วันเสาร์ที่ 28 กุมภาพันธ์ พ.ศ. 2552

No335: Dân Chủ cho VN: Chuyển Đổi Hệ Thuyết và sự Chuyển Tiếp Thế Hệ

Dân Chủ cho VN: Chuyển Đổi Hệ Thuyết và sự Chuyển Tiếp Thế Hệ

Thế hệ trước đã phải mang theo bên mình những hòn bi quá khổ nặng nề của cuộc nội chiến 20 năm trong suốt 30 năm qua. Thế hệ sau có cần phải tiếp nhận những hòn bi này để rồi lại phải kình nhau lê gót đến tương lai hay không?


Lời mở đầu

Tôi được biết đến danh từ Paradigm Shift [được gọi là Chuyển Đổi Hệ Thuyết] trong một khóa đào tạo Quản Lý Kế Hoạch Thương Mại 4 năm trước đây. Paradigm Shift mô tả một hiện tượng tương tự như Thuyết Tương Đối (Theory of Relativity) của Newton, nó tầm thường nhưng lại rất quan trọng. Hiện tượng này tầm thường vì nó rất hiển nhiên và xảy ra nhan nhản ở khắp nơi, khắp ngành, hầu như ai cũng đã biết đến hoặc từng trải qua. Đồng thời, nó cũng rất quan trọng vì khi nó xảy ra, tất cả những ai không nhận diện và có chuẩn bị trước đều phải trả một giá rất đắt. Trong môi trường cạnh tranh, nhận diện được hướng chuyển đổi sớm hay muộn có thể quyết định kẻ thắng người thua. Và trong trường hợp cùng đường bí lối, nhận diện được hướng chuyển đổi này hay không sẽ quyết định thành bại. Cũng tương tự như Thuyết Tương Đối, khái niệm về Paradigm Shift có thể sử dụng trong bất kỳ trường hợp nào, hoàn cảnh nào, trong ngành gì, lĩnh vực gì, với ai, với bất cứ vấn đề gì.

Bài viết này được viết với hai mục đích: Trước là để giới thiệu cùng các bạn về Paradigm Shift và trình bài hiệu quả của nó trong thực nghiệm. Sau đó là để khai triển khái niệm này để nói đến phong trào tranh đấu giành tự do dân chủ cho VN, một phong trào mà tôi, cũng như rất nhiều người khác, mong mỏi sẽ thấy được sự thành công. Cũng xin nói trước với bạn đọc rằng Paradigm Shift, tương tự như Thuyết Tiến Hóa của Darwin, là sự nhận diện đặt tên của một quá trình chuyển đổi mà ở đoạn cuối, người ta có thể nhận định chính xác rằng cái gì đã chuyển đổi toàn diện từ đâu sang đâu. Hiện tượng này chỉ được trình bày bằng sự thành công của những chuyển đổi đã xảy ra nhằm để nhận diện và chuẩn bị cho những chuyển đổi sẽ đến. Tác giả không có câu trả lời nhất định, chỉ có thể nêu lên nhận định cá nhân để cùng nhau truy vấn xem một Paradigm Shift toàn diện trong phong trào tranh đấu có nhất thiết hay không? Sẽ xảy ra hay không? Và nếu sẽ xảy ra, nó sẽ xảy ra như thế nào? Trước hay sau sự chuyển tiếp thế hệ?

Chuyển Đổi Hệ Thuyết (Paradigm Shift) là gì?

Từ Paradigm Shift được khoa học gia Thomas Kuhn dùng đến lần đầu tiên năm 1962 trong tác phẩm khoa học ấn tượng của ông, The Structure of Scientific Revolutions (Cấu Trúc của những cuộc Cách Mạng Khoa Học), nhằm để miêu tả sự thay đổi của những nhận xét cơ bản trong giới hạn lý thuyết của khoa học. Sự thay đổi nhẹ nhàng này sau đó lại dẫn đến một cuộc cách mạng trí thức mãnh liệt. Ông Kuhn đã giới hạn và chỉ sử dụng từ Paradigm Shift trong lĩnh vực khoa học mà thôi vì theo ông, “một hệ thuyết là những gì thành viên trong cộng đồng khoa học, và chỉ trong cộng đồng này mà thôi, chia xẻ với nhau.”

Cho dù vậy, từ này đã được chấp nhận trong thập niên 1960 và ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác với các cảnh ngữ khác nhau. Nói một cách tóm tắt thì Paradigm Shift là một sự chuyển đổi hoặc thay đổi trong tư tưởng của chúng ta về sự kiện, dân tộc, môi trường, đời sống. Sự chuyển đổi hoặc thay đổi này có tính chất lan rộng toàn diện trên lĩnh vực mà nó được áp dụng và sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống và cách sống của chúng ta hiện nay và trong tương lai.

Kết cấu của Paradigm Shift bao gồm (1) Ý tưởng mới làm chất xúc tích (2) Ứng dụng ý tưởng mới vào thực hành một cách hiệu quả (3) Hiệu quả được minh xác, ý tưởng mới được chấp nhận rộng rãi và trở thành một cuộc cách mạng tư tưởng (4) Ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống.


Các trường hợp điển hình của Paradigm Shift

Phản văn hóa (counter-culture) ở Hoa Kỳ: Thời điểm phản văn hóa ở Hoa Kỳ xảy ra vào hai thập niên 60 và 70. Bị thúc đẩy bởi cuộc chiến VN, thế hệ trẻ đối kháng chính quyền Hoa Kỳ có khuynh hướng chống lại quan điểm của chính quyền về đời sống xã hội và mức sống người dân. Thành phần bảo thủ bị họ xem là thành phần áp bức. Paradigm Shift tiếp nối sau đó bao gồm nhiều tư tưởng mới mẻ về tôn giáo, xã hội, tâm linh mà phần đông không lệ thuộc vào tư tưởng truyền thống Tây Phuơng. Những tư tưởng mới này làm giảm bớt căng thẳng giữa các sắc tộc, thắt chặt các mối quan hệ, mở rộng quan hệ ngoại giao, và chấm dứt cuộc chiến VN.

Cho dù sự đối kháng này của giới trẻ thường không vì lợi ích chung của nhân loại, nhưng Paradigm Shift tiếp nối sau đó đã khiến nguời ta mở rộng tư tưởng với sự đa dạng văn hóa, đẩy mạnh phong trào bảo vệ nhân quyền và tự do. Mặt khác, nó cũng có những tác dụng phụ như các tệ nạn nghiện ngập, ly dị, lộn xộn gia tăng trong xã hội.

Toàn cầu hóa nông nghiệp: Cuộc cách mạng nông nghiệp bắt đầu vào khoảng 4000 năm trước CN là một chứng minh hùng hồn cho Paradigm Shift từ đời sống du mục, thu lượm thức ăn đến việc an cư, trồng trọt ở Tiểu Á và Bán Đảo Ả Rập. Chất xúc tích là nền Nông Nghiệp Phôi Thai được ghi nhận vào khoảng 8500 năm trước CN ở khu vực Lưỡng Hà cạnh Địa Trung Hải. 4000 năm sau đó, tiến trình chuyển đổi toàn cầu hóa được bắt đầu với sự xung đột giữa người Cápca (Caucasian) ở Caucasus và người Xê-Mít (Semites - tổ tiên lâu đời của người Do Thái). Theo nhận xét của nhà văn nổi tiếng Daniel Quinn thì sự xung đột này đã được lồng vào Sách Sáng Thế qua câu chuyện của “the Fall” với Abel và Cain. Thêm 2000 năm nữa thì hầu hết các vùng đất nơi đó đã biến thành làng mạc vây quanh bởi ruộng vườn. Hầu hết các tộc dân du mục hoặc bị tiêu diệt hoặc phải thích ứng với lối sống mới này.

Thiên văn học: Sự chuyển đổi trong nhận xét thiên văn từ mô hình địa tâm Ptolemaic (Geocentric model), quan điểm thống trị thời tiền hiện đại, sang hệ nhật tâm Copernian vào thế kỷ 16 là một Paradigm Shift có tầm vóc quốc tế. Chất xúc tích cho sự chuyển đổi này là bài viết của Copernicus năm 1497, De Revolutionibus orbium coelestium (Sụ vận chuyển của thiên thể trong vũ trụ), gây ảnh hưởng nặng đến quan điểm trong triết lý và kinh thánh thời đó. Nhưng vì Copernicus thiếu bằng chứng hỗ trợ hệ thuyết của mình, mãi cho đến năm 1610 khi Galileo phát minh ra viễn vọng kính và quan sát các tinh thể trong hệ Mặt Trời, hệ nhật tâm mới có thể hoàn toàn thay thế mô hình địa tâm.

Điện tử: Sự chuyển đổi từ việc sử dụng nhân lực sang hệ thống tự động điều khiển bởi các phần mềm vi tính, điện tử là một Paradigm Shift trên nhiều lĩnh vực xã hội đời sống. Ở các lĩnh vực khác, nó vẫn còn đang trong vòng chuyển đổi. Tiến trình chào đời của máy vi tính chính nó cũng là một Paradigm Shift lớn ở mức vĩ mô bao gồm những Paradigm Shift nhỏ ở mức vi mô. Bắt đầu từ kỹ nghệ Vacumn Tubes (đèn chân không) của thập niên 50 đến kỹ nghệ Transitors (linh kiện bán dẫn) giữa thập niên 60 đến kỹ nghệ Intergrated Circuit (vi mạch hay mạch tích hợp) giữa thập niên 60 và 70 đến kỹ nghệ LSI và VLSI (trong máy vi tính cá nhân thông dụng) cuối thập niên 70, và kỹ nghệ multiprocessors của thập niên 90 trở lại. Bộ phận xử lý (processor) trong máy vi tính cá nhân cũng đã chuyển đổi từ 1x (single core) đến 2x (dual core) và hiện nay là 4x (quad-core). Sự chuyển đổi sẽ hoàn tất khi hệ thuyết (paradigm) mới hoàn toàn thay thế hệ thuyết cũ và khi đó, có thể gọi hiện tượng này là một Paradigm Shift. Theo nhận xét của tôi, các loại bóng đèn điện hiện nay cũng đang trong quá trình chuyển tiếp mà ở cuối quá trình, loại bóng LED (light-emitting diode) sẽ thay thế tất cả các loại bóng khác.

Mạng Internet: Đối với mạng Internet ở VN, Blog là một hệ thuyết mà thông tin cá nhân và tự do ngôn luận trên mạng đang trong thời kỳ chuyển tiếp vào. Blog đã được ứng dụng, trở thành thịnh hành, và sự đa dạng sẽ còn phát triển xa hơn nữa. Những hình thức quản lý và hạn chế hầu như chỉ có thể chống đỡ tạm thời vì cơn sóng bất khả kháng này ở cuối quá trình chuyển tiếp, sẽ hóa giải các thế lực muốn cản trở nó. Sự chống đỡ càng mạnh, sự hóa giải sẽ càng khốc liệt.

Vật dụng thường ngày: Các thí dụ điển hình khác cho Paradigm Shift là sự chuyển đổi giữa tape Cassette sang dĩa CD, sự chuyển đổi từ băng video cassette sang DVD (trong tương lai sẽ chuyển sang dĩa DVD Blu-ray). Sự chuyển đổi từ đồng hồ Analog sang đồng hồ đeo tay Digital, giữa màn hình TV ống Cathoray sang màn hình mỏng LCD và sự chuyển đổi sóng truyền hình từ tín hiệu Analog sang Digital ở Hoa Kỳ sẽ là hai Paradigm Shift trong tương lai gần đây.

Paradigm Shift ảnh hưởng trực tiếp lên đời sống và lối sống của con người, hệ thuyết cũ sẽ bị đào thải dần dần và nhanh chóng biến mất. Theo thường lệ, khi Chuyển Đổi Hệ Thuyết xảy ra, những thành phần không thích ứng sẽ bị tận diệt. Nhưng cũng có khi thành phần không thích ứng vẫn tồn tại. Cho dù vậy, sự tồn tại này lại rất nhỏ nhoi và không đáng nhắc đến.

Paradigm Shift có thể cấu kết bằng các Paradigm Shift khác ở mức độ nhỏ hơn. Các Paradigm Shift có thể song hành hỗ trợ lẫn nhau; nhưng trong cùng một lĩnh vực ở cùng một mức độ, không thể có hai Chuyển Đổi Hệ Thuyết cùng tồn tại một lúc. Điều này không thể xảy ra vì theo định nghĩa của nó, chỉ có một Hệ Thuyết (paradigm) duy nhất thay thế các Hệ Thuyết khác. Thông thường thì Chuyển Đổi Hệ Thuyết sẽ đem đến những thay đổi tốt đẹp hơn trong tư tưởng và đời sống. Khả năng chuyển đổi sang một hệ thuyết tệ hơn tuy vẫn còn đó, nhưng rất hiếm và không vững bền vì thiếu tính chất nhân hòa.


XHCN: Một Paradigm Shift ngược chiều.

Với cuộc di cư của trên 1 triệu người từ Bắc vào Nam (1954-1956), 20 năm nội chiến, và làn sóng vượt biển tìm tự do sau biến cố 30 tháng 4… khó có thể cho rằng XHCN tượng trưng cho một sự thay đổi tư tưởng có tính chất nhân hòa. Thêm vào đó, với phong trào tranh đấu cho tự do dân chủ chưa bao giờ tàn 30 năm sau khi chủ nghĩa CS toàn thắng, nền giáo dục XHCN thật ra đã không thành công ở mức đáng để gọi là một Paradigm Shift. Có hay chăng đó chỉ là một Paradigm Shift ngược chiều văn hóa dẫn đến các tệ nạn khó tin nhưng có thật như tranh giành gà vịt có lệnh tiêu hủy, cướp giật lương thực sau tai nạn xe cộ thay vì cứu người, phá hủy hội hoa Xuân, chính quyền tranh giành địa bàn với ông đồ trong dịp Xuân, bịt miệng trước tòa án, CA tát dân, CSGT hành hung người đi đường, “vô tình” rút kiếm tấn công nhân viên an ninh sân bay, ngăn chặn SV biểu tình chống Bắc phương xâm chiếm lãnh thổ, hỏi cung một học sinh 10 tuổi đến điên loạn, quan chức đánh bạc đến cả triệu USD, ngang nhiên đòi tiền hối lộ công trình với CT nước ngoài, cấm tự ý làm từ thiện, cấm ngực lép lái xe, bột đá trộn trong kẹo, v.v… Kể cả một cường quốc như Trung Quốc cũng phải đối diện với sự suy đồi văn hóa trong việc hủy hại môi sinh, coi thường sinh mạng (ô nhiễm thực phẩm). Cho dù có biện bạch như thế nào đi nữa, thì sự thật vẫn là sự thật, hệ thuyết XHCN tượng trưng cho sự thoái trào trong tư tưởng văn hóa con người.

“Một người tính bằng chín người làm!” Đó là câu danh ngôn thời phong kiến ông bà ta để lại. Câu nói này rất sai lầm và nguy hiểm khi áp dụng ở mức vĩ mô. Ứng dụng nó đồng nghĩa với việc chấp nhận rằng trong 10 cái đầu, chỉ cần 1 cái là đủ. Khi đề cập câu nói này với ông chủ, bạn sẽ nhận được 1 cái gật gù; nhưng khi nhắc đến nó với 9 người đang sống kiếp “nô lệ” không có quyền lên tiếng, bạn sẽ lãnh được 9 cục đất sét vào đầu. Có lẽ vì nhận thức được sự trái ngược của ý tưởng XHCN đối với lợi ích người dân mà kể từ khi chủ nghĩa CS ra đời cho đến nay, có hơn 40 quốc gia đã từ bỏ thể chế CS và còn lại vỏn vẹn có 5 quốc gia mà thôi. Và đây cũng là lý do tôi mong rằng phong trào tranh đấu cho tự do dân chủ VN sẽ sống mãi trong sự chuyển tiếp thế hệ. Nếu được tận mắt chứng kiến sự thành công của nó, thì quý lắm thay.

Chuyển tiếp thế hệ.

Nhóm từ “chuyển tiếp thế hệ” trong bài này được dùng để nói đến một sự chuyển tiếp nhân sự toàn diện từ thế hệ sinh trước 75 đến sau 75 trong các thể chế và đoàn thể chính trị người Việt khắp nơi. Theo tôi đoán, sự chuyển tiếp này sẽ hoàn tất trong 30 năm nữa và nó sẽ đem đến nhiều thay đổi đầy hứa hẹn. Quan điểm chính trị của thế hệ trước 75 bị ảnh hưởng rất nặng từ những kinh nghiệm đau thương và những khác biệt gây nên bởi cuộc chiến Nam Bắc. Sự ảnh hưởng này thể hiện rất rõ trong từng bài viết, từng lối tuyên truyền, trong văn phong, trong ngữ cảnh, trong ngôn từ, làm giảm đi khả năng truyền đạt ý tưởng của mình và khiến cho người nghe có cảm giác những gì họ nói không được khách quan cho lắm.

Ngoài những người trẻ thuộc thế hệ sinh sau 75 có lòng với đất nước, phần còn lại rất thờ ơ với đề tài chính trị xã hội. Quan trọng hơn nữa là phần còn lại này lại là một phần rất lớn. Trong nước, họ là những người lớn lên dưới nền giáo dục XHCN và sống trong sự thiếu thốn thông tin trung thực đa chiều. Ngoài nước, họ là những người không biết, [hoặc biết nhưng không hiểu, hoặc hiểu nhưng không cảm thông, hoặc cảm thông nhưng không chấp nhận] được những hoạt động chính trị, những cuộc biểu tình hàng loạt tiếp nối nhau cùng các lý do đằng sau đó. Nói cho cùng, họ không có quan điểm chính trị nhất định về ĐCS hay VNCH. Họ chỉ muốn nghĩ cho bản thân, chỉ sống cho mình và người thân dù cho hoàn cảnh xã hội, tình hình đất nước có tuột dốc đến mức nào. Vì vậy, phong trào tranh đấu cho tự do dân chủ VN không có sự tham gia hoặc ủng hộ của họ. Vấn đề trước mặt là phải làm thế nào để có thêm sự ủng hộ từ thế hệ sau 75? Ở mức tối thiểu, làm thế nào để bảo đảm rằng khi sự chuyển tiếp thế hệ xảy ra, phong trào vẫn còn đó?

Những câu hỏi tiếp nối sẽ là: Paradigm Shift có cần thiết trong tư tưởng và đường lối tranh đấu để đến với những người trẻ hay không? Nó sẽ tăng tốc phong trào tranh đấu hay không? Nó sẽ xảy ra sau sự chuyển tiếp thế hệ hay không? Paradigm Shift xảy ra trước sự chuyển tiếp thế hệ có tốt hơn hay không? Làm cách nào để “chuyển đổi”?

Những thay đổi trong tư tưởng có thể dẫn đến Paradigm Shift.

Trong một phần góp ý trên diễn đàn DCV, tôi đã từng ví von: Kình bi là vấn nạn chính trị khó tránh của người Việt chúng ta kể từ năm 54. Và hai hòn bi lớn nhất trong quan niệm chính trị là ĐCS miền Bắc và VNCH miền Nam. Chán thay, giờ vẫn vậy. Tác giả vẫn không tránh được vấn nạn này. Trong ruột của hai hòn bi lớn này lại là những hòn bi nhỏ. 1 hòn bi lớn đã khổ, giờ đến 2. Ai cũng thích ôm bi của mình để so đo xem bi ai lớn hơn. Và dù biết bi to đặt cạnh nhau nhiều chỗ hở, vẫn chờ bi của đối phương teo trước hoặc chờ đến lúc sẽ được teo cùng một lúc. Nếu cách duy nhất để tránh nạn "kình" bi này là thẻo hết cả hai thì vẫn nên vì (nói một cách xấc xược và khôi hài) lạng quạng tất cả người Việt sẽ rơi vào tình trạng "vị bi vong quốc". Từ đó, tôi cho rằng một Paradigm Shift là hiệu quả nhất để tránh khỏi vấn nạn này. Thế thì phải bắt đầu “shift” từ đâu?


Thay đổi quan điểm chính trị:

Một người bạn trẻ thuộc thế hệ sinh sau 75 từng nói với tôi: “Muốn người trẻ quan tâm đến, phải bắt đầu từ xã hội dân sự (civil society), không thể bắt đầu từ chính trị (politic).” Thật vậy, muốn thuyết phục người khác nghe theo mình, phải bắt đầu từ những gì quan trọng đối với họ, không thể bắt đầu từ những gì quan trọng đối với mình. Đó là bài học đầu tiên của khóa đào đạo quản lý: What’s in it for me? (Có ích lợi gì cho tôi?).

Tương lai DC cho VN không phân biệt thân phận, kinh nghiệm, thể chế chính trị, màu cờ. Tương lai đó chỉ muốn nhận diện, đưa ra ánh sáng, và đập tan các tệ nạn cùng nguyên nhân cản trở sự hình thành của một xã hội dân chủ tự do. Đó là các tệ nạn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống như lạm dụng quyền hành, độc tài độc đoán, hối lộ tham nhũng, suy đồi văn hóa, đàn áp bất công, độc quyền tư bản, báo chí lề phải, nói một đàng làm một nẻo, v.v… Đó là những thứ mà một người trẻ sống trong xã hội, dù không quan tâm đến chính trị, vẫn phải đối đầu. Cho dù đang an phận ở hải ngoại, nhưng bà con họ hàng vẫn còn đang gánh chịu. Trước ánh sáng, đề tài xã hội dân sự rồi sẽ lần về chính trị, hậu quả trước mắt rồi sẽ được lần ngược về căn nguyên. Nhưng trước khi thấu hiểu được hậu quả, không ai màng tìm hiểu căn nguyên. Và khi thấu hiểu được hậu quả, không cần đến quan điểm chính trị như Đỏ Vàng, Ngụy Cộng để lần tìm đến mặc dù đằng sau các tệ nạn xã hội dân sự là nguyên nhân chính trị. Theo tôi, việc đi vào vấn đề từ đầu mối xã hội dân lần đến nguyên nhân chính trị, vì đại cuộc đè nén thành kiến khác biệt của cuộc nội chiến Nam Bắc, là một sự chuyển đổi.

Thái độ: Cũng từ quan điểm chính trị, quan niệm “Anh Là Ai” và “Anh Đã Làm Gì” đi trước “Anh Nói Gì” gây ảnh hưởng nặng đến những đối thoại đôi bên, kể cả “cùng phe”. Đó cùng là lý do kèm theo những phê bình, nhận xét là nhu cầu chụp mũ. Khi tham gia đối thoại, ai cũng phải nói rõ mình là ai và mình đã làm gì đáng kể trước khi hy vọng đại ý của mình được người khác nhận rõ. Nếu không thì hoặc là phải xoay trở biện minh khi người ta chẻ chữ tìm sơ hở, hoặc là phải phủi tay bỏ đi. Trong một diễn đàn DC, ai cũng cho rằng ý kiến của 1 người mang mũ “kiều vận” chẳng có gì hay ho dù anh ta có nói gì chăng nữa. Tương tự như thế, trong một diễn đàn quốc nội, ai cũng cho rằng ý kiến của một người mang mũ “phản động” chẳng có gì đáng để ý. Thông thường, nếu không biết anh là ai thì khi anh nói gì tôi không thích nghe, tôi sẽ tự phán “Anh Là Ai” với một cái mũ. Đó không phải là thái độ Dân Chủ.

Người Việt ở mọi nơi, một khi đã nhìn nhau cùng tầng số, cùng phe, cùng đồng đội, thì có nói gì sai cũng châm chế bỏ qua. Ngược lại thì rất khác. Nhằm khi ngứa lỗ ráy, tôi đeo “mặt nạ” bò vào diễn đàn góp ý như bình thường, cũng bị “phe ta” phang tới tấp. Tùy đối tượng phê bình, châm chế với “gà nhà” và thẳng tay với “phe địch” cũng không phải là thái độ Dân Chủ. Trong một môi trường Dân Chủ thực thụ, không phải chỉ mỗi người đều bình đẳng, mọi người cũng cần phải đối xử người khác một cách bình đẳng. Trong một môi trường Dân Chủ, người ta vẫn có thể đối xử với nhau bằng thái độ độc tài, bất công. Nếu nhận diện và thay đổi được hiện tượng này, đó là một sự chuyển đổi.

Ngôn từ: Theo bản năng tự nhiên, người ta thường khinh miệt, xem thường những gì mình chống đối. Và khi bực tức nóng giận đầy cảm xúc, thái độ khinh rẻ hiện rõ trong cách sử dụng ngôn từ. Bạn hãy thử trò chuyện với một người lớn lên dưới chế độ XHCN bằng những ngôn từ như “chó Hồ”, “cờ máu”, “khỉ Ba Đình” và cứ gạch một gạch lên giấy mỗi lần họ phản ứng và quên đi ý bạn đang nói gì. Cũng tương tự như thế khi trò chuyện góp ý, một tên “cẩu vận” hoặc một người trẻ “mất dạy văn hóa XHCN” cứ dùng mãi những từ như “cờ ba que”, “chó Ngụy”… thì bạn nghĩ một người thuộc chế độ CH cũ sẽ có bao nhiêu gạch trên giấy? Chẳng cần biết lý do, nếu một đám trẻ lớn lên cứ “Đù má cái này”, “đĩ mẹ cái kia” tượng trưng cho một sự suy đồi văn hóa, thì một nhóm người lớn tuổi có học thức hơn cứ tối ngày “chó mèo này”, "khỉ ngựa nọ”, “cứt đái”, “chửi này chửi nọ” luôn mồm (đôi khi công khai nơi công cộng khi biểu tình chứ không phải chỉ trong thế giới ảo) chẳng có gì đẹp đẽ cả.

Nhiều lúc đối với “phe nhà”, tôi cũng phải giải thích tá lả. Bạn có thể tưởng tượng khi tôi đối thoại với một bạn trẻ “cháu ngoan Bác Hồ”, cần phải mất bao nhiêu thời gian. Tôi cảm thấy rằng mỗi khi tôi lười biếng cứ viết hoặc góp ý qua loa rồi dông, tôi lại phải tốn thêm rất nhiều thời gian sau đó để giải thích. Cũng như dao búa, ngôn từ là dụng cụ để sử dụng. Ngôn từ càng to lớn, càng khó sử dụng chính xác và khi sơ sót không làm chủ được nó, sẽ bị phản tuyên truyền, tự mình hại mình. Sau khi dùng từ này giải thích từ kia nhiều lần, ý chính bị hoen ố và không còn rõ ràng nữa. Bỏ dùng dao búa trong ngôn ngữ, đối với tôi cũng là một sự chuyển đổi.

Mục đích: Cũng như ngôn từ, mục đích đấu tranh sau nhiều lần sửa đổi, sẽ bị hoen ố và không còn rõ ràng nữa. Chính nghĩa vì thế cũng lu mờ đi; thế lực cũng sẽ không còn vững mạnh sau những lần thay đổi mục đích. Sau khi mở blog qua đôi ba bài viết, tôi nhận được một tin nhắn: “Cùng phe hả, chúng ta họp sức chống Cộng!”. Tôi chỉ có thể xin lỗi anh ta rằng đó không phải là mục đích của tôi. Chống Cộng so với phong trào Dân Chủ đối với tôi rất khác nhau. Chống Cộng có nghĩa là chống CS, nhưng ĐCS hôm nay không phù hợp với chủ nghĩa CS nữa. Biết đâu chừng họ sẽ như một vài đảng viên ĐCS Pháp, thành lập một Đảng mới dưới tên khác (Nouveau Parti Anticapitaliste, tạm dịch là Tân Đảng Chống Tư Bản) và lặng lẽ... dời nhà.

Chống Cộng là một mục đích phát xuất từ quan điểm chính trị và có tính chất tạm thời, khi không còn tên gọi CS nữa thì sao? Sau ĐCS, thì đến Đảng A, Đảng B, Đảng C… tất cả vẫn có thể độc tài, tham nhũng, bất công, áp bức, bóc lột. Một xã hội Dân Chủ phôi thai vẫn đầy dẫy các tệ nạn này. Chống một Đảng cầm quyền chỉ là một mục tiêu chính trị tạm thời khi ĐCS còn tồn tại. Nhưng phong trào DC là một phong trào trường kỳ chống đối các tệ nạn xã hội dân sự cho đến khi có được xã hội DC vững bền thật sự, bất kể ĐCS còn tồn tại hay không.

Đường lối: Vì mục đích đối với tôi có khác, đường lối cũng vì thế khác nhau. Tôi không kêu gọi lật đổ ĐCS, nhưng vẫn để ý và nói lên quan điểm của mình đối với các sự kiện xã hội dân sự mà đằng sau đó là sự tham lam, lối hành xử côn đồ, thói ngang tàng hống hách, sự vô lối trong pháp luật, và sự bất lực khi chấp pháp của những người nắm quyền lực trong tay (những thứ mà đằng sau đó nữa là một guồng máy chính trị lỗi thời cần được thay đổi). Tôi chỉ biết rằng xã hội DC đúng nghĩa đòi hỏi thông tin phải đa chiều, dân trí phải cao, tư duy phải độc lập. Có vậy, những quyết định của người dân mới đáng giá. Vì thế, tôi vẫn theo gót các anh chị, chú bác đi trước (điển hình là DCV và các bậc trưởng thượng tôi quen biết) bằng cách mở blog nói lên chính kiến của mình, làm quen với các bạn trẻ và trao đổi tin tức, phổ biến thông tin mà tôi thấy cần.

Trong bài viết “Blog và Tính Thiết Thực của Việc Quản Lý Blog”, tôi đã nói rằng Blog là một hệ thuyết thông tin đa dạng mà thông tin cá nhân và tự do ngôn luận trên mạng đang trong thời kỳ chuyển tiếp vào. Và cũng nhận định rằng chính quyền VN sẽ không thể quản lý nó vì sự chuyển đổi này là một làn sóng bất khả kháng. Điều này chỉ đúng khi mỗi người chúng ta (những ai có thể kết nối mạng) là một blogger. Chúng ta không nhất thiết phải tốn nhiều thời gian trên các diễn đàn để đưa câu trả lời của mình ra, nhưng góp phần phổ biến thông tin giúp các bạn trẻ đi tìm câu trả lời cho chính họ là một việc làm không kém phần quan trong. Trong lúc điều 4 hiến pháp còn nằm ình trên con đường DC và các trang mạng có tiếng thường bị ngăn chận tường lửa hoặc bị đánh phá, Blog là một phương tiện thông tin những người bình thường như tôi có thể làm để mở ra những cánh cửa nhỏ trong khi chờ đợi cánh cửa lớn. Nếu ai cũng góp phần, làn sóng bất khả kháng này sẽ nhanh chóng trở thành một Paradigm Shift hóa giải nạn bưng bít thông tin trong nước.


Những dao động đáng kể trong thời gian gần đây

Dấu hiệu của sự chuyển đổi sang hệ thuyết Blog hiện rõ sau sự kiện Hoàng Sa, Trường Sa và việc SV biểu tình cuối năm 2007. Ngay sau đó thì sự lúng túng của chính quyền đã lộ rõ sau khi báo chí loan báo rằng sẽ có thông tư quản lý Blog. Trước sự phản đối của cộng đồng mạng, Bộ Trưởng bộ 4T Đỗ Quý Doãn lại nói rằng “có thể coi đây là một thông báo chứ không phải thông tư”. Thật khó hiểu. Báo chí trong nước ngày 13/2 vừa qua lại đăng: “Theo chương trình thực hiện luật Phòng chống tham nhũng và nghị quyết Trung Ương 3, chính phủ đã yêu cầu quyền tiếp cận thông tin được luật hóa.” Nói tóm tắt là theo lời Tổng Thanh Tra chính phủ Trần Văn Truyền, “lối tư duy cục bộ nhằm bưng bít thông tin sẽ phải thay đổi khi có luật tiếp cận thông tin”. Thật khó hiểu hơn khi Điều 6 Nghị định 97/2008 cấm blogger “làm lộ bí mật nhà nước” (bí mật nhà nước blogger cũng có thể biết?) thì bác Truyền sau đó lại nói “Nếu bất kỳ tài liệu nào cũng đóng mật thì không đúng”.

Những tuyên bố tréo cẳng ngỗng như thế này tương tự với dự định ra quy luật ngực lép không được lái xe. Chỉ với một dao động nhỏ trong thế hệ trẻ thì nhà nước có thể đi từ “cấm” rồi lại cần phải hù bằng cách “ra thông tư quản lý” lại nhân nhượng sang “thông báo chứ không phải thông tư”. Đồng thời chỉ với một sự kiện tham nhũng bị phanh phui trước ánh sáng đến mức không thể chối cãi như vụ PCI, nhà nước lại đi từ “bưng bít thông tin nhưng chối” đến “nhận là có bưng bít thông tin” rồi đến “bưng bít là vi phạm qui định”. Đó cũng đủ để chứng tỏ sức mạnh tuổi trẻ và hiệu quả thông tin đại chúng xưa nay vẫn vậy, dù xã hội nằm trong sự cầm quyền của một thể chế độc tài, toàn trị.

Thêm vào đó, những cuộc biểu tình của nhân công bị áp bức, sinh viên yêu nước, nông dân khiếu kiện, các tín đồ đạo giáo đòi lại đất đai gia tăng trên khắp nước, bất kể các biện pháp ngăn ngừa đình công và biểu tình. Truyền đơn và biểu ngữ cũng đã xuất hiện thường xuyên hơn. Đây cũng là những dao động đáng kể trong thái độ của người dân đối với chính quyền.

Lời kết

Những thay đổi nào có thể ảnh hưởng đến sự vận chuyển (shift) hệ thuyết (paradigm) trong thế hệ trẻ, tư tưởng người dân, và thông tin mạng lan rộng đều sẽ giúp ích cho phong trào Dân Chủ. Xã hội Dân Chủ VN sẽ là một Paradigm Shift vĩ đại mà tất cả các Paradigm Shift trong mọi lĩnh vực khác sẽ hội nhập góp phần vào. Nhưng tiến trình nhanh chậm tùy theo chất xúc tích xuất hiện vào thời điểm nào. Có kịp để đoàn kết bảo vệ bờ cõi trước sự tham lam của Trung Quốc hay không? Sự hợp tác giữa thế hệ trẻ quốc nội và thế hệ trẻ hải ngoại một lúc nào đó cũng sẽ xảy ra. Và nó sẽ bắt đầu dựa trên lợi ích song phương (mutual interest) trên con đường hướng tới xã hội Dân Chủ chứ không phải bằng sự cả tin mù quáng (trust).

Đại cuộc có vượt qua được những quá khứ đau thương, phân biệt chính trị, thù hận cá nhân, khác biệt trong tư tưởng hay không? Những mánh khóe, thủ đoạn, lọc lừa của quá khứ có dạy cho chúng ta được bài học gì đáng giá để hóa giải và vượt qua chúng không? Hay quá khứ chỉ cho ta vỏn vẹn những bài học là phải tránh xa, cô lập, hoặc tận diệt chúng bằng mọi thủ đoạn? Thế hệ trước đã phải mang theo bên mình những hòn bi quá khổ nặng nề của cuộc nội chiến 20 năm trong suốt 30 năm qua. Thế hệ sau có cần phải tiếp nhận những hòn bi này để rồi lại phải kình nhau lê gót đến tương lai hay không? Con đường tiến tới xã hội Dân Chủ có vì vậy càng xa vời hơn không? Tôi xin kết thúc bài viết bằng những câu hỏi này để bạn đọc có thể cùng tôi suy gẫm.

Bài viết này thủy chung cũng chỉ là quan điểm của cá nhân tôi mà thôi. Tôi không viết cho những ai đã thành danh và đang vì đại nghĩa dấn thân trên con đường tranh đấu. Theo tôi, những người này đã tìm ra con đường của họ và sẵn sàng vì nước quên mình. Tôi chỉ viết cho những người như tôi, những ai đang còn nghĩ rằng mình chưa là ai cả và chưa làm gì đáng kể cả. Và sau đó cũng để chia xẻ quan điểm của một người thuộc thế hệ 7x, suy nghĩ theo kiểu bị cho là tiệm tiến (dân chủ rùa bò), không Đỏ, không Vàng, nhưng ưa chuộng tự do, độc lập, dân chủ. Vì chỉ là quan điểm của một kẻ vô danh, nếu bạn đọc đồng tình ở phần nào thì có thể toàn quyền cắt xén, chỉnh sửa, và đăng tải phần đó với tên mình. Quan điểm của một cá nhân trên thực chất chẳng có giá trị nào. Nó sẽ dần tắt lịm như nhiều quan điểm khác. Chỉ khi nào nó được hưởng ứng, xuất hiện khắp nơi dưới mọi hình thức với nhiều tên tác giả khác nhau thì lúc đó, nó mới có thể trở thành một ý tưởng mới, chất xúc tích cho một sự Chuyển Đổi Hệ Thuyết.

Tài liệu tham khảo:

* What is Paradigm Shift? (www.takeofleap.com)
* Paradigm Shift (en.wikipedia.org)
* What is a Paradim Shift – article by CarolAnn Bailey-Lloyd (www.ezinearticles.com)
* Ishmael – book by Daniel Quinn
* Geocentric model of the Universe: Ptolemaic System and Corpernican – (en.wikipedia.org)
* The birth of PC (www.doc.ic.ac.uk)
* Communist Countries: Past and Present (www.infoplease.com)
* CA tranh giành địa bàn với ông đồ (http://www.youtube.com/watch?v=cZweG20-WeI)
* CA giở thói lưu manh (Blog Điếu Cày)
* Thông tư quản lý blog cá nhân: Năm điều cấm đối với blogger (www.phapluattp.vn)
* Bộ Thông Tin Truyền Thông không có ý định quản lý blog (www.thethaovanhoa.com)
* Thông tin sẽ không còn bị bưng bít (Vietbao.vn)
* Pháp: Tân Đảng Chống Tư Bản ra đời (http://www.greenleft.org.au/2009/783/40327)

ไม่มีความคิดเห็น: