วันจันทร์ที่ 17 สิงหาคม พ.ศ. 2552

No 438: Công nhân thép Thông Hóa (Tonghua) giết giám đốc

Thạch Tảo ‒ Tổng hợp


“Nếu tụi bay không giết tao ngay hôm nay, nếu tao còn sống, thì tao báo cho tụi bay biết… tụi bay sẽ không có canh rau mà húp.”

Đây là những lời nói sau cùng, theo lời các nhân chứng kể lại, của ông Chen Guojun (Trần Quốc Quân) người bị các công nhân công ty Sắt Thép Thông Hóa xúm vào đánh chết (1)

Tóm tắt sự việc

Vào ngày 24/07/2009, khoảng 30 ngàn công nhân công ty Sắt Thép Tonghua (Thông Hóa Cương Thiết Tập Ðoàn‒ Tonghua Iron and Steel Co.) thành phố Cát Lâm (Jilin) đã biểu tình phản đối việc tư nhân hóa công ty Thông Hóa. Theo các công nhân kể lại thì giám đốc Quân đã ra thông báo công ty dự trù trong vòng 3 ngày sẽ giảm số công nhân trong vùng Cát Lâm từ 13 ngàn người xuống còn 5 ngàn.


Người lao động hãng Tonghoa biểu tình
Nguồn: chinaworker.org
Theo bản tin của tờ Beijing News, khi thấy các công nhân biểu tình ông Quân đã ra lệnh cho họ phải trở về làm việc, điều này làm cho họ thêm căm phẫn. Ông Quân đã bị đấm, bị đá tới tấp. Có người còn lấy chai nước và phân ném vào ông ta. Có người nói đã thấy ông Quân bị đá bằng ủng nặng (giầy bốt an toàn) của thợ thép và bị xô xuống cầu thang. Xe cứu thương và xe công an đã chạy đến và cố xông vào nhưng đều bị các công nhân chận lại và đẩy bật ra.

Vào 9 giờ tối cùng ngày, công ty Thông Hóa tuyên bố trên đài truyền hình địa phương là chính quyền tỉnh Cát Lâm ra lệnh ngưng ngay lập tức việc tư nhân hóa. Đám đông giải tán vào lúc 10 giờ tối. Nhà máy thép, sau 11 tiếng ngưng chạy, đã hoạt động trở lại vào lúc nửa đêm. (2)


Nguyên nhân cuộc biểu tình

Chen Guojun, GĐ Tonghoa bị công nhân đánh chết
Nguồn: online.wsj.com
Công ty Thông Hóa, một công ty quốc doanh điển hình của Trung Quốc, có khoảng 50 ngàn công nhân. Trong những năm gần đây Thông Hóa bị khủng hoảng trầm trọng. Năm 2005, tập đoàn Jianlong (Kiến Long Cương Thiết Công Ty‒ Jianlong Heavy Machinery Group) một trong những công ty tư nhân về thép lớn nhất Trung Quốc đề nghị mua lại Thông Hóa. Sau đó, Kiến Long đã rút ra khi thấy giá sắt thép xuống thấp. Nhưng khi thấy nhu cầu về thép tăng lên thì Kiến Long trở lại. Ðại diện của Kiến Long, Trần Quốc Quân, đã tới làm giám đốc công ty Thông Hóa để thu xếp việc tư hữu hóa.

Một người tham gia đoàn biểu tình kể lại rằng:

“Bắt đầu chỉ có một vài công nhân đã về hưu lên tiếng phản đối việc sa thải. Tin này lan nhanh sau đó, và chúng tôi tụ tập bên ngoài công ty để bàn tính với nhau. Dần dần, nhiều công nhân ca tối và gia đình của họ cũng đến họp. Ai cũng thấy nếu như Thông Hóa sa thải người nhiều người như vậy thì chẳng có ai ở khu vực này có thể kiếm được việc làm nữa.”

Ngoài ra, nếu công ty Thông Hóa bị tư nhân hóa thì các công nhân có thể bị mất đi cổ phần của họ trong công ty (từ 300 ngàn đến 30 ngàn cổ phần mỗi người tùy theo mức độ thâm niên). Sự giận dữ của công nhân còn vì sự chênh lệch trong lương bổng, người công nhân về hưu chỉ được trả khoảng 200 đồng Nhân Dân Tệ, trong khi đó, giám đốc Trương thì được lãnh tới 3 triệu đồng NDT(khoảng 440,000 đô la Mỹ).

Luật Lao Động của nhà nước Trung Quốc có nói rất rõ ràng rằng khi các công ty muốn thay đổi tô/ chức thì trước tiên họ phải có các buổi hội thảo với đại diện công nhân. Thế nhưng công ty Sắt Thép Thông Hóa đã một mình tiến hành các toán tính của mình mà không đếm xỉa gì đến ý kiến của công nhân. (3)


Lỗi tại ai?

Gia đình của ông Quân, vợ và 3 con, nói rằng họ muốn thấy công lý sáng tỏ, “Chúng tôi không cần bồi thường, chúng tôi muốn những kẻ giết người bị trừng trị” (4)


Bạo động tại hãng thép Tonghoa
Nguồn: burntbookmobile.wordpress.com
Theo phúc trình của China Labour Bulletin thì ở Trung Quốc không ai biết thực sự có bao nhiêu công nhân đấu tranh đã bị bắt giữ. Những công nhân này có thể bị bắt đi “học tập cải tạo” không cần xét xử cũng không cần chứng cứ phạm tội. Thế nhưng, sự đấu tranh của công nhân vẫn ngày càng gia tăng. (5)

Trong 15 năm gần đây những cuộc đình công, biểu tình, bạo động từ phía người dân đã liên tiếp xảy ra nhiều hơn những năm 1920. Hàng triệu công nhân các ngành sản xuất bị mất việc làm, còn lợi tức thu nhập của nông dân thì quá thấp kém.

Chính sự bùng phát về kinh tế của Trung Quốc đã tạo ra sự mất quân bình to lớn nhất cho nước này kể từ năm 1949. Nếu Trung Quốc là mô hình tương lai của chủ nghĩa tư bản thì đó chắc chắn sẽ là một tương lai u ám, căng thẳng và đầy bắt trắc. (6)



(1) ‒ Workers speak of Tonghua boss' murder, en.ce.cn, 07/31/2009
(2) ‒ Steel boss dies after riot, Qiao Long, rfa.org, 07/27/2009
(3) ‒ Killing of China steel plant boss halts sale Richard McGregor in Beijing, 26/7/2009, ft.com
(4) ‒ Angry workers beat Toghua Steel boss to death, Eric Mu, danwei.org, 07/27/2009
(5) ‒ No Way Out ‒ Worker Activism in China’s State-Owned Enterprise Reforms, clb.org.hk, 07/2008
(6) ‒ Growth in Chinese inequality leads to rise in protest, socialistworker.co.uk, 28/08/2007

ไม่มีความคิดเห็น: