วันพุธที่ 24 ธันวาคม พ.ศ. 2551

No197: Ðại biểu Quốc Hội VN nhìn nhận bầu bán, bỏ phiếu chỉ là hình thức


Một đại biểu Quốc Hội Việt Nam nhìn nhận những cuộc bỏ phiếu, bầu bán ở Quốc Hội Cộng Sản chỉ có tính cách hình thức vì mọi sự quyết định không nằm ở thẩm quyền của những “đại biểu” mà nằm ở chỗ khác.

“Tôi từng dự thính họp quốc hội ở Thụy Ðiển, với cách thức bầu của họ, nếu anh làm bộ trưởng mà lơ mơ là chết ngay. Vì khi họp và bầu nhân sự, không chỉ đại biểu mà cả dân có thể chất vấn qua điện thoại. Còn mình bầu cho có rồi cứ yên vị ngồi đó, ít nhất phải 5 năm.”

Ong Ðỗ Trọng Ngoạn, đại biểu Quốc Hội của tỉnh Bắc Giang, nói như vậy về cung cách bầu bán, bỏ phiếu tín nhiệm hay cắt cử những thành viên cao cấp của chính phủ Việt Nam (theo sự quy định của hiến pháp). Ở nước khác thì quốc hội (lập pháp) độc lập với chính phủ (hành pháp) nên hoàn toàn có thẩm quyền bỏ phiếu tín nhiệm hay bất tín nhiệm những chức danh của chính phủ phải do quốc hội thông qua. Nhưng trong chế độ Việt Nam, vì đảng Cộng Sản là cơ chế ngồi trên đầu cả Quốc Hội (dù Quốc Hội được hiến pháp công nhận là cơ quan quyền lực cao nhất nước của nhân dân), những đại biểu Quốc Hội cũng chỉ là đảng viên bỏ phiếu, ý kiến qua lại chiếu lệ theo sự giật dây của Ðảng. Tất cả những nghị quyết, dự luật khi đưa ra biểu quyết đều được thông qua dễ dàng.

Trước những ý kiến chống đối của một thiểu số đại biểu, Nguyễn Văn An, chủ tịch Quốc Hội, ủy viên Bộ Chính Trị, Phan Văn Khải, thủ tướng, ủy viên Bộ Chính Trị (tức những đảng viên cao cấp nằm trong Bộ Chính Trị có vai vế và thẩm quyền cao hơn hầu hết những đại biểu quốc hội của Ðảng) từng hơn một lần nạt rằng “không được bàn lùi” khi họ muốn một chuyện gì cần được thông qua.

Ðỗ Trọng Ngoạn trả lời cuộc phỏng vấn của báo Người Lao Ðộng như trên ngày 24 Tháng Năm năm 2006 khi được ký giả tờ báo này hỏi về việc bỏ phiếu tín nhiệm chức danh bộ trưởng trong chính phủ. Vụ việc được nêu ra vào khóa họp này khi Quốc Hội Hà Nội phải bỏ phiếu “tín nhiệm” hay không đối với Ðào Ðình Bình, bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải, nộp đơn từ chức bộ trưởng (và cũng lại là đại biểu Quốc Hội) hồi đầu Tháng Tư năm 2006 vì những liên quan và trách nhiệm trong vụ án tham nhũng, trong đó, thứ trưởng của bộ này tên Nguyễn Việt Tiến và tổng giám đốc Tổng Công Ty Quản Lý Các Dự Án (cầu đường) PMU18 là Bùi Tiến Dũng đã bị bắt giam và khởi tố những tội danh cờ bạc, tham nhũng, hối lộ và cố ý làm trái...

Vì việc bỏ phiếu ở Quốc Hội chỉ có tính hình thức, đại biểu Quốc Hội không có thực quyền nên những đại diện hành pháp từ thủ tướng đến những bộ trưởng ra quốc hội điều trần về chuyện gì cũng chỉ hứa và khất đến lần sau (sẽ trả lời) rồi lơ luôn.

“Theo tôi, hiện nay có nhiều vị bộ trưởng không đủ năng lực để tiếp tục điều hành công việc của mình, nên cần có sự thay đổi.” Ông Ngoạn nói với báo Người Lao Ðộng. “Tôi dám chắc rằng nếu lần này quốc hội sử dụng phương thức bỏ phiếu tín nhiệm, sẽ có nhiều vị bộ trưởng phải rời ghế vì không đủ số phiếu cần thiết.”

Ông Ngoạn nhìn nhận thực tế bù nhìn của Quốc Hội Cộng Sản nhưng cũng chỉ dám nói một cách chung chung rằng: “Quốc Hội bây giờ xa dân lắm, các ủy ban của Quốc Hội hoạt động hiệu quả không cao, giám sát cũng lơ là... Nói tóm lại, để Quốc Hội thực sự thực hiện quyền lực cao nhất của nhà nước, cần có sự thay đổi mạnh mẽ.”

Ngày 23 Tháng Năm năm 2006, một nhóm 560 công dân gồm nhiều nhà đấu tranh dân chủ hóa đất nước đã phổ biến một lời kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử Quốc Hội độc diễn kiểu “Ðảng cử dân bầu” sẽ diễn ra trong năm 2007 tại Việt Nam. Các công dân Hoàng Minh Chính, Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Ðỗ Nam Hải, Trần Anh Kim, đại diện cho nhóm người vừa nói, kêu gọi mọi người chỉ tham gia bầu cử và ứng cử nếu có một cuộc bầu cử Quốc Hội tự do và dân chủ thực sự do quốc tế giám sát, theo đúng nguyên tắc phổ thông đầu phiếu.

ไม่มีความคิดเห็น: