วันอาทิตย์ที่ 14 ธันวาคม พ.ศ. 2551

No176:Tương lai nào dành cho những người cộng sản?

Con đường dân chủ hóa đất nước để Việt Nam có thể phát triển bình thường và nhanh chóng thoát khỏi thân phận nghèo khổ và nhục nhã là ước mong chính đáng của mọi người dân Việt Nam …”

Đảng cộng sản Việt Nam có khoảng ba triệu đảng viên, mỗi một đảng viên trung bình có hai con và bố mẹ, như vậy một người đảng viên có 4-5 người ăn theo. Theo giả thiết này thì Việt Nam có khoảng 12-15 triệu người liên quan đến đảng cộng sản.

Đây là một lực lượng đông đảo trong một nước có 80 triệu dân số. Tuy nhiên phần lớn đảng viên và gia đình của họ đều có cuộc sống bình thường, vất vả như bao nhiêu người dân Việt Nam khác; chỉ có một số bộ phận rất nhỏ trong số ba triệu đảng viên là những người có chức có quyền, đang tham gia trong bộ máy lãnh đạo đất nước là có cuộc sống vương giả và khác hẳn số đảng viên còn lại cũng như toàn thể nhân dân Việt Nam.

Con đường dân chủ hóa đất nước để Việt Nam có thể phát triển bình thường và nhanh chóng thoát khỏi thân phận nghèo khổ và nhục nhã là ước mong chính đáng của mọi người dân Việt Nam, thậm chí là cả những người cộng sản đang lãnh đạo đất nước. Thế nhưng ước mong tốt đẹp này vẫn mãi mãi không thể thực hiện được. Lý do thì có nhiều, ví dụ sự yếu kém của phong trào đối lập, sự vô cảm của tầng lớp trí thức, sự thờ ơ của nhân dân và sự bảo thủ của đảng cộng sản... Đã bao nhiêu năm nay chúng ta đi tìm một mô hình để dân chủ hóa Việt Nam nhưng rồi vẫn chưa đâu vào đâu, mọi việc vẫn dẫm chân tại chỗ, cuộc sống thì vẫn cứ trôi theo thời gian, thân phận và giá trị của người Việt không những được cải thiện thêm mà còn bị rẻ rúng đi.

Câu hỏi "Làm gì bây giờ?" đã khiến cho bao nhiêu người yêu nước trăn trở, thao thức ngày đêm. Chẳng lẽ cứ mãi như vậy sao? Nếu thay đổi thì phải thay đổi như thế nào? Ai? Lực lượng nào sẽ chèo lái con thuyền mục nát Việt Nam ra khơi?

Nền dân chủ sẽ mang lại lợi ích vô cùng to lớn cho mọi tầng lớp người dân Việt Nam thì đã có nhiều người đề cập đến, tuy nhiên một vấn đề rất gai góc và nhạy cảm mà chưa ai nêu ra là: tương lai nào? Số phận nào sẽ dành cho những người cộng sản sau khi đất nước có dân chủ? Tất nhiên những người cộng sản ở đây là những người đang lãnh đạo đất nước chứ không phải những người đảng viên bình thường như bao người dân khác.

Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào? Theo tôi chỉ có một cách tốt nhất là thay đổi "từ trên xuống", Đảng Cộng Sản Việt Nam phải chấp nhận dân chủ, phải chấp nhận đa đảng và sau đó dân chủ được áp dụng cho cả nước. Một cuộc thay đổi từ thượng tầng chính trị sẽ tốt hơn hàng ngàn, hàng vạn lần do với những cuộc thay đổi "từ dưới lên", tức là những cuộc cách mạng đường phố, do người dân đứng dậy vì không chịu nổi sự áp bức. Những cuộc thay đổi đó sẽ là vô cùng tai hại cho nhân dân, cho đất nước bởi vì máu sẽ đổ, sẽ là sự trả thù, là sự đập phá điên cuồng và khi đó không có một lực lượng chính trị nào có thể ngăn chặn được sự cuồng nộ của đám đông. Cứ nhìn sang Thái Lan là chúng ta có thể hiểu được sự nguy hiểm của các cuộc "cách mạng đường phố".

Thế nhưng làm thế nào để đảng cộng sản chấp nhận đối thoại, chấp nhận dân chủ hóa đất nước?

Lý do gì khiến họ không chấp nhận đa đảng? Theo tôi là họ sợ! Họ sợ rằng khi có dân chủ, có đa đảng họ sẽ bị trừng phạt. Họ sẽ bị phân biệt đối xử, bị tịch thu tài sản, bị tù tội... Họ sợ họ sẽ bị đối xử như họ đã từng đối xử với nhân dân từ trước đến nay. Thế nên họ phải tìm mọi cách, mọi biện pháp để bảo vệ chế độ đến cùng. "Đa đảng là chết" có lẽ là câu thần chú nhiệm mầu để gắn kết sự đoàn kết trong nội bộ đảng lại với nhau.

Câu nói nổi tiếng của ông chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết "Bỏ điều 4 Hiến pháp (chấp nhận đa đảng) là tự sát" có lẽ chính là tâm lý lo sợ nêu trên.

Tâm lý lo sợ đó của những người cộng sản đang lãnh đạo Việt Nam bắt nguồn từ quá trình lãnh đạo đất nước với đường lối "chuyên chính vô sản" và "bạo lực cách mạng". Từ trước đến nay đảng cộng sản luôn dùng sức mạnh và bạo lực để áp đặt ý chí lên dân chúng trong bất cứ lãnh vực nào. Đảng đã tạo ra nhiều ân oán với mọi tầng lớp nhân dân nên lúc nào cũng lo là nhân dân sẽ trả thù khi có cơ hội.

Một điều nữa cũng khiến cho đảng cộng sản lo lắng là sự chống cộng "cực đoan" của một bộ phận đồng bào hải ngoại, những người không thể "đội trời chung" với cộng sản.
Những lo sợ này có cơ sở hay không? Theo tôi là có. Chẳng lẽ cơ đồ (mà những người cộng sản) xây dựng bao nhiêu năm nay lại đổ hết xuống sông xuống biển sao ?

Như đã đề nghị, Việt Nam chỉ có một con đường hoà bình để thay đổi đất nước đó là thay đổi "thượng tầng chính trị". Con đường đó chỉ có thể thực hiện được nếu có sự "hợp tác" của đảng cộng sản. Để có được sự hợp tác đó của đảng cộng sản tôi xin đưa ra một vài đề nghị (trước khi có các cuộc thương lượng hay đối thoại diễn ra giữa các đảng phái chính trị với đảng cộng sản) rằng những người dân chủ đối lập phải chấp nhận một cách dứt khoát:

- Bất cứ một chính phủ tương lai nào cũng sẽ không truy cứu về bất cứ những hành động nào trong quá khứ của tất cả các đảng viên cộng sản Việt Nam. Tất cả các quan chức lớn nhỏ của đảng cộng sản Việt nam đều được bảo đảm sự bất khả xâm phạm về cơ thể cũng như tài sản.

- Tất cả những người cộng sản, các quan chức, công chức chính phủ, của nhà nước sẽ không bị phân biệt đối xử. Tất cả đều có quyền và có cơ hội tiến thân như nhau.

- Sẽ không có bất cứ một phiên toà nào mang tính chính trị. Nghiêm cấm mọi hành động trả thù cá nhân.

Nói một cách dễ hiểu là sẽ không có trả thù báo oán, sẽ bỏ qua quá khứ hoàn toàn. Khi nào đối lập dân chủ đồng thuận với những đề nghị này một cách dứt khoát và thành tâm thì khi đó tôi tin rằng đảng cộng sản sẽ chấp nhận đối thoại để mở ra một trang sử mới cho dân tộc.

Những đề nghị trên có thực tế không? Khi đưa ra những đề nghị này tôi đã nghĩ đến ba triệu đồng bào tôi đã bỏ nước ra đi bấp chấp nguy hiểm bởi chính sách phân biệt đối xử của người cộng sản. Tôi cũng nghĩ đến hàng vạn dân oan, bao nhiêu là số phận đã bị đảng cộng sản vùi dập. Tất cả những người đã chịu thua thiệt, mất mát do chế độ cộng sản gây ra sẽ được đền bù (dù không hoàn toàn như mong muốn). Họ sẽ được minh oan, được phục hồi danh dự đầy đủ. Tóm lại những người bị oan sẽ được giải oan. Nhưng sẽ không có sự trả thù.

Tại sao đối lập dân chủ phải chấp nhận như vậy? Không còn con đường nào khác, dân chủ phải khác với cộng sản. Nếu đối lập dân chủ tiếp tục cứng rắn trên vấn đề này thì đảng cộng sản sẽ tiếp tục "cố thủ" và đất nước Việt Nam sẽ tiếp tục chìm đắm trong lạc hậu và nghèo khổ. Nhà Phật có câu "Lấy oán báo oán, oán đó sẽ chồng chất. Lấy ân báo oán, oán sẽ được hóa giải". Việc truy cứu, chứng minh, tìm kiếm những tài sản bất minh là rất phức tạp và khó khăn. Hơn nữa chúng ta ai cũng biết là đảng cộng sản đã buộc mọi cán bộ công chức lớn nhỏ trong mọi cơ quan nhà nước "tay nhúng chàm" bằng cách trả lương rất thấp nhưng lại tạo nhiều kẽ hở để tham nhũng, kiếm thêm tiền mới đủ sống.

Như vậy nếu kết tội tham nhũng thì phải kết tội hàng triệu người sao? Việc đó là hoàn toàn không khả thi. Và cũng không cần thiết, bởi vì chúng cần xây dựng lại đất nước chứ không đào sâu sự hằn thù. Việc hàn gắn cũng không hề dễ dàng. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cũng đã lấy việc "Hoà Giải Dân Tộc" để làm lập trường chính cho việc xây dựng lại nước Việt Nam trong tương lai.

Thế nhưng nếu đảng cộng sản vẫn không chấp nhận đề nghị này thì sao?

Cờ đang trong tay những người cộng sản, phất như thế nào là quyền của họ. Người dân Việt Nam sẽ tiếp tục đấu tranh cho hạnh phúc và quyền lợi của mình. Còn những người làm chính trị chân chính phải giữ cho cái đầu lạnh, tức là lúc nào cũng phải tỉnh táo không được để tình cảm lấn lướt lý trí, phải biết đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết. Phải biết hy sinh cái nhỏ để được cái lớn hơn cho mọi người, cho tổ quốc. Nếu đảng cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục bảo thủ, tiếp tục con đường dùng "bạo lực cách mạng" thì một tương lai đen tối sẽ đến với họ là điều mà ai cũng có thể thấy được.

Nếu người cộng sản vẫn cố chấp sau khi đối lập dân chủ đã mở rộng đường để tiến tới đối thoại thì tôi chỉ tiếc cho tương lai con cháu của những người cộng sản.

Dù rằng những người cộng sản đã giành được chính quyền bằng bạo lực, bản thân nhiều người trong số họ chỉ "vũ trang" bằng lòng yêu nước, kiến thức về thế giới bên ngoài rất hạn chế do họ trưởng thành trong "chiến đấu" và từ "trong lao tù thực dân, đế quốc", thế nhưng con cái họ thì khác, đa số đã được học hành đến nơi đến chốn trong những môi trường tiến bộ. Nhiều người trẻ dù là "con ông cháu cha" nhưng vẫn trưởng thành thật sự, đây là thành phần ưu tú có thể giúp chấn hưng đất nước. Thế nhưng nếu cha ông họ vẫn tiếp tục kìm hãm đất nước với sự lãnh đạo độc tài thì họ, dù không có tội nhưng sẽ bị vạ lây. Khi người dân phải làm cách mạng theo kiểu "từ dưới lên" thì con em những người cộng sản cũng sẽ bị trừng phạt. Thủ tướng đương nhiệm Thái Lan chỉ vì dây dưa là người nhà của thủ tướng bị phế truất Thạc-xỉn nên dù không bị "phốt" gì cũng bị người dân biểu tình chống đối đến cùng. Và dù Thạc-xỉn giàu có và nổi tiếng như vậy mà cũng không dễ tìm được một chốn dung thân cho mình và gia đình. Thật là nhục nhã và cay đắng. Đây cũng là bài học cho những người cộng sản đương chức đương quyền.

Đề nghị "bỏ qua quá khứ" trên chỉ là ý kiến cá nhân nhưng tôi tin rằng nó phù hợp với đường lối của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, một tổ chức chính trị luôn hướng tới tương lai. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cũng là tổ chức chính trị duy nhất lấy việc "Hoà Giải Dân Tộc" làm lập trường căn bản để xây dựng và hàn gắn đất nước Việt Nam.

Tất nhiên đối lập dân chủ không chỉ có một mình Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên mà còn nhiều tổ chức khác, với những quan điểm khác. Tôi mong muốn mọi người cùng nhau thảo luận để đi đến đồng thuận trong lực lượng dân chủ đối lập về đề nghị trên. Lý tưởng chủ đạo của chúng ta phải là "hướng tới tương lai" thay vì "đào bới quá khứ". Đối lập dân chủ phải chấp nhận "liều thuốc đắng" để Việt Nam có được dân chủ trong tương lai gần, quả bóng đang nằm trong chân của đảng cộng sản.

Với đảng cộng sản thì cũng chỉ có một con đường duy nhất là đối thoại với dân chủ đối lập để dân chủ hóa đất nước. Dưới sự lãnh đạo duy nhất của đảng cộng sản thì không thể xây dựng được đất nước, đó là điều chắc chắn. Mọi cố gắng chỉ là sự chắp vá hổ lốn chứ không mang lại kết quả gì tốt đẹp, đó cũng là nhận định của tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao trong cuộc trả lời BBC mới đây rằng "cải cách ở Việt Nam không có lộ trình".

Một vấn đề nữa cũng đang ngăn cản quá trình dân chủ hóa Việt Nam là thái độ của chúng ta đối với Trung Quốc. Vấn đề này đã được đưa ra trong Dự Án Chính Trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Thành Công Thế Kỷ 21), đó là chúng ta sẽ theo đuổi mô hình ngoại giao "chủ nghĩa nước nhỏ" (Khiêm tốn và hoà hoãn với mọi quốc gia, nhẫn nhục hôm nay để giàu mạnh ngày mai. Thực hiện một chính sách đối ngoại hoà bình và một chính sách láng giềng tốt. Tìm mọi cơ hội để thắt chặt quan hệ hợp tác với các nước đã phát triển mạnh, đặc biệt là Hoa Kỳ. Phát huy mọi sáng kiến để hóa giải những vấn đề còn tồn đọng với Lào, Kampuchea và Trung Quốc, đi đến quan hệ láng giềng tốt - Dự Án Chính Trị: Những định hướng lớn). Chúng ta sẽ tập trung vào việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, chúng ta sẽ không liên kết với bất cứ một nước nào để chống lại một nước thứ ba. Tôn trọng và thực thi đầy đủ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Tất nhiên là chúng ta sẽ làm mọi việc để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ dựa trên các công ước quốc tế và ưu tiên giải quyết các tranh chấp chủ quyền bằng đường ngoại giao hoặc thông qua toà án quốc tế.

Câu hỏi cuối cùng là ai sẽ là người lèo lái con thuyền Việt Nam ra khơi? Câu trả lời cũng không quá khó! Bất cứ một tổ chức chính trị nào đều có thể nêu ra đường lối và cương lĩnh xây dựng đất nước của mình ra cho bà con thiên hạ tỏ tường và đồng thời thuyết phục mọi người đồng ý với cương lĩnh đó. Cuối cùng là một cuộc bầu cử tự do, dân chủ, công bằng. Chính người dân Việt Nam sẽ là giám khảo để lựa chọn những người, những tổ chức chính trị ưu tú và xứng đáng để đứng ra quản lý đất nước. Chính lá phiếu của người dân Việt Nam sẽ quyết định ai sẽ là người xứng đáng để chèo lái con thuyền đất nước qua cơn nguy khó này.

Tôi hoàn toàn tin tưởng và tôn trọng sự lựa chọn của người dân Việt Nam.

ไม่มีความคิดเห็น: