Ngày nay, không ai là không biết, khi tới cơ quan hành chánh nhà nước phải mang theo tiền. Ít thì một gói thuốc 555, có khi thì một thùng bia 333. Và lớn hơn là một phong bì tùy theo công việc phải giải quyết mà nó sẽ đựng loại tiền nào, 50000, 100000 hay 500000. Dù đi làm một giấy khai sanh hay một đơn báo tử.
Đã nhiều lần, vì công việc, tôi đã phải đến các cơ quan hành (là) chánh nhà nước để được chứng kiến các vị quan chức nhà nước phục vụ chủ nhân của mình. Tôi xin kể lại một lần trong số đó.
Tôi đến văn phòng ủy ban phường vào lúc 8h sáng một ngày đẹp trời. Nhưng chẳng có ai cả. 8g30 sáng các nô bộc của tôi mới lác đác bước vào văn phòng làm việc. Họ bắt đầu tụ tập uống trà và nói chuyện thế giới đông, tây. Khi đã khá đông đủ thì họ kéo nhau đi ăn sáng theo nhóm của mình bất chấp các ông chủ, cậu chủ đang chờ họ để giải quyết công việc. Ăn sáng trở về, họ uể oải nhìn vào từng tờ đơn, tờ trình của chủ nhân. Khi tờ đơn của tôi được chiếu cố, tôi đứng dậy và đến bàn ngồi đối diện với công nô của mình. “Đi mua cho anh gói thuốc”, tôi giật mình khi chưa kịp đặt mông xuống ghế thì nghe tiếng nói từ phí đối diện. Quái lạ, lại có cái kiểu sai dân đi mua thuốc sao? Tôi tự hỏi rồi đưa mắt nhìn người nô bộc của mình. Thôi cũng được, để công việc được mau chóng mà, tôi tự nhủ. Nhưng tiền đâu? Chẳng thấy động tĩnh nào của ngài nô bộc là muốn móc tiền ra cả. Ngược lại với suy nghĩ của tôi, ngài nô bộc nhìn tôi vênh váo như muốn nói: có muốn ký không đấy! Đâu đó quanh tôi vang lên một giọng nói nhỏ nhẹ: Đi mua cho ảnh gói thuốc rồi ảnh ký cho. Và tôi chợt hiểu, tôi đã quên mất cái thủ tục “đầu tiên” của mình khi đến cơ quan hành (là) chính nhà nước. Có thể sẽ ít gặp những chuyện như thế này ở Tp HCM bởi vì ở đó người dân đã không còn sợ những ngài nô bộ của mình như trước đây. Tuy nhiên, nếu các bạn đi đến các cơ quan hành chánh nhà nước ở các tỉnh lẻ và miền quê thì đây là chuyện thường ngày ở phố huyện.
Nếu một bạn nào đó đến cơ quan nhà nước với một tờ đơn trên tay, dù là đơn xin chứng nhận tạm trú, một đơn xin phép xây dựng, một tờ giấy xác nhận gì gì đó mà không có thủ tục đầu tiên thì y như rằng, bạn phải viết lại lá đơn đó ít nhất là 5 lần. Và nghiêm trọng hơn nữa là bạn phải chờ xác minh mà không biết thời hạn bao lâu.
Nếu bạn một lần ra làm thủ tục hải quan thì tiền bồi dưỡng là chuyện không thể thiếu nếu bạn muốn hàng của bạn được xuất kho. Có hàng vạn lý do để bạn phải kê khai lại các tờ khai. Các doanh nghiệp, các công ty đã vì tiền bãi mỗi ngày khi bị giam kho không chịu nỗi đã phải đưa ra luật bất thành văn: 1 công = 200.000 vnđ. Có khi còn cao hơn cho những người mới tham gia công việc này vì chưa quen đường đi lối về. Và khi hàng không minh bạch thì số tiền lên tới vài chục chai (xin các bạn đừng hiểu đây là vài chục chai nước suối nhé!). Đây là câu trả lời cho hàng loạt thực phẩm độc hại được nhập vào Việt nam, hàng loạt rác trên thế giới chọn Việt nam làm bãi chứa.
Các doanh nghiệp hàng năm phải đối mặt với hành loạt các khoản (tại sao tôi gọi là các khoản mà không gọi là vấn đề?): phòng cháy chửa cháy, môi trường, an toàn lao động… Nhưng có một sự khác lạ ở Việt nam là, sự đối mặt ở đây không phải là để cải tiến hệ thống phòng cháy chửa cháy, cũng không phải là để nâng cấp hệ thống xử lý chất thải, cũng chẳng phải là đảm bảo an toàn lao động mà là số tiền phải chung chi cho các vị chức trách phụ trách các vấn đề đó. Các công ty, doanh nghiệp cho dù có cải thiện các điều kiện sản xuất kinh doanh phù hợp với tiêu chuẩn nhà nước mà không chịu chi tiền thì bị hạch sách, quấy nhiễu. Còn ngược lại, chỉ cần chi tiền, các công ty không cần phải tốn công nhọc sức, mọi điều kiện sẽ tự nhiên phù hợp với thực tế của công ty. Công ty lớn thì chi lớn, công ty nhỏ thì chi nhỏ, đố công ty nào sót sổ. Đó cũng là câu trả lời cho sự việc hàng loạt công ty gây ô nhiễm môi trường được báo chí phanh phui, hàng loạt các vụ cháy xảy ra gần đây.
Rồi trong những năm gần đây, hàng loạt các công ty quốc doanh thua lỗ được cổ phân hóa. Mọi người hồ hỡi vì chính phủ và nhà nước đã biết thế nào là kinh doanh. Nhưng cái vui chưa trọn vẹn thì những cái lạ đời bắt đầu xảy ra. Mang tiếng là cổ phần hóa và khuyến khích người dân tham gia. Ấy vậy mà đố người dân nào mua được 1 cổ phần nào với giá ấn định ban đầu. Cái giá được bán lại từ các sếp bằng giá ấn định nhân với 3 hoặc 4 lần. Và khi lên sàn giao dịch ngay từ phiên đầu tiên đã tăng vọt lên 4, 5 lần. Ở đâu có cái sự lạ lùng thế. Những công ty đang thua lỗ hàng tỉ đồng mỗi năm sao lại được nhà đầu tư hồ hởi đến thế? Nếu ai tinh ý một chút có thể nhận ra một sự thật rất đơn giản: Họ đã định giá công ty ở một mức giá thật thấp, rồi các sếp chia nhau quyền mua cổ phần, như vậy khi lên sàn chỉ cần với giá thực thôi học cũng đã có lời gấp 10 lần rồi. Cái giá tăng gấp 5 lần cũng chỉ là ngụy trang mà thôi, có sếp mà chịu bán đâu. Bây giờ người dân mới hiểu: Cổ phần hóa là hợp thức hóa việc lấy tiền nhà nước mà thôi.
Có lần tôi đi cùng người bạn trên đường Nguyễn Văn Trỗi thì được một chú Cảnh sát giao thông hỏi thăm. Mặc dù có đầy đủ giấy tờ nhưng người bạn tôi vẫn móc tờ 50.000 kẹp theo cavet. Một cái gật đầu viên cảnh sát và chúng tôi lại lên đường. Lát sau tôi hỏi: mầy chưa thi bằng lái à? Tao có đầy đủ hết, người bạn tôi trả lời. Thế mình có phạm luật gì đâu mà mày phải nhét tiền? Bạn tôi trả lời gọn bưng: lằng nhằng với tụi nó mất thời gian, trước sau gì tụi nó cũng kiếm ra chuyện để phạt à? Tôi chỉ còn biết ngậm tăm thôi chứ nói gì nữa.
Một sự thực đáng sợ là cái sự hiển nhiên của tham nhũng, quan liêu, của hối lộ lâu ngày đã biến thành văn hóa. Người dân đã coi chuyện đút lót như một hiện tượng tất yếu của xã hội. Họ coi đó là cách khôn ngoan nhất để tránh sự phiền nhiễu của các quan chức. Rất ích (phải nói là hiếm khi) có người nhận ra đó là vi phạm pháp luật. Và càng hiếm khi có người muốn thay đổi và đấu tranh chống lại căn bịnh trầm kha này. Nó đã nghiễm nhiên biến thành một phần tất yếu của cuộc sống.
Và điều đáng ghê sợ hơn nữa là nó đã trở thành văn hóa và ý thức hệ trong tư duy của các quan chức cấp cao. Tôi còn nhớ có lần một lãnh đạo cấp cao của cục hải quan đã bào chữa cho nhân viên của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng và gọi hiện tượng này với một cái tên rất mỹ miều: “bồi dưỡng”.
Ở Nhật, một nhà thầu xây dựng đút lót cho quan chức nước ngoài là Việt nam đã bị chính phủ Nhật điều tra và khởi tố. Còn bản thân các vị quan chức Việt nam nhận hối lộ đó thì vẫn bình an vô sự. (vụ án đại lộ Đông Tây vừa qua là một điển hình).
Và, với vụ hai nhà báo Hải, Chiến gần đây, càng chứng tỏ rằng:
Quan liêu, tham nhũng và hối lộ là đặc tính tất yếu và bất khả xâm phạm của xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay.
Anthony Le
ไม่มีความคิดเห็น:
แสดงความคิดเห็น