Có cách nào đẩy nhanh tốc độ nâng cao dân trí để sớm giành được dân chủ?
Liệu có cách nào không nhỉ ?
Bây giờ thì hầu hết mọi người đều đồng ý với nhau rằng muốn xây dựng một chế độ dân chủ thật tử tế, thật bền vững, tất phải xây từ cái nền dân trí; dân trí có được khai mở từng bước vững chắc và ngày càng nâng cao thì mới xây dựng được một chế độ dân chủ thật chất lượng, và chất lượng ấy luôn tương ứng với trình độ dân trí, không thể “ăn non” mà cũng chẳng thể “ăn già”.
Nói đến nâng cao dân trí thì ai cũng thấy là việc phải làm lâu dài.
Cụ Phan Châu Trinh từ cách đây hơn một trăm năm vạch đường cứu dân cứu nước bắt đầu bằng KHAI DÂN TRÍ. Cụ Hồ Chí Minh ngay sau khi cách mạng Tháng Tám 1945 thành công đã xác định một trong mấy nhiệm vụ hàng đầu của chính phủ là lãnh đạo toàn dân DIỆT GIẶC DỐT (cùng với nhiệm vụ CHỐNG GIẶC NỘI XÂM giữa lúc chính quyền cách mạng còn trong trứng nước và phải chống thực dân Pháp trở lại xâm lược). Trước cụ Hồ hàng trăm năm, cụ Các Mác đã nêu nỗi lo về cái hoạ dân ngu: “Sự ngu dốt, đó là cái sức mạnh quỉ sứ, và chúng tôi sợ rằng nó sẽ còn là nguyên nhân của nhiều bi kịch”. Cụ Mác nói đúng nhưng chưa đủ. Bản thân sự ngu dốt không có tội, nó là hệ quả của một trình độ xã hội lạc hậu; bi kịch chỉ xuất hiện và trở thành đại hoạ bám níu dai dẳng vào số phận loài người khi sự ngu dốt được trao quyền lực, và trớ trêu thay, chính học thuyết chuyên chính vô sản của Mác lại trao quyền lực cho sự ngu dốt.
Tuy nhiên, đừng quên một điều cũng rất trớ trêu này: những người vô sản thành thị và nông thôn đói khổ ít học bỗng chốc nhờ cái quái chiêu “đường lối giai cấp trong công tác cán bộ” mà nhảy phắt lên ghế vua quan thì tiếp đó họ tuyệt đối không ngu tí nào trong các thủ đoạn bám giữ quyền lực. Ngu sao được khi họ dùng trò ban phát “cơm vua lộc chúa” (thực chất là dùng tiền thuế của dân) sai khiến thật “tài tình” được cả một “đội ngũ trí thức” ngày đêm miệt mài chế tác đủ thứ lý sự ngụy biện chày cối để kéo dài tình trạng ngu dân, và mỉa mai thay, trong “đội ngũ” ấy không phải chỉ toàn bọn “học giả bằng thật” mà lại có cả không ít những bậc tài cao học rộng thông kim bác cổ, hơn nữa lại từng là nạn nhân của chuyên chính vô sản.
Trở lực trực tiếp gây hại gây rối cho việc nâng cao dân trí chính là cái “đội ngũ” bùng nhùng bầy nhầy này.
Trước tình hình ấy, những người sốt ruột mong sớm có dân chủ đâm ra cáu tiết bài bác luận điểm “ôn hòa, tiệm tiến”, hoặc là nản chí chặc lưỡi buông xuôi ngồi chờ quy luật, chờ vận nước - “cái gì phải đến nó sẽ đến”.
Tôi thuộc trường phái sốt ruột, cực kỳ sốt ruột, vì luôn cảm thấy thời gian ở Việt Nam đất nước tôi không trôi theo tốc độ bình thường như ở những xứ sở khác mà trôi theo tốc độ của máu chảy, tốc độ của mồ hôi rơi, của nỗi ngột ngạt bức bối nơi vô vàn những thân phận oan khiên đang bị bóp cổ, bị bịt mồm, bẻ bút.
Nhưng bình tĩnh mà xét thì dù sốt ruột đến mấy cũng không thể hành động theo kiểu hăm hở nhảy xuống ruộng kéo cây mạ cao lên cho mau có lúa khiến mất trắng cả mùa màng.
Tôi lại cũng không thuộc trường phái nản lòng, cam chịu cảnh ngồi chờ qui luật.
Bao đêm trằn trọc tự hỏi: có cách nào đẩy nhanh tốc độ nâng cao dân trí ? Có cách nào ?
Rồi lần lần cũng thấy hé mở câu trả lời, ít nhất là trả lời cho riêng mình, xin được trình bày để cùng trao đổi ý kiến rộng rãi.
*
Nói đến dân trí, nghe qua thấy thật mênh mông.
Thế thì trong cái dân trí mênh mông đó, ta hãy chọn vấn đề gì là cơ bản nhất và cũng cấp bách nhất cần tập trung nỗ lực nâng cao trước hết. Theo tôi, đó chính là vấn đề dân quyền. Vâng, hãy tập trung nâng cao ý thức của người dân về dân quyền – gọi một cách nôm na là ý thức người dân về quyền làm chủ của mình.
Người Việt Nam mình không mấy ai không yêu nước, điều đó là quá rõ, nhưng có lẽ cũng chưa nhiều người thấy thật rõ điều này: ý thức dân tộc phải gắn chặt với ý thức về dân quyền, nước được độc lập mà dân không có quyền thì độc lập cũng không nghĩa lý gì, hiện thời dân ta đúng là đang sống trong một nền độc lập không có nghĩa lý gì, bởi người dân không có được cả đến cái quyền xuống đường biểu tình bày tỏ lòng yêu nước, vậy mà vẫn chưa ngộ ra trạng thái dân-mất-quyền-mất-nước của mình.
TỔ QUỐC TRÊN HẾT, QUYỀN DÂN TRÊN HẾT
Theo tôi, đấy mới đích thực là 8 chữ cần phải được ghi đậm nét ở vị trí trang trọng nhất trên tất cả các báo, đài, trên tất cả các hội trường lớn nhỏ của tất cả các hội nghị, đại hội từ cơ sở tới trung ương. trong tất cả các cuộc sinh hoạt của xã hội dân sự mà mọi người Việt Nam đang nỗ lực cùng nhau xây dựng.
Sực nhớ lại và lòng bỗng vang lên câu hát thuở nào: “Lập quyền dân, tiến lên, Việt Nam!”. Ôi, Văn Cao thiên tài, mấy tiếng ngắn gọn chắc nịch trong giai điệu hào hùng ấy cô đúc toàn bộ đường lối chiến lược về phát huy nội lực để phát triển đất nước một cách lành mạnh và bền vững. Con đường duy nhất đúng để Việt Nam tiến lên chỉ có thể là con đường lập quyền dân, người dân phải lập quyền, phải tự nắm lấy quyền của mình – đúng như ý kiến của cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch UBTW Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam: “Dân chủ là cái phải đấu tranh để giành lấy chứ không thể ngồi chờ ai ban phát cho”.
Phạm vi của quyền làm chủ cũng khá là rộng, vậy trước hết hãy tập trung vận động thức tỉnh người dân nắm lấy quyền làm chủ ở những khâu then chốt nhất.
Theo tôi, 2 khâu then chốt ấy là:
- Làm chủ trong sự suy nghĩ độc lập và công khai nói lên các suy nghĩ độc lập của mình. Muốn thế trước hết phải giành lấy quyền làm chủ thông tin, nhất là giới trẻ, tận dụng sức mạnh của thời đại thông tin để tự bứt phá khỏi sự vây bủa của hệ thống thông tin độc quyền.
- Làm chủ trong việc lựa chọn người thay mặt mình gánh vác việc dân việc nước.
Không làm chủ được ở 2 khâu này thì người dân luôn rơi vào cảnh làm bình phong làm con rối trong tay mấy phần tử xôi thịt đương quyền ỷ vào thể chế độc đảng toàn trị như lâu nay, mà sau này khi xã hội chuyển sang thể chế đa đảng - một xu thế tất yếu - cũng sẽ lại tiếp tục bị giật dây bởi bọn chính khách xôi thịt cả đương quyền lẫn đối lập (thật và cuội).
Việc nâng cao ý thức và hành động làm chủ của người dân có lệ thuộc nhiều vào việc nâng cao học vấn không ? Tất nhiên là có, nhưng theo tôi thì vừa có vừa không, theo cái nghĩa không nhất thiết cứ phải nâng cao học vấn trước thì mới nâng cao được dân trí. Thì xã hội chả đang đầy rẫy những kẻ học vấn đầy mình (học thật hẳn hoi cơ), mà thực chất vẫn luẩn quẩn vô tư (hoặc giả bộ vô tư) trong thân phận nô lệ, tôi đòi ! Trong khi đó thì các bà các cô thợ cấy của chúng ta, những người vì đời sống khốn quẫn triền miên nên học vấn còn thấp, lại có đủ mẫn tuệ để phân biệt được người xấu kẻ tốt trong bộ máy công quyền và các tổ chức ngoại vi của hệ thống chính trị hiện hành.
Vậy muốn đẩy nhanh tốc độ nâng cao dân trí về quyền làm chủ của người dân thì hãy bắt đầu từ việc dễ làm nhất là vận động người dân nói thẳng nói thật những điều mình nghĩ về đám quan chức ấy và cùng nhau thảo luận ở mọi chốn, từ bờ ruộng bờ tre lúc giải lao đến các đám cưới đám tang đám giỗ, các buổi đi chùa đi nhà thờ đi pích-ních, các cuộc họp xóm họp làng, chủ động giành lấy quyền có mặt và nói thẳng nói thật của mình tại những cuộc tiếp xúc cử tri, buộc những ai đang gánh vác việc dân việc nước phải trực diện giải quyết các yêu cầu chính đáng của dân.
Một cách làm nữa hơi khó hơn nhưng vẫn làm được, và dân ta đang chủ động làm ở một số nơi là tự nâng cao ý thức và hành động làm chủ của mình ngay trong các cuộc đấu tranh vì dân sinh. Giặc nội xâm muốn cướp đất của dân thường buộc phải vi phạm pháp luật hoặc lợi dụng kẽ hở của pháp luật, dùng lực lượng công an quân đội mà chúng nắm được để ăn cướp bằng bạo lực. Người dân một mặt dựa vào những điều khoản đúng đắn của luật pháp dùng lý lẽ sắc bén để đấu lý với bọn chủ mưu (dân ta rất giỏi đấu lý với đám cầm quyền xôi thịt, và truyền thống này bấy lâu bị chìm lắng nay đang bắt đầu trỗi dậy), đồng thời kiên trì vận động thuyết phục những người lính thừa hành: “Các em các cháu ơi, các em các cháu có được sơ múi gì đâu mà mang súng mang còng đi ức hiếp dân cướp đất dân cho bọn cấp trên các em phè phưỡn hưởng lợi, còn các em các cháu thì bị dân oán ghét lây ? Đừng có dại dột thế !”. Cũng như thế, khi người dân hỏi các công an viên giơ dùi cui đàn áp dân đi biểu tình chống giặc bành trướng: “Các anh có còn là người Việt Nam nữa hay không ?” thì chẳng phải đấy là dấu hiệu của một mặt bằng dân trí cao hơn cả ban chấp hành Hội Nhà Văn Việt Nam (cứ im thin thít dài dài về việc này) hay sao ? Và người công an nghe câu hỏi ấy của dân thì không thể không cảm thấy nhục nhã, nhất định đêm về không thể không suy nghĩ, và từ đó, cái “công an trí” trong con người anh ta không thể không chuyển biến cùng với dân trí.
Và Đảng trí nữa, tình trạng Đảng trí thấp hơn dân trí thì nhiều người đã nêu, cái “Đảng trí” đang giả đò “đãng trí” ấy liệu có thể cứ ù lì mãi trước sự chuyển biến, dù còn chậm và phân tán, của dân trí không ? Nhất định sẽ có những người đảng viên cảm thấy nhục với dân khi mình đang tự để mất dần tư cách yêu nước, tư cách vì dân – điều mà cả đời họ lấy làm hãnh diện (và kiêu ngạo lố bịch nữa), chắc họ không thể cam chịu đeo mãi nỗi nhục ấy chỉ vì giữ nguyên tắc Đảng, họ không thể không thấy chỉ còn một con đường tự cứu duy nhất là phải xé rào để hành động vì dân vì nước như Kim Ngọc, như Võ Văn Kiệt đã làm và làm có hiệu quả. Sự quật khởi của những đảng viên như thế lúc đầu còn lẻ tẻ nhưng sức ép của lòng dân trí dân nhất định sẽ khiến ngày càng xuất hiện nhiều hơn, vừa làm chuyển biến Đảng trí trong nội bộ Đảng đồng thời tác động trở lại vào dân trí. Sự chuyển biến và tác động tương hỗ qua lại giữa Đảng trí và dân trí từng ngày một sẽ tạo nên những làn sóng vừa nổi vừa ngầm làm cho thế trận chống nội xâm chống bành trướng xây dựng dân chủ dần tiến đến thế thượng phong ngày càng vững hơn với lực ngày càng đông đảo hơn. Hàng mấy chục triệu đảng viên, cựu chiến binh và gia đình liệt sĩ, bộ phận hy sinh mất mát nhiều nhất trong chiến tranh nhưng thiệt thòi nhất trong hòa bình (đến mức đảng viên cũng mất luôn cả quyền công dân) là lực lượng tiềm ẩn hùng mạnh của dân chủ.
Thế thượng phong của dân chủ là thế của những người đi đánh giặc bành trướng, đánh giặc nội xâm (trong đó có bọn tay sai bành trướng), là thế của người đi đòi nợ, trước hết là món nợ về các quyền cơ bản đã được ghi trong Hiến pháp như tự do báo chí, tự do xuất bản, tự do lập hội, tự do biểu tình v…v… mà giặc nội xâm (chiếm đa số trong các cấp ủy và các cương vị chủ chốt trong bộ máy công quyền) đang cố tình vỗ nợ. Khi ý thức được thế thượng phong của người đi đánh giặc, đi đòi nợ, nhân dân sẽ tự vượt thoát ra khỏi tâm lý của quan hệ xin-cho, chuyển sang tâm lý và ý thức làm chủ, từ đó chuyển sang hành động làm chủ.
Khâu then chốt thứ 2 của làm chủ là làm chủ lá phiếu. Hệ thống chính trị hiện hành dù là độc đảng toàn trị nhưng vẫn cứ phải có ứng cử, bầu cử từ trong Đảng cầm quyền đến các hội đoàn cây cảnh của Đảng và trên toàn xã hội. Bấy lâu nay các cuộc bỏ phiếu hầu như đều diễn ra với kết quả đúng theo sự sắp đặt từ bàn tay của “một người hoặc một nhóm người” (cụm từ của nguyên phó ban tổ chức trung ương Nguyễn Đình Hương nói về tình trạng khuất tất trong công tác cán bộ) là bởi vì cả đảng viên lẫn người dân đều chưa ý thức được sức mạnh của lá phiếu trong tay mình. Nhưng tình hình đang dần dần khác trước. Đã xuất hiện một sự thức tỉnh, tuy còn lẻ tẻ phân tán nhưng sớm muộn cũng sẽ lan rộng: người dân tự nhận ra sự hớ hênh rất lớn của mình - A, cái thằng cái con cán bộ hôm nay về cướp đất mình lại cũng chính là mấy đứa dạo trước có tên trong lá phiếu chúng nó bảo mình bầu, ôi giời, rõ thật vô duyên, chung qui cũng tại mình đây, chính mình tự đeo tai ách vào mình đây, chỉ có mỗi động tác gạch béng tên chúng nó đi mà đầu óc mụ mị thế nào cũng không biết đàng mà làm ! Và thế rồi khi sắp tới ngày bầu cử đợt mới, bên bờ ruộng, các bà các cô thợ cấy sẽ bàn nhau: “Này, cái thằng X cái con Y ấy ta biết rõ nó là quân ăn cắp ăn cướp nên mới nhiều nhà nhiều đất như thế, nhưng ta chưa bắt được quả tang, ta cứ gạch béng tên chúng nó đi các chị ạ” – “Ừ, phải đấy, cái bọn chưa bị bắt quả tang thì còn nhung nhúc, tôi là tôi cứ gạch tuốt những đứa nào tôi nghi ngờ”. Khi cuộc bầu cử ở một nơi mà diễn ra tình hình người bỏ phiểu, bằng lá phiếu của mình làm phá sản trò xiếc sắp đặt nhân sự từ trong tay “một người hoặc một nhóm người”, thì nếu thông tin tốt, sẽ làm xuất hiện ở các nơi khác hai ba cuộc như thế, năm mười cuộc như thế, dần dần lan ra khắp nước…
Muốn thế, phải vận động. Từng người tự vận động. Vận động lẫn nhau. Lập những nhóm nòng cốt mà vận động. Dân vận động đảng viên (chỉ cần người dân hỏi đảng viên: “Này, bành trướng nó đưa người vào tận Tây Nguyên khai thác bô-xít phá hoại môi trường của ta, Võ đại tướng đã lên tiếng rồi mà sao anh im thít thế ? Anh lại định bầu cho mấy đứa chủ trương “rước voi giầy mả tổ”đấy à ?” thì người đảng viên không thể không thấy chấn động tâm can). Rồi đảng viên vận động lẫn nhau. Không sợ bị qui là bè phái, vì đây là vận động để phá tan cái hành vi bè phái vĩ mô “công tác cán bộ do một người hoặc một nhóm người quyết định”. Những người làm dân vận chân đất nhất định sẽ thắng những kẻ làm dân vận ngồi xe máy lạnh. Nhất định thắng, tôi tin thế. Bởi vì tôi nhớ thuở nào, dân trí còn thấp lắm, cụ Phan Châu Trinh vân động đàn ông nước ta cắt đi cái mớ tóc dài ngự trị trên đầu hàng bao đời. Cụ Phan Khôi chỉ viết ngắn gọn: “Cúp hè ! Cúp hè !/Bỏ cái ngu mầy! Bỏ cái dại mầy!...” mà mấy câu vè nôm na dễ hiểu mau chóng lan truyền từ miền Trung ra khắp nước đi thẳng vào lòng người, mau chóng biến thành hành động. Chỉ trong 4 năm, mái tóc dài trên đầu người đàn ông Việt biến đâu mất. Thời nay, từ lâu rồi dân gian đã có câu “Công an, thuế vụ, kiểm lâm/Trong ba thằng ấy phải đâm thằng nào?...”. Bây giờ vận động người dân thay vì định “đâm” bằng dao thì hãy “đâm” bằng ngọn bút trên lá phiếu, gạch phắt những cái tên đáng ngờ trên lá phiếu, việc này chắc cũng không đến nỗi khó và lâu như việc vận động cắt tóc ngày xưa.
*
Xin mỗi ban mai, ngẩng nhìn trời, nhìn nhau, nắm tay nhau, cùng nhau hát vang:
LẬP QUYỀN DÂN, TIẾN LÊN VIỆT NAM !
Đà Lạt 03. 02. 2009
Bùi Minh Quốc
วันพุธที่ 4 กุมภาพันธ์ พ.ศ. 2552
สมัครสมาชิก:
ส่งความคิดเห็น (Atom)
ไม่มีความคิดเห็น:
แสดงความคิดเห็น