Báo Dân Trí, số ra ngày 20 tháng 8 năm 2009, đi tin:
“Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa bổ nhiệm bà Nguyễn Phương Nga làm người phát ngôn mới của cơ quan này, thay thế cho ông Lê Dũng, được luân chuyển công tác khác. Bà Nguyễn Phương Nga, sinh năm 1963, đã từng theo học ngành báo chí quốc tế tại Nga từ năm 1982-1987. Bà về công tác tại Bộ Ngoại giao từ đầu năm 1989 và hiện giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao.”
“Tại cuộc họp báo với tư cách là người phát ngôn của bộ Ngoại giao Việt Nam vào chiều ngày hôm nay 20/8, bà Nguyễn Phương Nga hi vọng nhận được sự ủng hộ, hợp tác của các cơ quan báo chí Việt Nam, các hãng thông tấn nước ngoài tại Việt Nam và các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam như đối với người tiền nhiệm của bà.”
Tôi thực vô cùng lấy làm tiếc là sẽ không có cơ hội để “ủng hộ” hay “hợp tác” với người phát ngôn mới của bộ Ngoại giao Việt Nam, như bà Nguyễn Phương Nga hy vọng. Lý do (giản dị) chỉ vì tôi không phải là một thành viên của các cơ quan báo hay các hãng thông tấn trong và ngoài Việt Nam. Tôi cũng không làm việc cho bất cứ cơ quan đại diện ngoại giao nào ráo.
Với tư cách là một công dân lão hạng, một người lớn tuổi hơn bà Nga và đã chứng kiến cung cách làm việc của những vị phát ngôn viên tiền nhiệm, tôi cũng xin được gửi lời chúc mừng bà Nga ở chức vụ mới. Và nhân dịp này cũng xin mạn phép được chia sẻ với bà vài câu chuyện (nhỏ) có liên quan đến công tác mà bà sắp đảm đương, vào những ngày tháng tới.
Tôi nghe kể lại là bà Phan Thúy Thanh, khi còn tại chức, nuôi một con két tuyệt đẹp và nói rất sõi. Có hôm, chả may, nó xổ lồng bay mất. Bà ấy nhờ báo đăng tin để tìm lại con vật qúi. Báo chưa in xong, đã thấy có người đến gõ cửa.
Hỏi: Sao anh biết là con vẹt này của tôi.
Đáp: Nó chối leo lẻo suốt ngày nên nhà cháu biết ngay là của bà chứ còn ai vào đây nữa.
Sau đó bà Phan Thúy Thanh rao bán con két để lấy tiền tiêu, bù vào số lương hưu hơi (bị) thấp. Có người mua được, thích lắm, hí hửng mang về giao ngay cho vợ rồi tiếp tục đi làm. Chiều về, đương sự hấp tấp hỏi ngay:
- Con két mua ban sáng đâu rồi.
- Ở trong lò chứ đâu.
- Ối Giời, con két mua cả ngàn đô la mà đem nướng à.
- Vẹt gì mà giá cả ngàn đô?
- Nó nói sõi lắm, và nói được mấy thứ tiếng cơ đấy.
- Thế mà ban nẫy gạn hỏi mãi nó vẫn cứ chối đây đẩy nên ai mà biết!
Dù con con két đã lìa đời và bà Thanh đã hết thời nhưng truyền thống nói dối và chối thì vẫn được kế tục bởi người kế nhiệm. Ngay sau khi nhận chức, khi bị chất vấn con số thương vong của người Thượng tại Tây Nguyên – sau cuộc nổi dậy, vào hôm Lễ Phục Sinh 10 tháng 4 năm 2004 – ông Lê Dũng, Phát Ngôn Viên của Bộ Ngoại Giao của nước CHXHCNVN đã nói rằng:
“Hoàn toàn không có ai bị đánh chết ở Buôn Ma Thuột như tin của Human Rights Watch. Chúng tôi cực lực bác bỏ tin này.”
Theo truyền thống ở ta, cứ “cực lực bác bỏ” – nghĩa là chối ngay, chối bay, chối biến, chối phăng, chối phắt, chối nằng nặc, chối bai bải, chối đây đẩy, chối quầy quậy, chối tuốt luốt – như thế là kể như … xong chuyện, và hết chuyện. Khỏi phải nói nhiều.
Riêng chuyện đổ máu ở Tây Nguyên (hồi đó) ngó bộ khó xong. Bởi vậy, mấy bữa sau, ông Phạm Thế Duyệt – Chủ Tịch Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc – trong một cuộc phỏng vấn dành cho vietnamnet.vn (vào ngày 17 tháng 4 năm 2004) đành phải nhận rằng:
“Chỉ có hai người trong số những người cố ý gây rối trật tự công cộng bị chết do chính họ ném đá vào nhau. Ngoài ra, còn có vài chục người bị thương trong các cuộc ẩu đả lẫn nhau” thôi. Ít xịt hà!
Ý Yàng ơi, coi kìa: Sao khi khổng khi không cái hàng chục ngàn người Thượng, bỏ buôn làng, lũ lượt kéo vô thành phố, chia làm hai phe, dàn hàng ngang, rồi “ném đá vào nhau” và ” ẩu đả lẫn nhau” cho … tới chết luôn – vậy cà? Nói (đại) như vậy mà nói được sao? Thằng chả, rõ ràng, nói láo!
Con két của bà Thanh đã lìa đời. Bà ấy thì cũng đã hết thời. Ông Phạm Thế Duyệt cũng như ông Lê Dũng cũng không còn tại vị. Kẻ phải đứng mũi chịu sào bây giờ chỉ có mỗi bà Nguyễn Phương Nga thôi. Trước cảnh “hoa lạc giữa rừng gươm,” tôi càng nghĩ lại càng ái ngại. Một lần nữa, ước mong bà Tân Phát Ngôn Viên của Bộ Ngoại Giao gặp ít sự cố hơn, và nhiều may mắn hơn, trong những ngày tháng tới.
Thường Dân Tưởng Năng Tiến
วันเสาร์ที่ 22 สิงหาคม พ.ศ. 2552
สมัครสมาชิก:
ส่งความคิดเห็น (Atom)
ไม่มีความคิดเห็น:
แสดงความคิดเห็น