วันพุธที่ 5 สิงหาคม พ.ศ. 2552
No404:Bát Nhã và Tam Toà
Hai biến cố liên can đến tôn giáo gần đây, vụ Tu viện Bát Nhã và vụ Nhà thờ Tam Tòa, có những điểm giống nhau và khác nhau, nhưng cả hai cùng do một nguyên nhân, là chế độ độc tài toàn trị của đảng Cộng Sản Việt Nam. Ðảng này đã tước đoạt những quyền tự do căn bản của người dân bình thường, và họ có thái độc thù ghét các tôn giáo, cho nên họ đàn áp từ tăng ni Phật tử đến các tín hữu Công Giáo.
Bát Nhã và Tam Tòa cho thấy cảnh những người dân thực hành tín ngưỡng của họ và bị ngăn cản và đàn áp. Trong cả hai vụ, đảng Cộng Sản đều trốn trách nhiệm không dám chính thức ra mặt mà thả cho đám tay sai cấp dưới làm bậy. Trong cả hai trường hợp, công an Cộng Sản đều thuê tay sai đóng vai thường dân làm những hành động côn đồ. Cả hai vụ đang gây tiếng vang trong dư luận quốc tế và đồng bào trong nước đang chú ý theo dõi, cuối cùng đảng Cộng Sản không thể trốn trách nhiệm được nữa. Nhưng cả hai biến cố này cho thấy sức mạnh của tín ngưỡng tâm linh được biểu hiện, khiến mọi người Việt Nam phải xúc động. Họ sẽ nhìn thấy một chế độ trống rỗng trong tư tưởng và lúng túng trong việc làm, đang tiến gần đến ngày tàn tạ.
Những sự kiện xẩy ra ở Bát Nhã và Tam Tòa có những điểm khác nhau. Bát Nhã là một vụ lật lọng, lường đảo của chế độ Cộng Sản theo lệnh của ngoại bang; còn Tam Tòa là một vụ cướp đoạt quyền sở hữu nhằm mục đích cản trở sinh hoạt tôn giáo.
Tu viện Bát Nhã trước sau vẫn thuộc quyền sở hữu của Thượng Tọa Ðức Nghi, một người trong Giáo Hội Phật Giáo được nhà nước Cộng Sản kiểm soát. Ngay cả những khu đất mới mua và các cơ sở mới xây cất tại đó, do các Phật tử Làng Mai ở khắp thế giới cúng trị giá một triệu Mỹ kim, cũng vẫn thuộc quyền sở hữu của vị trụ trì cũ chùa này. Ông sư Ðức Nghi đã sang Làng Mai bên Pháp xin theo học pháp môn mới nhiều lần, và xin hiến cúng Bát Nhã, một trong nhiều ngôi chùa của ông, nhưng Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh đã không nhận mà chỉ hứa gửi các tăng ni về giúp hướng dẫn việc tu tập theo quy củ Làng Mai giúp cho tu viện thêm sinh khí mới.
Sau khi các tăng, ni Làng Mai về Bát Nhã được bốn năm, họ đã quy tụ được gần 400 tăng ni trẻ mới; ngoài ra còn thu hút hàng ngàn Phật tử từ nhiều nơi trong nước về tu tập những cuối tuần. Phương pháp tu học mới thu hút giới trẻ ở Việt Nam và khắp thế giới vì cho họ thấy có cách thực hành đạo Phật vào cuộc sống của chính họ trong thời đại này. Sự có mặt của các giáo thọ Làng Mai giúp các tăng ni mới xuất gia và Phật tử thấy lối sống theo thanh quy trong tự viện và cách thực hành đạo Phật trong đời sống tại gia đem lại an lạc thực sự. Trong Tháng Bẩy 3009, tại chùa Hoằng Pháp ở Hóc Môn, hơn 6,000 Phật tử trẻ tuổi đã tụ họp tĩnh tu, một hoạt động theo phương pháp của Làng Mai, vì hiện nay người ta không được phép đến Bát Nhã tu tập nữa. Hòa Thượng Nhất Hạnh đã thuyết giảng ở chùa này trong hai lần về nước. Pháp môn mới từ Tu Viện Bát Nhã lan ra có thể gây ảnh hưởng rộng lớn, là một lý do khiến chính quyền Cộng Sản lo sợ họ mất khả năng kiểm soát. Nhưng áp lực của Cộng Sản Trung Quốc là nguyên nhân trực tiếp. Cộng Sản Trung Quốc đã bất bình khi Hòa Thượng Nhất Hạnh ủng hộ nhân dân Tây Tạng và còn đề nghị Cộng Sản Việt Nam mời Ðức Ðạt Lai Lạt Ma tới Việt Nam dự lễ Phật Ðản năm ngoái trong một chương trình được Liên Hiệp Quốc bảo trợ. Cộng Sản Trung Quốc đã yêu cầu Hà Nội cấm Hòa Thượng Nhất Hạnh về nước dự lễ, nhưng chính quyền Hà Nội không làm theo vì uy tín quốc tế của nhà sư 82 tuổi này quá lớn.
Sau Lễ Vesak năm ngoái, các tăng ni giáo thọ của Làng Mai bắt đầu bị quấy nhiễu, ngăn cản, và sau cùng tất cả đã phải ra khỏi Việt Nam. Ðối với 379 tu sĩ còn lại, Cộng Sản ra lệnh cho Thượng Tọa Ðức Nghi đuổi họ ra khỏi chùa Bát Nhã, dùng luật lệ về hộ khẩu để cấm những tu sĩ trẻ này tiếp tục đường tu học. Ðiều đảng Cộng Sản Việt Nam không ngờ được là hạt giống đạo được gieo vào tâm thức của 400 tăng ni mới ở Bát Nhã đã biến họ thành những con người không sợ hãi và không phản ứng bạo động trước những hành động tàn ác. Nhiều người bị cha mẹ gọi về vì áp lực của công an cũng đã quay trở lại Bát Nhã để sống chết với đồng đạo. Những người trẻ tuổi này, từng sống dưới chế độ Cộng Sản từ bé đến lớn, sau mấy năm tu tập theo đạo Phật đã tự chuyển hóa để tạo được tâm an nhiên tự tại trước mọi khiêu khích, lăng mạ, đe dọa, và đánh đập. Ðảng Cộng Sản Việt Nam không thể trục xuất những tăng ni trẻ này ra khỏi Việt Nam, mà cũng thể đánh đập mãi những người xuất gia ngồi lặng lẽ niệm Phật trong khi bị cắt điện, cắt nước, bị phong toả cả thức ăn. Ðồng bào trong vùng, cả các tín hữu Công Giáo láng giềng, đã bầy tỏ tình đoàn kết với các tăng ni bị quấy phá và đàn áp, hậu quả của vụ Bát Nhã có thể lan ra rộng mặc dù báo chí trong nước bị cấm loan tin. Người dân Việt Nam sẽ tự hỏi một chế độ, một đảng chính trị và một chính quyền như thế nào mà lại có những hành động kém văn minh đối với những người chỉ chú tâm hành đạo như vậy? Ðó cũng là câu hỏi đặt ra khi chúng ta chứng kiến vụ Tam Tòa.
Ngôi nhà thờ ở Tam Tòa đã dựng lên từ năm 1887, là nhà thờ chính của cả Giáo Phận Vinh. Từ khi ngôi nhà thờ cổ bị máy bay Mỹ phá năm 1968, giáo phận vẫn chưa có một giáo đường chính, mặc dù hiện nay lên tới nửa triệu tín đồ. Lịch sử giáo phận này đã bắt đầu từ năm 1631 khi những giáo dân đầu tiên đã tụ thành một xóm đạo. Từ khi chiến tranh chấm dứt, các giáo dân đã đòi được xây dựng nhà thờ chính tòa tại địa điểm cũ nhưng bị chính quyền Cộng Sản từ chối, lấy cớ muốn giữ ngôi tháp chuông bị phá làm “chứng tích tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ.” Không thấy chính quyền Cộng Sản trưng ra một bằng cớ nào là khu đất nhà thờ đã bị trưng dụng làm của công. Lối cai trị của đảng Cộng Sản vẫn như vậy, lời nói và mệnh lệnh của cán bộ có thể thay cho pháp luật. Cho nên suốt 40 năm qua các giáo dân Vinh đã không có một nhà thờ xứng đáng với lịch sử sự phát triển của cộng đồng tín hữu. Suốt 34 năm qua kể từ khi hòa bình, giáo dân Vinh đã phải nhịn nhục, vì “trước kia lơ mơ là bị dẹp liền,” đúng như lời của Linh Mục Huỳnh Công Minh, một người đã từng được gọi là “linh mục quốc doanh” ở Sài Gòn. Con sâu xéo lắm cũng quằn, giữa Tháng Bẩy người dân Công Giáo ở Vinh đã tự động kéo đến nền đất nhà thờ cũ dựng lên một ngôi nhà tạm dùng làm nơi thờ phượng. Khu đất đó vẫn thuộc chủ quyền của Giáo Phận Vinh, mới được tái lập từ năm 2006. Các giáo dân dựng ngôi nhà trên khu đất chung của họ. Nhưng chính quyền Cộng Sản đã ra tay đàn áp để cấm cản. Khi quân Trung Quốc cướp chiếm những hoàn đảo thuộc hải phận nước Việt Nam thì Cộng Sản không dám dám phản đối bằng hành động mà lúc nào cũng một mực nhún nhường xin bàn thảo, dù biết cứ nói hão như thế thì chẳng bao giờ đi đến đâu. Nhưng khi người dân dựng lại nhà trên khu đất thuộc quyền sở hữu của giáo phận thì cũng chính quyền Cộng Sản đó lại thẳng tay đánh đập để ngăn cản! Và tại nhà thờ Tam Tòa họ cũng dùng một thủ đoạn giống như ở tu viện Bát Nhã: kéo một đám côn đồ tới chửi bới và hành hung những tín đồ một tôn giáo đang làm bổn phận với tín ngưỡng của họ! Thủ đoạn ném đá giấu tay đó còn được công an Cộng Sản bồi thêm bằng việc bắt giữ giáo dân, đánh các linh mục rồi ném người qua cửa sổ nhà thương. Ðối với những người có tín ngưỡng tâm linh thâm sâu bền chặt, các thủ đoạn đó càng tạo phản ứng ngược lại, người dân càng vững tin hơn. Chỉ nhìn vào cách đảng Cộng Sản sử dụng những phương pháp đê hèn và vô hiệu đó cũng thấy họ đang lâm vào tình trạng bối rối và bế tắc. Ðây là nhóm người lãnh đạo một đảng đang trống rỗng về tư tưởng, các đảng viên mất niềm tin chỉ chờ ngày tan rã, mạnh ai nấy chỉ mong vơ vét cho đầy túi tham. Một dấu hiệu của sự trống rỗng trong đầu óc đảng Cộng Sản là những lời phê bình của một cán bộ đứng đầu Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo của đảng. Ông này lý luận rằng các giáo dân gốc ở Tam Tòa đã di cư vào Nam hết cả, khu đất nhà thờ không thuộc quyền sử dụng của những giáo dân mới, cho nên họ không được dùng nữa. Nói như vậy là không hiểu một giáo hội, một giáo phận là một thực thể pháp lý riêng, không tùy thuộc vào các cá nhân trong đó còn sống hay đã chết, còn ở tại chỗ hoặc đã đi xa. Một cán bộ cao cấp về tôn giáo mà trình độ hiểu biết ấu trĩ như vậy, thật đáng xấu hổ. Ông này còn nói giáo dân Tam Tòa đã “từ bé xé ra to” khi chuyển một “vấn đề dân sự thành vấn đề tôn giáo.” Chính nhận xét này vô tình cho thấy tất cả tội lỗi là do chủ trương, đường lối của đảng Cộng Sản gây ra. Vì phải đặt câu hỏi: Nguyên nhân vì sao mà “một vấn đề dân sự biến thành vấn đề tôn giáo?”
Chính chủ nghĩa Cộng Sản và đảng Cộng Sản đã tạo ra tình trạng đó. Ðảng Cộng Sản, từ thời Lê nin, sau khi cướp chính quyền phải thi hành chính sách toàn trị, tức là kiểm soát tất cả đời sống của dân bị họ cai trị, từ miếng cơm manh áo tới đời sống tinh thần. Trong đó có cả cuộc sống tâm linh. Do đó, họ coi các tôn giáo là thù nghịch, các tu sĩ, giáo hội là những mục tiêu phải trừ khử. Ðảng Cộng Sản không thể chấp nhận cho người dân được hướng về bất cứ một đạo lý, một đức tin nào khác, ngoài chủ nghĩa Cộng Sản; không được tôn kính ai ngoài các lãnh tụ đảng. Chính chủ trương độc tài toàn trị đó đã biến bao nhiêu vấn đề không có tính cách tôn giáo trở thành vấn đề tôn giáo. Ðã chính trị hóa các hoạt động tôn giáo bị ngăn cấm.
Trong vụ Bát Nhã, vấn đề chính là đảng Cộng Sản muốn chiếm độc quyền kiểm soát các Phật tử trong một giáo hội Phật Giáo nhà nước chỉ định. Trên căn bản, đây là vấn đề xâm phạm quyền tự do lập hội. Các tu sĩ bị đuổi lấy cớ thiếu hộ khẩu vì họ không có quyền tự do cư trú. Trong vụ Tam Tòa, căn bản là việc sử dụng đất đai bị nhà nước chiếm độc quyền, thích ai thì cho, không thì cấm. Ðảng Cộng Sản Việt Nam không đối xử tàn nhẫn riêng với các tăng ni Bát Nhã hoặc giáo dân Tam Tòa. Tất cả mọi người Việt Nam đều bị mất những quyền tự do như vậy. Tất cả mọi người dân Việt Nam đều là nạn nhân của chủ trương độc quyền chính trị của đảng Cộng Sản. Nhưng khi tín đồ các tôn giáo bị mất tự do thì vấn đề trở thành quyền tự do tín ngưỡng bị xúc phạm. Vì tín đồ các tôn giáo chỉ được tự do hành đạo khi nào tất cả mọi người dân Việt Nam được tự do lập hội, tự do cư trú và tự do sử dụng đất đai hợp pháp do tổ tiên mình để lại. Cho nên không phải các tăng ni ở tu viện Bát Nhã hay các giáo dân Tam Tòa đã chính trị hóa những vụ đàn áp của chính quyền Cộng Sản. Ðảng Cộng Sản đã chính trị hóa tất cả đời sống của người dân Việt vì chủ trương độc tài toàn trị của họ. Ở Bát Nhã, người dân đi tu đã bị đàn áp vì không có quyền tự do hội họp và tự do cư trú. Ở Tam Tòa, các giáo dân bị đàn áp vì không được quyền sử dụng đất đai thuộc quyền của giáo phận.
Các tăng ni Bát Nhã và đồng bào Công Giáo Tam Tòa đang đòi được hưởng những quyền tự do căn bản. Họ có thể mở đầu một phong trào đòi tự do dân chủ cho mọi người Việt Nam.
Hai vụ Bát Nhã và Tam Tòa xẩy ra trong lúc bao nhiêu người Việt khác đang phẫn nộ vì những vụ Hoàng Sa, Bô xít, và tầu đánh cá Việt Nam bị đâm chìm ở biển Ðông. Mọi người dân Việt Nam sẽ hiểu rằng đây không phải là những vấn đề thuần túy tôn giáo, Bát Nhã và Tam Tòa là dấu hiệu của cảnh lúng túng bất lực của một chế độ sắp tan rã. Bà con sẽ thấy rõ người dân sống trong nước ta đã bị tước đoạt những quyền tự do dân chủ căn bản để được sống xứng đáng làm người. Khi mọi người hiểu như vậy, thì chế độ Cộng Sản sẽ phải cáo chung.
สมัครสมาชิก:
ส่งความคิดเห็น (Atom)
ไม่มีความคิดเห็น:
แสดงความคิดเห็น