วันพุธที่ 24 ธันวาคม พ.ศ. 2551

No194: Khoảng cách

Ngày còn nhỏ, tôi đã say sưa đọc Robin Hood, một câu chuyện hiệp sĩ dân gian của Anh được để trong bối cảnh của thời Trung Cổ. Robin Hood là một tướng cướp hào hiệp, chuyên cướp của người giàu cho người ngheò, chống lại những tay lãnh chúa ác nghiệt. Theo truyền thuyết, Robin Hood và băng đảng đặt sào huyệt tại vùng rừng rú Sherwood Forest của Nottinghamshire, nước Anh. Cho đến ngày nay, người ta cũng không ngã ngũ được rằng Robin Hood là nhân vật có thật hay giả tưởng, nhưng có một điều không thể tranh cãi, Robin Hood là nhân vật hào hiệp, chính diện, favorite character, trong lòng người thưởng ngoạn.

Robin Hood
Nguồn: strategyfirst.ca
Như vậy từ thời Trung Cổ đã có “một tướng cướp” nghĩ đến việc thu nhỏ khoảng cách giữa con người lại: Cướp của người giàu cho người nghèo. Thế thì ý tưởng “san bằng giai cấp” chả có gì mới mẻ cho đến thế kỷ XVIII, chỉ là nó được các “nhà tư tưởng” đưa vào thành một thứ chủ nghĩa, có tên gọi rất ... rùng rợn là Chủ nghĩa Cộng sản. Chủ nghĩa đó được du nhập vào Việt Nam, kèm theo những khẩu hiệu hoành tráng, mà một trong số đó nghe rõ ... dội như “Trí, phú, địa, hào. Đào tận gốc, trốc tận rễ!” Thế mà nó đã từng làm say mê bao thế hệ thanh niên ở khắp trời Âu, Á... Phải chăng đó là những người đã từng say mê đọc Robin Hood thuở nhỏ?

Tuy nhiên, trong bài viết này, tôi không có ý lạm bàn về chủ nghĩa Cộng sản, nguyên nhân, nguồn gốc chi cả. Tôi không thích thời thượng và cũng không có ý sưu tầm ... đồ cổ. Điểm suy nghĩ chính của tôi là “khoảng cách giữa con người.” Khoảng cách ở đây, tôi không muốn nói tới không gian (khoảng cách từ vùng này tới vùng khác). Tôi cũng không nói tới khoảng cách thời gian (cách biệt giữa tuổi tác và các thế hệ). Và cũng không dám nghiên cứu về sự khác biệt giữa những tư duy của con người, mà chỉ xin thu gọn lại là khoảng cách của điều kiện sống, giàu nghèo của các thành viên trong một xã hội. Hẳn không ai có thể phản bác rằng trong các xã hội càng phát triển, sự cách biệt mức sinh hoạt của con người càng thu nhỏ. Nói nôm na, người nghèo trong một xã hội phát triển cũng có thể có xe hơi, ở nhà lầu như ai vậy.

Vì lẽ ngoài Việt Nam, tôi chưa từng sống ở một quốc gia nào khác lâu dài đủ để cho nhận định, dù chủ quan, ngoài Mỹ. Tôi xin lại được bày tỏ sự ngưỡng mộ nước Mỹ của tôi. Ở đây, khoảng cách giữa con người được thu nhỏ lại một cách tối đa. Ấy! Mong các bạn đừng vội bĩu môi, chỉ trỏ những buiding hào nhoáng, chọc trời, những ngôi nhà sang trọng giữa vườn cỏ xanh mướt với những bông hồng tươi thắm trồng bên hàng rào, rồi quay sang chỉ những khu ổ chuột, bình dân, hay những người vô gia cư lang thang trên những đường phố của Los Angeles... Không, nước Mỹ của tôi chưa đạt đến mức không có những “khoảng cách” này. Điều tôi muốn nói ở đây là khoảng cách của cơ hội. Tất cả công dân hay vẫn còn là thường trú dân Mỹ đều được nhận một nỗ lực vô giới hạn của chính phủ Mỹ, tạo cho những điều kiện, để có được những cơ hội công bằng nhất. Đó là đặc quyền tiếp nhận một chương trình học vấn cao nhất mà khả năng riêng của từng người có thể tiếp nhận. Chẳng phải bước chủ yếu đưa con người ta có được sự nghiệp vững chắc là học vấn?

Ở đất nước này không ai có thể đổ thừa rằng vì tôi nghèo, không đủ tiền đi học. Không! Mọi công dân Mỹ đều “bị luật pháp bắt buộc” hưởng 13 năm học miễn phí tại các trường Trung Tiểu Học. Kế đến chương trình Đại Học, bạn cũng không thể than phiền là... con nhà nghèo, học... dở, nên đành bỏ học, vì chính phủ cả liên bang lẫn tiểu bang đều có những chương trình trợ cấp tài chánh cho sinh viên nghèo (Financial Aid), chỉ căn cứ trên lợi tức chứ không đòi hỏi phải là học sinh giỏi. Những học sinh mới nhập cư có thể bị trở ngại... không giỏi ngay được, vì giới hạn ngôn ngữ.

Và khi học Đại Học bằng tiền trợ cấp của chính phủ, sinh viên chỉ đòi hỏi phải đạt điểm C (tối thiểu để pass) cho mỗi khoá học để tiếp tục được nhận trợ cấp tài chánh cho đến khi hoàn tất chương trình cử nhân. Sau 4 năm Đại học, chính phủ Mỹ tuy sẽ không chu cấp tiền học tiếp nữa, nhưng vẫn có những chương trình cho sinh viên mượn tiền (không phải trả tiền lời cho đến khi ra trường tìm được việc làm) để nếu muốn có thể theo đuổi đến nấc thang cao nhất trong ngành học như Master, Ph.D.

Theo tôi, đây chính là nét đẹp của sự xoá bằng giai cấp, tạo sự công bằng cho xã hội. Các nhà lãnh đao nước Mỹ đã nhận ra rằng kiến thức, trình độ giáo dục là động cơ chính để nâng cao đời sống con người. Kiến thức chính là chìa khoá, là nấc thang đầu tiên đưa con người đến những bậc thang cao hơn, đến sự nghiệp và thành đạt trong xã hội. Tại mảnh đất của cơ hội này, mọi người đều có cơ hội đồng đều trong việc chiếm hữu chiếc chìa khoá này. Nếu bạn không có nó, chỉ là vì bạn không tha thiết để lãnh nhận nó mà thôi. Những nhà làm luật của Mỹ đã sáng suốt thu nhỏ những khoảng cách của con người từ gốc rễ, tìm ra cách “san bằng giai cấp” từ... trứng nước. Những người Công sản đã sai lầm tuyệt đối khi san bằng giai cấp bằng cách tước của người giàu chia cho người nghèo (và cuối cùng cướp của mọi người cho vào ... nhà nước). Đó là một hành động thậm bất công dù đã nhân danh bình đẳng.

Đến đây, tôi nghĩ đến những chỉ tiêu được nghe từ các lãnh đạo của nước CHXHCNVN như “chương trình đào tạo 20.000 tiến sĩ để nâng trình độ giảng viên ĐH ở tầm tốt hơn…”, chỉ tiêu sẽ... sản xuất ra một số lượng tiến sĩ nào đó trong một thời hạn nào đó của tương lai, chỉ tiêu nâng cấp đại học để có thể cạnh tranh với các đại học quốc tế, v.v... Nhưng tôi không hề được nghe nói tới việc dùng một ngân sách nào để xây thêm trường lớp cho các vùng quê, đào tạo thêm, và đặc biệt nâng cấp cho ngành sư phạm. Hay nghe về những ngân sách giúp trẻ em nghèo đi học, mở thêm bao nhiêu trường miễn phí, ect...

Học trò ở Bạc Liêu
Nguồn: children.foreignpolicyblogs.com
Ước mong sao những lãnh đạo chân chính trong ngành giáo dục của Việt Nam hiện tại, cũng như trong tương lai, suy nghĩ đến khái niệm “san bằng giaicấp” này. Không thể điều chỉnh các khoảng cách giữa con người trên bề mặt. Xin chấn chỉnh các khoảng cách này từ gốc rễ. Làm sao để mọi công dân trong xã hội có đủ trình độ, khả năng, hiểu biết ngang nhau để công bằng cạnh tranh cho chính đời sống của mình. Nếu một người không bằng được người khac, người đó có thể vui vẻ chấp nhận là vì bản thân mình... yếu, chứ không thể quay ra đổ thừa cho hoàn cảnh, cho xã hội bất công... Các bộ trưởng giáo dục, văn hoá của Việt Nam, các vị có xem lại có được 100% trẻ em toàn quốc được tốt nghiệp tiểu học chưa? Có được bao nhiêu phần trăm người trẻ của đất nước tốt nghiệp trung học? Nếu quý vị chưa đạt được con số cao nhất, xin hãy tạm hoãn lại chỉ tiêu đào tạo nhiều hơn số lượng tiến sĩ để cạnh tranh với quốc tế. Xin quý vị nghĩ đến chỉ tiêu “san bằng giai cấp” của trí tuệ trước.

Một xã hội công bằng là xã hội có thật nhiều công dân có những kiến thức căn bản đồng đều để có một nền móng tốt. Một đất nước ổn định là một đất nước trong đó con người cùng có những cơ hội phát huy khả năng như nhau, chứ không thể những đặc quyền rơi vào những người đã ở sẵn trên những bậc thang cao.

ไม่มีความคิดเห็น: