วันพุธที่ 3 ธันวาคม พ.ศ. 2551

No146: Thử Thách Dân Chủ Cho Thái Lan

Nhà báo Hannah Beech, trong một bài viết đăng trên tờ Time.com đề ngày 24/11/08, cho rằng Hollywood, thế giới của kỹ nghệ phim ảnh Hoa Kỳ với đủ hình thái và kịch bản sôi nổi, hồi hộp và gay cấn nhất mà trí óc tưởng tượng con người có thể nghĩ ra, giờ đây sẽ không còn nắm độc quyền trong việc cung ứng những hồi kết cuộc ly kỳ. Bởi vì, trong cùng ngày hôm đó, tại một quốc gia Á châu nhỏ bé ở bên kia bờ Thái Bình Dương, hàng ngàn người dân đã đổ xuống đường phố để bao vây toà nhà quốc hội Thái Lan trong một cuộc đụng độ mà họ gọi là "cuộc so tài chung kết" (final showdown).

Thật ra đây cũng chỉ là một trong số nhiều màn so tài đã được gọi là "chung cuộc" bởi Liên Minh Nhân Dân vì Dân Chủ (PAD) trong nỗ lực loại trừ ra khỏi chính quyền mọi ảnh hưởng của cựu thủ tướng và cũng là nhà tỷ phú Thái, ông Thaksin Shinawatra. Tưởng cũng nên nhắc lại là ông Thaksin đã bị một nhóm quân nhân đứng lên lật đổ vào năm 2006 khi ông đang trên đường tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York. Từ đó ông sống lưu vong tại Anh nhờ vào những khoản tiền giầu có ông đã tích tụ được từ trước. Nhưng đến tháng 12 năm 2007 thì các đồng minh trong đảng của ông đã giành lại quyền hành trong một cuộc bầu cử, giúp ông có thể trở về nước tuy rằng không giành lại được cái ghế thủ tướng. Nhưng sau đó không lâu, ông Thaksin đã bị Tối Cao Pháp Viện Thái Lan xử khiếm diện, vào ngày 21/10/2008, về tội hối mại quyền thế với bản án hai năm tù.

Nội vụ bắt nguồn từ một vụ án vào năm 2003, một thời gian ngắn sau khi ông Thaksin lên nắm quyền thủ tướng tại Thái Lan, với lá phiếu ủng hộ đông đảo của khối dân ở thôn quê nhưng lại không được lòng của đa số dân trung lưu và có học thức tại thành phố do chính sách cứng rắn, mạnh tay và có phần chuyên chế của ông. Bà vợ của ông là Pojaman bị tố cáo là dùng ảnh hưởng của chồng để mua một khu đất đắt tiền tại thủ đô Bangkok thuộc về Ngân Hàng Trung Ương, thay vì để lọt vào tay của hai nhà kinh doanh địa ốc khác. Việc này phạm vào luật pháp không cho phép các công chức và thân nhân được quyền mua bán trong những giao kèo có dính líu đến những cơ quan nhà nước thuộc thẩm quyền của mình để tránh tình trạng tham nhũng hay thiên vị. Bởi ông Thaksin là thủ tướng nên có thể coi như tất cả các cơ quan nhà nước đều nằm dưới quyền ông, và vì thế vợ con ông có mua bán gì với các cơ quan này cũng sẽ bị cáo buộc là phạm luật. Ngoài ra, ông Thaksin cũng bị cáo buộc là đã dùng quyền lực để làm giầu cho cá nhân khi bán lại dịch vụ thông tin viễn liên của mình cho tổ hợp đầu tư Temasek của Tân Gia Ba với giá tiền kếch xù khoảng 2,2 tỷ Mỹ-kim.

Tuy phe quân nhân đã lật đổ được chính quyền ông Thaksin với sự ủng hộ của đa số cử dân tại thủ đô Bangkok nhưng ảnh hưởng của ông vẫn còn lan rộng đối với đông đảo quần chúng tại thôn quê, vốn không có kiến thức đầy đủ để theo dõi cũng như hiểu biết rõ hơn về thủ đoạn của vị lãnh tụ này đã khéo léo đưa ra một số chương trình mị dân ngắn hạn. Vì thế cho nên khi cuộc bầu cử dân chủ được tổ chức lại vào năm 2007 thì đảng của ông Thaksin vẫn về đầu, tuy không giành được đa số ở Quốc Hội nhưng cũng đủ khả năng để liên minh với vài đảng nhỏ để giành được quyền lập chính phủ. Tân thủ tướng là ông Samak Sundaravej bị phe đối lập tố cáo là một đàn em của ông Thaksin, cũng như đa số các thành viên khác trong nội các. Sau đó không lâu thì ông Samak cũng phải từ chức vì phạm vào luật lệ của Thái cấm không cho các viên chức chính quyền được nhận tiền để xuất hiện trên các diễn đàn truyền hình. (Ông Samak thực hiện một chương trình gia chánh trên TV Thái).

Người lên kế vị ông Samak là ông Somchai Wongsawat, lại là người em rể của ông Thaksin và cũng bị phe đối lập tố cáo là tay chân bộ hạ của nhà độc tài nên đã tìm cách chống đối bằng đủ mọi hình thức, kể cả việc bao vây dinh thủ tướng trong suốt ba tháng trời khiến cho ông Somchai phải "di tản chiến thuật" sang một toà nhà tiếp tân thuộc phi trường quốc tế cũ của thủ đô là Don Mueang.

Sau khi đã bao vây toà nhà quốc hội và buộc các vị dân cử phải đình chỉ mọi hoạt động, phe biểu tình đã tiến sang phi trường để mong áp lực tiếp đòi ông Somchai phải từ chức, trong một hành động mà họ gọi là một cuộc đọ sức chung cuộc. Trong khi đó thì ông Thaksin, sau khi bị xử tù khiếm diện, đã bị chính phủ Anh rút lại chiếu khán nhập cảnh không cho trở về Anh, cũng như bị nhiều quốc gia trong vùng Đông Nam Á từ chối cho nhập cảnh cũng như chấp thuận đơn xin tị nạn chính trị vì đa số các nước này đều có ký thoả hiệp dẫn độ với Thái Lan. Tuy vậy, dường như ông không có vẻ nao núng hay sợ hãi mà còn đang tính đường để tái xuất hiện trên chính trường trong lúc đang đi tìm một chỗ trú ẩn mới. Ông vừa mới hé lộ tin ông đã thành lập một tổ chức nghiên cứu chính trị (think tank) có tên là Building a Better Future Foundation (Sáng hội Tạo dựng Một Tương Lai Tốt Đẹp Hơn) và đã bỏ tiền ra để mua những trang quảng cáo thật to trên các tờ nhật báo quốc tế. Trước đó, ông Thaksin cũng đã dọn đường thủ thế cho một cuộc trở về bằng cách loan báo đã ly dị bà vợ của ông, mà theo nhiều người hiểu biết cho rằng đó là một phương cách để bảo toàn tài sản bạc tỷ của gia đình ông. Vì bà vợ Pojaman được tuyên bố là vô tội nên trong trường hợp tệ nhất nếu ông Thaksin có thất bại và phải nằm tù trong thời gian ngắn thì tài sản của họ có thể còn nguyên, nằm riêng dưới tên của bà vợ. (Ở điểm này, ông Thaksin cũng giống như nhiều lãnh tụ độc quyền khác tại Á Châu, thường tìm cách để cho các bà vợ nắm hết mọi hầu bao để tránh tiếng một cách vụng về.)

Những diễn biến đổi thay không ngừng như trên đã khiến cho nhà báo Hannah Beech tin rằng không một nhà viết kịch hay soạn phim nào ở Hollywood có thể tưởng tượng ra một kịch bản ly kỳ như vậy. Tạm gác sang bên những tình tiết có vẻ như bi hài đó, sự khủng hoảng trong chính quyền Thái hiện nay đã làm đình trệ cho khả năng phát triển kinh tế trong nước, được coi như là có nhiều hứa hẹn trong những năm gần đây. Những cuộc xuống đường rầm rộ trong những tháng qua đã gần như làm tê liệt sinh hoạt tại thủ đô, tuy rằng không gây ra con số thiệt mạng to lớn, nhưng cũng đã khiến cho giới đầu tư và du khách ngoại quốc bắt đầu ngần ngại hay lo sợ và không còn muốn tìm đến, khiến cho ngân quỹ nhà nước có thể mất một nguồn thu nhập ngoại tệ rất to lớn và quan trọng. Kỹ nghệ du lịch nổi tiếng tại Thái Lan mỗi năm đem về khoảng 16 tỷ Mỹ-kim, và nhiều phần là đã bị ảnh hưởng tai hại bởi tình thế căng thẳng trong những tháng vừa qua. Những dự đoán về tăng trưởng cho năm 2009 đã bị rút xuống còn ở tỉ lệ 3%. Điều đáng ngại hơn nữa là dù đất nước đang phải đối phó với nhiều khó khăn sắp tới, nhất là trong bối cảnh một cuộc suy thoái kinh tế đang lan tràn khắp toàn cầu, dường như cả hai phe chính quyền và đối lập đều cương quyết không nhượng bộ. Ông Somchai tuyên bố rằng ông sẽ không từ chức vì áp lực của các cuộc biểu tình, trong khi phe chống đối của đảng PAD thì nhất quyết tiếp tục các màn chống đối cho dù điều này có thể tác hại đến uy tín của Thái Lan là một quốc gia theo thể chế dân chủ pháp trị.

Điều rắc rối hơn nữa là đảng có đa số dẫn đầu của phe ông Thaksin có thể bị giải tán trong tương lai gần trong một vụ kiện về chuyện mua chuộc lá phiếu trong kỳ bầu cử vừa qua. Thế nhưng, theo sự đánh giá của nhiều chuyên gia am tường, thì cho dù có tổ chức lại những cuộc bầu cử mới, thì những người đàn em của ông Thaksin vẫn có thể lập ra những đảng mới, và với sự ủng hộ mạnh mẽ của khối đông dân chúng tại các vùng nông thôn, những người này cũng sẽ giành được thắng lợi. Điều này càng khiến cho những người ủng hộ đảng PAD, gồm đa số thành phần trung lưu và cư dân tại thủ đô, khó chịu và bực tức hơn nữa nhưng lúng túng không tìm ra phương cách đối phó vì phe của ông Thaksin dựa trên nguyên tắc mỗi người dân một lá phiếu.

Nội vụ chưa biết đi về đâu thì qua ngày hôm sau, thứ Ba 25/11, những người biểu tình đã tràn ngập vào phi trường quốc tế Suvarbhanumi, dự trù để "dàn chào" Thủ tướng Somchai đang trên đường trở về sau khi tham dự cuộc họp thượng đỉnh APEC tại Peru. Các vụ biểu tình đã trở nên bạo loạn hơn khi hàng trăm người chống đối đã vượt qua những hàng rào của cảnh sát và tràn ngập vào phi cảng. Sau khi tìm cách thương thuyết với đoàn biểu tình để vãn hồi trật tự nhưng không thành công, ban giám đốc đã quyết định tạm thời đình chỉ các chuyến bay cất cánh rời phi trường để bảo đảm an ninh cho hành khách. Và vị thống đốc địa phương đã phải yêu cầu quân đội giúp đỡ lực lượng cảnh sát để tái lập trật tự an ninh.

Cuộc biểu tình bạo loạn tràn ngập tại phi trường đã diễn ra sau một cuộc đụng độ giữa hai phe ủng hộ và chống đối chính quyền vào đêm hôm trước tại thủ đô. Hình ảnh ghi nhận được qua màn ảnh của đài truyền hình PBS của Thái cho thấy hai bên ấu đả, ném đá và có nhiều tiếng súng nổ, đập phá cũng như đốt xe. Đại tá cảnh sát Piyapong Ponvanich cho biết đã có 11 người bị thương trong cuộc đụng độ vào ngày thứ Ba. Tuy vậy, hậu quả này cũng không tệ hại bằng vài vụ đụng độ trước đó giữa hai bên. Vụ xô xát gần nhất xảy ra vào ngày 7 tháng 10, khiến cho 2 người bị thiệt mạng và cả trăm người khác bị thương. Còn trong một cuộc đụng độ vào ngày 2 tháng 9 thì một người thuộc phe ủng hộ bị đánh chết trong khi 2 người bên phe chống đối bị thiệt mạng vì bị tấn công bởi lựu đạn. Trong lúc đó, Phó Thủ tướng Chauwarat Chanweerakul tuyên bố rằng chính phủ sẽ cố gắng tối đa tránh dùng vũ lực để giải quyết những tranh chấp hiện nay. Tuy vậy, ông cũng kêu gọi mọi người không nên tiếp tục tìm cách chiếm giữ những nơi quan trọng như phi trường, vì điều này khó thể chấp nhận được, cũng như gây tác hại cho nền kinh tế nói chung, chưa kể đến việc làm giảm uy tín và hình ảnh của nước Thái trên trường quốc tế.

Tuy không ai muốn nói ra, nhưng mọi người đều hiểu rằng ông Thaksin Shinawatra và đảng của ông, tuy được số đông dân chúng sống tại nông thôn ủng hộ vì các chương trình trợ cấp có tính cách mị dân hơn là thực sự muốn nâng cao mức độ dân sinh trên toàn quốc, nhưng lại không được đa số dân chúng tại các thành phố hoặc thủ đô Bangkok ủng hộ bởi chính sách độc tài và bè phái tham nhũng. Ngoài ra ông Thaksin cũng không được sự ủng hộ của các tướng lãnh trong quân đội, cũng như không được lòng của hoàng gia Thái vì bản tính cao ngạo của ông. Chính vì những nguyên nhân này mà ông Thaksin đã bị các tướng lãnh lật đổ, một truyền thống khá phổ thông đã khiến cho hơn một chục chính phủ trước đó đã bị đảo chính kể từ ngày vương quốc Thái Lan chuyển sang thể chế quân chủ lập hiến từ hơn bảy thập niên qua.

Tuy vậy, sau này tinh thần dân chủ bắt đầu bén rễ trong nhiều tầng lớp quần chúng trong nước, và vì thế nên các chính quyền quân phiệt không còn toàn quyền lãnh đạo nhờ vào sức mạnh của vũ khí như tại nhiều nước Á Châu khác trong quá khứ. Nhờ vậy mà phe đảo chính của các tướng lãnh đã phải nhanh chóng thiết lập lại thể chế dân chủ qua một cuộc phổ thông đầu phiếu, với hy vọng rằng đa số dân chúng sẽ bỏ phiếu để lựa chọn sự thay đổi. Tuy nhiên, trong trường hợp người dân Thái, nhất là số đông tại vùng thôn quê, vẫn chưa hiểu rõ nội tình và vẫn còn trọng tinh thần tôn thờ những lãnh tụ mà họ yêu mến, như trường hợp của ông Thaksin Shinawatra, và tiếp tục bỏ phiếu để ủng hộ cho các đàn em hay tay chân trong đảng do ông Thaksin lập ra, thì các tướng lãnh đã đảo chính cũng như các tầng lớp trung lưu khác chống đối các chính sách độc tài của ông Thaksin cũng lúng túng không biết cách nào để đối phó. Họ không thể nào đòi hỏi một cuộc đảo chính khác vì như vậy tức là chối bỏ nguyên tắc dân chủ và bình quyền, cho dù họ có niềm tin vững chắc rằng đa số người dân vì chưa hiểu rõ nên đã không bỏ phiếu cho đúng với nhận xét và hiểu biết thay vì bằng cảm tính. Có lẽ chỉ có thời gian mới giúp cho người dân được dịp học hỏi để mở rộng tầm nhìn và hiểu biết, và từ đó có thể thay đổi trong suy nghĩ.

Dẫu sao đi nữa, thì trò chơi thử nghiệm về dân chủ và tự do này cũng là một điều đáng quí để học hỏi, nhất là một tại quốc gia trước đây vẫn còn thường đồng nghĩa với các chính quyền độc tài do các quân nhân thường nhảy lên chấp chánh.

Tuấn Minh

ไม่มีความคิดเห็น: