phản biện giả. Cho phép phản biện, nhưng nếu phản biện một cách trung thực thì một mặt thách thức uy tín và sự lãnh đạo của đảng và nhà nước, và mặt khác, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trí thức, mạnh dạn đối chất với nhà nước, nếu chưa dám đối lập thật sự.”
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt cho rằng việc ông Nguyễn Tấn Dũng ra Quyết định 97 để trói tự do phản biện lại thì ông càng làm cho người dân thấy rõ sự bất nhất của người cầm quyền.
Ông nói thêm: “Mỗi một lần như thế thì lại làm hao mòn thêm cái vị thế đường đường chính chính của người cầm quyền và mất đi tính chính nghĩa và chính thống của chế độ. Vừa mở ra lại phải dùng bạo lực để trói lại, dù đó là bạo lực mềm tức là qua các quyết định hay bạo lực cứng tức là qua sự đàn áp và bắt bớ. Nhưng cơ chế hiện nay bị khốn cùng vì sự mâu thuẫn căn bản nhất chính là mâu thuẫn giữa xã hội, người dân với Đảng và Nhà nước. Theo tôi nghĩ, người dân đã được cởi trói về kinh tế thương mại, đất nước đã được mở rộng ra với thế giới bên ngoài, giúp cho người dân có thêm thông tin, hiểu biết, và từ đó họ đòi hỏi thêm tự do trong các lãnh vực thông tin, giáo dục, và hoạt động xã hội cũng như chính trị. Dân thì càng ngày trẻ hơn và tiến bộ hơn, xã hội ngày càng phát triển hơn, đất nước ngày càng được mở rộng hơn ra với thế giới; nhưng mà chế độ, cơ chế lãnh đạo cũng như nhà nước vẫn trì trệ, bảo thủ. Biện pháp trói lại phản biện là một minh chứng cho thấy cái mâu thuẫn căn bản này. Nhưng nguy cơ lớn nhất của mâu thuẫn này, theo tôi, là đất nước và dân tộc không có được sức mạnh thống nhất để đối phó với hiểm họa mất nước từ ngoại địch phương Bắc.”
VOA
สมัครสมาชิก:
ส่งความคิดเห็น (Atom)
ไม่มีความคิดเห็น:
แสดงความคิดเห็น