Năm 2009 đứng trước một tương lai với nhiều ẩn số.
Các nhà kinh tế-xã hội đã dự đoán trật lất cho nhiều sự kiện trong năm 2008. Thử ghi lại vài điều:
- “Barack Obama không có khả năng đánh bại Hillary Clinton trong cuộc bầu cử của đảng Dân Chủ, dù chỉ ở một tiểu bang” – William Kristol, “Fox News Sunday”, 17/12/2006. Không những B. Obama giành chiến thắng mà còn trở thành Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ.
- “Sự đe doạ cho vận tải biển đã giảm đi nhiều hơn người ta tưởng. Thứ nhất, các tàu chở dầu được bảo vệ tốt trước các cuộc tấn công hơn mức chúng ta nghĩ tới. Thứ nhì, rất ít khả năng các cuộc xung đột địa phương trong tầm ngắn có thể gây tác hại đáng kể đối với các phương tiện vận chuyển” – Dennis Blair và Kenneth Lieberthal, “Foreign Affairs”, 5-6/2007. Kết cục: Trong năm 2008, hải tặc đã cướp đi hơn 50 tàu. Gần nhất đây, ngày 15/11/2008, hải tặc đã cướp tàu chở 2 triệu thùng dầu trên Ấn Độ Dương.
- “Peter viết: Tôi có nên bất an về khả năng tiền tệ của Bear Stearns và rút tiền của mình ra? Không, không, không! Bear Stearns không hề có khó khăn. Có nghĩa là, thậm chí nếu chuyện gì xảy ra thì sẽ có ai đó tiếp nhận. Bạn đừng rút tiền ra khỏi Bear! Bạn đừng làm kẻ ngốc!” – Jim Cramer, CNBC – “Mad Money”, 11/03/2008. Chỉ 6 ngày sau, Bear Stearns rối loạn vì tiền bị rút ra ào ạt, cổ phiếu sụt giá 90% và JP Morgan Chase mua lại với giá vài xu…
- “Ai đó nói rằng, chúng ta đang có suy thoái kinh tế hay đang tiến tới nó – mà trước hết là những ai nói về thời Đại Khủng Hoảng – là tự mình đưa ra một định nghĩa cho từ “suy thoái” – Donald Luskin, “The Washington Post”, 14/09/2008. Một ngày sau, Lehman Brothers tuyên bố phá sản. Các Blogers gọi Trend Macrolytics, giám đốc về đầu tư, là “người ngu ngốc nhất còn sống”.
- “Tôi tin rằng, chúng ta sẽ thành công trong việc ổn định hệ thống ngân hàng. Không ai còn đưa ra câu hỏi rằng, liệu một định chế nào đó phá sản, thì chúng ta không có khả năng làm gì nữa?” – Henry Paulson, “National Public Radio”, 13/11/2008. Dù được quốc hội bơm 700 tỷ đôla, 300 tỷ đã bắn phá trong nửa tháng 11/2008 để mua lại trực tiếp cổ phần của các ngân hàng, chẳng cần chờ lâu, cổ phiếu của Citigroup trong một tuần giảm 75% và lần đầu tiên trong 14 năm, dưới 5 đôla…
- Ngày 20/02/2004, Ben Bernanke, (giám đốc Federal Reserve ít lâu sau) nói trước Hiệp hội Kinh tế Phương Đông rằng, kinh tế thế giới đang đi vào kỷ nguyên ổn định về lạm phát và sản xuất. Sự đột biến giảm thiểu làm cho khả năng suy thoái trở nên ít hơn và yếu hơn!…
Bốn năm trước đây, sau khi quả bóng ngành công nghiệp IT xì hơi và vụ khủng bố WTC 11/09/2001, thế giới khởi sắc lại. Châu Á tăng trưởng cao. Hoa Kỳ và châu Âu khá ổn thoả, đáng tin. Nam Mỹ bắt đầu đi thẳng. Châu Phi từ tận cùng đứng lên. Tất cả những điều này được xem là thành quả của chính sách rót vốn mạnh bạo và tự điều chỉnh của kinh tế tự do, của phi tuần hoàn tiền tệ và bài toán ngân hàng hiện đại!
Thế giới đó không còn nữa! Chỉ trong nửa cuối của 2008, hàng loạt ngân hàng hàng đầu phá sản, thị trường tài chính ngạt thở, thất nghiệp ngày mỗi tăng, sản xuất suy sụp, giá nguyên liệu và thậm chí thực phẩm biến động chóng mặt, giá dầu tụt hoang dại, từ 147 đôla/thùng vào tháng 7/2008 xuống 40 đôla/thùng vào cuối năm. Mô hình kinh tế tư bản mới –turbocapitalism - trong đó hiệu quả thị trường và nguồn vốn không kiểm soát định ra tiêu chuẩn cho cuộc chơi - chấm dứt!
B. Madoff, trùm lửa đảo tài chính thế kỷ XXI của Wall Street
Nguồn: NYTimes.com
Cơn địa chấn tài chính xảy ra tại Mỹ làm rung chuyển địa cầu, còn hơn các vụ khủng bố của quân quá khích Hồi giáo. Thay vì lòng căm thù, là lòng tham vô đáy. Thay vì bom tự sát là các phương tiện tài chính tự do. Thay vì hàng ngàn người chết là hàng triệu người mất việc làm, bàng hoàng trước đói nghèo. Kẻ thù của nước Mỹ không từ bên ngoài mà nằm ngay trong hệ thống! Lỗi không phải chỉ của các ông chủ ngân hàng, mà còn từ mô hình do các nhà kinh tế tạo ra. Món rủi ro nhiều ngàn tỷ đôla, kiểu “subprime loan”, được “Wall Street” đóng vào chiếc hộp nhỏ với những tên gọi tắt mỹ miều ABS, MBS, CDS, ít ai hiểu nó là cái quái gì*. Cứ thế người ta chuyền tay bán cho nhau, từ hai bờ đại dương của nước Mỹ đi tới các trung tâm tài chính khác, giá cao dần lên cho đến khi bục vỡ. Hoa Kỳ ngã bệnh kéo theo sự khốn đốn cho nhiều ngành công nghiệp, thương mại tại hầu khắp các quốc gia vốn chẳng dính dáng tý gì tới khủng hoảng bất động sản và đời sống xa xỉ của người Mỹ… bằng tiền nợ! Chính thế, Barry Bosworth, chuyên gia kinh tế của “Brooking Fund” tại Washington nói (“Gazeta Wyborcza” 27/12/2008): “Hoa Kỳ dường như là nước duy nhất trên thế giới mà ai đó khi hết khả năng trả nợ thế chấp (thậm chí chẳng bao giờ có khả năng vẫn vay được tiền mua nhà...), chỉ đơn giản trả chìa khoá cho ngân hàng, chẳng hề chịu hậu quả gì, bằng cách đại loại như tuyên bố phá sản. Điều này giờ đây phải chấm dứt”.
Toàn cầu hoá với nhiều tích cực nhưng cũng lắm hiểm nguy. Các nước vô tình hoặc hữu ý gắn kết lẫn nhau. Giờ đây, “Trạng chết thì Chúa cũng băng hà”.
Nữ nhà văn nổi tiếng Canada - Marganet Atwood, gọi mối ràng buộc giữa con nợ lớn nhất Hoa Kỳ và chủ nợ lớn nhất Trung Quốc là hai anh em song sinh dính chung sườn. Hay hơn, nhà sử học Anh quốc - Niall Ferguson, đưa ra khái niệm “Chimerica”, gọi đây là quan hệ vợ chồng… (bất đắc dĩ?). “Người vợ tiêu xài tiền làm ra của anh chồng cần cù và tiết kiệm” – Niall Ferguson nói.
20% ngoại tệ dự trữ của Bắc Kinh được “cất giữ” trong két của hai tập đoàn “Freddie Mac” và “Fannie Mae” vừa mới qua cơn thập tử nhất sinh bằng liều chích tiền cực mạnh của quốc hội Mỹ. “Chimerica” phải tiếp tục cho Barack Obama vay tiền ưu đãi (nhỉnh hơn 4%) để tái thiết hệ thống tài chính và kích hoạt kinh tế qua đầu tư xây dựng hạ tầng. Còn Bắc Kinh thì phải bám giữ thị trường tiêu thụ lớn nhất để phát triển. Người Mỹ cười cay đắng khi Bộ trưởng ngân khố Paulson suýt té ngửa vì câu tuyên bố của phó thủ tướng Trung Quốc Wang Qishan tại Washington trong 12/2008: “Chúng tôi tin rằng phía Mỹ sẽ xúc tiến mọi biện pháp để ổn định thị trường tài chính và bảo đảm an toàn cho đầu tư của Trung Quốc tại Hoa Kỳ”!
Ông Marx có lẽ đang ôm bụng cười dưới mộ. Cách đây chỉ 20 năm, người Mỹ thà chặt đứt tay mình còn hơn là nói tới quốc hữu hoá ngân hàng.
Một trật tự mới hình thành: Nhà nước can dự điều chỉnh/kiểm soát kinh tế tự do. Mỹ mua lại cổ phần của các nhà băng và hãng bảo hiểm. Trung Quốc và Nga ngoài việc kiểm soát các ngành kinh tế chủ chốt còn mở quỹ đầu tư (một phần lớn dự trữ ngoại tệ đầu tư bằng cổ phiếu trong các tập đoàn của Mỹ và phương Tây). Tương tự như thế với Anh, Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan… Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hay kinh tế tư bản chủ nghĩa có kiểm soát trong giai đoạn mới?
Người ta bỗng phát hiện ra sự tằng tịu trớ trêu giữa chủ nghĩa tư bản với chế độ chuyên chế mà Đặng Tiểu Bình khởi xướng. Đến thời Putin, tiến trình này được thực hiện mạnh hơn qua việc nắm tập đoàn khí đốt lớn nhất thế giới Gazprom, quốc hữu hoá Jukos, thiết lập cường quốc nguyên liệu và vị trí của nước Nga trên thị trường và sân khấu chính trị.
Thế giới đang đứng trước những thử thách to lớn. Cuộc họp thượng đỉnh các quốc gia có tầm ảnh hưởng nhất - G20 - tại Washington chỉ gói gọn thiện chí trong tấm hình chụp chung. Các cường quốc cũ thiếu tự tin, các cường quốc mới ngồi lắng nghe, chia sẻ. Thế giới đa cực vẫn chờ tiếng nói của siêu cường quốc Hoa Kỳ. Không có Hoa Kỳ, thật khó đưa ra quyết định ngay cả trong lúc nước sôi lửa bỏng tài chính này. Liên hiệp châu Âu lúng túng, gồng mình và sẽ đứng bên lề nếu trong tương lai gần không đưa ra được chính sách chung sau thất bại về hiến pháp và hiệp ước Lisbon còn bỏ ngỏ. Ấn Độ đang bất ổn về chính trị. Trung Quốc với nhiều biến động xã hội và khoảng cách giàu nghèo quá lớn. Nước Nga với giá dầu đi xuống và dân số giảm sút quá lớn…
Nhưng chỉ số hiện tại còn xa với thời kỳ Đại Hủng Hoảng những năm 30, khi mà hàng ngàn ngân hàng phá sản, tổng thu nhập của Mỹ giảm 30%, thất nghiệp 25%...
Thế giới sẽ vượt qua khó khăn với những điều kiện tiên quyết. Phải giới hạn các cuộc xung đột khu vực để không lan rộng thành chiến tranh ở quy mô lớn, đặc biệt với vùng Cận Đông khi lửa đã bắt đầu cháy từ mấy hôm nay trên dải Gaza của Palestin. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama – niềm tin, hy vọng của nước Mỹ và cả thế giới – phải tái tạo được uy
Barack Obama: Yes, We can! Nguồn: Z.about.com
tín và vai trò lãnh đạo trong một không gian cởi mở, bình đẳng giữa các cường quốc. Việc trúng cử tổng thống tự nhiên đã cho B. Obama tư thế có lợi. Nhưng ông không phải là Đấng Cứu Thế. Lợi thế ấy cũng có thể là vật cản chân ông trước những biện pháp cải cách dứt khoát và đau đớn. Hoa Kỳ phải tận dụng mọi biện pháp và bài học chống khủng hoảng, suy thoái trong quá khứ (Thụy Điển 1992, Á châu 1997, Hoa Kỳ 2001) để lành mạnh hoá toàn bộ hệ thống tài chính. “Change. Yes, we can!” – khẩu hiệu của ông, nếu thực hiện được thì hiệu quả của nó cũng chưa thể tới sau vài tháng mà phải vài năm.
Quốc gia có tiềm lực nhất có thể vén tay áo vào cuộc với Hoa Kỳ là Trung Quốc phải duy trì ổn định xã hội và phát triển dù ở mức thấp hơn. Nước Nga cũng vậy, nhất là đã bắt đầu dấy lên phản ứng của tầng lớp lao động do ảnh hưởng khủng hoảng mang tới nhanh hơn các dự đoán và ảo tưởng của chính quyền. EU phải cải tổ được cấu trúc định chế hiện nay…
Các nhà kinh tế - xã hội (lại) dự đoán rằng, vài năm tới đây các cường quốc sẽ chia nhau kiểm soát các khu vực chiến lược. Nga: năng lượng; Trung Quốc: công nghiệp; Hoa Kỳ: hệ thống tài chính được tái thiết.
Đã có quá nhiều lý thuyết tư tưởng và kinh tế mới sau thời chiến tranh lạnh. Thế nhưng nhân loại vẫn lâm nguy trước cơn bệnh khủng hoảng toàn cầu. Những liều thuốc trấn an đã và đang được sử dụng có tác dụng tới đâu? Ít ai dám đoán trước thế giới đầy bất trắc, biến động và khó tin như hôm nay!
Chú thích: ABS: Asset-Backed Security ; MBS: Mortgage-Backed Security; CDS: Credit Default Swap.
สมัครสมาชิก:
ส่งความคิดเห็น (Atom)
ไม่มีความคิดเห็น:
แสดงความคิดเห็น