วันพฤหัสบดีที่ 4 ธันวาคม พ.ศ. 2551

No147:Một vài suy nghĩ về Xã hội XHCN trong giai đoạn hiện nay.

XÃ HỘI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Theo quan điểm của Karl Marx: Xã hội Xã hội chủ nghĩa, là một xã hội của dân, do dân, và vì dân. Đó là một xã hội lý tưởng, trong đó mọi người được bình đẳng với nhau, phát triển tối đa về quyền con người, văn minh, tiến bộ. Con người là trọng tâm phát triển của xã hội, làm theo năng lực, hưởng theo lao động.

Tìm hiểu về xã hội xã hội chủ nghĩa

Theo những gì mà tôi được truyền đạt và lý giải về xã hội xã hội chủ nghĩa trong giảng đường đại học thì: “xã hội xã hội chủ nghĩa là một xã hội mà trong đó mọi người được coi là như nhau (cào bằng xã hội?), tài sản toàn dân được xã hội hóa (tập trung tài sản toàn dân thành tài sản chung, nên xã hội chủ nghĩa còn được gọi là cộng sản chủ nghĩa). Mọi người làm theo năng lực, hưởng theo lao động”. (1) (2)

Xét về tính công bằng trong lý thuyết XHCN, ta thấy:

- Có công bằng hay không khi một người miệt mài học tập 12 năm phổ thông, 4 năm đại học, 2 năm thạc sĩ và vài năm nghiên cứu sinh lại được cào bằng với một người miệt mài ăn chơi từ nhỏ?! Xét về khía cạnh nhân văn, thì đây là một vấn đề phi nhân bản. Vì ai đóng góp nhiều hơn cho xã hội thì phải được thừa hưởng nhiều hơn từ thành quả của mình. Ai đáng được tôn trọng hơn thì phải được tôn hơn. Có như vậy thì mới kích thích mỗi cá nhân tham gia và đóng góp công sức của mình cho xã hội.
- Có công bằng hay không khi một người lãnh đạo làm việc miệt mài 12-16 tiếng mỗi ngày lại được cấp phát nhu cầu giống như một người không làm việc hay làm việc vài tiếng mỗi ngày?! (3) Vậy thì ai sẽ là người chịu làm việc? Vì không làm cũng giống làm. Điều này đã được chứng minh trong thời gian áp dụng mô hình hợp tác xã và kết quả là hiện nay không còn một hợp tác xã nào tồn tại. Hơn nữa, Theo kinh tế học thì nhu cầu là vô hạn. Vậy xã hội sẽ cung cấp thế nào khi năng lực đáp ứng là hữu hạn?? Điều này phi kinh tế.
- Con người trong xã hội có chấp nhận sự công bằng (theo khái niệm công bằng như học thuyết xã hội chủ nghĩa nêu trên) hay không?!

Thực tế xã hội là một tập thể nhiều cá nhân (trong một phạm vi giới hạn về địa lý hoặc trên toàn thế giới). Mà cá nhân hay cá thể thì không bao giờ giống nhau, họ khác nhau về tính cách, họ khác nhau về nhân phẩm, họ khác nhau về sở thích, họ khác nhau về trình độ, bởi họ khác nhau về thể chất, về sinh lý… (khoa học đã chứng minh yếu tố sinh lý (thể chất) ảnh hưởng đến cá tính, năng lực của mỗi người). Vậy thì, một sự cào bằng về con người (về nhu cầu, về nhân phẩm, địa vị xã hội … ) mà xã hội chủ nghĩa hướng tới sẽ được xây dựng ở đâu? (trên trái đất hay một hành tinh xa xôi nào đó?). Và mỗi thành viên trong xã hội đó là ai? hay nói chính xác là những cái gì (vì chỉ có các sản phẩm công nghiệp mới có sự đồng nhất, tương đối ít dị biệt)? hay là những con người đã thấm nhuần tinh thần cộng sản đến mức họ đồng nhất với nhau như những robot.

Một học thuyết được xây dựng trên nền tảng không thể có trong thực tế, bằng một hệ thống quan điểm không phù hợp với khoa học, và trên một sự công bằng giả tạo ấy có tốt đẹp hay không? có thể tồi tại được hay không? Và xã hội đó có nên gọi là xã hội không tưởng hay không??

Tại sao lại có những con người tin tưởng và đi theo triết lý không tưởng đó???

Hay còn có một triết lý khác, lý giải khác về cái gọi là Chủ nghĩa xã hội???

Ta hãy nhìn lại thực tế các quốc gia xây dựng theo đường lối xã hội chủ nghĩa hiện nay.

- Một hệ thống xã hội chủ nghĩ rộng lớn từ Á sang Âu đã sụp đổ thảm hại và chỉ còn vài nước le ngoe, ngắc ngoải.
- Từ một quốc gia cường thịnh, Liên xô (Liên bang Xô viết, nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên) đã trở thành một quốc gia van xin tài trợ của quốc tế. Và cuối cùng phải chấp nhận từ bỏ cái gọi là học thuyết xã hội chủ nghĩa.
- So với Nam Hàn văn minh tiến bộ, Bắc Hàn nghèo đói, lạc hậu và phải dựa dẫm vào cái lò hạt nhân để uy hiếp những người đấu tranh cho sự sống, buộc họ phải viện trợ. Nếu không họ sẽ tái hoạt động lò phản ứng hạt nhân. (vì trước sau gì chả chết, chết đói còn nhục nhã hơn)
- Một Trung Hoa cường quyền với một môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. Với sự khủng bố man rợ ở Thiên An Môn của chính chính phủ. Với một loạt các việc bốc lột lao động ở các vùng hẻo lánh của các người có thế lực (điển hình là vụ án trong lò gạch được truyền hình Việt nam đưa tin gần đây). Với một loạt cái vụ scandal về chất độc trong cả thực phẩm và đồ chơi trẻ em và đang được cả thế giới quan tâm đến mức tẩy chay.
- Một hòn ngọc viễn đông trở thành một nước giàu có thứ ba trên thế giới từ dưới đếm lên.

XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Bây giờ chúng ta hãy nhìn lại thực tế xây dụng chủ nghĩa xã hội ở Việt nam.

Quan điểm (lý thuyết) của ĐCSVN:

“Xã hội xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”. (Theo giáo khoa về CNXH khoa học của Bộ GDĐT)

Quan điểm là như vậy, song thực tế thì sao?

Xã hội Việt nam đang xây dựng một xã hội dựa trên nền kinh tế dị dạng mang tên “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Một nền kinh tế với sự độc quyền của các chủ thể kinh tế quốc doanh mặc dù thua lỗ mỗi năm hằng tỉ đồng. Một nền kinh tế với sự bao che và dung dưỡng cho các tổ chức có mối quan hệ mật thiết và chịu chugn chi với các nhà lãnh đạo. Một nền kinh tế mà các chỉ số thống kê chỉ được tìm thấy bằng nhữa con số ảo, theo hướng báo cáo lập công…

Xã hội Việt nam đang được xây dựng trên một hệ thống thông tin được biên soạn và đạo diễn từ ban tuyên giáo trung ương. Hơn 600 tờ báo trên cả nước đều đưa cùng một tin và có cùng một quan điểm (theo cách nói của Đảng CSVN là 100% đồng thuận).

Xã hội Việt nam đang được xây dựng trên một nền giáo dục yếu kém. Bằng cấp được cấp bởi tiền chứ không cần qua đào tạo. Giáo khoa được thay đổi liên tục. Cử nhân sự phạm muốn có lớp dạy phải có Bác đưa lối dẫn đường, học sinh bị buộc phải học thêm ngay từ mẫu giáo…

Tham nhũng, chung chi len lõi vào mọi ngóc ngách của xã hội, từ kinh tế, chính trị đến giáo dục, y tế… Hệ thống pháp luật bất cập, hệ thống tư pháp thì tham gia phiên tòa theo chỉ thị của Đảng…

Nhân dân thì bị đàn áp dã man, nguyện vọng của người dân không hề có giá trị với Đảng. (Qua vụ Thái Hà và tòa Khâm sứ).

Tóm lại, có thể đánh giá một cách tổng quát thành tựa của hơn 30 năm thống nhất xây dựng tổ quốc Việt nam như sau:

- Tham nhũng đã ăn sâu và bám rễ đến tận cùng xã hội, từ lãnh đạo cao nhất đến bần cố nông.
- Giá trị xã hội bị băng hoại. (xem bài giá trị xã hội bị băng hoại)
- Truyền thông theo hướng trù dập, một chiều, xảo trá, được đạo diễn và chỉnh lý lại bởi ban tuyên giáo trung ương.
- Tòa án, tư pháp theo đúng nghĩa của bức tượng biểu tượng cho công lý: Tai bị bịt, mắt bị che.
- Nhân dân bị đàn áp, cưỡng đoạt tài sản bằng lý luận “đất đai là tài sản nhà nước”, bằng chiêu bài quy hoạch.
- Đấu tranh cho công lý thì được coi là nghe lời xúi giục của thế lực thù địch bên ngoài gây mất đoàn kết dân tộc.

TÍNH TẤT YẾU CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Từ lý thuyết tới thực tiển xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa chỉ là một học thuyết được xây dựng trên những giá trị không thực, không phù hợp với cuộc sống xã hội, không phù hợp với văn minh tiến bộ. Và do đó, quá trình xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa theo triết học Marx - Lenine tất sẽ gặp phải những khủng hoảng, và xã hội đó tất sẽ có những biến dị và đi tới bế tắc.

Và với quy luật chọn lọc tự nhiên, xã hội xã hội chủ nghĩa sẽ chỉ còn là một dĩ vãng đau thương của quốc gia nào đi theo con đường này.



___________
Chú giải:

1. Mỗi con người là một lao động và được coi là như nhau từ phu khuân vác cho tới giáo sư tiến sĩ.
2. Ở đây có ý nói mọi người làm việc theo khả năng và tích góp tài sản vào tài sản chung, khi có nhu cầu sẽ được cấp phát theo nhu cầu.
3. Ở đây nêu rõ: làm theo năng lực có nghĩa là ai làm được gì thì làm, thậm chí không làm được thì thôi.

ไม่มีความคิดเห็น: