วันอังคารที่ 9 ธันวาคม พ.ศ. 2551

No160: Thăm Bắc Triều tiên: Một ngày dưới mặt trời thế kỷ (1)

Anh hướng dẫn bắt đầu cất tiếng hát. Dù không có nhạc đệm, giọng của anh ấm và ngọt ngào làm tôi phải ngạc nhiên, tương phản với lúc anh diễn thuyết gay gắt và đanh thép. Bài ca là một bài dân gian quen thuộc, quen thuộc với người Hàn quốc của cả đôi miền nên mọi người trên xe vỗ tay theo nhịp và có người cất giọng hát theo.

Tôi thì không hiểu gì cả lúc anh nói cũng như không thuộc lúc anh ca.

Trên chuyến xe 40 người lẻ này mọi người đều là Triều Tiên trừ cha con tôi ra. Mọi người đều là Nam Triều Tiên, trừ hai anh hướng dẫn mới lên xe sau trạm ngừng ở biên giới. Họ là thành phần hướng dẫn địa phương, tức là Bắc Triều Tiên, và đoàn xe chúng tôi mười chiếc từ hơn một tiếng đang di chuyển trong lãnh thổ của quốc gia này, trực chỉ hướng cố đô Khai Thành (Kaesong) từ trạm kiểm soát Dorasan trong vùng Phi Quân Sự.

“Những gì lãnh tụ kính yêu ước muốn thì nhân dân chúng tôi thực hiện”
Nguồn:
www.enlight.ru

Đặt chân đến Bắc Hàn là một hoài vọng lởn vởn trong tôi từ lâu, chẳng qua là vì trong những năm về trước, đây là chuyện hương xa còn khó thực hiện hơn là đi thăm Nam Cực và cho đến gần đây, thành phần thuộc “Trục của tội ác” này vẫn là nước ít người ngoài viếng nhất thế giới. Đây là nơi (nam) chủ tịch có mái tóc chải bồng hơn bà ngoại trưởng Madeleine Albright, và đi giày cũng cao gót hơn theo lời bà kể lại sau một lần diện kiến [1]. Nếu Al Gore là người phát minh ra xa lộ thông tin internet thì Kim Chính Nhật (Kim Jong Il) phải là người phát minh ra vi tính!

“Những gì lãnh tụ kính yêu ước muốn thì nhân dân chúng tôi thực hiện”, như khẩu hiệu khắc trên sườn núi khẳng định, ông là „Mặt trời thế kỷ thứ 21”.

Năm 1998, chủ tịch tập đoàn Hyundai (Hiện đại), ông Trịnh Châu Vĩnh (Chung Ju-Yung và không có bà con gì với nhạc sĩ Chung Công Sơn), chính thức là dân sự đầu tiên của Nam Hàn được sang thăm, đúng hơn là được trở về thăm (chứ không phải bị bắt cóc), quốc gia bí hiểm và huyền hoặc này. Mười năm sau khi ông dẫn 1001 con bò sang sông nghe buồn tiếng hạt chuông tại vùng Phi Quân Sự[2], đã có cả triệu du khách Nam Triều Tiên theo gót ông mà vượt giới tuyến để thăm phần bắc của tổ quốc.

Khu du lịch núi Kim Cương (Kumgang) được thành lập vào cùng năm, lúc đầu chỉ đạt được bằng đuờng biển, vào năm 2004 mới có thể dùng đường bộ. Đây là một khu du lịch trong khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên, tuy nằm trên phần đất Bắc Triều Tiên nhưng hoàn toàn biệt lập, ai lăm le hay vô tình đi lạc ra ngoài khu vực ấn định bị bắn chết ráng chịu.

Ngay cả nhân viên địa phương, ngoài thành phần quản lý hẳn là phải trung kiên với thuyết Chủ Thể (Juche) của tiên sư nhân (tức là bố) ông Kim Chính Nhật, thành phần phục vụ là lại Hàn kiều Trung Quốc chứ không phải công dân Bắc Hàn. Nói gọn, đây là du lịch thắng cảnh chứ không hề được tiếp xúc hay thấy đến bóng dáng của một người thường dân, tuy đây là một bước lớn trong việc thông thương giữa hai miền.

Trước đó, Bắc Hàn chỉ có thể nhìn từ xa, nghĩa là qua kính viễn vọng khi theo các tour thăm khu Phi Quân Sự. Khu vực ngưng bắn tại Bàn Môn Điếm (Panmunjom), được thấy mặt binh sĩ miền Bắc không cho công dân (dân sự) Nam Hàn đến, nếu là công dân Việt Nam (và 43 nước khác) thì phải xin phép trước một tuần, chưa nói đến chuyện ai cũng phải y phục chỉnh tề[3]. Từ vài năm trở lại, còn có một cách khác để không những nhìn mặt công an Bắc Hàn mà còn được các vị này tận tình xem xét giấy tờ và hành lý là qua ngả Bắc Kinh. Bắc Hàn bắt đầu sự nghiệp đổi mới bằng cách nhận khách nước ngoài sang xem diễn các tuồng vĩ đại mass games. Năm nay, vì Bắc Kinh có Thế Vận Hội nên lại gặp trở ngại. Trung Quốc lúc đầu không cấp chiếu khán nhiều bận (multiple visa), có nghĩa là người nước ngoài sang Bắc Kinh thì dễ, nhưng ra khỏi rồi (để đi Bình Nhưỡng- PyongYang) thì khó mà trở về. Đây là một trở ngại lớn, vì đến và ra khỏi Bắc Hàn chỉ có ngả Trung Quốc và đi thăm Bắc Hàn thì có lắm người muốn nhưng phải ở lại luôn thì tôi chắc chẳng có ai. Đến khi Trung Quốc đổi chính sách chiếu khán và tôi cầm trên tay visa ra vào nhiều bận có hiệu lực một năm thì đối với tôi đã quá trễ. Các tour xem mass games mỗi năm chỉ có vài ba chuyến vào những ngày tháng nhất định và phải đặt đơn trước hai tháng để hoàn tất thủ tục giấy tờ. Cũng vì thế, theo công ty du lịch Koryo, số người Mỹ từng đặt chân đến đây cho tới giờ dưới một ngàn người, hẳn tương đương với số người Bắc Hàn thành công trong việc đào thoát khỏi nước[4].

Thế nào, thì cũng không có xứ sở nào xứng đáng hơn là Công Hòa Dân Chủ Triều Tiên với cụm từ “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, và đây cũng là một hấp lực với du khách trên thế giới, xem nước này như là “hoa hậu” của thâm cung và kín cổng cao tường.

Vào tháng 12 năm ngoái, công ty Hyundai đạt một thành công mới trong việc “thống nhất” bán đảo, là mở đường du lịch trong ngày sang Khai Thành, cách biên giới 60 km về phía Bắc. Tại vùng biên giới này, trước đây Hyundai đã thiết lập được khu chế xuất, với 7.000 lao động miền Bắc và 1.000 nhân viên miền Nam. So với Kim Cương Sơn rừng núi, thì Khai Thành là một thành phố, và là thành phố đầu tiên của Bắc Hàn hé cửa cho quần chúng Nam Hàn và nước ngoài.

Sĩ quan quân đội tại vùng "Phi Quân Sự"
Nguồn:
www.enlight.ru

Tôi có hai tuần để hối hả đặt đơn và làm thủ tục qua Gonseekorea, công ty tổ chức du lịch tại Hán Thành, rất đắc lực trong mọi dịch vụ (cho gửi lời chào Chelsy). Bạn cần hai tuần trước, scan ảnh và sổ thông hành, điền đơn theo kiểu bắt buộc phải tẩn mẩn mà ai từng về (hay từng ở) Việt Nam trước thập niên 90 đều có dịp kinh nghiệm đến khó chịu, thì cũng là một dạng viết tờ tự thú, tự khai. Sau đó, đến ngày khởi hành ở Hán Thành (Seoul), bạn chỉ việc có mặt đúng giờ ở điểm hẹn. Đây chẳng có gì là khó khăn, từ 9 tháng nay, mỗi tháng có 5.000 hay 7.000 người mà tuyệt đại đa số là công dân Nam Hàn, đã từng đi trước để thám hiểm dọ đường.

Khó nhất, đối với tôi, vẫn là phải dậy sớm.

Lần này, mặc dù phải thúc thằng bé, kéo thằng lớn, cha con tôi vẫn có mặt sớm được 10 phút tại xe buýt đón trước càfé Twosome Place, cách tiệm cơm Ý Wood & Brick 20m sau khi ra khỏi lối số 6 của trạm Quang Hoá Môn (Gwanghwamun) trên đường tàu điện ngầm số 5 và băng thẳng ngang đường (các tên quán nước ngoài này là nhã ý của Gonsee để khách không biết đọc Hàn ngữ còn định hướng được). Đến sớm 10 phút thường thì tôi đã coi là một thành tích cá nhân, ở một thành phố toàn những biển chỉ dẫn tây không ra tây và tàu chẳng ra tàu thì là một kỳ công, còn lôi được hai con theo thì là một phép lạ. Tôi ngồi phịch ra trên băng cuối nhưng không vật ra mà ngủ được vì còn phải kiểm điểm lại trên người và trong hành lý các vật dụng không được phép mang theo sang biên giới.

Danh sách này thơ mộng kiểu Prévert và cho ta một ý niệm sơ khởi về chế độ bên kia giòng Lâm Tân (Imjin) trầm lặng. Khách không được mang theo máy vi tính xách tay, điều này dễ hiểu vì Khai Thành chưa có quán Starbucks và Hot Spot WiFi nối mạng. Nhưng Khai Thành vì gần biên giới nên bắt được sóng di động thành thử cấm mang điện thoại, đồng thời cũng cấm luôn pin điện thoại và máy sạc điện thoại, lỡ ai có dấu được máy nào chui mà không được tiếp tế pin thì cũng khỏi liên lạc được với bên ngoài (tôi không thấy cấm thẻ di động cào-số đẹp- đây là một sơ xuất của ngành phản gián). Máy nghe nhạc MP3 thì không cấm, nhưng nếu máy bạn có khả năng thu âm thì lại không được. Tuy vậy lại không cấm video thu hình (và tất nhiên thu được cả âm), chỉ giới hạn là ống kính zoom không dược quá 15 lần. Máy chụp hình (ngày nay là máy số, thu được cả âm lẫn cả video) thì không được quá tương đương với lại 160 mm, tức là chỉ có khoảng 4,5 lần. Ống nhòm, dụng cụ hành nghề của mọi điệp viên tự trọng, thì OK nhưng giới hạn ở mức 10 lần. Tất nhiên, tài liệu in ấn, báo chí và sách vở thì cấm tuyệt, một trang cũng không cho phép.

Quay phim chụp ảnh theo một luật hết sức là đơn giản, cái gì không cho phép thì không được ghi hình, có nghĩa là chỉ được ghi những chỗ đã ấn định, ngoài ra cấm hết: phong cảnh Bắc Triều Tiên, nhà cửa Bắc Triều Tiên, công dân Bắc Triều Tiên, trời mây Bắc Triều Tiên cũng không được ghi hình trong khi xe chuyển động. Nói tóm lại, thiếu nữ Bắc Hàn tắm suối thì được xem, được xem bằng ống nhòm X10 trở lại, nhưng không được ghi hình. Lại gần và trao đổi, không thấy nói là cấm nhưng Hyundai Asan đề nghị không nói chuyện chính trị (cô nghĩ gì về các ứng cử viên Hoa Kỳ hay nghĩ gì về lãnh tụ yêu quý), chuyện quân sự (đường hầm chuyển quân sang Nam Hàn còn mấy cái nữa chưa phát hiện), không nói chuyện kinh tế hay xã hội, tức là chỉ có thể nói chuyện bâng quơ. Kiểu hôm nay trời đẹp mà mắt cô cũng đẹp, mây trôi và làn tóc cũng trôi, cô có cần tôi đưa khăn lông cho hay lau hộ người, thì mới tránh được mọi rủi ro cho cả đôi bên.

Tôi nói đến tắm suối, vì thác Phác Uyên (Pakyong), một trong ba thác được coi là đẹp nhất bán đảo nằm trong chương trình thăm viếng.

Nhưng trước khi đến bên bờ thác được thì phải qua khu vực quân sự mà lại được gọi là khu Phi Quân Sự. Cách Hán Thành có độ nửa tiếng là kẽm gai bên giòng Lâm Tân chằng chịt, điếm canh, đèn rọi. Xe vào vùng phải di chuyển chậm lại theo chữ chi và ngừng lại ở một cổng gác. Một anh quân nhân Nam Hàn leo lên xe, mũ giáp gọn gàng và súng trường nội hóa Đại Vũ (Daewoo) trên lưng, băng đạn cài nhưng cũng cài chốt an toàn. Anh lịch sự nghiêm chào mọi người và nói gì cũng rất lịch sự mà tôi không hiểu, nói xong lại nghiêm chào và đi xuống[5]. Bởi một trùng hợp lịch sử, Sư đoàn giới tuyến Nam Hàn cũng là Sư đoàn 1 và phù hiệu cũng cùng một mẫu y chang Sư đoàn 1 miền Nam Việt Nam trước đây. Trùng hợp lịch sử này là cả quân đội Nam Hàn và Nam Việt Nam đều do Hoa Kỳ đỡ đầu, trang bị cố vấn và tổ chức trong cùng một giai đọan, khác biệt có chăng ở chỗ Phác Chính Hy xuất thân từ quân đội Nhật Bản và Nguyễn văn Thiệu từ quân đội Pháp. Loằng ngoằng một lúc nữa, quanh co giữa những chông cản thiết giáp sơn phết sáng lóang màu vàng và đen cho dễ nhận, thì đến cửa khẩu Đô La Sơn (Dorasan).


[1] Bà Albright là người sau này khi được hỏi về chiến tranh phong tỏa Iraq của Saddam Hussein dưới thời Clinton và từng gây thiệt mạng cho vài trăm ngàn hay nửa triệu trẻ em- ai vào đó mà đếm, vả lại xác hài nhi để một đống rất khó đếm chính xác - đã trả lời đó là chính sách cần thiết. Vậy thì chưa hẳn ai đã gót cao và ai chải tóc bồng hơn ai, khác chăng là các ông Kim hay Hussein chỉ hại dân quốc gia các ông lãnh đạo còn ông Clinton và bà Albright vì lãnh đạo cả thế giới nên tầm tác hại xa hơn ?
[2] Khi trốn nhà ra đi vào năm 16 tuổi để tìm sinh kế tự lập, vị thiếu niên nhiều hòai bão này có mang theo một con bò của gia đình mà tất nhiên là không xin phép. 67 năm sau ông mới trả lại làng xưa cả vốn (1 con bò) lẫn lời (1000 con).
[3] Lực lượng Liên Hiệp Quốc làm khó không cho khách đầu tóc rối bù, khách mặc quần jean (rách hay bạc màu), quần hở đùi hay hở mông, áo hở nách hay hở rốn, dép hở… các ngón chân v.v.
[4] Từ 1953 đến 2005 ước lượng là 14.000, không kể con số lẩn trốn tại Trung Quốc, từ 60.000 đến vài trăm ngàn ? Năm 2006 là 1.500, 2007 con số là 2.500. Phải nói Việt Nam là địa điểm ưa chuộng nhất của người Bắc Hàn tị nạn, từ Bắc Hàn sang Trung Quốc và từ Trung Quốc lẻn sang Việt Nam nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng Nam Hàn có mặt rất nhiều ở nuớc ta http://en.wikipedia.org/wiki/North_Korean_defectors .
[5] Bởi một trùng hợp lịch sử, Sư đòan giới tuyến Nam Hàn cũng là Sư đòan 1 và phù hiệu cũng cùng một mẫu y chang Sư đòan 1 miền Nam Việt Nam trước đây. Trùng hợp lịch sử này là cả quân đội Nam Hàn và Nam Việt Nam đều do Hoa Kỳ đỡ đầu, trang bị, cố vấn và tổ chức trong cùng một giai đọan, khác biệt có chăng ở chỗ Phác Chính Hy xuất thân từ quân đội Nhật Bản và Nguyễn văn Thiệu từ quân đội Pháp.
Vì tình trạng phân chia, Nam Hàn vẫn có chế độ quân dịch, thanh niên đến tuổi phải phục vụ hai năm, trên phố chiều cuối tuần áo bông nghỉ phép vẫn rộ cạnh

ไม่มีความคิดเห็น: