วันพุธที่ 11 กุมภาพันธ์ พ.ศ. 2552

No301: Còn chăng “văn hoá Tràng An”

Rất nhiều người Việt Nam chứ không riêng gì người Hà Nội còn nhớ câu:

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An!

Thanh lịch bao gồm thanh tao và lịch lãm, đây là những tính cách đặc trưng của người Hà Nội ngày xưa. Đó là sự kết tinh của con người và mảnh đất được chọn là thủ đô của nước Việt suốt gần một nghìn năm qua, trừ thời nhà Nguyễn.

Sự thanh lịch của người Hà Nội ngày xưa đã được các nhà văn, các thi sĩ hết lời ca ngợi và đã được người dân cả nước biết đến và hâm mộ. Ai trong đời cũng ao ước được đến với Hà Nội dù chỉ một lần. Những người con của Hà Nội dù đi khắp bốn phương trời nhưng tâm hồn lúc nào cũng luôn hướng về Hà Nội. Các tình khúc viết về Hà Nội luôn là những tình khúc hay nhất, đi vào lòng người nhất.

Người Hà Nội không những thanh tao và lịch lãm mà còn là những người hào hoa, phong nhã từ giọng nói đến cách ăn mặc, cách cư xử lẫn sự hào phóng rộng lượng. Rất nhiều người trong chúng ta luôn lấy những tính cách đó để làm “chuẩn” cho mình hay để dạy dỗ con cái…

Nhưng than ôi! Những nét đẹp và cao thượng của người Tràng An xưa có còn không dưới thời đại mà chúng ta đang sống? Người Hà Nội ngày nay được biết đến nhiều hơn với lối sống ích kỷ, chỉ biết đến mình, còn thì sống chết mặc bay, và tính cách trưởng giả coi người bằng nửa con mắt, bon chen và cả sự hống hách…

Đến Hà Nội bây giờ cái “lo” nhiều hơn là cái “phục”, cái xấu nhiều hơn cái tốt, sự cảnh giác lớn hơn là sự tin yêu. Tôi rất thích các bài viết của tác giả Vương Văn Quang (trên Đàn Chim Việt), nhất là khi tác giả viết về Hà Nội, một Hà Nội trần trụi, một Hà Nội khác xa trong thơ ca, khác xa trong tâm trí của những người luôn mang hình ảnh của Hà Nội trong tim. Tác giả đã cảm nhận và cho mọi người hiểu vì sao có câu “vội vã trở về, vội vã ra đi” trong một tình khúc bất hủ nói về Hà Nội.

Và mọi người cũng sẽ có cảm giác thất vọng và xấu hổ về “văn hóa của người Hà Nội” khi xem các hình ảnh về Lễ hội hoa đầu năm dương lịch 2009 tại Hà Nội và trước đó là Lễ hội Hoa Anh Đào (6/4/2008) cũng tại Hà Nội.

Có nhiều người đã viết về sự xấu hổ và ê chề này, tôi chia sẻ với hai bài viết của tác giả Hoàng Cúc trên Thông Luận và ông “Giáo dục ở nước ta hiện nay, đi ra bằng con đường nào?”Ngô Nhân Dụng trên báo Người Việt.

Có lẽ không có từ nào xứng đáng để gọi những hành động vô văn hóa khi người xem lễ hội tha hồ vặt, cướp, giật, đạp, phá tan tành những cây hoa, thảm cỏ đã được những nghệ nhân mất bao công sức chăm sóc “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”… Tác giả Hoàng Cúc gọi đó là “văn hóa cướp giật” và “văn hóa huỷ diệt”, mà cướp giật và huỷ diệt cái đẹp thì không thể hiểu và thông cảm được.

Vì đâu nên nỗi?

Chúng ta hãy thẳng thắn và đừng ngụy biện đổ lỗi cho người dân. Chẳng lẽ sống 60 năm dưới chế độ cộng sản ưu việt được soi sáng bởi chủ nghĩa Mác-Lê vô địch và dẫn dắt bởi tư tưởng Hồ Chí Minh mà dân trí thủ đô chỉ đạt đến thế thôi sao? Nên thay dân hay thay đảng? Dân thì “vạn đại” nên làm sao mà thay dân được? Bảo “dân trí thấp”, nhưng vì ai mà thấp? Tại sao mà thấp? Dân trí thấp, thế còn “quan trí”?

Chắc là đến giờ mọi người vẫn chưa quên được câu chuyện và hình ảnh các “ông đồ” viết câu đối Tết trước Văn Miếu đã bị công an dùng vũ lực giải tán vì tội “buôn bán trái phép và lấn chiếm lòng lề đường”? Chính quyền Việt Nam đã dùng dùi cui để “nói chuyện” phải trái với các ông đồ và cái chữ của thánh hiền! Nhìn bức ảnh một ông đồ già vái lạy các “lực lượng chức năng” xin tha cho tội “bán chữ của thánh hiền” mà không thể không phẫn nộ. Ông Hà Sĩ Phu đã phải thốt lên rằng đúng là “họ nhà tôm, cứt lộn lên đầu”.

Người ta đã tìm mọi cách đổ lỗi cho các nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng đó là những lời nói dối. Chính “văn hóa Đảng” đã giết chết và bức tử văn hóa người Tràng An xưa nói riêng và văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung.

Chủ nghĩa Mác-Lênin ngoại lai và độc hại với chủ trương đấu tranh giai cấp, cách mạng chuyên chính và bạo lực cách mạng đã huỷ hoại và giết chết nền văn hóa dân tộc được giữ gìn qua hàng nghìn năm lịch sử.

Chế độ và nhà nước cộng sản Việt Nam đã tiêu diệt tinh thần yêu nước của người Việt qua những cuộc đàn áp sinh viên và thanh niên biểu tình chống Trung Quốc xâm lược mới đây. Nhà cầm quyền đã tước đoạt quyền làm chủ đất nước của người dân Việt Nam. Ông Nguyễn Tấn Dũng mới đây đã tuyên bố xanh rờn rằng việc cho phép Trung Quốc đem người vào Tây Nguyên để khai thác quặng Bô-xít là “chủ trương lớn của Đảng và nhà nước”! Thế còn hơn 80 triệu người dân Việt Nam thì sao? Kể cả những tiếng nói rất chân thành của một người rất đáng kính đó là Đại Tướng Võ Nguyên Giáp? Ông Dũng quên rằng ông Võ Văn Kiệt đã khẳng định đất nước Việt Nam của toàn thể người Việt Nam chứ không phải của riêng tôn giáo hay đảng phái nào hay sao?

Dưới chế độ cộng sản, người dân được khuyến khích làm giàu, ăn chơi nhưng không được tham gia bàn luận chuyện chính sự, đó là việc riêng của đảng. Văn hóa Đảng dạy người dân là phải dùng “bạo lực” để nói chuyện “tử tế”, mọi người phải luồn lách cốt được việc mình, hoặc để yên thân còn mọi người xung quanh, cái hay cái đẹp thì…mặc kệ nó. “Văn hóa đảng” dạy rằng tham nhũng, ăn cắp, trấn lột, cướp giật phải xem là thành tích và phải tự hào chứ không việc gì phải xấu hổ hay áy náy. Cứ xem cách bọn quan chức ăn chơi, xài tiền và coi thường dư luận như thế nào thì rõ.

Người dân Việt Nam đã “thấm nhuần” văn hóa đảng nên chỉ cần “nhìn đểu” nhau hay va quệt nhỏ trên đường là án mạng đã có thể xảy ra. Ra đường ai không vượt đèn đỏ và vi phạm luật giao thông thì đó là người hâm người dở hơi. Thấy tai nạn xảy ra thì việc hôi của cướp giật là việc phải làm đầu tiên thay vì cấp cứu người bị nạn, con vác dao chém bố vì chia tài sản không đều đã thành “chuyện thường ngày ở huyện”…

Thứ văn hóa quái dị có tên là “văn hóa đảng” vẫn đang tàn phá quê hương từng ngày, từng giờ thông qua việc tổ chức các lễ hội hoành tráng và cực kỳ tốn kém trên khắp mọi miền đất nước. Cả thế giới đang rơi vào cảnh suy thoái và khủng hoảng mà Việt Nam cũng không tránh khỏi. Thay vì tập trung sức người sức của cho việc khôi phục kinh tế, chăm lo đời sống cho người dân nghèo, thất nghiệp, tạo công ăn việc làm cho nhân dân…chính quyền cộng sản đã tổ chức hàng trăm lễ hội lớn nhỏ trên khắp đất nước, số tiền chi ra lên đến hàng nghìn tỉ đồng, với bao nhiêu công sức bỏ ra để rồi “mua vui cũng chỉ một vài trống canh”, sau đó nghèo vẫn hoàn nghèo! Đây là một tội ác cần được lên tiếng!

Xã hội sẽ đi về đâu? Tương lai nào chờ đón chúng ta?

Nếu còn chế độ cộng sản thì sẽ không có tương lai cho người Việt Nam, và nếu có tương lai cho người Việt Nam thì không thể có chế độ cộng sản. Người dân Việt Nam, tầng lớp trí thức Việt Nam, những tướng lĩnh của Việt Nam phải ý thức được điều đó để biết mình phải làm gì.

Văn hóa của Việt Nam nói chung và văn hóa người Tràng An nói riêng có còn hay đã mất? Tôi tin là vẫn còn nhưng đang phải “ẩn náu” hoặc rút vào hoạt động bí mật trước sức mạnh và sự huỷ diệt của “văn hóa đảng”. Văn hóa Việt Nam đã không hề bị đồng hóa suốt một nghìn năm Bắc thuộc thì nó cũng sẽ không bị đồng hóa bởi “văn hóa đảng”.

Văn hóa Việt Nam được xây dựng trên tinh thần vị tha, đoàn kết và bao dung sẽ được người Việt gìn giữ và truyền lại cho con cháu. Văn hóa dân tộc sẽ được hồi sinh và phát triển khi đất nước không còn cộng sản và không còn bị “văn hóa đảng” ngự trị.

ไม่มีความคิดเห็น: