วันศุกร์ที่ 19 ธันวาคม พ.ศ. 2551

No183: Chừng Nào Bí Thư Sài Gòn Lê Thanh Hải Từ Chức?



Chừng nào Lê Thanh Hải từ chức?
Vụ án tham nhũng PCI đang đặt lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam ở vào thế cỡi lưng cọp khi chính phủ Nhật Bản tuyên bố ngưng mọi viện trợ ODA từ năm 2009 cho đến khi nào Hà Nội giải quyết thỏa đáng vụ tham nhũng xây dựng xa lộ Đông Tây tại Sài Gòn. Theo nhiều tin tức tổng hợp thì kể từ ngày 4 tháng 12, khi Đại sứ Nhật tại Việt Nam đọc thông báo chính thức trong Hội nghị các nhà Tài trợ, Bộ chính trị Cộng sản Việt Nam đã họp liên tục nhằm tìm biện pháp đối phó. Vì quyết định ngưng viện trợ ODA của Nhật không chỉ làm thiệt hại cho Hà Nội một số dự án đã và đang tiến hành phải ngưng như đường xe điện ngầm Hà Nội, hệ thống môi trường vệ sinh tại Hải Phòng, hệ thống thoát nước tại Hà Nội và một số dự án xây dựng tại các tỉnh phía Nam, mà còn làm mất uy tín của Cộng sản Việt Nam đối với các nhà tài trợ khác. Cộng sản Việt Nam – thông qua Bộ ngoại giao – đang cố tìm cách giải thích với phía Nhật Bản để mong tìm sự thông cảm, nhưng phía Nhật đã áp lực mạnh mẽ là Hà Nội phải hành xử trách nhiệm như người Nhật đã từng nhận trách nhiệm. Tại sao Nhật lại áp lực mạnh mẽ lên Cộng sản Việt Nam như vậy?

Khi vụ án tham nhũng bị khui ra ở Nhật do 4 nhân viên của Công ty tư vấn Thái Bình Dương (PCI) tự thú là đã đưa khoảng 2,5 triệu Mỹ Kim cho cán bộ Cộng sản Việt Nam tại Sài Gòn để được trúng thầu xây dựng xa lộ Đông Tây do quỹ ODA của Nhật tài trợ, thì phía Bộ ngoại giao Cộng sản Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu Nhật không nên cho loan tải rộng rãi trên báo chí và cung cấp chi tiết các dữ kiện, có như vậy thì phía Cộng sản Việt Nam mới xúc tiến việc điều tra. Thái độ của Cộng sản Việt Nam vào lúc đó coi chuyện tham nhũng xa lộ Đông Tây do công ty PCI tiết lộ là chuyện của ai đó chứ không phải của họ.

Đến tháng 10, khi 4 cán bộ công ty PCI của Nhật bị truy tố ra tòa với những lời khai liên hệ đến việc đưa hối lộ khoảng 820 ngàn Mỹ Kim cho Huỳnh Ngọc Sĩ, phó sở giao thông vận tải thành phố Sài Gòn kiêm chủ nhiệm ban quản lý xa lộ Đông Tây, thì tòa án Nhật Bản yêu cầu phía Cộng sản Việt Nam phải hợp tác, đưa những cán bộ Thành phố Sài Gòn đã nhận hối lộ ra đối chất trước tòa tại Tokyo. Bộ ngoại giao và Bộ công an Cộng sản Việt Nam viện lý do là Tòa án Nhật Bản chưa cung cấp chi tiết hồ sơ nên không thể thực hiện theo yêu cầu.

Bên cạnh hai thái độ bất hợp tác nói trên, nhiều cán bộ Cộng sản Việt Nam đã có những phát biểu trên báo chí mang tính chất bao che cho những cán bộ tham nhũng tại Sài Gòn, đồng thời phê phán Nhật Bản đã ỷ thế chèn ép phía đối tác Cộng sản Việt Nam. Đã nhiều lần phía cơ quan điều tra vụ án tham nhũng PCI của Nhật bắn tiếng cho nhân viên Tòa án tối cao Sài Gòn, Bộ ngoại giao Cộng sản Việt Nam là Nhật sẽ ngưng toàn bộ viện trợ ODA cho đến khi nào Cộng sản Việt Nam tỏ thái độ hợp tác với Nhật trong việc giải quyết vụ tham nhũng PCI. Như vậy, trước khi Đại sứ Nhật công bố quyết định ngưng viện trợ ODA vào ngày 4 tháng 12, chắc chắn là Bộ chính trị Cộng sản Việt Nam đã biết đến lời cảnh cáo này. Tại sao Bộ chính trị biết điều này mà không chịu giải quyết để cho đến khi Nhật tuyên bố công khai cúp viện trợ ODA thì mới họp hành, cử Trương Tấn Sang, Hồ Việt Đức vào Sài Gòn điều tra, cử Phạm Gia Khiêm sang Tokyo để chuẩn bị chuyến đi Nhật cầu cứu của Nguyễn Tấn Dũng. Tình cảnh của Bộ chính trị Cộng sản Việt Nam hiện nay như đám gà nuốt phải dây thung. Có hai nguyên do khiến Bộ chính trị Cộng sản Việt Nam đã án binh bất động trước lời cảnh cáo của Nhật Bản trong thời gian qua.

Thứ nhất là coi thường sự đe dọa của Nhật vì nghĩ là Nhật sẽ không ngưng viện trợ ODA như hồi xảy ra vụ tham nhũng PMU 18 vào năm 2006. Lúc đó, cựu Thủ Tướng Koizumi thân chinh đến Việt Nam để tìm hiểu, cũng như cho nhiều phái đoàn sang Việt Nam điều tra, nhưng rốt cuộc lại cho chìm xuồng. Do đó mà Bộ chính trị Cộng sản Việt Nam đã không thèm để ý.

Thứ hai là những đòi hỏi của Nhật Bản đã đặt Bộ chính trị Cộng sản Việt Nam ở vào thế khó xử khi đòi hỏi những người trách nhiệm lớn nhất phải tự xử về vụ tham nhũng PCI. Tức là đặt lãnh đạo Bộ chính trị Cộng sản Việt Nam phải nhận trách nhiệm về những bê bối nói trên.

Có lẽ nguyên do thứ hai là điều khiến cho Nhật phải làm áp lực mạnh và đặt Bộ chính trị Cộng sản Việt Nam ở vào thế phải tự xử. Bởi vì nếu Nhật không áp lực, sẽ khó nói với công chúng Nhật Bản về số tiền thuế mang đi cho tham nhũng tại Việt Nam tiêu xài hoang phí mà không có một biện pháp nào chế tài. Điều mà chính phủ Nhật Bản đòi hỏi không phải mang ông Huỳnh Ngọc Sĩ hay những cán bộ trách nhiệm dự án trong Ủy ban nhân dân thành phố Sài Gòn ra tòa kết tội, vì những người này chỉ là nạn nhân của một chuỗi tham nhũng trong Thành Ủy Sài Gòn và có liên hệ đến cấp Trung Ương. Một cá nhân Huỳnh Ngọc Sĩ sẽ không dám ra giá cho công ty Nhật trúng thầu đóng cho họ 15% tiền nhận thầu, nếu không được bao che từ bên trên.

Tại thành phố Sài Gòn có hai đường dây bao che tham nhũng nổi tiếng. Đường dây thứ nhất là do chính ông Lê Thanh Hải, Bí Thư Thành Ủy Sài Gòn, Ủy viên Bộ chính trị điều động. Đường dây thứ hai là do chính ông Trương Tấn Sang, Thường Trực Ban Bí Thư, người nắm rất nhiều đường dây tham ô trong nội bộ đảng hiện nay. Cả hai đều là những người cật ruột của phe Nguyễn Tấn Dũng.

Bắt ông Trương Tấn Sang từ chức rất khó và nhất là ghép vào tội tham ô trong vai trò Thường trực Ban Bí Thư hiện nay của ông ta. Do đó chỉ còn lại ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ chính trị phải nhận trách nhiệm từ chức Bí thư Thành Ủy Sài Gòn. Bởi ông Lê Thanh Hải không từ chức thì chắc chắn Nhật Bản sẽ không mở lại viện trợ ODA. Đa số ý kiến trong Bộ chính trị là ông Lê Thanh Hải phải từ chức vì nguồn viện trợ của Nhật quá lớn và quan trọng cho Hà Nội vào lúc này. Sau khi ông Lê Thanh Hải từ chức thì Bộ chính trị Cộng sản Việt Nam có thể sẽ kéo ông ta ra Hà Nội, vẫn giữ tư cách Ủy viên Bộ chính trị nhưng ngồi chơi xơi nước một thời gian – tương tự như vụ ông Trương Tấn Sang bị tố cáo tham nhũng với người Hoa vào cuối thập niên 90; lúc đó ông Đỗ Mười đã phải kéo ông Sang ra Hà Nội cho ngồi chơi xơi nước cho nguội dư luận trước khi được cử làm Trưởng ban kinh tế Trung ương đảng.

Cái khó của Bộ chính trị Cộng sản Việt Nam là làm sao ông Lê Thanh Hải từ chức mà không gây nguy hại đến uy tín của chế độ. Bởi ông Lê Thanh Hải vừa là Bí thư thành ủy Sài Gòn, vừa là Ủy viên bộ chính trị. Chắc chắn là khi ông Lê Thanh Hải nhận trách nhiệm tự xử dưới hình thức nào đi nữa, uy tín của Bộ chính trị Cộng sản Việt Nam sẽ sút giảm và đánh mất niềm tin rất lớn trong khối đảng viên CSVN. Nhưng điều quan trọng là khi Lê Thanh Hải ra đi, sẽ là dịp cho phe Nông Đức Mạnh trả thù phe Nguyễn Tấn Dũng về vụ án PMU 18 đã bắt giữ hàng loạt nhân sự gồm Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến của phe Nông Đức Mạnh.

Tóm lại, vụ án PCI đang đặt Bộ chính trị Cộng sản Việt Nam rơi vào thế rất khó xử trước hai áp lực của Nhật và của nội bộ đảng. Ông Lê Thanh Hải sẽ là con dê tế thần để cứu uy tín của đảng và chính phủ Cộng sản Việt Nam đang xuống dốc thê thảm hiện nay.

ไม่มีความคิดเห็น: