Người ta thường ví Việt Nam vào WTO như là ra biển lớn, và quả thật là sẽ nhiều sóng gió hơn với tất cả mọi mặt xã hội Việt Nam từ kinh tế, chính trị, ngoại giao đến giáo dục, văn hóa xã hội. Thực tế là Việt Nam đã chấp nhận mở cửa và xét trên khía cạnh nào đó thì đây là xu thế không thể đi ngược. Nhưng con tàu Việt Nam đang dần tỏ ra thiếu đội ngũ hoa tiêu chuyên nghiệp
1. Sự khác biệt về nhận thức
Người Việt vẫn rất hay tự ái khi bị coi là kém văn minh, là dã man, phá hoại môi trường. Nhưng thực tế là vẫn còn khoảng cách lớn về những giá trị văn minh mà người Việt còn cần phải cố gắng trong nhiều năm. Một nơi được coi là nắm vững các giá trị quốc tế nhất là Bộ Ngoại giao thì cán bộ có thể ngang nhiên buôn lậu sừng tê giác, điều tối kị với hình ảnh một con người văn minh chứ chưa nói đến với vai trò là cán bộ ngoại giao đại diện quốc gia. Thực tế rằng đó là bộ mặt của tội phạm quốc tế [i].
Một cán bộ nhà nước khác tại Văn phòng chính phủ, cơ quan thực hiện pháp luật cũng hồn nhiên giải thích về việc mình có nhiều tiền trong túi là do người nhà gửi nhờ mua sừng tê giác [ii]. Điều đó minh chứng một điều rằng về mặt nhận thức, ngay cả cán bộ ngoại giao, nhân viên chính phủ cũng thể hiện sự yếu kém một cách trầm trọng về các giá trị tốt đẹp chung của nhân loại.
Và chính những người này lại đang đóng vai trò hoa tiêu cho xã hội Việt Nam.
2. Đạo đức và niềm tin
Năm 2007 bùng nổ về kinh tế cũng là năm các cán bộ nhà nước đổ xô rời nhiệm sở để sang lĩnh vực tư nhân. Điều đáng bàn là những người này lại đa phần là các cán bộ có năng lực [iii]. Không hẳn là vì họ không thể sống được khi ở nhà nước và cũng không hẳn vì họ đã chán ghét chuyên môn mà ngược lại họ hoàn toàn có thể như những “người bình thường” đang làm quan chức khác để có cuộc sống sung túc và họ cũng rất giỏi chuyên môn. Ông Nguyễn Ngọc Đào, đại biểu quốc hội – giảng viên học viện hành chính quốc gia trong phát biểu của mình đã nói rất thật khi đề cập đến vấn đề phẩm giá.
Thực tế cho thấy rằng bộ máy nhà nước đang được coi là rất thiếu đạo đức với nhiều tham nhũng, chạy chức quyền, tự tạo ra những mê cung pháp lý nhằm làm khó dễ người dân, doanh nghiệp từ đó làm lợi cho bản thân.
Và điều đó lại càng làm những người tôn trọng giá trị nhân văn xa lánh khu vực làm hoa tiêu, hoạch định những chiến lược xã hội.
3. Kết cục tất yếu – Hoa tiêu chệch choạc.
Khi nhìn lại công cuộc đổi mới, rất nhiều người thầm cám ơn những lãnh đạo sáng láng bấy giờ. Tất nhiên họ cũng đã được sự góp sức của bộ máy cố vấn nghiên cứu uyên thâm và sâu sắc. Đồng thời công cuộc đổi mới đã tạo ra rất nhiều cơ hội khác cho những người tài. Tinh hoa của dân tộc đã được trải rộng hơn trên nhiều lĩnh vực và gặt hái được nhiều thành tựu.
Giờ đây các sinh viên giỏi không còn cần trông chờ vào các xuất học bổng ngoại giao mà còn có phần e ngại các học bổng vừa nhỏ vừa luôn bị chuyển chậm trễ để nhận trực tiếp học bổng nước ngoài hoặc tự đầu tư cho tương lai.
Công việc nhà nước cũng chẳng phải cái gì khiến người ta phải ngưỡng mộ, nó đã mang nghĩa khác hẳn với nghĩa “cán bộ” khi mới được sử dụng. Giờ đây công việc nhà nước đồng nghĩa với lương thấp, bệ rạc và đấu đá nội bộ.
Từ đó liên tiếp trong năm 2008, Việt Nam gặp hàng loạt vấn đề về dự báo. Thủ tướng Dũng đã bị coi là có đội ngũ quá kém và phải thừa nhận tình trạng điều hành không hiệu quả và đặc biệt nhấn mạnh vấn đề dự báo [iv].
Hà Nội cũng trải qua đợt lụt lịch sử làm tê liệt giao thông đồng thời gây thiệt hại nhiều về người và hoa màu. Các chỉ trích đã tập trung mạnh mẽ vào vấn đề dự báo thời tiết khi có đến 5 dự báo sai nghiêm trọng trong vòng hơn một tháng [v]. Ông Bộ trưởng cũng phải thốt lên “Không thiếu tiền, chỉ thiếu tài” [vi]. Vấn đề ở chỗ với việc làm khó khăn, phức tạp đòi hỏi nhiều kiến thức nhưng đồng lương thấp kém thì không thể nào thu hút được người đủ năng lực. Với sự yếu kém này đã gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho nền kinh tế.
Giờ đây, dường như tinh hoa của dân tộc đã không còn nằm trong nhà nước nữa. Vì vậy, các cuộc cách mạng nhận thức khó có khả năng xảy ra bởi động lực nội tại của tầng lớp lãnh đạo. Nhiều người đã bóng gió nói đến các lãnh đạo nhưng “quan trí” quá kém [vii]. Với tình trạng lãnh đạo thiếu hụt tinh hoa, hậu quả cho xã hội là rất nghiêm trọng và hình thành chính quyền dễ bị lũng đoạn dưới nhiều hình thức.
4. Đá ngầm
Dù thế nào chăng nữa, lãnh đạo đất nước theo cơ chế hiện nay cũng là từ bộ máy công thuộc quản lý của nhà nước. Chính vì vậy vai trò hoa tiêu không thể nào khác nằm trong các thể chế này. Việc yếu kém của ngành khí tượng thủy văn có thể gây hại hàng ngàn tỷ đồng, việc yếu kém của định hướng kinh tế có thể lãng phí hàng trăm ngàn tỷ đồng cho đất nước. Hiện nay, con tàu Việt Nam dường như đang có đội ngũ thợ máy, phục vụ tốt hơn nhưng lại được chỉ dẫn bởi hoa tiêu tồi đi. Con tàu có hoạt động trơn tru và tốt lên đến đâu mà hoa tiêu kém thì vẫn có thể đâm vào đá ngầm.
__________________________________
[i] http://www.vnexpress.net/GL/The-gioi/2008/11/3BA089BC/
[ii] http://dantri.com.vn/Sukien/Van-phong-Chinh-phu-lam-ngo-truoc-nhung-to-cao-PM…
[iii] http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2008/01/3B9FEB8E/
[iv] http://www.thesaigontimes.vn/Home/thoisu/sukien/5432/
[v] http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=143707&ChannelID=46
[vi] http://www.vnn.vn/xahoi/2008/11/814556/
[vii] http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2005/08/3B9E0D2F/
วันเสาร์ที่ 20 ธันวาคม พ.ศ. 2551
สมัครสมาชิก:
ส่งความคิดเห็น (Atom)
ไม่มีความคิดเห็น:
แสดงความคิดเห็น